Quốc tế

Elon Musk có thể thâu tóm Twitter sau khi từ chối gia nhập ban lãnh đạo

1 năm trước
Tác giả Abram Brown

Share
this:

Ngay sau khi Elon Musk từ chối tham gia ban lãnh đạo Twitter, có nhận định rằng ông muốn thâu tóm mạng xã hội này.

Có nhà tài phiệt âm thầm tích lũy cổ phiếu được cho không có giá trị trong một công ty. Nhà đầu tư này công khai thể hiện lo ngại về công ty này và đặt câu hỏi cho mọi thứ, từ mô hình doanh thu cơ bản cho đến văn hóa doanh nghiệp, và từ chối lời đề nghị gia nhập ban lãnh đạo cũng như tạm dừng chỉ trích.

CEO của Tesla, Elon Musk tham dự sự kiện khánh thành siêu nhà máy Giga mới tại Đức vào ngày 22.3.2022. Ảnh: Associated Press

Chúng ta đã nhiều lần chứng kiến sự việc như vậy xảy ra trong hơn một thập kỷ qua, khi nhà đầu tư giàu có chuẩn bị tiến hành thâu tóm thù địch lên công ty đó. Giờ đây, Twitter đang đối mặt với hiện thực này, sau khi Elon Musk quyết định không tham gia vào ban lãnh đạo, vị trí dành cho ông được CEO Parag Agrawal và nhà sáng lập Jack Dorsey trang trọng thông báo vào tuần trước. Trước đó một ngày, Elon Musk, người giàu nhất thế giới, cho biết ông sở hữu 9,2% cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter.

“Điều này thay đổi từ câu chuyện ‘Lọ lem’ với Elon Musk gia nhập vào ban lãnh đạo Twitter thành ‘Cuộc chiến Vương Quyền’ giữa hai bên,” Dan Ives, nhà phân tích của Wedbush tập trung vào Tesla, một trong hai công ty do Elon Musk điều hành (còn lại là SpaceX).

Vậy điều gì đã xảy ra? Trong một tuần qua, Musk đưa ra một số đề nghị về thay đổi Twitter. Musk đề xuất Twitter có thể thay đổi những kế hoạch mới xoay quanh phiên bản trả phí, Twitter Blue và có vẻ như ủng hộ loại bỏ quảng cáo, lĩnh vực mang lại gần như toàn bộ doanh thu hằng năm 3,7 tỉ USD của công ty.

Thêm vào đó, Musk đưa ra những ý tưởng cho trụ sở của Twitter (chuyển đổi nơi này thành khu nhà ở cho người vô gia cư) và cả tên công ty (lược bớt chữ “w” để thành một trò đùa trẻ con). Khi Elon Musk lên tiếng, ông thu hút lượng lớn khán giả của 81 triệu người theo dõi trên Twitter, trở thành một trong những nhân vật được theo dõi sát sao nhất trên ứng dụng này.

Nhưng điều gây bất ngờ nhất là bài đăng với câu hỏi của Musk hôm 9.4 về việc, liệu Twitter có đang thoái trào? Musk chỉ ra một số tài khoản có nhiều lượt theo dõi nhất trên Twitter hiếm khi đăng bài viết, thu hút sự chú ý về phía các tài khoản hoạt động hạn chế của những người nổi tiếng như Rihanna, Justin Bieber và Taylor Swift.

Bài viết của Elon Musk trên Twitter về những tài khoản có lượt theo dõi cao nhưng ít hoạt động.

Bài viết của Elon Musk tạo ra thêm “sự căng thẳng” cho nhân viên tại Twitter, những người đã cảm thấy lo lắng về những ảnh hưởng từ sự xuất hiện của ông có thể để lại trong ban lãnh đạo. Bài viết của Musk về Twitter và nhóm tài khoản được theo dõi đông đảo nhưng ít hoạt động nhanh chóng vấp phải chỉ trích từ God-Is Rivera – giám đốc văn hóa và truyền thông toàn cầu của Twitter.

“Là người dùng Twitter thường xuyên, ông nên hiểu rõ lượng người theo dõi không phải lúc nào cũng là quan trọng nhất. Những người thúc đẩy cuộc trò chuyện, xây dựng tính công bằng trong cộng đồng và mang đến góc nhìn khác biệt mới là yếu tố làm nên sức hút cho ứng dụng này,” God-Is Rivera phản hồi bài viết của Elon Musk.

