Tiêu điểm

Chuyên gia kinh tế nhận định 186 ngân hàng có thể trở thành SVB tiếp theo

1 năm trước
Tác giả Peter Cohan

Bốn chuyên gia kinh tế cảnh báo có 186 ngân hàng tại Mỹ đứng trước nguy cơ lập lại kịch bản tồi tệ của Silicon Valley Bank (SVB).

Share
this:

Tuy không xuất hiện thêm tin tức nào khác về ngân hàng phá sản trong hơn một tuần qua, nhưng ngành ngân hàng toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng. Có hai nguyên nhân khiến thị trường tiếp tục lo ngại:

Một nghiên cứu từ bốn chuyên gia kinh tế công bố hôm 13.3 đưa ra, 186 ngân hàng đứng trước nguy cơ thiệt hại 300 tỉ USD tiền gửi được bảo hiểm.

Vào ngày 19.3, New York Times đưa tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cảnh báo Silicon Valley Bank (SVB) về rủi ro tài chính của ngân hàng này từ năm 2021, hơn một năm trước thời điểm tuyên bố phá sản vừa qua. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của SVB đã không có động thái gì để khắc phục vấn đề.

Tổ chức Moody’s cũng cảnh báo ban lãnh đạo SVB về việc hạ xếp hạng tín nhiệm, khoảng một tháng trước thời điểm ngân hàng này công bố khoản huy động vốn khẩn cấp.

Giá cổ phiếu của ngân hàng First Republic Bank giảm sâu sau khi tiếp nhận 30 tỉ USD tiền gửi từ các ngân hàng khác vào ngày 16.3. Do đó, việc xuất hiện thêm một ngân hàng thông báo phá sản chỉ còn là vấn đề về thời gian.

Hình ảnh dòng người tới rút tiền gửi tại một chi nhánh của Silicon Valley Bank (SVB). Ảnh: Getty Images.

Nguyên nhân đằng sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank

Từ bài viết đầu tiên về thông tin tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) thông báo tiếp quản SVB vào ngày 10.3, cũng như qua mỗi bài viết đã đọc, tôi rút ra được lý do dẫn đến sự kiện SVB phá sản. Dưới đây là 6 nguyên nhân theo phân tích của tôi:

Vì sao FDIC tiếp quản SVB? Đó là vì không một tổ chức tư nhân nào sẵn sàng mua lại SVB vào thời điểm hiện tại.

Vì sao SVB không thể tìm ra người mua? Khách hàng ồ ạt rút tiền ra khỏi SVB, chỉ tính riêng ngày 9.3 là 42 tỉ USD, chiếm 1/4 tổng giá trị tiền gửi trong ngân hàng ngày. Việc này làm phức tạp thêm quá trình mua bán.

Điều gì khiến các khách hàng rút tiền ra khỏi SVB? Vào ngày 8.3, SVB khiến các nhà đầu tư bất ngờ khi thông báo lỗ 1,8 tỉ USD từ danh mục đầu tư 21 tỉ USD vào chứng khoán kho bạc và vay 15 tỉ USD. Khi 94% giá trị tiền gửi trong SVB vượt quá giới hạn bảo hiểm 250.000 USD của FDIC, điều này đã gây tâm lý lo ngại và khiến khách hàng rút tiền.

Vì sao SVB lại huy động tài chính với chi phí cao như vậy? Hồi tháng 2.2023, Moody’s thông báo tới SVB về việc hạ xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng này.

Vì sao Moody’s quyết định hạ xếp hạng tín nhiệm của SVB? Nguyên nhân nằm ở việc giá trị của cả tiền gửi và quỹ đầu tư trái phiếu giảm mạnh.

Vì sao giá trị tiền gửi và quỹ đầu tư trái phiếu giảm xuống? Việc Fed nâng lãi suất cho vay khiến giá cổ phiếu ngành công nghệ tụt giảm, thị trường IPO “đóng băng”, dòng vốn đầu tư từ các quỹ mạo hiểm vào công ty khởi nghiệp có chiều hướng đi xuống. Vì lẽ đó, các công ty khởi nghiệp rút tiền gửi để duy trì hoạt động, lãi suất cho vay tăng cao hơn khiến giá trị cổ phiếu của SVB đi xuống.

