multi-media / Megastory

Forbes Việt Nam vinh danh 25 thương hiệu công ty F&B dẫn đầu 2022

Trong khuôn khổ Hội nghị Thương hiệu 2022 ngày 27.10 tại TP.HCM, Forbes Việt Nam vinh danh 25 thương hiệu công ty F&B dẫn đầu năm 2022.

2022 là năm thứ bảy Forbes Việt Nam lập danh sách thương hiệu và năm thứ hai việc tính toán thương hiệu công ty phân chia theo lĩnh vực. Danh sách năm 2022 tính toán với ngành thực phẩm và đồ uống. Việc xác định giá trị thương hiệu dựa trên số liệu tài chính, các công ty không hợp tác cung cấp số liệu không nằm trong danh sách đánh giá xếp hạng.



Vinamilk là quán quân thương hiệu với trị giá 2,326 tỉ USD, thuộc tốp những thương hiệu công ty có giá trị nhất Việt Nam. Vinamilk hiện là thương hiệu sữa được người tiêu dùng Việt Nam chọn mua nhiều nhất, theo Kantar Worldpanel và đứng thứ 36 thế giới tính về doanh thu theo Plimsoll (Anh). Ảnh: Bà Bùi Thị Hương, giám đốc điều hành, nhận kỷ niệm chương vinh danh của Forbes Việt Nam.


Masan Consumer xây dựng được danh mục sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có độ phủ lớn và mức độ nhận biết cao với người tiêu dùng Việt Nam, các thương hiệu tiêu biểu như CHIN-SU, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi… và thông qua M&A sở hữu các thương hiệu mạnh khác như Vinacafe Biên Hòa, Vĩnh Hảo… Ảnh: Bà Đinh Hồng Vân, đại diện công ty nhận kỷ niệm chương.

G7 và Trung Nguyên là hai thương hiệu đồ uống nằm trong tốp 10 được người tiêu dùng Việt Nam bình chọn nhiều nhất, theo Kantar Worldpanel. Khác biệt với nhiều thương hiệu nổi tiếng khác tại Việt Nam chỉ phát triển sản phẩm, Trung Nguyên mở chuỗi bán lẻ Trung Nguyên Legend và E-Coffee để quảng bá và giới thiệu thương hiệu. Ảnh: Ông Lương Bình Hải, giám đốc marketing Trung Nguyên. 


Bác sĩ Mai Thanh Việt, phó tổng giám đốc Nutifood nhận kỷ niệm chương vinh danh từ Forbes Việt Nam. Với kim chỉ nam “Giải pháp dinh dưỡng của chuyên gia”, Nutifood trở thành thương hiệu mạnh về phát triển sản phẩm dinh dưỡng, đặc biệt sản phẩm dành cho trẻ em và người cao tuổi. Nutifood từng bước đa dạng hóa danh mục với các sản phẩm mới như sữa tươi, cà phê, thức uống đóng hộp…

Nam Việt là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam, đến 30 nước với thị trường chủ lực là Trung Quốc và Mỹ. Vài năm gần đây Nam Việt tiến sâu vào các hoạt động gia tăng giá trị sản phẩm: mở rộng mảng kinh doanh thực phẩm chức năng từ phụ phẩm cá tra, xây nhà máy chế biến collagen từ da cá, đầu tư mở rộng vùng nuôi và đang tham vọng sản xuất con giống đạt chuẩn. Ảnh: Ông Đỗ Lập Nghiệp – Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Nam Việt nhận kỷ niệm chương vinh danh của Forbes Việt Nam.

Minh Phú, công ty xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam và nằm trong tốp 3 nhà sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới. Nhiều năm liền công ty dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, sản phẩm có mặt ở hơn 50 thị trường trên toàn cầu. Bà Lê Thị Dịu Minh, phó tổng giám đốc Minh Phú, nhận kỷ niệm chương vinh danh của Forbes Việt Nam.
Lộc Trời – nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, tiên phong triển khai chuỗi giá trị từ nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh lúa gạo, cà phê, cây ăn quả đến kinh doanh hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm hữu cơ sinh học… Ảnh: Bà Hồ Thị Tuyết Vân, giám đốc thương mại Lộc Trời.
Masan MEATlife đặt mục tiêu đến năm 2025 nắm giữ 10% thị phần đạm động vật có trị giá 15 tỉ USD của Việt Nam. Ảnh: Bà Đỗ Thị Thu Nga, đại diện công ty nhận kỷ niệm chương.
IDP đạt được những bước kinh doanh khả quan những năm gần đây nhờ chiến lược thương hiệu ấn tượng và tái cơ cấu các hoạt động kinh doanh. Ảnh: Ông Phan Ngọc Mỹ, đại diện IDP.


