Ông Vũ Lâm gầy dựng những công ty phát triển và gia công phần mềm, lập vườn ươm các startup để đưa sản phẩm trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu.
Tháng 5.2021, doanh nhân công nghệ Vũ Lâm từ Mỹ về Việt Nam để cùng các cộng sự chuẩn bị chiến lược phát triển mới cho startup Katalon. Nền tảng kiểm thử phần mềm tự động (software automation testing) này sau đó một tháng công bố nhận khoản đầu tư 27 triệu USD ở vòng gọi vốn series a từ Elephant Partners.
Doanh nhân 54 tuổi tiếp phóng viên Forbes Việt Nam tại sảnh một khách sạn ở quận 3 trong cái nóng oi nồng của mùa hè, máy lạnh tắt và cửa mở theo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19. “Công ty lập hơn năm, đội ngũ hơn trăm người nhưng vì COVID-19 đến nay tôi mới về được. Hai tháng ở Việt Nam tuyển thêm chỉ được chín người, mới gặp được các cộng sự cách đây vài ngày nay phải trở lại Mỹ,” ông Vũ kể.
Ông Vũ sáng lập KMS Technology năm 2009. Công ty gia công phát triển phần mềm hiện có hơn 1.300 kỹ sư này cũng là nơi ươm tạo các startup phát triển sản phẩm đưa ra thị trường toàn cầu. Còn hiện ông đang tập trung hoạch định chiến lược cho Katalon, startup năm năm tuổi nhưng mới vận hành thương mại 18 tháng, có tập khách hàng là hàng trăm ngàn công ty với hơn triệu người sử dụng trên toàn cầu.
Katalon từng được các báo cáo uy tín như Gartner, Capterra và IT Central Station bình chọn là một trong những công cụ kiểm thử tự động hàng đầu thế giới. Còn theo ông Vũ, Katalon đang ở bước chuyển lớn về vận hành để hướng tới hệ sinh thái kiểm thử tự động toàn diện hơn. “Katalon phải tăng tốc, chỉ có thể cạnh tranh tốt khi giúp các khách hàng tối ưu kiểm thử tự động để hoàn thiện phần mềm với tốc độ nhanh hơn và chất lượng cao hơn,” ông Vũ nói.
Katalon là startup thứ ba trong lĩnh vực kiểm thử và là một trong năm sản phẩm lần lượt ra thị trường từ “vườn ươm” KMS Technology. Năm 2015 họ phát triển Katalon Studio phục vụ các dự án nội bộ, thời gian sau chia sẻ với khách hàng, rồi mở nguồn chia sẻ với cộng đồng. Được sự phản hồi tích cực, năm 2019 họ quyết định phát triển phiên bản thương mại để có nguồn tài chính củng cố nền tảng.
Số liệu tự bạch, năm 2020 sự đón nhận của cộng đồng kiểm thử mang về cho startup này doanh thu 4 triệu đô la Mỹ, “vượt ngoài kỳ vọng”, theo ông Vũ. Dòng tiền tốt khích lệ startup này vạch mục tiêu tham vọng “đứng đầu lĩnh vực kiểm thử tự động thế giới trong vài năm tới.” Ông Vũ tự tin với mục tiêu này. Nếu ở phân khúc nguồn mở, năm năm qua Katalon đã ở vị trí số hai thế giới về người dùng và cạnh tranh với tên tuổi đứng đầu thế giới là Selinium. Ở phân khúc thương mại, Katalon còn ở khoảng cách khá xa so với các tên lớn thế giới gồm SmartBear, Micro Focus và Tricentis.
Để cạnh tranh, Katalon hướng tới nền tảng kiểm thử mới với dải sản phẩm đa dạng, một trong số đó là TestOps và TestCloud để tối ưu hóa quy trình kiểm thử liên tục (continuous testing), bổ sung các tính năng mới giúp việc kiểm thử phần mềm hiệu quả hơn thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning). “Những công ty lâu đời, có doanh thu tầm cỡ hơn mình nhiều, muốn cạnh tranh phải vượt qua họ, trong ba năm tới là cơ hội thực hiện cuộc đua này,” ông Vũ nói.
