Công nghệ blockchain (chuỗi khối) có thể góp phần định hình tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe
Công nghệ blockchain (chuỗi khối) thực sự đã mở ra cuộc cách mạng về tầm nhìn về thông tin và dữ liệu trong tương lai. Ở mức độ ứng dụng căn bản nhất, blockchain có khả năng phân tán dữ liệu dưới bất kỳ hình thức nào, chuyển quyền kiểm soát từ một thực thể duy nhất (ví dụ như cá nhân hoặc tổ chức) sang mạng lưới phi tập trung.
Từ việc tận dụng mạng lưới phi tập trung trong kiểm soát thông tin, xã hội có thể đảm bảo tính minh bạch, độ chính xác và tin cậy của dữ liệu.
Trong sách trắng về blockchain do Trung tâm khởi nghiệp và công nghệ Sutardja thuộc ĐH California – Berkeley (UC Berkeley) phát hành, các tác giả giải thích “Về cơ bản, công nghệ blockchain là sổ cái công khai kỹ thuật số phân tán dữ liệu của toàn bộ giao dịch hoặc sự kiện ứng dụng công nghệ đã diễn ra và chia sẻ tới mọi thành viên tham gia.
Mỗi giao dịch trong sổ cái công khai được chứng thực bởi phần lớn các thành viên tham gia mạng lưới và không thể thay đổi hoặc xóa bất kỳ dữ liệu nào sau khi thêm vào.” Đến nay, ứng dụng blockchain trong thực tiễn phổ biến nhất là đồng bitcoin (BTC), phiên bản phi tập trung của tiền kỹ thuật số.
Những người khởi xướng ra công nghệ này nhận định blockchain sẽ cách mạng hóa mọi ngành nghề, lĩnh vực trên toàn thế giới, giúp quá trình trao đổi dữ liệu và thông tin trở nên dễ dàng, đáng tin cậy và bảo mật hơn. Trong khi một vài lĩnh vực đang nỗ lực trở thành một trong những cái tên sớm ứng dụng blockchain, số khách lại tỏ ra thận trọng về phương thức vận hành và triển khai một cách chậm rãi.
Trong một nghiên cứu công bố năm 2021, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) đã đề cập đến tiềm năng của blockchain trong lĩnh vực y tế. Nghiên cứu này đưa ra nhiều trường hợp ứng dụng tiềm năng từ tính minh bạch trong chuỗi cung ứng và bảo mật khi truy cập vào hồ sơ bệnh án, cho đến tạo ra nhiều hướng kết nối với các công ty bảo hiểm và thậm chí là mở ra những khả năng chăm sóc sức khỏe từ xa cho bệnh nhân tốt hơn nữa.
Đặc biệt là dữ liệu sức khỏe, khi những người ủng hộ blockchain tin tưởng công nghệ này có thể nâng cao tính bảo mật và độ tin cậy hơn so với các giải pháp hiện nay. Theo lý giải từ bài viết của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) “Các giải pháp dựa trên công nghệ blockchain ứng dụng vào quản lý hồ sơ sức khỏe cung cấp những loại mật mã hóa nhằm đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu cá nhân khi liên hệ với nhiều bên khác nhau.
Với token hóa dữ liệu, hợp đồng thông minh và các loại mật mã hóa liên quan đến giao dịch trong mạng lưới blockchain, công nghệ này sẽ giảm đáng kể các quy trình trước khi ủy quyền, giúp bệnh nhân tiếp nhận thông tin chăm sóc sức khỏe quan trọng hiệu quả hơn. Nhờ đó, các bác sĩ, y tá có thể nhanh chóng truy cập vào thông tin liên quan so với trước đây, khi phải phụ thuộc vào bệnh nhân hoặc hồ sơ sức khỏe gửi qua đường bưu điện hoặc qua email từ nhiều nguồn khác nhau, như các phòng khám địa phương, phòng nghiên cứu….”
Tuy vậy, số khác lại tỏ ra e dè khi blockchain vẫn chưa phổ biến rộng rãi. Qua đó, dấy lên hoài nghi và ngần ngại trong việc ứng dụng công nghệ này vào lĩnh vực quan trọng như hạ tầng y tế. Bên cạnh đó, ứng dụng thực tế của blockchain tuy phát triển nhanh chóng nhưng vẫn còn hạn chế. Thực chất, nền tảng cơ bản của công nghệ này đã tồn tại từ lâu. Theo lý giải trong nghiên cứu của HHS, học thuyết đầu tiên về blockchain xuất hiện từ những năm 1980, với công nghệ hiện đại ngày càng phát triển trong hơn hai thập kỷ qua.
Dẫu vậy, việc ứng dụng sáng kiến đổi mới vào thông tin và dữ liệu sức khỏe phải được tiến hành sớm hơn, trong bối cảnh thế giới hiện nay đối mặt với những mối đe dọa an ninh mạng và vấn đề về độ tin cậy của dữ liệu.
Thật vậy, công nghệ blockchain sẽ còn phát triển trong thời gian dài, và các nhà cải cách, hoạch định chính sách và những người đam mê công nghệ sẽ có những cách ứng dụng khôn khéo blockchain vào lĩnh vực y khoa một cách an toàn, có trách nhiệm và theo tiêu chí lấy bệnh nhân làm trung tâm.