Dabaco nằm trong nhóm 10 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam. Với mảng sản phẩm tươi sống, Dabaco phát triển mô hình sản xuất khép kín đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và nguồn gốc rõ ràng, chủ động phân phối qua hệ thống bán lẻ riêng kết hợp kênh siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch. Ảnh: Bà Nguyễn Thị Thêu – giám đốc chi nhánh TP.HCM, Dabaco Group.
Thực phẩm Sao Ta (Fimex) là một trong ba nhà xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, với hai thị trường chủ lực là Nhật Bản và EU. Ảnh: Bà Nguyễn Thái Hạnh Linh, đại diện PAN Group – công ty mẹ Fimex, nhận kỷ niệm chương.


Tổng giám đốc Vissan Nguyễn Ngọc An nhận kỷ niệm chương vinh danh từ Forbes Việt Nam. Vissan là một trong những đơn vị sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm chất đạm có bề dày thương hiệu tại Việt Nam. Hình ảnh “Ba bông mai vàng” kết thành hình tam giác trên nền đỏ được chọn làm logo Vissan, mô phỏng sự tương đồng phát triển cho một nền công nghiệp thực phẩm vững chắc, an toàn và chất lượng.



Hoạt động tại khu vực thuận lợi phát triển ngành bò sữa, Mộc Châu Milk sở hữu nhiều dòng sản phẩm từ sữa. Điểm khác biệt của Mộc Châu Milk: nhà máy được xây dựng kết hợp giữa nông nghiệp với mô hình du lịch sinh thái. Ảnh: Ông Đặng Đức Nam – phó tổng giám đốc Mộc Câu Milk, nhận kỷ niệm chương vinh danh của Forbes Việt Nam.




Kido hiện sở hữu các thương hiệu mạnh trong ngành kem và dầu ăn đồng thời quay lại thị trường bánh kẹo nội địa với việc tung ra các sản phẩm bánh tươi, sản xuất nước trái cây và mở chuỗi bán lẻ đồ uống. Ảnh: Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, phó tổng giám đốc tập đoàn KIDO.




Từ năm 2009 tới nay Vĩnh Hoàn liên tục duy trì vị thế là nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Hiện nay Vĩnh Hoàn còn hướng đến phát triển thị trường nội địa với thương hiệu cá tra BASAmaster, tận dụng phụ phẩm cá tra sản xuất các sản phẩm dùng trong công nghệ làm đẹp và chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Bà Trương Tuyết Hoa – giám đốc kinh doanh Vĩnh Hoàn.
Đường Quảng Ngãi đang sở hữu hai thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy và Fami, đang chiếm hơn 90% thị phần trong nước, cùng các thương hiệu nổi bật khác gồm bia Dung Quất, nước khoáng/nước trái cây Thạch Bích, bánh kẹo Biscafun… Ảnh: Bà Hà Thị Lan Hương, giám đốc truyền thông QNS. 


Với lịch sử 132 năm phát triển, Habeco là thương hiệu quốc gia lâu đời thứ hai của ngành bia – rượu – nước giải khát. Những sản phẩm nổi tiếng đại diện cho văn hóa ẩm thực địa phương như Bia Hà Nội, Bia hơi Hà Nội, Bia Trúc Bạch và dòng bia hơi bình dân là một phần văn hóa phố phường tại Hà Nội. Ảnh: Ông Võ Tuấn Bằng, phụ trách phát triển thị trường miền Nam của Habeco.
Vinacafé bắt là một trong những thương hiệu cà phê nổi tiếng của Việt Nam, xuất khẩu vào thị trường Đông Âu từ năm 1983 và tiêu thụ rộng rãi tại thị trường nội địa từ đầu thập niên 1990


TTC Sugar là doanh nghiệp trụ cột của tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, công ty đang chiếm 46% thị phần đường tại Việt Nam với chuỗi sản phẩm từ đường tinh luyện, mật mía và các sản phẩm khác từ đường. Ảnh: Bà Đặng Huỳnh Ức My – phó chủ tịch HĐQT TTC Group nhận kỷ niệm chương vinh danh từ Forbes Việt Nam.


Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/forbes-viet-nam-vinh-danh-25-thuong-hieu-cong-ty-fb-dan-dau-2022)