multi-media / Megastory

Danh sách Forbes 400: Công cuộc chuyển giao tài sản trị giá 93 ngàn tỉ đô

Thế hệ Boomers (sinh 1946 đến 1964) cùng với những người lớn tuổi hơn hiện kiểm soát 2/3 lượng tài sản của hộ gia đình ở Mỹ. Những người giàu nhất trong số đó đã dành nhiều thập niên để suy nghĩ về cách xử lý tài sản của mình sau khi qua đời. Bốn thành viên danh sách Forbes 400, ở độ tuổi từ 77 đến 87, đều tìm ra phương pháp để đảm bảo tiền của mình sẽ được dùng cho các tổ chức từ thiện và trẻ em chứ không phải cho chính nước Mỹ.




“Có bốn mùa ở Oregon: mùa xuân,  mùa thu, mùa đông và mùa khói,” Phil Knight, 85 tuổi, đồng sáng lập Nike, cảm thán. Chia sẻ từ nhà của mình ở trung tâm bang Oregon hồi tháng 8.2023, ông ước lượng tầm nhìn ra ngoài cửa sổ của ông bị giới hạn dưới 90m do cháy rừng. “Đây là bang đẹp nhất thế giới, vì vậy thật đau lòng khi chứng kiến bang này bị khói tàn phá. Tôi đã chi một ít tiền để xem xét tình hình và nhận ra việc kiểm soát những đám cháy này ở bờ Tây là điều rất khả thi.”

Tuyên bố này thật táo bạo. Nhưng với Knight, có một nhiệm vụ còn khó khăn hơn nhiều so với dự đoán: cho đi phần lớn tài sản trị giá 39,5 tỉ đô la Mỹ của mình. “Xác định được các khoản đầu tư từ thiện thông minh không dễ như tôi tưởng và tôi hi vọng những người kế nhiệm cùng với cố vấn của tôi sẽ tìm ra rất nhiều phương hướng khác khi tôi không còn khả năng nghĩ ra những ý tưởng mới,” ông trầm ngâm. “Tôi không vội.”

Mối quan tâm của Knight là đảm bảo gia đình và tổ chức từ thiện – chứ không phải người đóng thuế – nhận được tài sản của mình. Theo lý thuyết, ông phải chịu mức thuế thừa kế 40%, nhưng cũng giống như các thành viên khác của danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ (Forbes 400), ông xác định khoản thuế này sẽ không ảnh hưởng lớn đến tài sản của mình. “Việc đó giống như một hình thức nghệ thuật. Tôi luôn trao đổi với cố vấn tài chính và đó là một trong những chủ đề mà chúng tôi liên tục trao đổi,” ông cho biết.

“Triết lý của tôi là nếu mình làm đúng, các tổ chức từ thiện mà tôi đóng góp sẽ sử dụng số tiền đó tốt hơn chính phủ. Vì thế tôi cho đi với lương tâm hoàn toàn trong sáng.” Tính đến nay, ông đã tặng đi 3,4 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu cho đại học Oregon (trung tâm khoa học và sân bóng rổ), đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon (trung tâm nghiên cứu ung thư) và đại học Stanford (học bổng cho sinh viên quốc tế, xây dựng trường kinh doanh và nghiên cứu về suy giảm nhận thức).

Thế hệ Baby Boomer của Mỹ (sinh từ năm 1946 đến năm 1964), cùng với những thành viên còn sống thuộc các thế hệ trước đó, sắp thúc đẩy công cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất mọi thời đại. Theo cục Dự trữ liên bang Mỹ, hiện nay tại Hoa Kỳ, những người thuộc thế hệ Boomer kiểm soát 75 ngàn tỉ đô la Mỹ, còn thế hệ lớn tuổi hơn họ nắm giữ một khoản khác trị giá 18 ngàn tỉ đô la Mỹ trong tổng tài sản hộ gia đình trị giá 141 ngàn tỉ đô la Mỹ của quốc gia.

Hiển nhiên, một số người về hưu thuộc tầng lớp trung lưu sẽ tiêu hết tiền tiết kiệm của mình trước khi qua đời. Nhưng tài sản ở Hoa Kỳ ngày càng tập trung vào một nhóm người, với 1% những người giàu nhất nắm giữ 31% tài sản ròng – nghĩa là hầu hết những người thuộc nhóm 1% này (giá trị tài sản ròng tối thiểu là 10 triệu đô la Mỹ) sẽ để lại rất nhiều cho con cháu và những mục đích mà họ yêu thích.

