multi-media / Megastory

Evermos muốn giúp kinh tế Indonesia phát triển thịnh vượng hơn

Evermos đã huy động tổng cộng 77 triệu đô la Mỹ để giúp những doanh nghiệp nhỏ lẻ và những cộng đồng xa xôi, thiếu thốn phát triển hơn nữa.

Sinh ra và lớn lên tại Yogyakarta, một trong những thành phố nghèo nhất Indonesia nằm ở tỉnh Trung Java, Ghufron Mustaqim muốn giúp đỡ những người bạn thời thơ ấu và nâng tầm các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Trở thành “cầu nối” giữa hai nhóm này là mục tiêu cơ bản để Evermos, công ty khởi nghiệp vận hành nền tảng thương mại xã hội 5 năm tuổi của anh, huy động 39 triệu đô la Mỹ trong thời gian qua.

“Thông qua Evermos, chúng tôi có thể nâng cao đời sống của những người bạn, hàng xóm và giúp các thương hiệu nội địa từ những vùng lân cận phát triển hơn. Nếu có sự đồng lòng, chung sức từ nhiều phía, điều mà chúng tôi gọi là gotong royong (tương trợ lẫn nhau) trong tiếng Indonesia, công ty có thể góp phần thúc đẩy nền kinh tế tiến về phía trước, đưa Indonesia phát triển thịnh vượng hơn nữa,” Ghufron Mustaqim, đồng sáng lập kiêm CEO của Evermos, chia sẻ trong một buổi phỏng vấn trực tuyến.

Người dùng có thể nhận hoa hồng lên đến 30% khi giới thiệu bạn bè hay bất kì người nào mua hàng trên Evermos. Ảnh: Evermos.

Thành lập năm 2018 với trụ sở tại Bandung, Trung Java, Evermos khởi đầu từ một nền tảng giúp người dùng bán các sản phẩm Halal sản xuất theo theo luật Hồi giáo, gồm hijab (đeo mạng và đầu quấn khăn) và mỹ phẩm thuần chay.

Tên của công ty bắt nguồn từ câu “Nhu cầu thiết yếu của mọi người Hồi giáo” (everyday needs for every Moslem), trong đó chữ Moslem là cách phát âm của “Muslim” trong tiếng Indonesia. 

Với gần 90% trong tổng dân số 273 triệu người theo đạo Hồi, Indonesia ghi nhận sự nổi lên của thị trường nội địa dành cho các sản phẩm và dịch vụ Halal, đạt quy mô xấp xỉ 184 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020, theo ngân hàng trung ương nước này.

Đến nay, có 160.000 đại lý giao dịch hằng tháng và 1.600 đối tác thương hiệu hoạt động trên nền tảng Evermos, trở thành một trong những nền tảng thương mại xã hội (social commerce) lớn nhất Indonesia và được vinh danh trong danh sách Forbes Asia 100 to Watch năm 2021.

Evermos tập trung vào nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), chiếm gần như toàn bộ trong tổng số doanh nghiệp ở Indonesia và đóng góp 60% GDP nước này, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 10.2022. Evermos cho biết tổng giá trị giao dịch (GMW) trong năm 2022 tăng gấp 17 lần so với 2020, nhưng không cung cấp số liệu cụ thể.

Người dân Indonesia từ 17 tuổi trở lên có thể đăng ký trở thành đại lý trên ứng dụng của Evermos, lựa chọn sản phẩm để bán và giới thiệu tới bạn bè, gia đình hay những mối liên hệ khác. Tương tự như chương trình tiếp thị liên kết Associates của Amazon, người dùng sẽ nhận hoa hồng đến 30% mỗi khi giới thiệu bạn bè hay bất kì người nào mua hàng trên Evermos. 

Các doanh nghiệp MSME có thể tạo tài khoản trên ứng dụng hỗ trợ Evermos Partner để đưa sản phẩm lên nền tảng, quản lý số lượng hàng tồn kho và cập nhật doanh số từ đại lý. Theo Evermos, công ty khởi nghiệp này đang hỗ trợ hơn 80.000 sản phẩm khác nhau, đều đạt yêu cầu về chất lượng và tuân thủ theo luật Hồi giáo.




“Thông qua Evermos, chúng tôi có thể nâng cao đời sống của những người bạn, hàng xóm và các thương hiệu nội địa từ những vùng lân cận phát triển hơn.”
Ghufron Mustaquim, đồng sáng lập và CEO của Evermos.



Vào tháng 5.2023, Evermos đã huy động 39 triệu đô la Mỹ từ vòng gọi vốn Series C do công ty tài chính quốc tế (IFC), một thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB), và quỹ IFC Emerging Asia Fund dẫn dắt, nâng tổng số vốn công ty nhận về lên 77 triệu đô la Mỹ.

Vòng gọi vốn này còn có các nhà đầu tư gồm Shunwei Capital của tỉ phú Lôi Quân – đồng sáng lập Xiaomi, Jungle Ventures, UOB Venture Management và Telkomsel Mitra Inovasi, bên cạnh những cái tên mới như SWC Global, Endeavor Catalyst và Uni-President Asset Holdings.

