Trong khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022), hơn 40 công ty đầu tư mạo hiểm ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hoa Kỳ và Việt Nam cam kết đầu 1,5 tỉ USD vào startup tại Việt Nam trong các năm tới.
Cùng với cam kết vốn là các hỗ trợ về nhân tài, phát triển kinh doanh để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong thời điểm bước ngoặt như hiện nay.
Các quỹ đầu tư kỳ vọng thông qua mối hợp tác, họ có thể cùng startup duy trì tăng trưởng và tăng năng lực cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp trong khu vực và trên toàn cầu. Điều này sẽ góp phần xây dựng thế hệ kỳ lân tiếp theo có thể niêm yết trên các sàn giao dịch ở nước ngoài.
Vietnam Venture Summit do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và quỹ đầu tư Golden Gate Ventures (GGV) phố hợp tổ chức dưới sự chủ trì của bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức năm 2019, thời điểm đó các quỹ cam kết đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam 425 triệu USD và tại Diễn đàn năm 2020, con số được cam kết là 815 triệu USD.
Tại diễn đàn 2022, hơn 40 quỹ công bố con số cam kết đầu tư 1,5 tỉ USD vào startup tại Việt Nam trong các năm tới.
Ông Vinnie Lauria, đối tác sáng lập GGV cho rằng, Việt Nam đang tiến đến bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, với khả năng cạnh tranh không chỉ gói gọn trong khu vực Đông Nam Á.
“Con số 1,5 tỉ USD thể hiện cam kết của cộng đồng nhà đầu tư toàn cầu nhằm thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam vào thời điểm quan trọng này,” ông Vinnie nói.
Diễn đàn 2022 được tổ chức ngày 19.12 tại Hà Nội với chủ đề “Chuyển dịch dòng vốn toàn cầu”, tập trung vào vấn đề tương lai của các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á sẽ ra sao khi kinh tế vĩ mô toàn cầu biến động đang áp lực lên các nhà đầu tư và nhà sáng lập.
Trong Báo cáo nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam do GGV vừa công bố, Việt Nam được xem là mảnh ghép không thể thiếu trong “tam giác vàng” mở ra cơ hội tăng trưởng trong tương lai cho khu vực Đông Nam Á.
Một thập niên trước, Đông Nam Á là khu vực ít được biết đến và các nhà đầu tư còn đắn đo khi vào thị trường này nhưng hiện nay, họ đánh giá đây thị trường không thể thiếu khi tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Nhìn vào dòng vốn toàn cầu, Đông Nam Á đã thu hút 174 tỉ USD vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) trong năm 2021. Trong sáu tháng đầu năm nay, các quỹ đầu tư mạo cũng rót vào khu vực này hơn 3 tỉ USD, vượt qua tổng số vốn huy động của cả năm 2021.
“Các nhà đầu tư toàn cầu ngày càng hiểu biết hơn về các yếu tố khiến Đông Nam Á trở thành một cơ hội đầu tư, giúp các họ tin tưởng khu vực này là một sự đánh cược dài hạn,” Jeffrey Paine, đối tác sáng lập GGV đánh giá.
Một trong những lý do khiến Đông Nam Á tiếp tục có tiềm năng dài hạn là sự kết hợp độc đáo giữa các thị trường. Việt Nam – Indonesia – Singapore cùng tạo thành “tam giác vàng” khởi nghiệp của khu vực.
Bản tóm tắt “Tam giác vàng Đông Nam Á” của GGV phát hành hồi đầu tháng 5.2022 cho rằng, sự cộng sinh của ba thị trường này sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng trong tương lai.
Theo đó, Singapore đóng vai trò quan trọng như một thị trường kết nối ở khu vực; Indonesia mang đến một thị trường tiêu dùng khổng lồ đang phát triển trên nền tảng di động và hiểu biết về kỹ thuật số trong khi Việt Nam mang đến một thị trường trẻ, với những tài năng công nghệ cùng sự đổi mới liên tục.
Năm 2021, các công ty khởi nghiệp Việt Nam huy động hơn 1,4 tỉ USD vốn đầu tư thông qua 165 giao dịch, tăng 1,6 lần so với năm 2019, với 894 triệu USD và 126 giao dịch.
Theo quan sát của ông Vinnie Lauria, trong thập niên đầu tiên của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á, Singapore và Indonesia là những động lực tăng trưởng hàng đầu. Trong đó, Singapore mang đến nguồn vốn tài chính và con người, còn Indonesia mang đến một thị trường nội địa khổng lồ.
Đến năm 2022, Việt Nam là trụ cột thứ ba của tam giác vàng này, mang đến sự kết hợp đặc biệt giữa tài năng công nghệ hàng đầu, tinh thần kinh doanh của người Việt và thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng.
“Khi đặt tất cả các yếu tố này lại với nhau, không khó để hiểu tại sao ngày càng có nhiều nhà đầu tư toàn cầu đặt cược lớn vào Đông Nam Á. Trên thực tế, chúng tôi thấy rằng môi trường kinh tế toàn cầu đang hoạt động có lợi cho khu vực,” Vinnie Lauria chia sẻ.
1 năm trước
Danh sách: Forbes Under 30 châu Á 20232 năm trước
Forbes Việt Nam Under 30: Gắn kết và tỏa sáng