Điều đó đặc biệt đúng với những người giàu nhất. Trong số 88 triệu người Mỹ còn sống và sinh trước năm 1965, Forbes đã xác định được 572 tỉ phú – tỉ lệ 0,000007%. Chúng tôi ước tính họ có tổng tài sản ròng là 3,9 ngàn tỉ đô la Mỹ để chuyển giao. Vậy khoản thuế thừa kế thì sao? Cựu chủ tịch Goldman Sachs, Gary Cohn, đã có câu nói nổi tiếng khi còn là cố vấn kinh tế trưởng của tổng thống Donald Trump: “Chỉ có những kẻ ngu ngốc mới phải trả thuế thừa kế.”

Dĩ nhiên, thuế thừa kế từng là nguồn thu thực sự. Nhưng 1/4 thế kỷ với các quyết định chính trị, quy định và các vụ kiện tụng – cùng với sự khéo léo của các luật sư tư nhân – đã xóa bỏ điều này. Quốc hội đã nâng số tiền một cặp vợ chồng có thể chuyển giao cho những người thừa kế mà không phải đóng thuế tài sản hoặc quà tặng từ 1,35 triệu đô la Mỹ vào năm 2000 lên gần 26 triệu đô la Mỹ trong năm nay.

Toàn bộ số tiền 26 triệu đô la Mỹ này giờ đây thậm chí có thể được chuyển vào quỹ tín thác dành cho thế hệ cháu chắt (bỏ qua thế hệ con) – nghĩa là khoản tiền này có thể giúp tăng mức độ giàu có cho các cháu (hoặc chắt) mà không phải nợ thêm bất kỳ khoản thuế quà tặng hoặc thuế thừa kế nào. Ngoài ra, bất kỳ tài sản nào mà một người vẫn sở hữu khi họ qua đời đều sẽ có giá trị tăng dần về cơ bản, do đó, không áp thuế trên thặng dư vốn cho khoản tăng này.

Kết quả: Chỉ 0,04% số trường hợp qua đời bị áp thuế thừa kế vào năm 2020, giảm so với tỉ lệ 2,18% vào năm 2000. Đúng ra, theo luật hiện hành, mức miễn trừ thuế thừa kế sẽ giảm khoảng một nửa vào năm 2026, khi quyết định cắt giảm thuế tạm thời của ông Trump từ năm 2017 hết hiệu lực. Nhưng sở Thuế vụ (IRS) đã đồng ý rằng nếu điều đó xảy ra, IRS sẽ không cố thu hồi (và sau đó đánh thuế) số tiền đã chuyển đi khi còn sống bằng cách áp dụng mức miễn trừ lớn hơn.

Các tỉ phú và triệu phú thậm chí còn có nhiều kỹ thuật chuyển giao tài sản hơn giúp họ được “nhẹ gánh,” gồm những công cụ tài chính kết hợp sáng tạo và táo bạo hơn bao giờ hết: GRAT, FLP, IDGT, GST, CLT, ILIT, IDF.

Một vài công cụ trong số đó nhận được thêm lợi nhuận từ các khoản vay nội bộ gia đình. Cũng có những công cụ khác làm giảm sâu giá trị của tài sản được chuyển nhượng bằng cách tận dụng lý thuyết rằng việc thiếu khả năng tiếp thị hoặc thiếu kiểm soát khiến tài sản có giá trị thấp hơn.

Trong danh sách các ý tưởng đánh thuế người giàu được đưa ra hằng năm, tổng thống Barack Obama và Joe Biden đều đề xuất phải hạn chế một số thủ đoạn này. Nhưng việc đó đã không xảy ra khi đảng Dân chủ nắm giữ cả hai viện của Quốc hội. Hiện giờ, ý tưởng đó là bất khả thi.

Từ lâu, có một phương thức mà những người giàu rất hoan nghênh: tránh thuế thông qua hoạt động từ thiện. Đến nay, đây vẫn là cách làm được yêu thích hơn nhiều so với việc tận dụng các kẽ hở luật pháp. Nhà công nghiệp Andrew Carnegie, người vận động cho thuế thừa kế hiện đại, đã cho đi gần 90% số tiền của mình – khoảng sáu tỉ đô la Mỹ theo thời giá hiện tại – trước khi qua đời vào năm 1919, để lại số dư cho tổ chức phi lợi nhuận Carnegie Corp.

