Đại dịch cho thấy chúng ta đều có sợi dây kết nối, phụ thuộc vào nhau, và hướng đi bền vững đang ngày càng được lưu tâm. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ vì tương lai tốt đẹp hơn.
Trong đại dịch, Việt Nam đã và đang chứng kiến vô số thiện tâm của nhiều cá nhân, chia sẻ khó khăn với những cộng đồng, những người kém may mắn. Các doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh cũng thể hiện trách nhiệm xã hội đóng góp cho cộng đồng bằng tài chính hay hiện vật.
Đây cũng có thể là thời điểm doanh nghiệp hướng tới các hoạt động thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp một cách thực chất, nhằm góp phần giải quyết những thách thức về môi trường và xã hội mà đại dịch gây ra về lâu dài.
Sự bền vững (sustainability) là từ khóa ngày càng được nhắc tới nhiều trong các cuộc thảo luận của các chương trình nghị sự quốc tế, chính phủ, hướng phát triển của các doanh nghiệp. Bền vững là mục tiêu bao trùm, nghĩa là chúng ta vừa cần phát triển và trở nên thịnh vượng vừa cần sống hài hòa với hành tinh. Có một nguồn tham khảo hướng dẫn quan trọng là 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SDGs), có thể được tích hợp vào chiến lược phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
Tôi đang chứng kiến các doanh nghiệp và tổ chức cùng với Chính phủ Việt Nam nỗ lực điều chỉnh mục tiêu phát triển của mình song song với SDGs để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong khi các doanh nghiệp có nhiều hướng tiếp cận khác nhau hướng tới sự phát triển bền vững, họ cũng cần tính tới lợi ích của các đối tác, cộng đồng và môi trường. Dù dưới hình thức nào, điều cốt yếu của phát triển bền vững là các cam kết lâu dài. Để nhìn được lâu dài, hãy bắt đầu từ cách định nghĩa các thuật ngữ liên quan tới trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và với môi trường.
Hiện nay, có ba khái niệm đang được dùng thay thế nhau, gồm Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility – CSR), Tạo giá trị chung (creating shared values – CSV), và Quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (environmental, social and corporate governance – ESG).
Ba khái niệm khác nhau này tạo ra nhiều nhầm lẫn, tranh luận sôi nổi ngay trong giới chuyên gia. Thực tiễn và định nghĩa khác nhau. Khi kỳ vọng của xã hội về doanh nghiệp thay đổi, các khái niệm này càng gây ra nhiều nhầm lẫn.
Nhìn chung, CSR đề cập đến trách nhiệm của một doanh nghiệp đối với bất kỳ tác động nào mà họ tạo ra, cho dù là về mặt xã hội, môi trường hay kinh tế. Việc thực thi CSR không bắt buộc và thường gồm các hoạt động tình nguyện, ngày càng nâng cao nhận thức và các sự kiện từ thiện. Trong khi đó, ESG là dữ liệu đo lường tác động của doanh nghiệp. Tức là, CSR nhằm mục đích yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm, các tiêu chí của ESG hướng tới đo lường các nỗ lực của doanh nghiệp.
Đối với CSV, trong vài năm qua, tôi ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của hướng tiếp cận này, không chỉ đối với những người thụ hưởng – đối tác của chúng tôi – mà còn đối với chính doanh nghiệp của mình. CSV cho phép chúng ta hỗ trợ nhau theo chu kỳ nhiều hơn theo nhu cầu của cộng đồng.
Một ví dụ về CSV là chương trình Tiếp cận năng lượng (A2E) của Schneider Electric. A2E hướng tới mục tiêu giúp người dân toàn thế giới tiếp cận được năng lượng thông qua các hoạt động đào tạo, các giải pháp sáng tạo và đầu tư tác động. Các hoạt động dựa trên hoạt động kinh doanh cốt lõi của chúng tôi và lồng ghép vào câu chuyện bền vững. Mặc dù CSV là khái niệm kinh doanh, nhưng tôi tin bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng CSV vào việc thực hành kinh doanh bền vững của mình.
