Lisa Su là người chỉ đạo tạo nên một trong những bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử thung lũng Silicon, đẩy giá cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị bán dẫn đang có nguy cơ tàn lụi tăng lên gần 30 lần trong vòng chưa đầy thập niên. Giờ đây, bà đang chuẩn bị “chiến đấu” trong cuộc cách mạng AI sắp tới – và bà hi vọng mình sẽ tiếp tục chiến thắng.
Từ phòng họp trên tầng cao nhất của trụ sở công ty AMD ở Santa Clara, California, Lisa Su điều hành một công ty còn lâu đời hơn cả thời gian xuất hiện của thuật ngữ “thung lũng Silicon.”
Con đường này dẫn đến xưởng sản xuất cũ ở Sunnyvale, nơi AMD từng sản xuất chip, là hình ảnh quá khứ của công ty. Nhưng từ cửa sổ văn phòng, bà có thể nhìn thấy cột mốc quan trọng ở thời điểm hiện tại khi gần đây công ty đạt tốc độ tăng trưởng nhanh chóng: văn phòng của đối thủ không đội trời chung Intel, công ty có giá trị vốn hóa thị trường (120,3 tỉ đô la Mỹ) đang bị lu mờ so với AMD (153,5 tỉ đô la Mỹ).
Không phải lúc nào cũng được như vậy. Năm 2014, khi Su, hiện 53 tuổi, đảm nhận vị trí CEO tại AMD (Advanced Micro Devices), nhà sản xuất chip này đang đi xuống. Công ty đã sa thải khoảng ¼ tổng số nhân viên và giá cổ phiếu dao động quanh mức hai đô la Mỹ. Patrick Moorhead, cựu giám đốc điều hành AMD, còn nhớ tình trạng công ty là “tệ hơn chết.” Sau đó, Intel bắt đầu vấp ngã, sụp đổ dần do sự chậm trễ trong sản xuất và Apple quyết định không sử dụng chip của họ cho iPhone.
Với sự nhanh nhạy và con mắt của một nhà chiến thuật, Su đã tận dụng những sai lầm của đối thủ, ký thỏa thuận với các nhà sản xuất máy tính xách tay như Lenovo và công ty trò chơi khổng lồ Sony cùng những doanh nghiệp sở hữu trung tâm dữ liệu khổng lồ như Google và Amazon. Những động thái đó đã mang lại doanh thu sáu tỉ đô la Mỹ cho nhà sản xuất chip này vào năm ngoái.
Doanh thu hằng năm 63 tỉ đô la Mỹ của Intel vẫn vượt xa con số 23,6 tỉ đô la Mỹ của AMD. Tuy nhiên nhờ giành được thị phần chip máy chủ đáng thèm muốn từ người hàng xóm ở thung lũng Silicon và thâu tóm công ty bán dẫn Xilinx, cổ phiếu của AMD đã tăng gần 30 lần trong chín năm kể từ khi Su tiếp quản.
Giờ đây, khi sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) dẫn đến nhu cầu về “bộ não silicon” đằng sau quá trình học máy, bà đang đứng trước cơ hội định hình di sản của mình, đồng thời đối mặt với thách thức: Liệu AMD có thể sản xuất con chip đủ mạnh để phá vỡ vị thế gần như độc quyền của Nvidia trong lĩnh vực cung cấp các bộ xử lý làm nền tảng cho làn sóng công nghệ AI tạo sinh sắp tới? Bà cho biết: “Nếu nhìn về tương lai năm năm nữa, bạn sẽ thấy AI xuất hiện trong mọi sản phẩm của AMD và đó sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất.”
Su đã thúc đẩy AMD phát triển hết mức trong chín năm qua, giống như một game thủ ép xung cho bộ xử lý chạy quá giới hạn do nhà sản xuất chỉ định. Không giống như nhiều giám đốc điều hành công nghệ, bà là nhà nghiên cứu tầm cỡ thế giới, với bằng tiến sĩ kỹ thuật điện của MIT.
Sự kết hợp độc đáo giữa thiên tài kỹ thuật, các kỹ năng con người và sự hiểu biết về kinh doanh đã giúp bà trở thành một trong những CEO được trả lương cao nhất tại các công ty thuộc S&P 500 trong vài năm qua (tổng số tiền lương thưởng năm 2022 là 30,2 triệu đô la Mỹ).
