Doanh nhân huyền thoại người Ấn Độ Ratan Tata qua đời hồi tháng 10.2024 ở tuổi 86, để lại di sản là tinh thần đổi mới sáng tạo tại Tata Group, tập đoàn danh tiếng với doanh thu 165 tỉ đô la Mỹ.
Đầu năm 2024, Chính phủ Ấn Độ đã “bật đèn xanh” cho Tata Electronics, công ty gia công cơ khí chính xác thành lập năm 2017, xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn đầu tiên của quốc gia này ở bang Gujarat với đối tác PSMC từ Đài Loan (Trung Quốc).
Dự án có quy mô đầu tư 11 tỷ USD, do Tata Electronics giữ quyền vận hành. Việc dự án này nhận phê duyệt được xem là một trong những thành tựu lớn nhất của cố chủ tịch danh dự Ratan Tata trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hiện tại, công nghệ đang là trọng tâm tại Tata Group, tập đoàn sở hữu 30 công ty hoạt động ở mười lĩnh vực khác nhau. Trong đó, Tata Consultancy Services (TCS), công ty có vốn hóa thị trường 174 tỷ USD, là “lá cờ đầu” trên thị trường công nghệ thông tin (IT). Còn Tata Technologies, công ty đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Ấn Độ vào năm 2023, là doanh nghiệp tiên phong phát triển xe điện tự hành thế hệ tiếp theo.
Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật kết cấu và kiến trúc tại Đại học Cornell ở Mỹ, vào đầu những năm 1960, Ratan Tata trở về Ấn Độ và suýt chấp nhận lời mời làm việc từ Tập đoàn IBM. Tuy nhiên, J.R.D. Tata, khi đó là chủ tịch của Tata Sons – công ty holding thuộc Tata Group, đã thuyết phục ông gia nhập tập đoàn này.
Sau những năm đầu làm việc tại hai công ty Telco (tiền thân của Tata Motors) và Tisco (sau này trở thành Tata Steel), chàng trai trẻ Ratan Tata chuyển sang TCS vào năm 1970 và có thời gian ngắn gắn bó với công ty khi đó mới chỉ được thành lập hai năm.
Năm 1971, Ratan Tata lần đầu điều hành một công ty công nghệ khi trở thành giám đốc của National Radio and Electronics (Nelco), nhà sản xuất thiết bị truyền thanh và linh kiện. Trong suốt bốn năm đảm nhận vai trò này, ông đã chứng tỏ được khả năng lãnh đạo, đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm và chuyên môn quý báu. Hiện nay, Nelco đã mở rộng hoạt động sang sản xuất vệ tinh viễn thông, thiết bị giao tiếp, cũng như các hệ thống an ninh và giám sát tích hợp.
Thời điểm Ratan Tata làm việc ở Nelco, Tata Group chủ yếu tập trung vào sản xuất đầu máy xe lửa và xe tải hạng nặng. Đến khi ông được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch tại Tata Industries – công ty con đóng vai trò “ươm mầm” và phát triển các dự án kinh doanh mới – tập đoàn Ấn Độ này bắt đầu chuyển hướng sang ngành công nghệ cao.
Một thập niên sau, Ratan Tata thay thế J.R.D. Tata ngồi vào chiếc ghế chủ tịch tại Tata Sons cũng như Tata Trusts, tổ chức quản lý nhiều quỹ từ thiện và nắm giữ 66% cổ phần chi phối của tập đoàn. Sự chuyển giao này diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ tiến hành tự do hóa kinh tế và nới lỏng quản lý doanh nghiệp.
Trong hai thập niên tiếp theo, Tata Group đã có những bước chuyển mình quan trọng. Sau khi Ấn Độ khép lại giai đoạn “license raj” (thời kỳ chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt các doanh nghiệp nước này) và bắt đầu thúc đẩy thị trường tự do, Ratan Tata đã xác định những động lực tăng trưởng then chốt cho Tata Group.
Một trong những hướng đi quan trọng là hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế để tiếp thu kiến thức và chuyên môn trong các lĩnh vực sẽ định hình tương lai như hàng không vũ trụ, quốc phòng, tiêu dùng, bán lẻ và ô tô… Điều này mở đường cho Tata Group thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với những tên tuổi lớn toàn cầu như Hitachi và gần đây là Starbucks, Boeing và Analog Devices.