“Mở rộng quy mô của nền tảng thương mại xã hội như Evermos có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp to lớn vào gia tăng phạm vi tiếp cận thị trường, tạo ra việc làm, cũng như nâng tầm hàng triệu doanh nghiệp MSME và doanh nhân, với nhiều người trong số đó là phụ nữ và giữ vai trò ‘xương sống’ của nền kinh tế xứ vạn đảo,” Randall Riopelle, giám đốc thường vụ của IFC tại Indonesia và Đông Timor, cho biết trong thông cáo báo chí về vòng gọi vốn mới nhất của Evermos.

Evermos cho biết sẽ dùng khoản đầu tư mới để mở rộng dịch vụ cho các doanh nghiệp MSME trong chuỗi giá trị bán lẻ – đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng, xây dựng mạng lưới đại lý, phát triển công cụ và giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như triển khai các chương trình nâng cao kỹ năng như quảng cáo trực tuyến.

Công ty sẽ hướng tới các vùng đô thị loại 2 và 3, hoặc những vùng đô thị loại 4 kém phát triển hơn nhưng đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng (lưu ý con số cao hơn thể hiện tình trạng kém phát triển hơn).

Ảnh từ trái sang: Bốn nhà đồng sáng lập EvermosGhufron gồm Mustaquim – tổng giám đốc điều hành; Ilham Taufiq – giám đốc chiến lược; Iqbal Muslimin – giám đốc phát triển bền vững và Arip Tirta – chủ tịch công ty. Ảnh: Evermos.

Thương mại điện tử đang đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế số bùng nổ mạnh mẽ của Indonesia. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Co., thương mại điện tử Indonesia đạt tổng giá trị giao dịch 77 tỉ đô la Mỹ trong năm 2020, chiếm gần 40% GMW của Đông Nam Á. Nền kinh tế số nước này được dự báo chạm mốc 130 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, khi thương mại điện tử tăng tốc sau các giai đoạn phòng dịch COVID-19.

“Tuy có quy mô phát triển tốt, chúng tôi thực chất chỉ mới bước chân vào thị trường châu Á đầy tiềm năng,” Arip Tirta, đồng sáng lập và chủ tịch của Evermos cho biết. Evermos muốn tạo ra một cộng đồng đại lý tại 7.500 quận phụ của Indonesia.

Đến nay, công ty khởi nghiệp này đã có 1.500 đại lý. Evermos cho biết các đại lý của công ty đã giúp doanh nghiệp MSME tiến vào những khu vực mới, một thách thức tại quốc gia có 17.000 hòn đảo nhỏ trải dài trên 4.999 km.

Trong hai đến ba năm tới, Evermos sẽ tập trung vào mở rộng quy mô tại 500 thành phố của Indonesia, bắt đầu từ Java, hòn đảo đông dân nhất đóng góp 80% tổng giá trị giao dịch cho đến Sumatra, một trong những hòn đảo lớn nhất của quốc gia này.


Đối với những cộng đồng xa xôi, thiếu thốn, sức hút của việc trở thành đại lý nằm ở chỗ, Evermos giúp họ có thêm nguồn thu nhập. Theo công ty cung cấp dữ liệu CEIC, thu nhập bình quân hằng tháng của người dân Indonesia ở mức 192 đô la Mỹ.

Evermos muốn trở thành nơi kết nối các doanh nghiệp nhỏ lẻ với đại lý bán hàng. Ảnh: Evermos.

Để so sánh, Tirta đưa ra dữ liệu rằng người dùng hoạt động tích cực trên Evermos sẽ thu về trung bình 40 đô la Mỹ/tháng từ việc trở thành đại lý và có thể lên đến hơn 1.000 đô la Mỹ, tùy thuộc vào mức độ tham gia. Khoảng một nửa người dùng của Evermos là những người phụ nữ nội trợ và hơn 1/4 làm công việc toàn thời gian hoặc bán thời gian.

Dẫu vậy, công ty khởi nghiệp này đang đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn từ những nền tảng thương mại xã hội khác như Super, công ty từng tham gia chương trình gia tốc khởi nghiệp của Y Combinator, huy động 70 triệu đô la Mỹ từ vòng Series C do New Enterprise Associates có trụ sở tại Mỹ dẫn dắt hồi tháng 6.2022.

Hướng tiếp cận tập trung vào logistics ở những địa phương nhất định của Super giúp công ty này cung cấp các mặt hàng tiêu dùng đến đại lý chỉ trong một ngày. Một đối thủ khác của Evermos là gã khổng lồ thương mại điện tử cũng từ Indonesia, Tokopedia.

Theo Mustaqim, các đại lý còn gặp trở ngại về nâng cao kỹ năng và tư duy bán hàng. “Thời gian sẽ chứng minh hướng đi của chúng tôi có hiệu quả hay không. Nhưng khi nhìn vào bước tiến hiện nay với nhiều thương hiệu nội địa tin dùng dịch vụ của Evermos, chúng tôi biết mình cần tiếp tục phát triển theo hướng này.” Mustaqim, cựu nhân viên tư vấn của McKinsey, chia sẻ.

Biên dịch: Minh Tuấn

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/evermos-muon-giup-kinh-te-indonesia-phat-trien-thinh-vuong-hon)