“Chết trong trong sự giàu có là cái chết nhục nhã,” là triết lý ông viết trong tiểu luận “Phúc âm của sự giàu có” của mình vào năm 1889.

Warren Buffett, Bill Gates và Melinda French Gates đã tạo ra phiên bản hiện đại gọn nhẹ hơn của hình thức này vào năm 2010 mang tên Giving Pledge (Cam kết Hiến tặng). Theo đó yêu cầu những người ký tên vào cam kết phải hiến tặng phần lớn tài sản của họ cho các hoạt động từ thiện khi còn sống hoặc khi qua đời.

Kể từ đó, 104 tỉ phú Mỹ hiện có tài sản trị giá 1,5 ngàn tỉ đô la Mỹ (trong đó có 77 người sinh trước năm 1965 có tài sản trị giá 950 tỉ đô la Mỹ) đã ký cam kết này. Nhưng không phải tất cả hoạt động cho đi đều mang ý nghĩa từ thiện thuần túy.

Gần đây, một hình thức “phúc lợi xã hội” phi lợi nhuận mới đã bắt đầu làm biến chất ý nghĩa của hoạt động từ thiện, vì các tổ chức này có thể tham gia vào các hoạt động vận động hành lang không giới hạn và thậm chí tham gia các hoạt động chính trị trực tiếp – những điều mà các tổ chức từ thiện truyền thống không thể làm được.

Trong bài viết này, bốn thành viên của danh sách Forbes 400 chia sẻ những phương thức họ đã thực hiện để củng cố di sản của mình và đảm bảo tài sản của họ thuộc về gia đình và những mục đích từ thiện mà họ muốn. Các phương thức này cũng có thể hiệu quả với những người có tài sản ít hơn.

Bốn người này ở độ tuổi từ 77 đến 87, được xem là thuộc thế hệ Silent (trước Boomer). Họ chỉ im lặng khi thảo luận về di sản của mình. Bốn người đó là Knight; Charles Koch, người theo chủ nghĩa tự do cá nhân ủng hộ thị trường tự do với tài sản 54,5 tỉ đô la Mỹ; Harold Hamm, từ tài xế xe tải trở thành vua dầu mỏ với 25,2 tỉ đô la Mỹ; và ông trùm truyền hình và doanh nhân Internet Barry Diller, người “nghèo” nhất trong số bốn người này, với tài sản 4,1 tỉ đô la Mỹ – và là đảng viên đảng Dân chủ duy nhất.

Diller thẳng thắn và không ăn năn về việc từng sử dụng một thủ thuật né thuế mà ông xem là chính sách tồi. “Bạn sống trong khuôn khổ luật thuế, và nếu luật nói rằng bạn có thể làm điều này hoặc điều kia, và nếu đó là xu hướng phổ biến, thì có ai nào bình thường mà lại hành động khác không?”


CHARLES KOCH leo lên cầu thang ngay trước khi mặt trời mọc ở Wichita, Kansas, để đến văn phòng mình trên tầng ba tại trụ sở chính của Koch Industries, tập đoàn đạt doanh thu 125 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022 mà ông là chủ tịch và đồng CEO. Bức tượng bán thân của cha ông, nhà sáng lập Fred Koch, qua đời năm 1967 ở tuổi 67, được đặt ở vị trí nhìn xuống ông.

Charles mới 32 tuổi khi ông nắm quyền điều hành. Khi được hỏi tại sao ông vẫn làm việc ở tuổi 87, Koch viện dẫn tháp nhu cầu của con người của nhà tâm lý học Abraham Maslow, trong đó cao nhất là khả năng thấu tỏ bản thân ở mức cao nhất (self-realization).

Sau đó, ông giải thích thực tế hơn. “Tôi quen những người bạn đã nghỉ hưu tại câu lạc bộ tôi tham gia ở Palm Springs, họ chơi golf chín lỗ mỗi sáng, ăn trưa và chơi bài suốt buổi chiều. Nếu tôi giống họ, chắc tôi sẽ tự cho một viên đạn vào đầu mình. Tôi không cần làm vậy vì nếu làm thế thì chỉ cần sáu tháng tôi sẽ chết. Đó không phải là sống.”

Con trai của Koch, Chase, 46 tuổi, cho biết niềm đam mê kinh doanh và thay đổi xã hội của cha mình đã giúp ông tiếp tục kiên trì. “Ông ấy tập thể dục sáu ngày một tuần và khá khỏe mạnh.”

