Kinh doanh

Marriott kết thúc quý 4.2022 với lợi nhuận ròng kỷ lục

Ngày 14.2, Marriott công bố lợi nhuận ròng quý 4 năm 2022 kỷ lục, nhờ nhu cầu du lịch mạnh mẽ trên toàn thế giới cùng với giá phòng cao hơn.

Share
this:

Từ tháng 10 đến tháng 12, lợi nhuận ròng của công ty kinh doanh và quản lý khách sạn lớn nhất thế giới đạt tổng cộng 673 triệu USD, tăng 44% so với quý trước.

Đây là khoản lợi nhuận kỷ lục cho một công ty khởi đầu từ quầy bia có 9 chỗ ngồi vào năm 1927. Hiện nay, công ty kinh doanh cũng như quản lý gần một triệu rưỡi phòng tại hơn hai chục thương hiệu khách sạn, bao gồm JW Marriott Hotels, Ritz-Carlton, St. Regis, W Hotels, Le Méridien, Westin, Sheraton và Courtyard by Marriott.

“Kết quả kinh doanh chúng tôi đạt được trong năm 2022 thật tuyệt vời,” CEO kiêm chủ tịch Anthony Capuano của Marriott cho biết. “Chỉ sau hai năm trải qua thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử công ty, chúng tôi ghi nhận kết quả tài chính kỷ lục.”

Một khách sạn W trên bãi biển Barceloneta ở Tây Ban Nha, nằm trong danh mục kinh doanh và quản lý khổng lồ của Marriott. Ảnh: Getty/Forbes

Trong quý 4.2022, doanh thu trên mỗi phòng có sẵn (RevPAR) trên toàn thế giới của Marriott tăng 5% so với cùng kỳ trước đại dịch 2019, nhờ giá phòng trung bình hằng ngày (ADR) tăng 13%.

Các chỉ số chính về RevPAR và ADR đều vượt qua mức của năm 2019 ở mọi thị trường, ngoại trừ Trung Quốc, quốc gia chỉ nới lỏng yêu cầu du khách cách ly liên quan đến COVID-19 vào những ngày cuối năm 2022.

Phần lớn, thành công của Marriott cho thấy sự phục hồi của ngành sau đại dịch.

“Không giống như những đợt suy thoái trước đây, giá phòng là động lực chính cho sự phục hồi vì mỗi khu vực trên toàn cầu, ngoại trừ châu Á, đều cho thấy giá trung bình hằng ngày tăng cao hơn năm 2019,” Robin Rossmann, giám đốc điều hành của STR, công ty thu thập dữ liệu thị trường cho ngành khách sạn trên toàn thế giới, cho biết. “Cho dù nền kinh tế đối mặt với nhiều trở ngại, ngành công nghiệp này đang hoạt động với thế mạnh trong năm mới.”

“Mô hình kinh doanh sở hữu ít tài sản, dựa trên phí của chúng tôi tạo ra lượng tiền mặt đáng kể trong năm, cho phép chúng tôi đầu tư vào sự phát triển hoạt động kinh doanh, đồng thời chia 2,9 tỉ USD cho các cổ đông,” Capuano, người lưu ý rằng công ty có mạng lưới đang phát triển hơn 3.000 bất động sản trên khắp thế giới, cho biết.

“Các chủ sở hữu cùng với người được nhượng quyền tiếp tục thể hiện sự yêu thích mạnh mẽ đối với các thương hiệu của chúng tôi. Năm ngoái, nhóm phát triển của công ty đã ký hợp đồng với gần 108.000 phòng trên toàn cầu, trong đó gần 40% thuộc các thương hiệu cao cấp và sang trọng có giá trị cao,” Capuano cho biết thêm.

Tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy công ty đang có rất nhiều tiền là số cổ phiếu trị giá 2,6 tỉ USD Marriott đã mua lại hồi năm ngoái, trong đó 1,4 tỉ USD mua lại cổ phiếu chỉ trong riêng quý 4. Công ty chia 2,9 tỉ USD cho các cổ đông vào năm 2022.

Từ đầu năm nay đến ngày 10.2, Marriott đã mua lại số cổ phiếu trị giá 400 triệu USD.

Biên dịch: Gia Nhi

Xem thêm: AKYN đưa thương hiệu khách sạn Courtyard By Marriott đến Quy Nhơn