Đến nay, bà tích lũy được khối tài sản trị giá 740 triệu đô la Mỹ (phần lớn bằng cổ phiếu AMD), đưa bà lên vị trí thứ 34 trong bảng xếp hạng thường niên của Forbes về những Nữ doanh nhân giàu nhất nước Mỹ. Panos Panay, giám đốc sản phẩm Microsoft, người đã gặp Su lần đầu tiên vào năm 2014 khi bà bắt đầu quá trình thay đổi AMD, cảm thán: “Nói về bà ấy là nói về sự kiên trì và nỗ lực hết sức.”
Tuy nhiên, không giống như Intel, công ty có doanh thu giảm 12% xuống còn 63,1 tỉ đô la Mỹ trong ba năm qua, Nvidia là doanh nghiệp đạt hiệu suất đầu ngành. Ngoài việc hiển thị hình ảnh tuyệt đẹp trong các trò chơi như Cyberpunk 2077, GPU (đơn vị xử lý đồ họa) của Nvidia đã trở thành công cụ được các công ty trí tuệ nhân tạo ưu tiên lựa chọn. Trong số khách hàng của Nvidia, có thể kể đến OpenAI, công ty tung ra ChatGPT làm hài lòng cũng như gây phiền cho công chúng khi trả lời các câu hỏi và mệnh lệnh chi tiết bằng giọng điệu giống con người đến mức kinh ngạc.
Cái gọi là mô hình ngôn ngữ lớn này thực sự chỉ là những “mánh khóe đẹp đẽ” để khoe khoang, nhưng lại là hành động mở đầu cho sự chuyển đổi sang AI mà những nhân vật nổi tiếng như Bill Gates cho rằng cũng quan trọng như buổi bình minh của Internet.
Đã xuất hiện nhu cầu rất lớn đối với GPU cung cấp năng lượng cho chúng và có ít nhất một công ty nghiên cứu đưa ra con số dự đoán 400 tỉ đô la Mỹ cho thị trường này trong thập niên tới. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thực sự chỉ có một cái tên đứng đầu. Glenn O’Donnell, nhà phân tích của Forrester cho biết: “AI tương đương với Nvidia. Đây là niềm tin khá vững chắc và AMD phải thực sự đẩy mạnh hiệu suất để vượt qua điều đó.”
Trong khi đó, Intel vẫn chưa lu mờ trên thị trường, ngay cả khi đối mặt với các vấn đề gồm chậm trễ trong sản xuất, lỗi chip và thay đổi lãnh đạo. “AMD có nhiều điều tuyệt vời nhưng không hay là chúng tôi có hai đối thủ cạnh tranh đẳng cấp thế giới,” Forrest Norrod, giám đốc điều hành AMD, người đã giúp Dell xây dựng một phần mảng kinh doanh trung tâm dữ liệu có doanh thu khoảng 10 tỉ đô la Mỹ (năm 2014) trên chip AMD, cho biết.
Ông cũng nói thêm, công ty không bao giờ cho rằng đối thủ chính của mình sẽ để vấn đề kéo dài. “Chúng tôi sẽ luôn mặc định rằng Intel sẽ khắc phục khó khăn.”
Khi Su được đề bạt vào vị trí lãnh đạo AMD năm 2014, các nhà phân tích đánh giá công ty thuộc diện “không thể đầu tư” với khoản nợ 2,2 tỉ đô la Mỹ. Một số tài sản quý giá đã được tách lẻ để bán. Nhà máy chế tạo chip (fab) của AMD đã được tách ra năm 2009 – là sự nhạo báng mạnh mẽ vào lời khoe khoang của nhà đồng sáng lập Jerry Sanders rằng “đàn ông đích thực đều có nhà máy chip riêng.” AMD thậm chí đã phải bán và cho thuê lại khuôn viên công ty ở Austin, Texas – cơ sở hiện tại của Su – vào năm 2013.
Ngoài ra, AMD cũng gặp khó khăn khi vận hành. Công ty không thể đáp ứng kịp thời hạn sản xuất và Intel đã thống trị tất cả, trừ mảng thị trường máy tính xách tay thuộc về Nvidia, Qualcomm, đồng thời Samsung đang phát triển mảng kinh doanh điện thoại thông minh mới. Su thừa nhận: “Công nghệ của chúng tôi không có tính cạnh tranh vào thời điểm đó.”