Dẫu vậy, Koch gần như đã hoàn thành kế hoạch của mình dành cho giai đoạn sau khi ông từ giã cõi đời. Ông đã chuyển giao đồng đều cho Chase và con gái Elizabeth, 47 tuổi, số cổ phiếu Koch không có quyền biểu quyết của ông. Sau khi Charles qua đời, Chase sẽ nhận được tất cả cổ phiếu có quyền biểu quyết của cha mình, giúp ông có quyền kiểm soát 42%. (Những người thừa kế của anh trai Charles, David, qua đời vào năm 2019, cũng nắm giữ 42%.)

Tháng ba năm ngoái, Dave Robertson, 61 tuổi, một nhân vật kỳ cựu ở Koch Industries, được bổ nhiệm làm đồng CEO với Charles. Đây có phải là người tạm thời trước khi vị trí này được chuyển tiếp sang Chase?

Chase, người được thăng chức phó chủ tịch điều hành vào tháng 3.2023, cho biết: “Tôi không muốn bỏ qua bất cứ trình tự nào.” Nhưng ông nói thêm rằng vai trò hiện tại của ông khi điều hành Koch Disruptive Technologies, công ty con về đầu tư mạo hiểm, là nơi mà ông có thể “tăng thêm nhiều giá trị nhất” hiện nay.

“Chúng tôi không nghĩ đó là công việc kinh doanh của gia đình. Chúng tôi thiên về hướng xem đây là nơi trọng dụng nhân tài. Ngay khi chúng tôi bắt đầu nghĩ về việc ‘thành viên gia đình Koch tiếp theo cần phải đảm nhận vai trò này hoặc vai trò kia,’ tôi nghĩ mình sẽ gặp rắc rối.”

Charles Koch nói các con của ông không nhận được toàn bộ số cổ phần không có quyền biểu quyết của ông; phần còn lại sẽ được dùng để tài trợ cho các tổ chức từ thiện và các mục tiêu của ông, sau khi trừ phần chu cấp cho vợ ông, Liz, 78 tuổi. Ông chưa ký Giving Pledge và sẽ không tiết lộ cụ thể việc phân chia tài sản gia đình cũng như tài trợ từ thiện.

Nhưng ông cũng đã làm một việc lớn chưa từng có trước đó. Năm ngoái, ông trao 4,3 tỉ đô la Mỹ cổ phiếu Koch không có quyền bỏ phiếu cho Believe in People, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Wichita được thành lập theo mục 501(c)(4) của bộ luật thuế, một danh mục lớn gồm các tổ chức “phúc lợi xã hội” đa dạng từ các công ty cứu hỏa tình nguyện đến hiệp hội Súng trường quốc gia và liên minh Tự do dân sự Hoa Kỳ.

Ngược lại với mục 501(c)(3) truyền thống, các tổ chức từ thiện theo mục C4 có thể sở hữu toàn bộ công ty vô thời hạn và tham gia vận động hành lang với số lượng không giới hạn (miễn là các hoạt động này hỗ trợ mục đích chính của tổ chức); trực tiếp tham gia chính trị; và mang lại nguồn lợi cho cá nhân.

Không có thuế thu nhập hoặc khấu trừ thuế thừa kế khi đưa tiền cho một tổ chức theo mục C4, giống như mục C3. Tuy nhiên, vào năm 2015, Quốc hội đã thực hiện điều chỉnh quan trọng đối với luật này do một nhà vận động hành lang của Koch thúc đẩy, qua đó miễn thuế cho phần quà tặng được chuyển cho tổ chức thuộc mục C4.

Vì vậy, một tỉ phú còn sống (hoặc bất kỳ ai khác) có thể tặng tổ chức C4 món quà lớn là cổ phiếu được đánh giá cao mà không phải trả thuế quà tặng hoặc thuế lãi vốn. Sau đó, tổ chức này có thể bán cổ phiếu, miễn thuế lãi vốn hoặc giữ cổ phiếu đó vô thời hạn để thu cổ tức.

Dẫu một số tỉ phú đã đưa toàn bộ công ty của họ vào mục C4, nhưng món quà trị giá 4,3 tỉ đô la Mỹ của Koch dành cho Believe in People là món quà lớn nhất, tính theo đô la Mỹ, dành cho tổ chức thuộc mục C4 mà chúng tôi biết. Tổ chức này chịu sự quản lý của Chase, Robertson và Brian Hooks, đồng tác giả cuốn sách thứ tư của Charles Koch, Believe in People: Bottom-Up Solutions for a Top – Down World xuất bản năm 2020 (Tin vào con người: Giải pháp từ dưới lên cho một thế giới từ trên xuống).