Vì sao 186 ngân hàng khác có nguy cơ lặp lại kịch bản của Silicon Valley Bank?

Bốn chuyên gia kinh tế ghi nhận 186 ngân hàng khác có những đặc điểm tương tự như SVB.

Trong nghiên cứu với tiêu đề “Thắt chặt tiền tệ và sự mong manh của ngân hàng Hoa Kỳ trong năm 2023: Thiệt hại theo giá thị trường và người gửi tiền không được bảo hiểm tháo chạy?”, bốn chuyên gia kinh tế này đều nhận định chỉ cần một nửa khách hàng không có bảo hiểm quyết định rút tiền gửi cũng tiềm ẩn rủi ro đối với 186 ngân hàng này và 300 tỉ USD tiền gửi được bảo hiểm.

Điểm chung giữa nhóm ngân hàng này với SVB thể hiện qua các điểm chính sau:

Giá trị tiền gửi vượt giới hạn bảo hiểm, chẳng hạn như từ 250.000 USD trở lên.

Giá trị của trái phiếu chính phủ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS) giảm xuống do lãi suất cho vay tăng cao lên gần 5% trong 12 tháng qua.

Đây là những yếu tố dẫn đến sự cố sụp đổ của SVB và có thể lặp lại với các ngân hàng khác có sức khỏe tài chính không tốt do không có sự can thiệp hoặc tái cấp vốn. Theo USA Today, SVB nắm giữ phần lớn trái phiếu của chính phủ Mỹ, với giá trị giảm xuống do lãi suất giảm từ hơn 4% xuống dưới 2%.

Song song đó, nhóm khách hàng của SVB, với rất nhiều trong số đó là các công ty khởi nghiệp đã mất tiền, quyết định rút tiền gửi ra khỏi ngân hàng này để giải quyết bài toán về cân đối dòng tiền. Nguyên nhân từ việc thị trường IPO ngưng trệ khiến giới đầu tư mạo hiểm ngừng rót vốn vào thị trường khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, số lượng tiền gửi không có bảo hiểm cao tại SVB dẫn đến việc nhiều khách hàng đổ xô rút tiền, ngay trước thời điểm ngân hàng này rơi vào khó khăn. “Chỉ 1% các ngân hàng có số tiền gửi không được bảo hiểm cao hơn. Điều này, cùng với khoản lỗ và số lượng tiền gửi không được bảo hiểm cao khiến khách hàng của SVB ồ ạt rút tiền,” theo nghiên cứu.

Vì sao cơ quan quản lý ngân hàng lại để việc này xảy ra?

Để lý giải cho khẩu hiệu của Washington Post, các ngân hàng gặp khó khăn về tài chính sẽ sụp đổ. Cụ thể, Fed và thậm chí là bốn chuyên gia kinh tế có thể nắm thông tin về những gì diễn ra trên thị trường không công bố công khai.

Việc không chia sẻ thông tin này khiến người gửi, nhà đầu tư và trái phủ gặp rủi ro đáng kể về tài chính. Đầu tiên, tôi cảm thấy hụt hẫng khi nghiên cứu không đưa ra cụ thể tên của 186 ngân hàng có nguy cơ đối mặt với những rủi ro tương tự như SVB.

Thay vào đó, nghiên cứu này bao gồm Thống kê 5: Các thể chế tài chính lớn nhất sụp đổ nếu toàn bộ khách hàng tháo chạy, với bản đồ của 10 ngân hàng và SVB, sử dụng chấm màu kèm theo các chữ cái theo ba hướng sau:

  • Số lượng tài sản tính đến quý 1.2022 (số lượng tài sản càng nhiều tương đương với chấm màu càng lớn).
  • Tỷ lệ giá trị tài sản giảm xuống do lãi suất cho vay tăng cao, sử dụng phương pháp kế toán theo giá thị trường.
  • Số tiền gửi không được bảo hiểm có khả năng rút ra ghi nhận theo tỷ lệ phần trăm tài sản theo giá thị trường.

