Dự kiến thị trường thuốc điều trị bệnh Alzheimer toàn cầu sẽ đạt hơn 13 tỉ USD vào năm 2030 nhờ có nhiều loại thuốc mới giúp làm chậm quá trình suy giảm nhận thức sau khi cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt.
“Thị trường thuốc điều trị bệnh Alzheimer được dự đoán sẽ phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng kép mỗi năm 20% từ 2,2 tỉ USD vào năm 2020 lên 13,7 tỉ USD vào năm 2030 trên tám thị trường chính,” GlobalData cho biết trong báo cáo mới về những thị trường Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo báo cáo phát hành vào ngày 7.6, thị trường tăng trưởng chủ yếu nhờ có thêm nhiều liệu pháp tiên phong nhằm giải quyết những thách thức do bệnh Alzheimer gây ra.
Giống như hầu hết các loại thuốc kê đơn, chúng cần được đưa vào danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả để tăng doanh thu. Tuần trước, trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid, quản lý bảo hiểm y tế Medicare cho người cao tuổi, thông báo sẽ chấp nhận chi trả cho Leqembi, do các hãng dược phẩm Eisai và Biogen hợp tác cùng nhau sản xuất, nếu FDA phê duyệt thuốc theo quy trình thường quy như các loại thuốc khác.
Theo dự kiến, sớm nhất vào đầu tháng 7 hãng mới có thể nhận được sự chấp thuận theo quy trình này từ FDA. Một loại thuốc tương tự, donanemab của Eli Lilly, đang kỳ vọng FDA phê duyệt vào cuối năm nay.
“Mặc dù FDA phê duyệt thuốc Aduhelm để điều trị bệnh Alzheimer vào năm 2021 trở thành một cột mốc quan trọng đối với người bệnh nhưng không được sử dụng nhiều do những tranh cãi xung quanh sự chấp thuận của FDA,” Philippa Salter, nhà phân tích thần kinh học của công ty nghiên cứu thị trường GlobalData, cho biết.
“Ban cố vấn của FDA không đồng thuận với quyết định này. Theo ban cố vấn, loại thuốc này không có đủ bằng chứng chứng minh tính hiệu quả trong việc làm chậm quá trình suy giảm nhận thức,” Salter cho biết thêm.
“Ngược lại, Leqembi và donanemab đều được chứng minh rằng chúng có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III,” Salter nói thêm. “Do đó, chúng được kỳ vọng sẽ trở thành loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer bán chạy nhất vào năm 2030. GlobalData dự báo rằng Leqembi và donanemab có thể mang về doanh thu toàn cầu lần lượt xấp xỉ 3,5 tỉ USD và 2 tỉ USD vào năm 2030.”
Mặc dù Leqembi đã được FDA phê duyệt theo quy trình xem xét cấp tốc vào tháng 1 nhưng trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid vẫn tiếp tục thực hiện chính sách chỉ chi trả cho những bệnh nhân sử dụng trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng được Hoa Kỳ phê duyệt. Chỉ khi FDA phê duyệt loại thuốc này theo quy trình thường quy, thì bảo hiểm sẽ chi trả cho nhiều đối tượng hơn.
Sau khi các loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer mới được bảo hiểm chi trả, các công ty bảo hiểm y tế tư nhân cùng với người sử dụng lao động có thể sớm bổ sung chúng vào chương trình phúc lợi.
“Không giống với các bệnh khác, Alzheimer gây thiệt hại cho cả người mắc bệnh, người thân yêu cũng như người chăm sóc. Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid luôn cam kết giúp bệnh nhân tiếp cận kịp thời với phương pháp điều trị mới nhất giúp nâng hiệu quả trong chăm sóc để bệnh chậm tiến triển,” quản trị viên Chiquita Brooks-LaSure của trung tâm cho biết hồi tuần trước.
“Nếu FDA phê duyệt các loại thuốc theo quy trình thường quy, thì trung tâm sẵn sàng đảm bảo người tham gia Medicare được bảo hiểm chi trả tiền thuốc,” Brooks-LaSure cho biết thêm.
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Xem thêm:
Eli Lilly hợp tác với Roche phát triển xét nghiệm máu giúp chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer
Mảng xanh có thể giúp làm chậm quá trình suy giảm nhận thức
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/thi-truong-thuoc-dieu-tri-benh-alzheimer-se-dat-hon-13-ti-usd-vao-nam-2030)