Hooks, 45 tuổi, cũng là người đứng đầu Stand Together, mạng lưới các tổ chức chính sách và từ thiện do Koch tài trợ. Ngoài ra, vào năm 2020, Koch đã tặng 975 triệu đô la Mỹ cổ phiếu không có quyền biểu quyết cho CCKc4, một tổ chức thuộc mục C4 do Chase điều hành. Hai tổ chức C4 mới được tài trợ này có tôn chỉ là thúc đẩy sự tiến bộ của con người như được định nghĩa trong sách của Koch.

Song song với Stand Together là tổ chức Americans for Prosperity (AFP) có tuổi đời gần hai thập niên, một tổ chức C4 “cơ bản” đã chi hàng chục triệu đô la Mỹ mỗi năm cho chính sách và chính trị, bao gồm cả việc phản đối nỗ lực tái tranh cử của tổng thống Obama. Một ủy ban hành động chính trị liên kết với AFP hiện đang phản đối cả Biden và Trump.

Koch, người theo chủ nghĩa tự do cá nhân, đã ủng hộ các chính sách bao gồm cắt giảm thuế và các quy định, cải cách tư pháp hình sự và hợp pháp hóa cần sa. Mặc dù nhấn mạnh rằng mình không đưa ra quyết định tại AFP, nhưng ông chia sẻ quan điểm như sau: “Điều tôi cho rằng rất nguy hiểm, có hại cho đất nước chúng ta chính là việc cả hai đảng đang ngày càng trở nên độc tài.”

Sau khi tận hưởng mùa hè trên du thuyền ở Địa Trung Hải, Barry Diller, 81 tuổi, người sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn truyền thông và Internet IAC, đã trở lại văn phòng ở Manhattan vào tháng chín này để lập luận rằng luật thuế không công bằng đối với những người không đủ tiền mua du thuyền. Ông nói: “Việc cho rằng nguồn vốn xứng đáng được bảo vệ trong khi lương của người lao động thì không là một ý tưởng quái dị.”

Ông đặc biệt ghét việc người chuyển nhượng giữ lại quỹ tín thác niên kim, một công cụ phổ biến để chuyển những tài sản được đánh giá cao cho những người thừa kế được miễn thuế. Ông nói: “GRAT nên bị bãi bỏ. Tôi chưa bao giờ nghe thấy bất kỳ lý do nào xuất phát từ xã hội có liên quan đến chúng.” Nhưng giờ đây chúng đã trở thành xu hướng chủ đạo nên ông cũng áp dụng chúng.

Ngoài 400 triệu đô la Mỹ cổ phiếu của Expedia (tách ra khỏi IAC) mà Diller hiện nắm giữ theo các công cụ GRAT, ông đã chuyển hơn một tỉ đô la Mỹ tài sản khác sang các quỹ tín thác khác nhau cho những người thừa kế của mình thông qua công cụ GRAT.

“Tôi hoàn toàn minh bạch,” ông nói. “Không có luật sư nào của chúng tôi đang tìm kiếm những lỗ hổng pháp luật mới. Một số bạn bè của tôi dành rất nhiều thời gian cho việc này nhưng chúng tôi không làm thế.”

Walton GRAT, còn được gọi là GRAT bị cắt giảm, là một biến thể của công cụ tài chính này. Audrey Walton, vợ cũ của người đồng sáng lập Walmart Bud Walton, đã thắng kiện ở phiên tòa về thuế vào năm 2000 cho phép thực thi công cụ đó.

Một người cha hoặc mẹ đặt cổ phiếu hoặc các tài sản khác vào quỹ tín thác cho con mình và nhận lại một khoản tiền hằng năm (có thể trả bằng cổ phiếu) được tính bằng giá trị hiện tại của tất cả những gì họ vừa đặt vào quỹ tín thác – giả định rằng tài sản đó không tăng trưởng nhanh hơn mức lãi suất thấp theo luật định, được gọi là lãi suất 7520.

Tỉ lệ 1,6% một năm thấp một cách vô lý đó được áp dụng cho những công cụ tài chính GRAT được thiết lập vào tháng 2.2022, trước khi cục Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất. Nếu tài sản GRAT tăng nhanh hơn 1,6%, thì con cái sẽ nhận được một gia tài thực thụ còn lại trong quỹ tín thác (mặc dù cha mẹ đã nhận lại toàn bộ số tiền của mình), và món quà tặng này được miễn thuế.

