multi-media / Megastory

Đại bàng xây tổ vững chắc

Foxconn, đối tác sản xuất chính của Apple, mở rộng hàng chục nhà máy tại Việt Nam, trở thành đại diện tiêu biểu của dòng vốn FDI trong ngành điện tử.

Ngày 8.10.2024, Foxconn đón tin vui: hai nhà máy của tập đoàn được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vinh danh là “Nhà máy Thông minh Tiên phong” (Lighthouse Factory), những biểu tượng dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhờ ứng dụng công nghệ đột phá để nâng cao năng suất và tối ưu hóa doanh thu.

Một trong số đó gồm nhà máy Hữu Nghị 2 tọa lạc tại Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, một trong những tỉnh tốp thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt đang đổ mạnh vào các lĩnh vực bán dẫn và điện tử với sự góp mặt của những cái tên đình đám như Hana Micron Vina, Luxshare…

Cụm nhà máy Foxconn ở Việt Nam. Ảnh: Foxconn

Hữu Nghị 2 đã ghi danh trên bản đồ các nhà máy Thông minh Tiên phong toàn cầu nhờ triển khai hơn 40 ứng dụng công nghệ tiên tiến của cách mạng 4.0, theo WEF. Kết quả: năng suất nhà máy vọt lên 190% so với trước, tỷ lệ giao hàng đúng hạn chạm mốc ấn tượng 99,5%, trong khi chi phí sản xuất giảm mạnh 45%.

“Nhà máy Hữu Nghị 2 là minh chứng về việc ứng dụng công nghệ góp phần tăng năng suất đáng kể,” đại diện truyền thông Foxconn, nhà cung ứng hàng đầu của Apple, chia sẻ trong email độc quyền với Forbes Việt Nam.

Foxconn đã xây dựng một mạng lưới sản xuất rộng khắp Việt Nam với 10 cụm khu vực và tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD theo kế hoạch được công bố lúc đầu, sau 18 năm đầu tư tại Việt Nam kể từ năm 2007, cùng với xu hướng dịch chuyển vốn “Trung Quốc+1”.

Sự mở rộng của Foxconn diễn ra song song với quá trình chuyển mình của Việt Nam trong việc thay đổi định hướng sản xuất và xuất khẩu, từ các sản phẩm thâm dụng lao động sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn như điện tử. Một lần nữa, đối tác sản xuất MacBook và iPad đang biến các “cứ điểm” tại Việt Nam thành trung tâm sản xuất thông minh, cùng dòng chảy chuyển dịch vốn FDI thế hệ mới.

Đáng chú ý, nhà máy Hữu Nghị 2 của Foxconn là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam được WEF vinh danh và đưa vào hệ thống Nhà máy Thông minh Tiên phong toàn cầu, cùng với 189 nhà máy từ các quốc gia như Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Singapore…

Trải dài trên diện tích 5,4 héc ta, dự án xây dựng nhà máy Hữu Nghị 2 nhận giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2019. Với vốn đầu tư 53 triệu USD, nhà máy này chuyên sản xuất và gia công thiết bị điện tử, viễn thông phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, Hữu Nghị 2 là một trong những nhà máy tiên phong trong việc tích hợp công nghệ AI của Foxconn.

Bắt đầu từ khoảng năm 2019, công ty của vị tỷ phú giàu thứ ba Đài Loan (Trung Quốc), ông Terry Gou, thực hiện một sự thay đổi lớn trong chiến lược tập đoàn: chuyển đổi từ mô hình cung cấp dịch vụ sản xuất truyền thống sang mô hình cung cấp dịch vụ nền tảng cho sản xuất thông minh, xe điện thông minh và thành phố thông minh. Động thái này nhằm nâng cao giá trị sản xuất và phát triển các công nghệ tiên tiến, bao gồm AI (trí tuệ nhân tạo), Internet vạn vật (IoT), và tự động hóa.

Nghĩa là, Foxconn không chỉ tiếp tục là đối tác sản xuất lớn cho các thương hiệu nổi tiếng như Apple, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực mới, bao gồm sản xuất xe điện và xây dựng nền tảng thông minh cho các thành phố và cơ sở hạ tầng công nghệ. Hồi tháng 3.2025, gã khổng lồ này tiết lộ kế hoạch sẽ sản xuất xe điện cho hai hãng xe Nhật Bản cùng một khoản vốn 120 triệu USD được rót vào tỉnh Quảng Ninh để sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển xe điện…

Ước tính, hiện trong mỗi 10 thiết bị điện tử bán trên thị trường từ điện thoại thông minh đến tivi có tới bốn thiết bị là do Foxconn sản xuất. Foxconn đã trở nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cung ứng cho Apple, Dell, Microsoft…