Dù là CSR, ESG hay CSV, tất cả đều là hướng đi rất tốt để khởi đầu. Tuy nhiên, không phải chỉ cần thực hiện những nguyên tắc này là doanh nghiệp đã có sẵn chiến lược phát triển bền vững. Theo tôi, điều cốt yếu của phát triển bền vững là cam kết lâu dài.
Tiếp cận toàn diện và chi tiết
Những ví dụ điển hình về các doanh nghiệp có cách thực hành bền vững ở Việt Nam như Marou Chocolate, Les Verges du Mekong, Heineken và nhiều doanh nghiệp khác. Những người chủ doanh nghiệp này đã chứng minh chiến lược bền vững sẽ dẫn đến thành công. Tuy nhiên, thực tế không may là nhiều công ty chưa coi trọng CSR cao hơn là một hoạt động “có thì tốt”.
Theo tôi, họ đã bỏ lỡ cơ hội để thể hiện sự gắn bó lâu dài với các đối tác của mình.
Khi nói tới bền vững cũng cần xem xét đến yếu tố văn hóa. Tôi thấy người Việt Nam rất hào phóng và sẵn sàng giúp những người kém may mắn. Vì vậy, công tác từ thiện và quyên góp có vai trò quan trọng. Các đợt thiên tai đã thu hút những cá nhân, tổ chức sẵn sàng mở hầu bao, chia sẻ khẩn cấp.
Đó là cách làm đáng trân trọng, nhưng truyền thống này phần lớn chỉ mang lại kết quả ngắn hạn mà không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Tôi hiểu cả tiềm năng lẫn thách thức khi chúng ta muốn chuyển nguồn năng lượng tích cực này thành hướng tiếp cận bền vững hơn. Tại Schneider Electric, chúng tôi đã nỗ lực chứng minh rằng dạy “cách câu cá” là cách tốt nhất để trao quyền cho người khác. Các chương trình cộng đồng của chúng tôi là bằng chứng mạnh mẽ nhất.
Trong khuôn khổ chương trình A2E, chúng tôi đưa các chương trình đào tạo về điện và tự động hóa vào các trường học, giúp sinh viên cải thiện kỹ năng chuyên môn. Từ năm 2009, thông qua chương trình A2E toàn thế giới, chúng tôi đào tạo được hơn 287 ngàn sinh viên và hơn 5.000 giảng viên. Tại Việt Nam, con số là 5.137 sinh viên và 397 giảng viên. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 đào tạo một triệu sinh viên, 10 ngàn giáo viên và doanh nhân trên toàn thế giới.
Bên cạnh đào tạo nghề, trong chương trình A2E, chúng tôi cũng cung cấp các giải pháp năng lượng mặt trời chi phí thấp cho các cộng đồng chưa tiếp cận được lưới điện quốc gia và đầu tư tạo tác động vào công ty khởi nghiệp năng lượng. Chúng tôi phân phối đèn năng lượng mặt trời Mobiya cho cộng đồng có nhu cầu.
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên cầm một chiếc đèn Mobiya, trông nó giống như chiếc đèn pin thông thường nhưng lại có thể giúp nhiều người mưu sinh. Tôi tận mắt chứng kiến chiếc đèn đã giúp trẻ em học tập, và phụ nữ kiếm kế sinh nhai như thế nào ở các cộng đồng vùng sâu vùng xa ở Sa Pa, An Giang hay Cà Mau.
Với chương trình này, chúng tôi áp dụng CSV tại Việt Nam và tạo ra giá trị chung về xã hội, môi trường và kinh tế cho tất cả các đối tác, gồm cả những người dân bình thường. Cách làm giúp phát huy sức mạnh của kinh tế địa phương, và chúng tôi không phải là tổ chức duy nhất làm điều này.
Phát triển bền vững qua đại dịch COVID-19
Đại dịch cho thấy chúng ta đều có sợi dây kết nối, phụ thuộc vào nhau, và hướng đi bền vững đang ngày càng được lưu tâm. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ vì tương lai tốt đẹp hơn.
