Trong thế giới hậu đại dịch, Nadiah Wan của công ty TMC Life Sciences có thể tái tập trung nỗ lực xây dựng bệnh viện tư nhân của Malaysia trở thành công ty hàng đầu về chăm sóc sức khỏe trong khu vực.
Nadiah Wan đã điều hành TMC Life Sciences hơn một năm khi đại dịch xảy ra vào đầu năm 2020. Gần như chỉ sau một đêm, biên giới Malaysia đóng cửa, chặn hoàn toàn lượng bệnh nhân quốc tế – nguồn thu nhập béo bở cho tập đoàn kinh doanh bệnh viện đã niêm yết của Malaysia.
Đồng thời, lệnh hạn chế đi lại nội địa khiến các cuộc hẹn khám và lịch phẫu thuật tự chọn bị ảnh hưởng. Cô nhanh chóng định hướng lại, đưa ra các kế hoạch mở rộng đầy tham vọng phù hợp với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Giờ đây, khi đại dịch COVID-19 giảm bớt, giám đốc điều hành 38 tuổi của TMC kiêm CEO tập đoàn có thể thở phào nhẹ nhõm để tiếp tục hành trình mà mình đã dừng lại trước dịch: đưa TMC trở thành một trong những bệnh viện tư nhân lớn nhất Đông Nam Á. Thời điểm nói chuyện qua video từ Kuala Lumpur vào cuối tháng 5.2022, Wan vừa hoàn tất việc giám sát quá trình khai trương tòa nhà mới tại bệnh viện hàng đầu Thomson Hospital Kota Damansara của TMC.
Việc nâng cấp này sẽ tăng gấp ba số giường bệnh lên 600 và tăng cường nhiều dịch vụ, gồm các phương pháp điều trị sinh sản đẳng cấp thế giới, với một trung tâm ung thư mới và nhiều phòng khám ngoại trú chuyên khoa hơn. Sự tăng trưởng đó cũng sẽ đẩy mạnh phát triển cho công ty mẹ của TMC, công ty Thomson Medical có trụ sở tại Singapore, sở hữu 70% cổ phần của TMC. Thomson Medical, được niêm yết tại Singapore, là công ty do tỉ phú người Singapore Peter Lim kiểm soát.
Wan cho rằng đại dịch đã mang lại tư duy mới cho ngành chăm sóc sức khỏe. “COVID khiến rất nhiều người trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhận ra rằng chúng ta cần phải thích nghi và năng động hơn rất nhiều,” Wan nói. “Chăm sóc sức khỏe là ngành rất ít rủi ro, nhưng với COVID, đơn giản là không có lựa chọn nào khác, vì vậy mọi người phải đi trước bằng bất cứ nguồn lực nào họ có.”
Những tháng đầu của đại dịch ảnh hưởng nặng đến TMC. Lợi nhuận ròng giảm 43%, còn 13 triệu ringgit (ba triệu đô la Mỹ) trong 10 tháng kết thúc vào tháng 6.2020. Dịch vụ thai sản và sinh con của công ty đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề từ sự suy thoái của lĩnh vực du lịch chữa bệnh. Doanh thu từ bệnh nhân quốc tế, vốn chiếm khoảng 15% doanh thu trước đại dịch, giảm mạnh.
Tuy nhiên, TMC đang phục hồi ổn định. Số lượng bệnh nhân đang trở lại mức trước đại dịch khi nhu cầu đối với dịch vụ thai sản – sinh con và bệnh viện của TMC tăng lên, cùng với lượng khách du lịch y tế tăng dần từ khi biên giới Malaysia mở cửa trở lại hoàn toàn vào ngày 1.4.
Trong chín tháng đầu tiên của năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2022, lợi nhuận ròng tăng 9% lên 18 triệu ringgit (bốn triệu đô la Mỹ) so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số tăng 17% lên 173 triệu ringgit (39 triệu đô la Mỹ). Cổ phiếu phục hồi ở mức trước đại dịch, đạt 0,8 ringgit (0,18 đô la Mỹ) vào tháng 3.2021, nhưng đã giảm 1/3 kể từ thời điểm đó theo sự sụt giảm chỉ số chăm sóc sức khỏe rộng lớn hơn của Malaysia, do ảnh hưởng từ sự bất ổn toàn cầu.
Theo báo cáo được xuất bản trên nền tảng trực tuyến Smartkarma của Tina Banerjee, nhà phân tích lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Bangalore, trong tương lai TMC sẽ được hưởng lợi từ các xu hướng vĩ mô – bao gồm sự thay đổi nhân khẩu học của Malaysia sang dân số già – và bằng cách tích cực định vị mình là người dẫn đầu thị trường.
“Công ty liên tục chứng kiến lượng bệnh nhân ngày càng tăng,” Banerjee cho biết qua email. “Việc phục hồi hoạt động dịch vụ thai sản – sinh con và việc bổ sung thêm giường tại bệnh viện Kota Damansara sẽ tiếp tục đẩy nhanh đà tăng trưởng.” Wan cho biết tòa nhà mới sẽ giúp tăng trưởng đạt mức hai con số vào năm 2022, mặc dù việc tăng công suất và đầu tư đáng kể vào thiết bị mới sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng trong một vài năm.