Dùng công nghệ mới cạnh tranh với công nghệ “quen thuộc nhưng cũ” là cách đội ngũ KMS đặt mục tiêu mỗi khi phát triển sản phẩm mới. Ông Vũ tự tin với kiến thức và kinh nghiệm hàng chục năm của đội ngũ KMS trong lĩnh vực phát triển phần mềm lẫn phát triển sản phẩm kiểm thử phần mềm. Lợi thế còn ở sản phẩm mới của họ không bị ràng buộc phải thay đổi hay phải hỗ trợ các công nghệ cũ, kiến thức cũ.
KMS Technology hoạt động 12 năm với trụ sở đặt ở cả Việt Nam và Mỹ nhưng không phải là công ty đầu tiên ông Vũ gầy dựng. Năm 1995, ông Vũ về nước sáng lập Paragon Solutions Vietnam (PSV), một trong những công ty tiên phong phát triển ngành gia công phần mềm tại Việt Nam. Trong tám năm hoạt động, PSV thuộc nhóm công ty quy mô lớn, nằm trong top đầu của ngành công nghiệp phần mềm và tiên phong xây dựng đội ngũ kỹ sư phần mềm làm việc toàn cầu. Quãng thời gian đó, ông đồng thời thành lập Paragon Solutions India, cũng là sơ thời của ngành này ở Ấn Độ
Năm 2003, First Consulting Group (FCG), nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin của Mỹ trên sàn NASDAQ đã mua lại PSV. Ông Vũ tiếp tục làm việc tại FCG trong vai trò phó chủ tịch phụ trách dịch vụ phần mềm, giám sát các trung tâm phát triển ở Ấn Độ và Việt Nam cũng như các nhóm phát triển ở nhiều thị trường khác. Năm 2007, ông Vũ rời đi khi tập đoàn Mỹ Computer Sciences Corporation (CSC) mua lại toàn bộ FCG.
Ông Vũ kể, sự thay đổi là tình thế bắt buộc khi bản thân ông khởi nghiệp đơn thuần là một kỹ sư chưa có nhiều kinh nghiệm về tổ chức doanh nghiệp. Năm 1999, PSV nhận khoản rót vốn lớn nhờ sản phẩm được đánh giá tiềm năng. Công ty dự định IPO tháng 6.2000, nhưng bong bóng dotcom vỡ vụn trên thị trường chứng khoán Mỹ khiến dự định bất thành. Lúc khởi sự thì gọi vốn, khi khó khăn cần thêm vốn cứ bán bớt cổ phần, ông kể dù muốn vẫn không thể giữ lại được cả phần cuối cùng. Ông Vũ rời đi với suy nghĩ sẽ khởi sự lại nhưng “tiếc vì tầm nhìn khởi sự mất đi, nhân sự gầy dựng được cũng mất.”
Bài học lớn nhất ông nghiệm ra sau khi rời FCG là quá trình phát triển của một công ty khởi nghiệp cho thấy có những việc không nằm trong tầm kiểm soát ngay cả với người sáng lập. KMS Technology vì thế được ông và các cộng sự gầy dựng mà không nhận bất cứ nguồn đầu tư nào, lúc khó khăn các cộng sự cùng thế chấp nhà cửa xe cộ, mượn bạn bè trang trải. “Chúng tôi ‘ôm’ vì muốn chủ động quyết định, sử dụng nguồn lực từ những gì KMS tích lũy thay vì nhà đầu tư lớn tham gia có thể làm thay đổi tầm nhìn,” ông nói.
Một bài học khác từ sự trải nghiệm hơn 25 năm tham dự vào quá trình phát triển thăng trầm của ngành công nghệ thông tin Việt Nam, kết nối ngành công nghiệp này ra thế giới, với ông Vũ là sự lựa chọn phù hợp với con người. Ông nhớ lại nguyện vọng ban đầu về Việt Nam là mong muốn tham gia kiến tạo ngành phần mềm, tạo công việc với thu nhập ổn định cho kỹ sư Việt Nam, “cảm thấy mình làm được gì đó hữu ích”.
Mười năm sau nghiệm lại, ông Vũ thấy sự lựa chọn này khó hoàn hảo vì môi trường Việt Nam không đủ thuận lợi cho ngành gia công phần mềm. Khó thể xây được công ty quy mô hàng chục ngàn kỹ sư để đáp ứng ngành gia công và cạnh tranh với các công ty Ấn Độ, nơi mỗi năm có đến hàng chục triệu sinh viên công nghệ thông tin ra trường.
