Ấn Độ đang đối mặt với những thách thức trong việc hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế 30.000 tỉ USD trong một vài thập kỷ tới.
Ấn Độ đang trong lộ trình trở thành nền kinh tế 30.000 tỉ USD? Ta đang nói đến quy mô bằng với tổng sản phẩm nội địa (GDP) hiện nay của Mỹ, Nhật Bản và Ý. Hay tương đương với GDP của các nước Trung Quốc, Đức, Pháp, Vương Quốc Anh và Canada cộng lại.
Nói cách khác, đó là tương lai mà tỉ phú Gautam Adani, chủ tịch của Adani Group,kỳ vọng quê hương ông đang hướng tới, và sẽ thật thiếu khôn ngoan khi phần còn lại của thế giới phủ nhận thành công từ vị tỉ phú này trong những thập kỷ tới, thời điểm Ấn Độ đạt quy mô GDP 30.000 tỉ USD. Ông Adani cũng tin tưởng quốc gia này sẽ có vốn hóa thị trường chứng khoán 45.000 tỉ USD.
Có thể nói rằng, vị tỉ phú 60 tuổi có vị thế rất tốt khi Adani Group, tập đoàn đặt trụ sở tại Ahmedabad với giá trị tài sản 100 tỉ USD, đang kinh doanh trong các lĩnh vực từ hàng không, xi măng, trung tâm dữ liệu, năng lượng xanh đến cảng biển và hơn thế nữa. Chia sẻ tại hội nghị Forbes Global CEO 2022 diễn ra tại Singapore, ông tin tưởng “Ấn Độ sẽ vô cùng tự tin về vị thế của mình trên thế giới.”
Không khó để nhận ra Gautam Adani đang truyền đi thông điệp thực sự đến chính quyền của thủ tướng Narendra Modi, về việc cần phải đặt nền móng cho tương lai mà vị tỉ phú này mong muốn. Tuy vậy, dường như có rất ít dấu hiệu cho thấy thủ tướng Modi đang đạt đến quy mô cần thiết để đưa Ấn Độ thành nền kinh tế đúng như mong muốn của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước này.
Một vài người tỏ ra hoài nghi về thành công của Ấn Độ trong tương lai. Nhưng báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) từ số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy với tốc độ tăng trưởng 7%, Ấn Độ chỉ xếp thứ 11 thế giới về quy mô GDP cách đây một thập kỷ trước sẽ vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Ấn Độ hiện nay cũng đang chứng kiến sự bùng nổ của làn sóng kỳ lân công nghệ, bỏ xa những nền kinh tế phát triển hơn như Nhật Bản.
Tuy vậy, sau 8 năm trở thành người đứng đầu quốc gia, thủ tướng Modi thu về kết quả khiêm tốn từ chiến lược cải cách nền kinh tế Ấn Độ. Kể từ tháng 5.2014, ông Modi đạt được một vài bước tiến quan trọng với thành quả từ việc mở cửa hàng không, quốc phòng cho đến bảo hiểm và những lĩnh vực khác để gia tăng dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, cũng như ghi nhận bước chuyển mình của các sản phẩm nội địa và dịch vụ thuế.
Nhưng các yếu tố để Ấn Độ thực sự mở ra một kỷ nguyên mới là luật lao động, luật đất đai và luật thuế vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, tương tự với cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng nợ xấu của các ngân hàng nước này.
Tuy các startup công nghệ như thủ tướng Modi nhận định đang bước vào thời kỳ hoàng kim, nhưng tốc độ tăng trưởng việc làm cần thiết để lan tỏa những thành quả của tăng trưởng GDP tiếp tục để gây thất vọng.
Ấn Độ đang có tâm lý tự mãn với tư tưởng rằng các chính trị gia đã hoàn thành công việc sau khi GDP đạt mức tăng trưởng hơn 5%, tương tự như Hàn Quốc, Philippines và Indonesia trước đó. Việc lấy động lực phát triển nhằm che đi những điểm hạn chế trong quá trình cải cách mạnh mẽ sẽ đẩy Ấn Độ vào những khó khăn từng xảy ra trước đây khi nền kinh tế toàn cầu chệch hướng.
“Trong ngắn hạn, nền kinh tế Ấn Độ đang phục hồi tốt,” Udith Sikand, nhà phân tích của Gavekal Research, cho biết.
Sikand nhận định “Vấn đề nằm ở yếu tố bất lợi từ bên ngoài đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và khiến thị trường vốn của Ấn Độ dễ tổn thương trước hiện tượng có tính rủi ro cao, khi thế giới thắt chặt thanh khoản. Nhưng tin tốt với các nhà đầu tư, là trái phiếu chính phủ vẫn sẽ có tình hình khả quan trong một khoảng thời gian nữa. Điều cần lưu tâm là đồng rupee tiếp tục trượt giá so với 1 USD.”
Rủi ro tiền tệ đang hiện diện trước mắt với đồng rupee mất 10% giá trị từ đầu năm 2022, nhưng thấp hơn so với mức giảm của đồng yen (Nhật Bản) và đồng nhân dân tệ (Trung Quốc). Tuy vậy, điều cuối cùng mà New Delhi cần phải hướng đến trong năm 2023 là thời điểm giá cả hàng hóa trên toàn thế giới tăng phi mã thêm một lần nữa.
Hơn nữa, việc đồng rupee trượt giá có thể ảnh hưởng đến các lĩnh vực đang trên đà phát triển của nền kinh tế Ấn Độ. Chi phí tăng cao khiến nhiều startup gặp trở ngại trong việc mở rộng quy mô và tạo ra nguồn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bên ngoài lãnh thổ Ấn Độ, bên cạnh nỗi lo ngại của mọi nhà sáng lập rằng công ty của họ giảm vốn hóa thị trường và mất danh hiệu kỳ lân.
Đó là những gì về các công ty khởi nghiệp. Nhật Bản có rất nhiều startup, nhưng rất ít cái tên trong số đó trở thành kỳ lân. Vấn đề nằm ở việc môi trường pháp lý lớn hơn, hệ thống doanh nghiệp và tình hình kinh tế có thể gây ra khó khăn cho quá trình phát triển thành doanh nghiệp có quy mô trung bình hoặc lớn của phần lớn các công ty khởi nghiệp nhỏ. Để vượt qua những rào cản trên đòi hỏi Ấn Độ phải có nhiều sáng kiến đổi mới mang tính đột phá nhất có thể.
Hiện nay, Gautam Adani đang nhìn từ trên xuống lộ trình trở thành nền kinh tế 30.000 tỉ USD của Ấn Độ. Hi vọng rằng, thủ tướng Modi sẽ lắng nghe và chuẩn bị cho việc đẩy mạnh quá trình nâng tầm nền kinh tế của quốc gia này.
Xem thêm: Người giàu thứ hai thế giới dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng đến 30 ngàn tỉ USD
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/hanh-trinh-kho-khan-de-thanh-nen-kinh-te-30-000-ti-usd-cua-an-do)