Không phải lúc nào AMD cũng khiến các nhà đầu tư đau đầu như thế. Sanders tiến vào mảng kinh doanh bộ vi xử lý bằng việc sản xuất chip cho IBM vào đầu những năm 1980, nhưng mọi chuyện thay đổi vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. AMD, vốn là một công ty hạng hai lâu năm, bắt đầu tạo ra lợi nhuận kỷ lục khi tạo ra bộ vi xử lý riêng, đánh bại Intel về tốc độ.
Tuy nhiên, đến năm 2014, những ngày huy hoàng đó đã lùi xa. Khoảng 1/4 nhân viên của AMD bị người tiền nhiệm của Su, Rory Read, sa thải (Sanders từ chức CEO năm 2002). AMD từng chiếm khoảng 1/4 thị trường chip máy chủ trị giá 24 tỉ đô la Mỹ hiện nay, nhưng thị phần của họ đã giảm xuống còn 2% vào năm 2014.
Vào ngày thứ hai trong vai trò CEO, Su đã đưa ra thông điệp dành cho những nhân viên mất tinh thần của AMD: “Tôi tin rằng chúng ta có thể xây dựng những điều tốt nhất,” bà nhớ đã động viên nhân sự của công ty như thế. “Bạn có thể nghĩ rằng điều đó là hiển nhiên, nhưng không phải là điều tầm thường đối với công ty vào thời điểm đó.”
Lời động viên đó cũng là một sắc lệnh và là bước đầu tiên trong kế hoạch gồm ba hướng của bà để khắc phục AMD: Tạo ra những sản phẩm tuyệt vời; củng cố lòng tin của khách hàng và đơn giản hóa công ty. “Ba điều, chỉ để giữ cho mọi việc đơn giản,” bà nói. “Bởi vì nếu là năm hay mười điều thì lại thành khó.”
Bà tái định hướng các kỹ sư của mình tập trung vào việc tạo ra những con chip đánh bại Intel, nhưng có thể phải mất nhiều năm để các nhà thiết kế chip phác thảo bản thiết kế cuối cùng khả thi. Thị phần của AMD trên thị trường máy chủ còn giảm hơn nữa, xuống còn 0,5%, trong khi các nhà nghiên cứu làm việc cật lực trong phòng thí nghiệm.
Bà nói: “Vào thời điểm đó, công ty đang hoạt động không tốt, nhưng họ đang nghiên cứu một thiết kế thú vị nhất trong ngành. Các kỹ sư cảm thấy có động lực và tôi muốn điều đó được chú trọng hàng đầu.”
Quyết định ưu tiên cho Zen, một kiến trúc chip mới, đã được đền đáp khi cuối cùng sản phẩm ra mắt năm 2017. “Chip đó thực sự tốt,” bà tự hào nói, đồng thời cho biết rằng Zen có thể tính toán nhanh hơn 50% so với các thiết kế trước đây của công ty.
Quan trọng hơn, chip này báo hiệu cho ngành công nghiệp rằng AMD đã xoay chuyển tình thế. Đến thế hệ thứ ba của Zen, được phát hành năm 2020, chip này đã dẫn đầu thị trường về tốc độ. Kiến trúc Zen hiện là nền tảng cho tất cả các bộ xử lý của AMD.
Khi đạt được vị thế dẫn đầu với thế hệ chip mới, Su bắt đầu bán chúng cho các khách hàng kinh doanh trung tâm dữ liệu đang quá tải. Bà đã dành nhiều năm để xây dựng mối quan hệ ngay cả khi AMD không có chip để bán.
Su từng lái xe hơn bốn giờ qua cơn bão băng ở Texas để đến gặp và thuyết phục Antonio Neri, hiện là CEO của Hewlett Packard Enterprise. Neri nói: “Tôi không hài lòng với thế hệ trước của AMD. Bà ấy đã cho tôi thấy sự tự tin về những gì bà ấy cần làm.”
Một phần quan trọng trong chiến lược của Su là ký kết các thỏa thuận mới với những công ty công nghệ khổng lồ, vốn cần rất nhiều CPU để cung cấp năng lượng cho các mảng kinh doanh đám mây đang bùng nổ của họ. “Thực sự, chúng tôi có ba đối tác vi xử lý: Nvidia, Intel và AMD,” Thomas Kurian, CEO của Google Cloud cho biết. “Thời điểm tôi bắt đầu tham gia Google Cloud, AMD không phải là phần thực sự quan trọng trong hệ sinh thái. Hiện giờ, nhờ có Lisa, AMD đã trở thành là một đối tác rất quan trọng đối với chúng tôi.”