Nguồn nhân lực không đủ quy mô lớn thì đội ngũ phải “tinh” để thiết kế sản phẩm cạnh tranh với thế giới. Ông Vũ quyết định ngay khi thành lập KMS, công ty vừa làm dịch vụ vừa đầu tư ươm tạo “để có cơ hội làm ra sản phẩm tiếng tăm trên thế giới bằng chính trí tuệ của kỹ sư Việt.” Nguồn tích lũy được KMS tập trung cho R&D, họ tách thành các đội kỹ sư độc lập chuyên tâm phát triển sản phẩm và ươm tạo dự án mới. Năm 2011, QASymphony là công ty con đầu tiên tập trung phát triển phần mềm kiểm thử tự động.
Năm 2017, quỹ mạo hiểm Insight Venture Partners mua lại QASymphony với định giá 100 triệu đô la Mỹ và sáp nhập với Tricentis, trở thành kỳ lân kiểm thử đầu tiên của châu Âu, hiện có doanh thu hằng năm hơn 200 triệu đô la Mỹ. Công ty có trụ sở chính tại Viena (Áo) ngày nay cũng là đối thủ hàng đầu của Katalon Studio trên đường đua cung cấp dịch vụ kiểm thử.
Ông Vũ nói sản phẩm đầu tiên giúp họ tích lũy được kinh nghiệm tiếp cận thị trường toàn cầu – thị trường của những con người chỉ chuyên lo về kiểm thử phần mềm. Hiểu biết con người trong ngành công nghiệp đó, họ mong muốn gì, học hỏi kiến thức tổ chức một công ty phát triển sản phẩm toàn cầu để bổ sung cho chuyên môn tích lũy được. “Kiến thức trong lĩnh vực kiểm thử và kiến thức để điều hành một công ty làm sản phẩm bán trên thị trường toàn cầu thành công là kinh nghiệm lớn nhất,” ông Vũ nói.
Bán QASymphony, KMS có nguồn tài chính đầu tư phát triển những sản phẩm kế tiếp xoay quanh trụ cột KMS, trong khi Tricentis vẫn tiếp tục phát triển sản phẩm qua đội ngũ KMS Technology theo một hợp đồng kết thúc vào năm 2021. QASymphony cũng là sản phẩm đầu tiên “làm để học” cách ra toàn cầu, nổi tiếng thế giới nhưng đã không thể mang theo cái “made in Vietnam” dù bên trong là trí tuệ của kỹ sư Việt. Ông Vũ tham vọng về một thương hiệu xuất xứ Việt Nam đứng trên thế giới trong lĩnh vực phần mềm đang được họ đặt vào Katalon: “Nếu đi đúng, trong năm năm phải đạt được một cột mốc cho ngành phần mềm Việt Nam ở tầm cỡ thế giới, tạo niềm cảm hứng cho các công ty sau này là điều tôi mong muốn”.
Ông Vũ không chỉ nổi bật ở vai trò một nhà chiến lược, định hướng công ty mà còn có khả năng thuyết phục mọi người đi theo những gì ông “cảm nhận” sẽ tạo sự đột phá. Ông Nguyễn Việt Hùng, người có 10 năm gánh trọng trách điều hành KMS Việt Nam nói may mắn nhất của mình là làm cộng sự của một người “đầy ắp sáng tạo, không chịu đứng yên, luôn đưa ra các ý tưởng mới, khám phá và không ngại thất bại” như ông Vũ.
Những trải nghiệm nhiều năm trong ngành công nghiệp trên toàn cầu đã bổ túc cho thiên hướng nhạy bén với xu thế công nghệ mới giúp ông Vũ có tầm nhìn xa trong ngành công nghiệp. Ông Hùng nhận xét “ông Vũ có sự cảm nhận tinh tế về con người, đánh giá đúng điểm mạnh, yếu cá nhân để phát triển nhân sự phù hợp vào các vị trí trọng yếu của tổ chức, giúp hiện thực hóa các chiến lược và ý tưởng sáng tạo.”
Những startup mới nhất trong lĩnh vực Katalon đang cạnh tranh như Postman hay BrowserStack của Ấn Độ mới đây đã gọi vốn hàng trăm triệu đô la Mỹ, đưa định giá công ty lên 4-5 tỉ đô la, thành những startup kiểm thử có giá trị hàng đầu Ấn Độ. Vậy ông có mục tiêu biến công ty của mình thành kỳ lân? “Vậy thì thường quá” – ông trả lời Forbes Việt Nam và cho biết mục tiêu kỳ lân không phải là đích đến: “Thành kỳ lân có thể dễ nhưng trở thành số 1 mới khó, vì tất cả các công ty đều cạnh tranh để trở thành số 1.”