“Tập đoàn sẽ vẫn duy trì dẫn đầu thị trường điện tử cũng như định vị là nhà cung cấp nền tảng cho sản xuất thông minh,” ông Young Liu, chủ tịch Foxconn, chia sẻ trong thông cáo về kết quả kinh doanh năm 2024. Lợi thế của Foxconn dựa trên mạng lưới sản xuất đa dạng toàn cầu tại hơn 20 quốc gia và năng lực đáp ứng nhanh nhu cầu của khách hàng. Theo tự bạch, doanh thu của cả tập đoàn trong năm ngoái đạt kỷ lục mới 6.860 tỷ Đài tệ (gần 208 tỷ USD), tăng 11,3% so với năm trước đó.

“Chúng tôi tăng cường đầu tư, nỗ lực không ngừng nghỉ, nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường công nghệ cao đầy tính cạnh tranh,” Foxconn cho biết trong email phỏng vấn với Forbes Việt Nam.

Tại Việt Nam, hồi tháng 2.2025, New Wing Interconnect Technology, công ty con của Foxconn ở tỉnh Bắc Giang, thông báo sẽ chi 50 triệu USD để mua lại 25% cổ phần tại Goertek Electronics Việt Nam thuộc Tập đoàn Công nghệ Goertek tại Sơn Đông, Trung Quốc, nhà cung ứng linh kiện cho các đối tác như Samsung, Amazon….

Theo chia sẻ từ công ty, Việt Nam lọt vào mắt xanh của Foxconn nhờ “những chính sách rõ ràng, nhất quán và nguồn nhân lực dồi dào.” Quốc gia hơn 100 triệu dân ban hành một số ưu đãi thuế hấp dẫn, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, đồng thời có nhiều khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng phát triển để tạo thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu, theo ông Kyle Freeman, đối tác của Dezan Shira & Associates, nhận xét trong email gửi cho Forbes Việt Nam.

“Việt Nam thực hiện rất tốt trong việc trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài,” ông Kyle Freeman nhận xét. Vị này còn cho biết, vị trí địa lý thuận lợi nằm gần Trung Quốc là lợi thế cộng thêm giúp Việt Nam vươn lên trong chuỗi cung ứng. Do đó, miền Bắc Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các công ty triển khai chiến lược kinh doanh “Trung Quốc + 1”, chuyển sản xuất hoặc lắp ráp ra khỏi Trung Quốc, nhưng vẫn dùng linh kiện hoặc nguyên liệu được sản xuất tại nước này.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng trong hai tháng đầu năm 2025, các dự án FDI đã giải ngân được khoảng 2,95 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, nổi lên là các đối tác đầu tư đến từ châu Á như Singapore, Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc).

Sự bứt phá trong xuất khẩu điện tử, sản phẩm công nghệ của Việt Nam phần lớn nhờ vào các tập đoàn nước ngoài. Theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), nguồn vốn FDI rót vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 71% vào năm 2020 lên 81% năm 2024.

Ngoài ra, theo nhận xét của ông Kyle Freeman, việc Việt Nam hưởng lợi chính từ cuộc chiến thương mại trước đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, giúp đẩy mạnh ngành xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ đóng góp của công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm hơn 70% tổng xuất khẩu của quốc gia. Cái tên Việt Nam trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu ngoài Trung Quốc khi các công ty muốn đa dạng chuỗi cung ứng. FDI chảy vào Việt Nam ngày càng nhiều, trở thành một trong những trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Năm 2006, Việt Nam đón dự án tỷ đô la đầu tiên từ nhà sản xuất chip của Hoa Kỳ Intel. Một năm sau đó, Foxconn bắt đầu triển khai các dự án tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang dưới hai pháp nhân là Công ty TNHH Funing Precision Component và Công ty TNHH Fuhong Precision Comporent.

Hiện Việt Nam là điểm đến đầu tư lý tưởng không chỉ của các tập đoàn điện tử, công nghệ, bán dẫn nổi tiếng của Hoa Kỳ, Hàn Quốc như Samsung mà những “ông lớn” từ Đài Loan (Trung Quốc) như Wistron, Qisda, Pegatron, Compal, Quanta, Foxconn…

Cụ thể, đầu năm 2007, tại tỉnh Bắc Giang, tập đoàn đầu tư 113 triệu USD cho dự án Hữu Nghị tại Cụm công nghiệp Đồng Vàng (nay là Khu công nghiệp Đình Trám), theo ban quản lý khu công nghiệp tỉnh. Đến cuối năm 2007, tập đoàn tiếp tục đầu tư 67,4 triệu USD để thực hiện dự án hạ tầng tại Khu công nghiệp Vân Trung.