Tata Group cũng áp dụng tư duy toàn cầu vào quản trị nhân sự, cải tổ đội ngũ lãnh đạo cấp cao và bổ nhiệm các giám đốc nước ngoài giàu kinh nghiệm. Quá trình này đồng nghĩa với việc trẻ hóa lực lượng quản lý. Chẳng hạn, Ajit Kerkar – vị chủ tịch quyền lực (được truyền thông gọi là “sa hoàng”) của Taj Hotels, công ty thuộc Tata Group – đã bị hội đồng quản trị bãi nhiệm và được thay thế bằng một trong những giám đốc đáng tin cậy nhất của tập đoàn.
Vài năm sau, Raymond Bickson, người gốc Hawaii, được Tata Group bổ nhiệm làm giám đốc vận hành (COO) rồi thăng tiến lên vị trí giám đốc điều hành (CEO) của Taj Hotels vào năm 2003, trở thành người nước ngoài đầu tiên giữ chức giám đốc tại tập đoàn.
Tiếp đó, có thêm Darryl Green từ Vodafone Japan gia nhập Tata Teleservices và Alan Rosling, cựu cố vấn chính sách cho thủ tướng Anh khi đó là John Major. Năm 2003, Alan Rosling trở thành CEO đầu tiên tại Tata Sons không mang quốc tịch Ấn Độ, với trọng trách đưa tập đoàn vươn tầm quốc tế.
Từ việc làm mới đội ngũ lãnh đạo tại các công ty chủ chốt và thoái vốn khỏi các lĩnh vực không mang tính chiến lược như xi măng và xà phòng, Tata Group đã tạo nền tảng vững chắc để thực hiện những thương vụ thâu tóm lớn ở nước ngoài.
Trong những năm đầu thập niên 2000, tập đoàn đã mua lại thương hiệu nước giải khát Tetley và nhà sản xuất hóa chất soda ash mang tên Brunner Mond tại Vương quốc Anh, cùng với mảng kinh doanh xe thương mại của Công ty Daewoo Hàn Quốc.
Năm 2006, Tata Group đầu tư 12,1 tỷ USD để thâu tóm Corus, hãng sản xuất thép danh tiếng tại Anh. Đến năm 2008, dưới sự dẫn dắt của Ratan Tata, tập đoàn tiếp tục hoàn tất thương vụ trị giá 2,3 tỷ USD mua lại thương hiệu ô tô nổi tiếng của Anh, Jaguar Land Rover, từ Ford Motor.
Không phải khoản đầu tư nào dưới thời Ratan Tata cũng mang lại “quả ngọt,” nhưng chúng thể hiện rõ tham vọng của vị doanh nhân Ấn Độ trong việc đưa các công ty chủ chốt của Tata Group vươn ra thế giới.
Năm 2008, Tata Motors giới thiệu Nano – mẫu xe được quảng bá là rẻ nhất thế giới với mức giá chỉ khoảng 2.500 USD. Là sản phẩm được Ratan Tata đặt nhiều kỳ vọng, nhưng Nano không đạt kết quả như mong muốn khi doanh số tụt dốc do xuất hiện những lo ngại về chất lượng hoàn thiện xe.
Đến năm 2012, thời điểm Ratan Tata rời chức chủ tịch Tata Sons, tập đoàn ghi nhận hai phần ba doanh thu đến từ thị trường quốc tế. Tata Sons tiếp tục đà tăng trưởng này với các công ty con có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Cho đến khi qua đời, Ratan Tata vẫn là chủ tịch tại Tata Trusts. Điều này đảm bảo ông duy trì tầm ảnh hưởng lớn trong Tata Group. Sau khi Ratan Tata rời khỏi vị trí lãnh đạo, Tata Sons gặp khó khăn trong việc tìm ra người kế nhiệm.
Cyrus Mistry, con út của cố doanh nhân lĩnh vực xây dựng Pallonji Mistry, ban đầu tiếp quản vị trí này nhưng bị bãi nhiệm vào năm 2016. Chủ tịch hiện tại là Natarajan Chandrasekaran, người từng giữ cương vị CEO tại TCS, công ty có nhiều đóng góp vào nguồn thu của Tata Group.
Tata Group đang ở vị thế rất tốt để tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi tham gia vào các lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của Ấn Độ. Điều này đúng với tầm nhìn mà Jamsetji Tata, ông cố của Ratan Tata, đã vạch ra từ những năm 1860.
Hiện tại, các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Tata Group như sản xuất thép và phát triển hạ tầng đang có thêm lợi thế cạnh tranh từ chiến lược mà Ratan Tata đã theo đuổi từ thập niên 1980: ứng dụng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Nội dung đã được đăng trên Tạp chí Forbes Việt Nam số 136 tháng 12.2024
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/doanh-nhan-ratan-tata-va-di-san-tai-tata-group)