Tháng 2.2022, khi vốn hóa thị trường AMD lần đầu vượt Intel, nhà đồng sáng lập công ty, Sanders, hiện 86 tuổi, thấy vui sướng ngất ngây. “Tôi đã gọi cho tất cả những người tôi biết!” ông nói. “Tôi đã mê sảng. Tôi chỉ tiếc là Andy Grove không có ở đây để tôi có thể nói: ‘Thấy chưa!’” (Grove, cựu CEO huyền thoại của Intel, qua đời năm 2016.)
Su là con gái của một nhà toán học và quản lý thu chi trở thành doanh nhân, sinh ra ở Đài Nam, Đài Loan vào năm 1969, cùng năm Sanders thành lập AMD. Gia đình di cư đến thành phố New York khi bà ba tuổi. Bà học kỹ thuật điện tại viện Công nghệ Massachusetts vì đây có vẻ là chuyên ngành khó nhất.
Hank Smith, người điều hành phòng thí nghiệm cấu trúc nano của MIT vào thời điểm đó, cho biết Su cực kỳ giỏi kỹ thuật, bà cũng rất hòa nhã với mọi người, đóng vai trò người hòa giải khi có bất đồng giữa các sinh viên.
Su bật cười khi nghe mình được mô tả là một người quảng giao. “Chà, đó là so với những sinh viên MIT khác,” bà đùa. “Tôi không nghĩ có ai cho rằng tôi là người hướng ngoại, nhưng quả thật giao tiếp là một phần quan trọng trong công việc của tôi.”
Sau một thời gian ngắn làm việc tại Texas Instruments, vào năm 1995 bà được tuyển dụng làm nhân viên nghiên cứu tại IBM, giúp thiết kế những con chip chạy nhanh hơn 20% bằng cách sử dụng chất bán dẫn với mạch đồng thay vì nhôm truyền thống. Cấp trên nhanh chóng phát hiện ra tài năng của bà: Năm 1999, một năm sau khi ra mắt công nghệ đồng, CEO lúc bấy giờ của IBM, Lou Gerstner, mời bà làm trợ lý kỹ thuật của mình.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với Forbes sau 20 năm, Gerstner kể ban đầu ông lo lắng Su còn quá trẻ tuổi so với công việc, nhưng những nghi ngờ của ông nhanh chóng bị dập tắt. “Bà ấy đã chứng tỏ là một trong những nhân viên xuất sắc nhất từng làm việc trong văn phòng của tôi. Lisa không tuân theo những tiêu chuẩn bình thường – bà ấy phá vỡ những khuôn mẫu trong suốt sự nghiệp của mình.”
Công việc đó mang lại cho Su vị trí tốp đầu trong một cuộc cải tổ công ty mà giờ đây đã trở thành tình huống nghiên cứu điển hình trong trường kinh doanh – quá trình trẻ hóa phần nào được khơi dậy nhờ vào quy mô của công ty và tạo ra nền văn hóa tận tâm với khách hàng.
Gerstner đã tăng giá trị vốn hóa thị trường của IBM lúc ấy đang bị đình trệ lên gần gấp sáu lần trong gần chín năm lãnh đạo của ông. Su cũng đạt thành tích tương tự, giúp IBM ký một thỏa thuận chung với Sony và Toshiba vào năm 2001 để đưa chip của họ vào PlayStation 3 của Sony.
Ban đầu, đôi khi bà lo rằng mình không đủ tiêu chuẩn để ngồi vào những chiếc bàn đầy những đối thủ nặng ký trong kinh doanh. Tuy nhiên, Su sớm nhận ra sự nhạy bén trong ngành kỹ thuật cực kỳ khó đã giúp bà có lợi thế hơn so với những người thuộc nhóm điều hành.
“Tôi nhìn thấy một tiến sĩ kỹ thuật từ MIT làm việc cho các thạc sĩ kinh doanh của Harvard, và sự thật là điều đó hoàn toàn vô nghĩa đối với tôi,” bà nói trong bài phát biểu vào lễ tốt nghiệp năm 2017 tại trường cũ, nơi có phòng thí nghiệm công nghệ nano mới mang tên bà.