Đây là những “viên gạch đầu tiên” để giúp các thành viên thuộc gia đình của Foxconn không chỉ từ Đài Loan (Trung Quốc) mà còn từ Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) di chuyển đến Việt Nam “xây tổ” vững chắc trong những năm tiếp sau đó. “Hoạt động tại Việt Nam bổ sung và hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất của toàn tập đoàn, góp sức đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng,” đại diện của Foxconn chia sẻ.

Đến tháng 8.2019, Công ty TNHH Fuhong Precision Component thuộc tập đoàn đầu tư thêm 53 triệu USD để triển khai dự án Hữu Nghị 2 tại Khu công nghiệp Quang Châu với Nhà máy Thông minh Tiên phong (Lighthouse). Theo tự bạch, nhà máy ứng dụng công nghệ AI, các thuật toán tiên tiến thúc đẩy quy trình lập mô hình và phân tích nâng cao, dự đoán đơn hàng, hiển thị hoạt động sản xuất theo thời gian thực, cho phép đưa ra quyết định chủ động, giảm thời gian ngừng hoạt động, tối ưu hóa lịch trình bảo trì.

Ngoài ra, tất cả dây chuyền lắp ráp của Hữu Nghị 2 đều được tự động hóa với tốc độ và mức độ chính xác, linh hoạt cao. Nhà máy còn ứng dụng AI tạo sinh và nhiều công nghệ tiên tiến để phát hiện, phân tích lỗi sai, khắc phục lỗi và thiếu sót do con người gây ra, quản lý an toàn thông tin…

Bằng cách tích hợp công nghệ 3D, Hữu Nghị 2 kiểm soát được quá trình sản xuất, kiểm tra từ xa. Ngoài ra, công ty còn tự sản xuất kính thực tế tăng cường, kết hợp cùng hệ thống hỗ trợ toàn diện kỹ thuật số giúp kỹ sư giải quyết từ xa những vấn đề phát sinh kịp thời theo thời gian thực.

Xét về quy mô, đáng chú ý trong “vòi bạch tuột” của gã khổng lồ Foxconn tại Việt Nam là dự án nhà máy công nghệ chính xác FULIAN với tổng vốn đầu tư lên đến 621 triệu USD tại Bắc Giang đầu năm 2023. Nhà máy sản xuất máy chủ, vỏ máy chủ, bo mạch chủ…. Tính đến nay, Foxconn đã đầu tư 11 dự án vào khu công nghiệp phía Bắc với tổng vốn gần 2,3 tỷ đô la Mỹ, theo ban quản lý khu công nghiệp tỉnh.

Ngoài hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, năm 2019, Foxconn còn mở rộng đầu tư vào Quảng Ninh. Tính đến nay, tập đoàn đã đầu tư năm dự án tại tỉnh này với tổng vốn đạt gần một tỷ USD. Trong đó có dự án sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện. Hướng đi này được thực hiện theo chiến lược phát triển dài hạn của tập đoàn, phát triển ba ngành công nghiệp lớn, bao gồm: xe điện, y tế kỹ thuật số và robot. Tập đoàn ước tính mỗi ngành có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) cao, trung bình hơn 20%.

Theo Foxconn, “Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên” góp sức giúp tập đoàn tăng trưởng đáng kể trong hệ sinh thái ô tô cũng như mảng máy chủ AI, bên cạnh duy trì vị trí chiếm lĩnh thị trường dịch vụ điện tử như hiện nay. Tính đến tháng 1.2025, tập đoàn mở rộng sản xuất và phát triển hạ tầng khu công nghiệp tại 10 khu vực ở Việt Nam. “Foxconn đang mở rộng vững chắc” sau 18 năm hiện diện tại Việt Nam, đại diện Foxconn chia sẻ.

Khi các nền tảng đã được củng cố vững chắc, Foxconn đang ở vị trí thuận lợi hơn bao giờ hết để dẫn đầu trong làn sóng chuyển dịch vốn FDI tiếp theo tại Việt Nam. Bên cạnh Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), thu hút sự tham gia của nhiều đối tác công nghệ hàng đầu thế giới, Foxconn đang song hành và thể hiện rõ tham vọng tiên phong trong lĩnh vực này.

Tại phiên thảo luận giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm ngoái, ông Brand Cheng, CEO của Foxconn Industrial Internet – một nhánh thuộc “đại bàng” công nghệ này – đã nhấn mạnh: “Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, và chúng tôi đồng hành cùng sự phát triển đó của Việt Nam.”

Nội dung đã được đăng trên Tạp chí Forbes Việt Nam số 140 + 141, chuyên đề Mở khóa dóng vốn, phát hành tháng 4.2025

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/dai-bang-xay-to-vung-chac)