Katalon đang chuyển đổi thành một nền tảng kiểm thử với dải sản phẩm rộng xoay quanh gồm Studio, TestOps, Test Cloud, Test Recorder và Katalium. Giới kiểm thử so sánh những tính năng của Studio đa dạng hơn Postman, trong khi Test Cloud của Katalon sẽ cạnh tranh trực tiếp với BrowserStack. Quy mô thị trường mà Katalon hoạt động cả trăm tỉ đô la Mỹ hằng năm, vì vậy con số tỉ đô để định danh kỳ lân là “quá khiêm tốn”. “Mình đã đi được chặng đường dài có cộng đồng kiểm thử cả triệu người, với kết quả này thì kỳ lân không khó mà thử thách với chúng tôi là phải đứng ở tốp đầu của lĩnh vực đang có giá trị rất cao này,” ông nói.
Cứ trung bình hai năm KMS Technology đưa một sản phẩm mới ra thị trường. Kobiton, nền tảng hỗ trợ kiểm thử phần mềm chuyên biệt trên thiết bị di động phát triển từ 2016, hiện là công ty hàng đầu của lĩnh vực này trên toàn cầu. Tháng chín rồi startup này huy động thêm 12 triệu đô la Mỹ từ Panoramic Ventures và Fulcrum Equity Partners (Mỹ) trong tổng số huy động hơn 34 triệu đô la Mỹ đến nay. Khoản đầu tư mới để họ tăng các tính năng hỗ trợ nhiều đối tượng: kỹ sư kiểm thử, thiết kế và lập trình. Nhờ ứng dụng AI và sáp nhập với Mobile Labs, Kobiton tăng gấp ba số lượng người dùng kể từ vòng gọi vốn đầu tiên và năm 2020 tăng trưởng 250% so với cùng kỳ.
Hoạt động ở thị trường ngách có quy mô thị trường hẹp hơn Katalon, Kobiton hiện có hơn 50 ngàn khách hàng toàn cầu, được giới đầu tư đánh giá là giải pháp kiểm thử phần mềm trên di động duy nhất cung cấp đầy đủ các điều kiện cho doanh nghiệp phát hành ứng dụng di động. “Kobiton là công ty duy nhất trên thị trường có khả năng kết hợp kiểm thử trên thiết bị với giải pháp tự động hóa, hỗ trợ khách hàng kiểm thử ứng dụng nhanh và trải nghiệm di động hoàn hảo trên nhiều thiết bị, hệ điều hành và thao tác người dùng,” theo Dan Drechsel, đại diện Panoramic Ventures.
Năm 1978, 11 tuổi, Vũ Lâm theo người thân di cư từ Nha Trang đến Mỹ. Sau khi tốt nghiệp cử nhân khoa học của đại học Illinois tại Urbana – Champaign, ông làm việc cho hang viễn thông Bell Labs, sau 5 năm, muốn thay đổi công việc ông tiếp tục lấy bằng thạc sĩ Khoa học về kỹ thuật Điện tại đại học Purdue. Những năm 1990, các công ty dotcom ra đời nhộn nhịp, lúc đó một công ty viễn thông cần giải pháp thanh toán hóa đơn muốn ông Vũ đến Ấn Độ làm việc nhưng ông chọn về Việt Nam. Việc chọn hợp tác với nhóm kỹ sư từ khoa máy tính của đại học Bách khoa TP.HCM đã khởi đầu cho việc ra đời PSV lúc đó.
Những người quen biết thường nhận xét ông Vũ giản dị, bặt thiệp, còn ông nói mình có cá tính mạnh trong xây dựng công ty, biết mình nên quyết thế nào về chiến lược phát triển. Phần lớn thời gian của ông Vũ là dành hai năm đầu tiên ra chiến lược cho các công ty mới ươm tạo. Khi công ty vững, ông để lại cho đội ngũ vận hành và tiếp tục gầy dựng đội ngũ độc lập phát triển sản phẩm mới.