Bởi vì phương pháp này chỉ có tác dụng nếu cha mẹ sống lâu hơn thời hạn của GRAT, nên người ta thường thực hiện điều này thông qua một loạt GRAT chồng chéo kéo dài từ hai đến mười năm. Ngoài ra còn có một lợi ích phụ: Khi cha mẹ trả bất kỳ khoản thuế thu nhập nào mà GRAT còn nợ (chẳng hạn như cổ tức hoặc lãi vốn), số tài sản còn lại cho con cái sẽ tăng giá trị.

Mặc dù ký Giving Pledge, Diller vẫn có kế hoạch để lại cho các con mình số tiền lớn. “Warren Buffet và những người khác cho rằng không nên để lại tài sản lớn cho con bạn vì điều đó sẽ hủy hoại tham vọng của con. Tôi cho rằng đó là điều sai lầm,” Diller, người lớn lên trong một gia đình thượng lưu ở Beverly Hills, bỏ học đại học và bắt đầu sự nghiệp tại phòng thư tín của William Morris Agency, chia sẻ.

“Chúng có thể tham vọng hoặc không. Nhưng tôi không tin rằng tiền đặc biệt thôi thúc tham vọng.” Bản thân ông từng là CEO của Paramount Pictures và Fox trước khi quyết định rằng mình muốn sở hữu công ty riêng ở tuổi 50.

Ông cũng lôi kéo các con cùng tham gia vào công việc từ thiện của mình. “Trước khi Giving Pledge được công bố, Warren Buffett đã gọi điện và hỏi chúng tôi có muốn tham gia nhóm ban đầu không. Tôi trả lời: ‘Tôi sẽ hỏi con trai tôi, vì nó là người bị ảnh hưởng trực tiếp nhất,’” ông nhớ lại.

Người con trai đó là hoàng tử Alex von Furstenberg, 53 tuổi, một trong hai người con từ cuộc hôn nhân đầu tiên của vợ ông (với một hoàng tử Đức). Diller kết hôn với Diane von Furstenberg, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng, vào năm 2000. “Thằng bé là kẻ ngốc trong lĩnh vực đầu tư,” Diller nói về Alex, người điều hành văn phòng quản lý tài sản gia đình Diller–von Furstenberg và cũng là người thúc giục cha dượng ký vào bản cam kết.

Cho đến nay, Diller đã chi 430 triệu đô la Mỹ cho hoạt động từ thiện, bao gồm hơn 300 triệu đô la Mỹ để phát triển Little Island, công viên công cộng trên hòn đảo nhân tạo ở sông Hudson ngoài khơi Manhattan, với những con đường đầy cây xanh và nhà hát vòng tròn. Nơi này mở cửa vào năm 2021 sau nhiều năm trải qua các thách thức pháp lý và chi phí vượt mức. Công viên này là ‘đứa con cưng’ của Diller.

Ông nói: “Tôi luôn yêu thích nghệ thuật công cộng và không gian công cộng.” Alex và em gái của ông, công chúa Tatiana von Furstenberg, 52 tuổi, cùng với mẹ của họ, ngồi trong hội đồng quản trị quỹ từ thiện của gia đình; Diller khẳng định mỗi người đều có quyền phủ quyết đối với các khoản chi tiêu lớn.

Vì lợi ích từ thiện của trẻ em, Alex đã chi hàng triệu đô la Mỹ tiền riêng của mình để thúc đẩy các kế hoạch giúp người nghèo ở Mỹ gây dựng sự giàu có. Diller nói: “Thằng bé rất quan tâm đến vấn đề bất bình đẳng.”



 “Thuế thừa kế là một vấn đề đáng cân nhắc,” Phil Knight nói thẳng. “Tôi cho rằng đó là lý do chính khiến tôi cho đi phần lớn tài sản, bởi vì làm cách đó tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với cách khác.” Tất nhiên, cách làm khác mà ông đề cập ở đây là một phần tài sản sẽ được chuyển cho nước Mỹ dưới hình thức thuế thừa kế hoặc thuế quà tặng. Oregon, nơi ông là cư dân giàu nhất, cũng áp mức thuế thừa kế 16% mà ông muốn tránh.