Cuối năm 2011, Nick Donofrio, thời điểm đó là thành viên hội đồng quản trị AMD mà Su quen biết khi còn làm tại IBM, đã hẹn gặp đàn chị cũ của mình, đang là phó chủ tịch cấp cao của Freescale, nhà sản xuất chip tại Austin, hiện là một phần của NXP Semiconductors.
Hai người gặp nhau trong bữa tối và sau một chai Brunello, ông đã trình bày ý kiến: một cơ hội không chỉ để theo đuổi những cải tiến vượt bậc mà còn để tái định hình và đổi mới – với cơ sở nền tảng để thực sự làm được điều đó. Vài ngày sau, Su nhận vai trò phó chủ tịch cấp cao cho các đơn vị kinh doanh toàn cầu của AMD. Hai năm sau đó bà đã điều hành toàn bộ công ty, trở thành nữ CEO đầu tiên của một công ty bán dẫn lớn.
“Tôi bước vào những căn phòng có khoảng 25 người và biết rằng mình có thể là người phụ nữ duy nhất,” bà nhớ lại những ngày đầu làm kỹ sư của mình. “Tôi đặt nhiều tham vọng vào các nữ kỹ sư trẻ, muốn giữ chân họ trong ngành kỹ thuật.”
Khi Su lần đầu tiên tiếp quản công ty, bà đã bay đến Beverly Hills và đích thân yêu cầu Sanders nói chuyện với đội ngũ nhân viên. Sanders nói rằng ông cảm động trước lời đề nghị của Su nhưng đã từ chối. “Bây giờ đó không phải là nhóm của tôi. Đó là nhóm của cô,” ông đã trả lời bà như thế. Dẫu vậy, ông cũng hứa sẽ thực hiện chuyến thăm sau hai năm công ty có lãi. Năm 2019, trùng với dịp kỷ niệm 50 năm thành lập công ty, Sanders đã thực hiện lời hứa.
Chuyên gia bán dẫn nổi tiếng Mark Papermaster, người lãnh đạo nhóm kỹ sư iPhone và iPod tại Apple đồng thời gia nhập AMD cùng lúc với Su, là người đã chứng kiến trọn vẹn sự hồi sinh đầy ấn tượng của công ty dưới tài lãnh đạo của bà.
Tại Apple, Papermaster từng làm việc dưới trướng một nghệ sĩ xoay chuyển tình thế đầy tài năng khác: nhà đồng sáng lập Steve Jobs, người đã cứu công ty khỏi thảm họa và đưa Apple vào con đường trở thành công ty giá trị nhất thế giới.
“Những gì Lisa đối mặt, hiểu theo nhiều khía cạnh, là nhiệm vụ thậm chí còn khó khăn hơn,” Papermaster nói. “Khi bạn không phải là người sáng lập, bạn phải thiết lập uy tín và tầm nhìn của riêng mình, đồng thời mang toàn bộ công ty, khách hàng và nhà đầu tư đến với bạn.”
Thành công của Su tại AMD đưa bà trở thành nguồn cảm hứng cho các kỹ sư trẻ và là người hùng đối với các nhà đầu tư. Sự nổi tiếng đó cũng khiến hình ảnh của bà được biến thành một meme (hình ảnh, video được lan truyền phổ biến trên mạng): Vài năm trước, đoạn hoạt hình 8-bit trong đó Su sử dụng chip Ryzen của AMD để biến thành siêu anh hùng hoặc bắn tia laze từ mắt bà đã được lan truyền trên Twitter.
Một bức tượng nhỏ thể hiện hình ảnh bà mặc áo giáp màu cam và đỏ, đội mũ bảo hiểm bên hông, được trưng bày trên kệ văn phòng của bà. Đây là món quà từ một người hâm mộ tại hội nghị trò chơi E3. “Đó có lẽ là một trong những khoảnh khắc thú vị nhất trong sự nghiệp của tôi,” Su nói. (Mặc dù bà thường sử dụng Twitter và Reddit, nhưng lại “không quan tâm nhiều đến meme.” Bà cho biết: “Tôi không hứng thú với mấy thứ đó.”)
Giờ đây, khi đã đổi mới và tiếp thêm sinh lực cho AMD, Su tập trung vào việc đảm bảo tương lai công ty trong một thị trường mang tính cạnh tranh cao. Trong khi bà cần mẫn xây dựng lại hoạt động kinh doanh, Jensen Huang, đồng sáng lập kiêm CEO của Nvidia, cũng nỗ lực chăm chỉ để biến công ty của mình thành nhà cung cấp sức mạnh điện toán trí tuệ nhân tạo được tin tưởng.