Tôi tin là hướng đi của chúng ta cần phải gồm thái độ quan tâm nhiều hơn đến hệ sinh thái toàn cầu. Chúng ta cần rút ra bài học từ đại dịch lần này để giải quyết những thách thức lớn hơn nữa như biến đổi khí hậu. Nỗ lực và sự phối hợp trên quy mô toàn cầu hiện nay để ứng phó với COVID-19 cho thấy mọi thứ có thể tiến triển nhanh chóng, nếu tất cả cùng hợp tác.
Đầu năm 2021, Schneider Electric được vinh danh ở vị trí số 1 trong bảng Chỉ số 100 Hiệp sĩ Doanh nghiệp (Corporate Knights 100 Index). Bảng xếp hạng 100 Doanh nghiệp bền vững nhất Thế giới 2021 này không chỉ ghi nhận chúng tôi có chiến lược bền vững rõ ràng, mà còn vì chúng tôi đã giúp đỡ công ty và tổ chức khác trong hành trình bền vững của họ.
Schneider Electric đóng góp cho các SDGs thông qua sáu cam kết, được tích hợp trong các hoạt động kinh doanh, bao gồm: Nỗ lực vì một thế giới không phải chịu nhiều biến đổi khí hậu bằng cách liên tục đổi mới để có thể giảm thiểu khí carbon lập tức và lâu dài; Cải thiện hiệu quả bằng cách hành xử có trách nhiệm và tận dụng tối đa công nghệ kỹ thuật số; Tuân thủ các nguyên tắc niềm tin và kỳ vọng tất cả những người xung quanh tuân theo các tiêu chuẩn xã hội, quản trị và đạo đức ở mức cao; Tạo ra cơ hội bình đẳng, đảm bảo tất cả thành viên được trân trọng trong một môi trường hòa nhập; Khai thác sức mạnh của tất cả các thế hệ bằng cách bồi dưỡng học tập, nâng cao kỹ năng và phát triển cá nhân, tạo cơ hội cho thế hệ tiếp theo; Trao quyền cho cộng đồng địa phương bằng cách thúc đẩy các sáng kiến, tạo điều kiện cho các cá nhân và đối tác hướng đến sự bền vững. Mỗi cam kết của chúng tôi đều có mục tiêu dài hạn và ngắn hạn rõ ràng. Báo cáo phát triển bền vững (SSI) của chúng tôi nêu chi tiết về tiến độ thực hiện cam kết.
Theo tôi, sự thành công của các chương trình bền vững là nhờ hai yếu tố:
Thứ nhất, chúng tôi có mối quan hệ đối tác rộng rãi và dựa trên sự tin tưởng giữa tất cả các bên liên quan. Chúng tôi đầu tư vào các mối quan hệ đối tác bắt nguồn từ tầm nhìn, sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
Thứ hai, chúng tôi áp dụng cách tiếp cận toàn diện cho chiến lược phát triển bền vững. Đây là nguyên tắc cơ bản cho các hoạt động, không chỉ cho chính chúng tôi và các đối tác của chúng tôi, mà còn hướng tới khách hàng và cộng đồng địa phương. Những sự đánh giá và tôn vinh cũng đặt ra cho chúng tôi rất nhiều trách nhiệm trong những năm tới.
Tôi vẫn lạc quan rằng thế giới thực sự có thể là một nơi tốt đẹp hơn, nếu chúng ta đoàn kết để bảo vệ thế giới vì các thế hệ tương lai.
Do vậy, thực thi chiến lược phát triển bền vững là hướng đi của tương lai.
—-
̣(*) Felicitas Huong Friedrich là quản lý Trách nhiệm xã hội và Giáo dục tại Schneider Electric Việt Nam. Bà phụ trách địa phương hóa các chương trình toàn cầu hoặc đưa ra sáng kiến địa phương phù hợp với chiến lược bền vững của tập đoàn.
(*) Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 95, tháng 7.2021, chuyên đề Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Danh sách những doanh nghiệp hào phóng nhất trong đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/huong-di-cua-tuong-lai)
1 năm trước
1 năm trước
1 năm trước
Vàng từ trái phiếu xanh2 năm trước
1 năm trước