Agrawal và Dorsey đều nhanh chóng chào mừng, ca ngợi Elon Musk trên Twitter và thông báo vị trí của ông trong ban lãnh đạo. Vào năm 2019, Twitter từng thử thành công chiến lược tương tự với nhà đầu tư chủ động, Elliott Management, khi Elliott mua lại cổ phần và muốn có sự thay đổi trong công ty.

Tuy vậy, có vẻ như kế hoạch không đem lại hiệu quả với nhà đầu tư như Elon Musk, người chuyển hướng sang phong cách quản lý hỗn loạn khi điều hành Tesla và SpaceX, và thường dùng Twitter để đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi về kế hoạch của hai công ty này.

Trong thỏa thuận đưa Musk vào ban lãnh đạo kèm theo điều kiện không được sở hữu hơn 14,9% cổ phần trong công ty. Do không gia nhập ban lãnh đạo Twitter, Musk có thể mua số cổ phiếu theo ý muốn. Phần lớn tài sản của Elon Musk là cổ phần trong Tesla, nên ông sẽ bắt tay với công ty vốn sở hữu tư nhân hoặc một số nhà tài phiệt khác nếu muốn tiến hành chiến dịch thâu tóm.

Twitter không có cổ phiếu hai tầng như nhiều công ty công nghệ đại chúng khác (Meta, Alphabet và Snap), đem lại quyền biểu quyết – kiểm soát cho những nhà sáng lập và bảo vệ họ trước Musk.

Cổ phiếu của Twitter, với giá trị giảm 3,7% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa hôm 11.4, đã chịu ảnh hưởng trong nhiều tháng gần đây do lo ngại rằng công ty sẽ không thể đạt mục tiêu do Jack Dorsey đề ra trong việc nhanh chóng tăng doanh thu và người dùng trong những năm tới trước khi ông từ chức. Từ tháng 10.2021-3.2022, cổ phiếu của Twitter mất gần 50% giá trị.

Twitter từ lâu đã gặp khó khăn trong việc dung hòa giữa văn hóa doanh nghiệp và mục tiêu kinh doanh vững chắc. Thành lập vào năm 2006, gần bảy năm sau, công ty tiến hành niêm yết và ghi nhận giá cổ phiếu chạm ngưỡng 70 USD/cổ phiếu, chỉ vài tháng sau đợt IPO. Tuy vậy, giá cổ phiếu sau đó suy giảm và chỉ trở lại mức 70 USD/cổ phiếu vào thời điểm đại dịch COVID-19, khi Twitter và những công ty công nghệ khác ghi nhận lượng người dùng tăng lên trong khoảng thời gian phong tỏa.

Việc một công ty tiềm năng không đáp ứng được kỳ vọng thường thu hút nhà đầu tư thôn tính các công ty (corporate raider), những người nhìn thấy cơ hội gom mua cổ phiếu giá rẻ, cải thiện kinh doanh và bán ra để thu lời.

Elliott Management mua lại cổ phần vào năm 2019 trước khi có được nhượng bộ từ ban lãnh đạo Twitter, bao gồm mục tiêu phát triển nhanh hơn nữa và kế hoạch thay thế Jack Dorsey. Vào tháng 11.2021, Jack Dorsey rời Twitter và nhường lại vị trí CEO cho Agrawal.

Sự xuất hiện của Elon Musk vào tuần trước như “phao cứu sinh” cho giá cổ phiếu và tăng lên gần 20% kể từ khi ông hé lộ số cổ phần nắm giữ, ngay cả sau đợt bán tháo trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa. Điều này đồng nghĩa, Elon Musk giúp cổ phiếu trở nên đắt giá hơn nữa nếu lựa chọn tuyên chiến với Twitter.

Xem thêm: Elon Musk, Jack Dorsey bỏ túi thêm gần 1 tỉ USD khi cổ phiếu Twitter tăng 27%

Xem thêm: Twitter bổ nhiệm Elon Musk vào ban lãnh đạo

Biên dịch: Minh Tuấn