Theo công ty dữ liệu Statista, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe ở Malaysia dự kiến sẽ tăng 26% từ 16 tỉ đô la Mỹ năm nay lên 20 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 và đạt 176 tỉ đô la Mỹ ở Đông Nam Á trong cùng thời kỳ. Để khai thác nhu cầu dịch vụ y tế đó, năm ngoái TMC mở hai phòng khám, một phòng khám dạ dày và trào ngược cùng một phòng khám bệnh tim đập nhanh, nâng tổng số phòng khám chuyên khoa ngoại trú lên 154.
Ngoài hiệu thuốc ở phía nam Johor Bahru (cầu nối giữa Singapore và Malaysia), TMC đang xây dựng một trung tâm y tế tích hợp, sẽ bao gồm bệnh viện tuyến đầu 500 giường, khu điều trị bệnh nội trú và trung tâm bán lẻ. Trung tâm này dự kiến khai trương vào năm 2028.
Tuy nhiên, Wan kỳ vọng lĩnh vực sinh sản có can thiệp y khoa sẽ vẫn là trụ cột trong các dịch vụ của mình, dự kiến cuối cùng mảng này sẽ đóng góp khoảng 40% doanh thu. TMC, công ty tiên phong trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn ở Malaysia – giữ kỷ lục quốc gia về số lượng trẻ sơ sinh thụ thai trong ống nghiệm cao nhất qua một đợt can thiệp duy nhất – điều hành sáu trung tâm sinh sản trên khắp đất nước.
Mặc dù thị phần của Malaysia trong lĩnh vực du lịch y tế, trị giá 362 triệu đô la Mỹ vào năm 2019, chỉ là một phần nhỏ so với thị trường 8,6 tỉ đô la Mỹ của Thái Lan, nhưng TMC đã giành được thị phần thích hợp, chuyên phục vụ các bệnh nhân nữ đến từ Trung Quốc, Indonesia và Singapore. Wan cho biết khách hàng quốc tế bị thu hút vì sự gần gũi và các dịch vụ chất lượng cao của TMC, trong đó có một số dịch vụ như thụ tinh ống nghiệm và đông lạnh trứng, rất khó hoặc bất hợp pháp để thực hiện tại quê nhà.
Wan tự hào về việc TMC đào tạo các chuyên gia sinh sản cho khu vực. Cô nói: “Trong lĩnh vực sinh sản, chuyên gia cần tính cách đặc biệt. “Có phần kiến thức lâm sàng nhưng cũng có phần tâm lý xã hội, vì bạn phải tư vấn cho bệnh nhân của mình, trấn an họ.”
Tốt nghiệp Harvard ngành khoa học sinh hóa, có bằng thạc sĩ về dinh dưỡng sức khỏe cộng đồng tại trường London School of Hygiene and Tropical Medicine, Wan trở về quê nhà sau khi học xong và đến Kuala Lumpur để làm việc với tập đoàn Boston Consulting. (Cô thực tập tại công ty ở Hoa Kỳ khi còn là sinh viên.) Sau hai năm ở đó, cô làm việc thêm năm năm nữa tại trung tâm Sunway Medical của Malaysia, trở thành giám đốc điều hành các dịch vụ lâm sàng, trước khi gia nhập TMC năm 2017.
Mặc dù Wan nói niềm đam mê dành cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã thúc đẩy cô khám phá các con đường phát triển khác nhau, đặc biệt là công nghệ sức khỏe, nhưng cô cũng cho biết ưu tiên chính là xây dựng một doanh nghiệp bền vững. Cô nhấn mạnh các bệnh viện cần có kế hoạch dài hạn. “Khi hướng đến mọi khoản đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và thời gian mang thai, cùng việc phục vụ người dân trong suốt cuộc đời của họ, bạn cần một doanh nghiệp có thể trụ vững,” cô nói.
Năm 2020, Thomson Medical, nơi Wan là giám đốc điều hành, đã thành lập chi nhánh mới có tên Thomson X để hợp tác với các công ty khởi nghiệp về công nghệ y tế như WhiteCoat có trụ sở tại Singapore nhằm tạo ra một ứng dụng “trọn gói” dành cho bệnh nhân sản phụ khoa và nhi khoa của tập đoàn.
Wan còn hình dung những khả năng hợp tác khác với khu vực bệnh viện công và xây dựng một nền tảng y tế tích hợp tập trung vào sức khỏe tinh thần của bệnh nhân và chăm sóc phòng ngừa. “Khi chúng ta nói về trách nhiệm giải trình, quyền nhận được giải trình của bệnh nhân hoặc quyền sở hữu quá trình chăm sóc sức khỏe của họ là rất quan trọng.”
Khi đại dịch suy giảm, cô suy ngẫm về những bài học rút ra từ việc điều hướng trong môi trường đầy thử thách. Cô nói: “Khi bạn trở thành CEO, toàn bộ ranh giới giữa công việc và cuộc sống sẽ biến mất.”
“Một trong những điều tôi bắt đầu học là nói không,” cô nói thêm. “Ban đầu, bạn cảm thấy mình muốn đóng góp rất nhiều điều và rồi mình ngày càng có nhiều nghĩa vụ. Tại một số thời điểm, bạn cần bắt đầu suy nghĩ về những điều mình đang cam kết đầu tư thời gian, bởi vì về cơ bản, thời gian của bạn sẽ trở thành hạn chế lớn nhất của bạn.”
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43