Phi hành đoàn tham gia sứ mệnh Artemis 2 của NASA, gồm ba người Mỹ và một người từ Canada sẽ bay vòng quanh mặt trăng vào tháng 11.2024.
Sáng ngày 3.4, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo phi hành đoàn tham gia sứ mệnh Artemis 2, nhiệm vụ đưa con người bay lên mặt trăng lần đầu tiên sau gần 50 năm, sẽ bao gồm ba phi hành gia người Mỹ và một phi hành gia người Canada. Thông báo được đưa ra khi cơ quan này hướng tới kế hoạch tham vọng đưa con người trở lại mặt trăng và mở đường bay lên sao Hỏa trong tương lai.
Trong buổi họp báo chung với Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) tại trung tâm Vũ Trụ Johnson ở Houston, Mỹ, giám đốc của NASA Bill Nelson thông báo các phi hành gia tham gia sứ mệnh Artemis 2 gồm Christina Koch, Victor Glover, Reid Wiseman (Mỹ) và Jeremy Hansen (Canada).
Dự kiến, tên lửa Orion thuộc Artemis 2, một phần trong sứ mệnh Artemis của NASA với mục tiêu thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên mặt trăng lần đầu tiên và đưa phi hành gia lên sao Hỏa trong tương lai, sẽ phóng vào tháng 11.2024, theo NASA.
Chuyến hành trình vòng quanh quỹ đạo mặt trăng kéo dài 10 ngày trong tên lửa Orion sẽ thu thập dữ liệu khoa học cho quá trình chuẩn bị sứ mệnh Artemis 3 của NASA, dự kiến đưa các phi hành gia trở lại bề mặt mặt trăng lần đầu tiên kể từ khi sứ mệnh Apollo 17 kết thúc vào tháng 12.1972.
NASA đã đưa ra cam kết sứ mệnh Artemis sẽ mang tính đại diện hơn nữa, bao gồm việc đưa người phụ nữ đầu tiên và người Mỹ gốc Phi đầu tiên lên mặt trăng. Cam kết này là một phần trong kế hoạch lớn lao hơn hướng tới sự đa dạng về chủng tộc, giới tính, lĩnh vực hoạt động tham gia các sứ mệnh của NASA.
Hồi tháng 10.2022, NASA thông báo Nicole Mann, thành viên thuộc tộc Wailacki từ California (Mỹ), trở thành người phụ nữ Mỹ bản địa đầu tiên du hành vũ trụ khi bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Danh sách phi hành đoàn tham gia sứ mệnh Artemis 2 được tuyển chọn từ 41 phi hành gia người Mỹ và bốn người Canada.
Vào tháng 11.2022, NASA đã phóng thành công tên lửa Orion thuộc sứ mệnh Artemis 1 tại trung Tâm Vũ trụ Kenedy, Cape Canaveral, Florida, hành trình kéo dài 25 ngày đến mặt trăng và quay trở về trái đất, hai tháng sau khi cơ quan này bắt đầu đếm ngược thời gian phóng chính thức. Trước đó, NASA từng nhiều lần tạm hoãn sứ mệnh Artemis 1 do trục trặc hệ thống phóng, tên lửa rò rỉ nhiên liệu và bão.
Theo NASA, sứ mệnh Artemis 2 sẽ mang đến “mở ra cơ hội khám phá và nghiên cứu khoa học, mang đến lợi ích về mặt kinh tế và niềm cảm hứng” cho kỷ nguyên khám phá vũ trụ mới, và sẽ kiểm tra khả năng khám phá không gian sâu.
Vậy khi nào các phi hành gia sẽ đặt chân lên mặt trăng? Năm 2019, NASA từng đặt mục tiêu đưa con người bay lên mặt trăng vào năm 2024 nhưng tạm hoãn kế hoạch ban đầu do thiếu vốn. Giờ đây, cơ quan này lên kế hoạch phóng tên lửa thuộc sứ mệnh Artemis 3 vào năm 2025, song chưa ấn định thời gian cụ thể.