Tuy nhiên, ông đã hưởng lợi từ hoạt động từ thiện của mình, trong đó trường cũ của Knight, đại học Oregon, là trường nhận được mức tiền hiến tặng lớn nhất cho đến nay. Ông rất thích chạy khi học đại học, đi nghĩa vụ quân sự một năm, lấy bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh của Stanford, lướt sóng và bán bách khoa toàn thư ở Hawaii rồi đến Nhật Bản.

Rồi ông nhập khẩu một dòng giày chạy bộ của Nhật Bản vào Hoa Kỳ và trở thành CPA (kế toán viên công chứng) – trước khi thành lập Nike vào năm 1964 cùng với huấn luyện viên chạy ở trường đại học của mình. Ông bác bỏ cáo buộc rằng ông đã có ảnh hưởng quá mức tại trường. Nhưng ông cũng không quên những lời chỉ trích. Đó là lý do ông chưa ký Giving Pledge. “Tôi nghĩ với thói ưa chỉ trích của báo chí địa phương, họ sẽ nhìn và nói ‘Ông sẽ không cho đi quá nhanh đâu.’”

“Tôi không muốn vội vàng. Tôi đã quyết định tập trung vào những mục tiêu lớn có thể tạo tác động lớn,” ông nói thêm. “Nó hơi trái ngược với MacKenzie Scott (vợ cũ của người sáng lập Amazon Jeff Bezos), người đã nhanh chóng đóng góp rất nhiều cho hàng trăm tổ chức từ thiện khác nhau và làm được rất nhiều điều tốt. Nhưng có rất nhiều người đang vội.”

Knight cho biết trách nhiệm tiếp tục hoạt động từ thiện của mình trước tiên sẽ thuộc về Penny, người vợ 55 tuổi của ông, người “trẻ hơn tôi 10 tuổi và có thân hình khoẻ mạnh hơn.” Sau đó con trai Travis, 50 tuổi, sẽ đưa ra quyết định. Từng là rapper (nghệ danh Chilly Tee), Travis hiện điều hành Laika, xưởng phim hoạt hình tại Oregon mà cha ông đã nắm quyền kiểm soát vào năm 2002.

Trong cuốn hồi ký Shoe Dog xuất bản năm 2016, Knight bày tỏ sự tiếc nuối vì đã không dành nhiều thời gian hơn cho hai con trai khi xây dựng Nike. (Con trai lớn của ông, Matthew, đã qua đời khi đang lặn biển vào năm 2004.) Hiện ông dành thời gian cùng Travis, nói chuyện về hoạt động từ thiện.

Knight thừa nhận, quá trình đó “thực sự đang ở giai đoạn sơ khai, bởi vì chúng tôi mới bắt đầu nói về những điều đó trong vài năm qua. Tôi vẫn đang đưa ra các quyết định, nhưng con tôi luôn ở bên cạnh tôi trong quá trình này.” Travis cũng đang rèn luyện ở Nike.

Năm 2015, ông tham gia hội đồng quản trị như một phần của kế hoạch kế nhiệm; bố ông từ chức vào năm tiếp theo. Travis nói: “Tôi luôn cảm thấy vị trí của tôi trong hội đồng quản trị giống như người bảo vệ văn hóa.”

Knight đã sử dụng công cụ GRAT để chuyển số cổ phiếu hiện trị giá 3,8 tỉ đô la Mỹ sang một quỹ tín thác mang tên Travis. Theo hồ sơ chứng khoán và phân tích của Bob Lord, luật sư thuế và cố vấn cấp cao của Patriotic Millionaires (nhóm ủng hộ việc đánh thuế cao hơn đối với người giàu), một hành động khác của Knight, liên quan đến một công ty TNHH gia đình tên là Swoosh, đã nâng tổng giá trị cổ phiếu được chuyển thành quỹ tín thác cho những người thừa kế của ông lên 4,4 tỉ đô la Mỹ.

Trong khi quỹ tín thác của Travis hiện có quyền biểu quyết đối với gần 20% cổ phần của gia đình (trị giá 29,8 tỉ đô la Mỹ) tại Nike, thì về lý thuyết, 85% cổ phần thuộc sở hữu của Phil Knight. Lord chỉ ra rằng ông có thể sử dụng quỹ tín thác niên kim từ thiện theo di chúc (CLAT – một lựa chọn đã có từ lâu – để giảm hoặc loại bỏ thuế thừa kế đối với số tài sản còn lại này.