Ông Vũ ủng hộ nhiệt tình các cộng đồng khởi nghiệp công nghệ. Từ năm 2020, ông cố vấn cho các công ty khởi nghiệp công nghệ đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh tại Việt Nam trong vai trò thành viên HĐQT Endeavor Việt Nam, một phần của mạng lưới Endeavor toàn cầu, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Từ năm 2019, ban lãnh đạo KMS Technology hoạch định chiến lược tối ưu mảng gia công phần mềm, mở công ty thành viên KMS Solutions tập trung vào thị trường châu Á – Thái Bình Dương, định hướng chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm chuyên biệt cho các khối ngành ngân hàng, tài chính và bảo hiểm. Năm 2020 họ tăng tốc phần mềm dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y tế khi ngành công nghiệp này tại Mỹ đang có những bước hồi phục sau đại dịch COVID-19 theo xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Ông Vũ nói quá trình phát triển của KMS gắn liền với sự thay đổi của ngành công nghiệp phần mềm thế giới làm cho lĩnh vực gia công cũng phải thay đổi. Thị trường Việt Nam sau nhiều năm gia công phát triển cho đối tác toàn cầu, khiến đội ngũ ít tham gia sâu vào các xu hướng phát triển mà nặng về kỹ thuật. Năng lực kỹ sư Việt vì vậy cần sự hợp tác với những người từ bên ngoài vào và sự cởi mở này mang lại hơi thở tích cực cho ngành phần mềm, bổ sung kiến thức từ các ngành công nghiệp toàn cầu một cách sâu rộng hơn. Ông nói: “Mỗi sản phẩm phần mềm khi ra thị trường thế giới đều phải cạnh tranh với hàng trăm công ty, muốn thắng phải thực sự cạnh tranh với nhóm công ty hàng đầu.”
Từ lâu các công ty Ấn Độ đi từ gia công đã trở thành nhà cung cấp giải pháp bằng cách mua lại các công ty tư vấn của Mỹ để đi nhanh hơn. Tuy nhiên ông Vũ nói không thể có bí quyết nào khác khi làm sản phẩm là phải đầu tư dài hạn, cần một nguồn lực ít nhất 10 năm và sự kiên định dài hạn sau đó. Đội ngũ làm sản phẩm phải hiểu thị trường, nghiên cứu để đi sâu đến mức “không còn gì không biết” mới có thể cạnh tranh trên thế giới. “Trước hết bản thân sản phẩm phải tối ưu trong lĩnh vực đó, khi ở vào tốp 5 lĩnh vực rồi mới nghĩ đến chuyện cạnh tranh trên giá cả, dịch vụ, tiếp thị,” ông Vũ nói.
“Những công ty giá trị chục tỉ đô có thể hình thành nhưng giá trị nào cũng phải được xây dựng trên nền tảng con người với hàng chục năm gầy dựng,” ông Vũ nói mình tự tin về đội ngũ kỹ sư Việt Nam vì những sản phẩm họ xây dựng hàng chục năm qua bao nhiêu công ty đều là những sản phẩm kỹ thuật đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu. “Nếu nói về kỹ sư phần mềm thì không cần phải đi đâu kiếm người, việc của tôi là hỗ trợ họ, tìm người lãnh đạo kinh doanh kết nối sản phẩm đến thị trường quốc tế.”
Giới công nghệ thông tin Việt Nam đánh giá cao ông Vũ ở việc xây dựng được các tập thể, các doanh nghiệp phần mềm với phong cách hiện đại, hoạt động hiệu quả với dịch vụ và sản phẩm ở tầm toàn cầu. “Chúng ta có thể cạnh tranh tính bằng nhiều ngàn kỹ sư phần mềm với phong cách hiệu quả, sáng tạo, độc lập của phương Tây được đào tạo và xây dựng nên ngay tại Việt Nam,” ông Nguyễn Việt Hùng nói.
Các nhân sự được đào tạo từ các doanh nghiệp mà ông Vũ thành lập chính là đóng góp của ông Vũ vào phát triển ngành phần mềm Việt Nam. Ông Vũ nói mình may mắn có cơ hội đến Mỹ, được đào tạo tốt về nghề và tiếp cận sâu rộng với ngành công nghiệp mới. “Nó có ý nghĩa rất lớn khi tôi vừa đạt được ước muốn cá nhân trong công việc, vừa tạo thêm cơ hội mới cho nhiều người khác đi theo ngành và phát triển nghề nghiệp.”
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43