Huang, người họ hàng xa của Su, nhìn thấy cơ hội kinh doanh sinh lời cực kỳ cao khi bán chip cho các công cụ có hỗ trợ AI như ChatGPT. Nhu cầu tăng đã đẩy giá cổ phiếu Nvidia lên gần mức cao nhất mọi thời đại với P/E dự phóng khoảng 64 lần – gần gấp đôi AMD. “Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư đang xem xét đến AMD: vì họ muốn đầu tư vào Nvidia của người nghèo,” Stacy Rasgon, nhà phân tích tại Bernstein cho biết. “Có thể thị trường quá lớn nên họ không cần phải cạnh tranh.”
Nhưng Su mong muốn cạnh tranh. Bà hi vọng sẽ cạnh tranh với GPU H100 tập trung vào AI của Nvidia thông qua việc nâng cấp chip hằng năm để nâng cao vị thế AMD. Dưới sự lãnh đạo của bà, chi tiêu cho R&D đã tăng gần gấp bốn lần, lên năm tỉ đô la Mỹ – gần bằng toàn bộ doanh thu AMD khi bà tiếp quản.
Một siêu máy tính mới tại phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge của Tennessee – siêu máy tính nhanh nhất thế giới khi được hoàn thành năm 2022 – là dự án tâm huyết của Su. Cỗ máy đột phá này được chế tạo để có sức mạnh xử lý ít nhất một triệu phép tính mỗi giây và là nơi trưng bày các chip AI của AMD. Bà cũng đang tung ra một sản phẩm đột phá mới: Chip MI300, kết hợp CPU với GPU nhằm chống lại siêu chip mới của Nvidia, sẽ xuất xưởng vào cuối năm nay.
Bà cũng tìm cách cạnh tranh với Nvidia bằng các thương vụ mua lại, chẳng hạn như việc tiếp quản Xilinx trị giá 48,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022. Xilinx là công ty sản xuất bộ xử lý có thể lập trình giúp tăng tốc các tác vụ như nén video. Theo thỏa thuận, Victor Peng, cựu CEO của Xilinx, trở thành chủ tịch và lãnh đạo chiến lược AI của AMD.
Ngoài Nvidia, còn có những mối đe dọa mới nổi khác: Một số khách hàng của AMD đã bắt đầu tự phát triển chip riêng – động thái nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào những công ty bán dẫn khổng lồ. Ví dụ, Amazon thiết kế chip máy chủ vào năm 2018 cho mảng kinh doanh AWS.
Google dành gần một thập niên để phát triển chip AI riêng, Tensor Processing Units, giúp “đọc” tên các biển báo do camera Street View lưu động của họ chụp được và cung cấp mã lực cho chatbot Bard của công ty. Ngay cả Meta cũng có kế hoạch xây dựng phần cứng AI riêng.
Su không nao núng trước những lo ngại rằng một ngày nào đó khách hàng của bà có thể trở thành đối thủ cạnh tranh. Theo bà, “đó là điều tự nhiên” khi các công ty muốn xây dựng các công cụ riêng để hoạt động hiệu quả. Nhưng bà cho rằng họ phải cực kỳ nỗ lực nếu thiếu chuyên môn kỹ thuật mà AMD đã xây dựng trong nhiều thập niên. “Tôi nghĩ việc bất kỳ khách hàng nào của chúng tôi chuẩn bị tái tạo toàn bộ hệ sinh thái như vậy là điều không khả thi.”
Su đang ở vị thế thuận lợi để tham gia vào thị trường chip AI nhưng bà hiểu rõ những bước ngoặt có nguy cơ biến thành thất bại nhanh như thế nào. Còn nhiều việc phải làm để đảm bảo AMD tồn tại: “Tôi nghĩ rằng có một giai đoạn khác cho AMD. Chúng tôi phải chứng minh mình là một công ty tốt và chúng tôi đã làm được điều đó. Lại một lần nữa chứng minh rằng bạn tuyệt vời và có thể tạo ra di sản lâu dài bằng những gì bạn đang đóng góp cho thế giới, đó là những vấn đề thú vị đối với tôi.”
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43