Giống như Walton GRAT, CLAT là công cụ “cắt giảm.” Các tổ chức từ thiện nhận được khoản thanh toán niên kim trong một số năm cố định đã được tính toán nhằm làm cạn kiệt giá trị hiện tại của tài sản được đưa vào CLAT – với giả định rằng họ không kiếm được nhiều hơn mức lãi suất thấp 7520 đó.

Nếu họ kiếm được nhiều tiền hơn, những người thừa kế cuối cùng sẽ nhận được phần tài sản còn lại của quỹ tín thác mà không phải trả bất kỳ khoản thuế thừa kế nào. Người phát ngôn của Knight thừa nhận CLAT là một “lựa chọn khả thi,” nhưng nói thêm rằng “hiện tại không có kế hoạch nào như vậy được dự tính.”

Knight cũng có thể để lại số cổ phần đó cho vợ mình và được miễn thuế (theo quy định miễn thuế hôn nhân không giới hạn) và trì hoãn việc lập kế hoạch trợ cấp cho bà. Khi được hỏi ông sẽ để lại bao nhiêu phần trăm tài sản cho từ thiện, ông nói với Forbes: “Chắc chắn là hơn 51%. Chắc chắn không phải là 90%. Ở đâu đó mức giữa. Sau cùng, những quyết định cuối cùng đó sẽ được quyết định sau khi tôi ra đi. Penny và Travis có cùng quan điểm và họ sẽ đưa ra quyết định đối với phần lớn số tiền được cho đi.”

“Tiền bạc hoàn toàn không phải là động cơ thôi thúc ông ấy,” Shelly Lambertz, giám đốc văn hóa và hành chính của Continental Resources, nói về người cha 77 tuổi của bà, Harold Hamm, nhà sáng lập doanh nghiệp. “Ông ấy yêu công ty. Đó là ‘đứa con’ đầu tiên và cũng là ‘đứa con’ yêu thích của ông. Đó là đặc điểm nhận diện của ông.”

Hamm, đứa con thứ 13 của những người trồng trọt ở Oklahoma, đi chân đất trồng bông, làm tài xế xe tải chở dầu sau khi tốt nghiệp trung học, khoan giếng dầu khi mới 25 tuổi và tiến đến lãnh đạo cuộc cách mạng thủy lực cắt phá (fracking) của Mỹ.

Ông cho biết ưu tiên hàng đầu của ông lúc này là tạo ra tiền mặt để trả khoản tiền 4,3 tỉ đô la Mỹ mà ông đã vay để mua lại công ty tư nhân Continental trong thương vụ thâu tóm trị giá 27 tỉ đô la Mỹ (giá trị doanh nghiệp) vào tháng 11.2022.

Vào thời điểm đó, ông chuyển một nửa cổ phần ở Continental của gia đình (hiện trị giá khoảng 25 tỉ đô la Mỹ) sang các quỹ tín thác mang lại nguồn lợi cho năm người con của mình. Việc đó khiến ông mất 25 năm làm việc với luật sư và một loạt giao dịch phức tạp liên quan đến công ty trách nhiệm hữu hạn gia đình, các khoản vay cho các quỹ tín thác và chiết khấu định giá.

Ông nói: “Bí quyết lớn nhất là bắt đầu sớm, khi công ty còn nhỏ, trước khi sự tăng trưởng diễn ra và giá trị được tạo ra. Mục tiêu là khi bạn chết, những người thừa kế của bạn không phải bán công ty để đóng thuế.” Ông lưu ý, chuyển sang tư nhân không phải là một động thái chuẩn bị cho thừa kế mà là một quyết định kinh tế dựa trên xu hướng của thị trường cho rằng “có vẻ như dầu khí sẽ không còn tồn tại sau năm 2020.”

Đến nay, Hamm quyên góp khoảng 200 triệu đô la Mỹ – chưa đến 1% tài sản của mình – cho hoạt động từ thiện hỗ trợ nghiên cứu tiểu đường, năng lượng và các mục đích khác. Năm 2011, ông ký Giving Plege với người vợ thứ hai. Ba năm sau, ông viết cho bà tấm séc giải quyết ly hôn trị giá 975 triệu đô la Mỹ và thề không tái hôn. Ông không muốn chia sẻ gia sản với IRS. “Tôi chưa thấy điều gì khiến tôi tin rằng chính phủ đã làm rất tốt với số tiền mà nước Mỹ đã cấp cho họ.”

Biên dịch: Quỳnh Anh

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/forbes-400-cong-cuoc-chuyen-giao-tai-san-tri-gia-93-ngan-ti-do)