Dưới góc nhìn đại chúng, chắc chắn là tôi sẽ muốn biết tên của những ngân hàng này. Hơn hết, tôi muốn biết tên của toàn bộ 186 ngân hàng và vị trí của họ trong bản đồ này.

Tôi còn cảm thấy không hài lòng hơn khi biết đến một bài viết của Wall Street Journal vào ngày 15.3 rằng, Moody’s hồi tháng 2 vừa qua thông báo sẽ hạ xếp hạng tín nhiệm tới SVB do nhiều khách hàng rút tiền, và giá trị của quỹ đầu tư trái phiếu giảm xuống.

Vậy tại sao giữa khoảng thời gian giữa thông báo hạ xếp hạng tín nhiệm của Moody’s tới SVB và thời điểm ngân hàng này báo cáo thua lỗ sau khi bán chứng khoán kho bạc với mức giá 21 tỉ USD lại xa đến thế?

Tôi đoán là Moody’s kết luận rằng nên cho SVB có thêm thời gian để huy động tài chính trước khi hạ xếp hạng tín nhiệm. Quyết định tạm hoãn này ảnh hưởng lớn đến các cổ đông của SVB.

Nhưng vấn đề quan trọng nhất là Fed đã cảnh báo Silicon Valley Bank về rủi ro tài chính của ngân hàng này ngay từ năm 2021.

Theo New York Times, vào thời điểm đó, các giám sát viên của Fed tại San Francisco đã đưa ra sáu cảnh báo tới SVB, bao gồm việc ngân hàng này không đủ tiền trả cho các khách hàng rút tiền.

New York Times cho biết ban lãnh đạo của SVB đã phớt lờ những cảnh báo này của Fed. “Mùa thu năm 2022, các giám sát viên của Fed đã gặp một số nhà lãnh đạo cấp cao của SVB để trao đổi trực tiếp về khả năng huy động đủ số vốn giữa bối cảnh khủng hoảng, cũng như đối mặt với khoản lỗ lớn nếu lãi suất cho vay tăng,” theo New York Times.

Tại sao ban lãnh đạo SVB lại phớt lờ cảnh báo từ Fed? Vì sao họ không có động thái gì để bảo vệ các cổ đông và khách hàng, cũng như bổ nhiệm giám đốc mới để giúp ngân hàng này khắc phục vấn đề?

Phản ứng của thị trường về First Republic và các ngân hàng khác

CNBC đưa tin, cổ phiếu của First Republic, mất 70 tỉ USD lượng tiền gửi theo New York Times, đã bốc hơi 50% giá trị sau khi nhiều ngân hàng lớn cam kết gửi 30 tỉ USD vào ngân hàng này.

Ngày 20.3, thị trường xuất hiện một tia hi vọng rằng ảnh hưởng từ First Republic sẽ không lan rộng. “Mặc dù giá cổ phiếu của First Republic giảm xuống, chứng chỉ quỹ SPDR Regional Banking ETF vẫn tăng 3,2% trong phiên giao dịch hôm 20.3 và PacWest Bancorp tăng 11%. Trong khi đó, KeyCorp và Zions Bancorp đều tăng khoảng 2%,” CNBC cho biết.

Dẫu vậy, First Republic cũng đã tạm dừng chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông và động thái huy động tài chính khác khiến S&P vào ngày 19.3 cho biết “First Republic đang chịu áp lực về vấn đề thanh khoản cao và lượng tiền gửi giảm mạnh trong hơn một tuần qua.”

First Republic sẽ gặp khó khăn để tìm ra người muốn mua ngân hàng này. CNBC lưu ý “Khách hàng ồ ạt rút tiền gửi, trái phiếu và khoản vay thế chấp giảm trong dài hạn ảnh hưởng đến giao dịch, cũng như không có cái tên nào thực sự quan tâm đến việc mua lại ngân hàng này có thể tạo ra một lỗ hổng 25 tỉ USD trong bảng cân đối kế toán của First Republic.”

Nhìn chung, tính ổn định của thị trường tài chính có thể còn tồi tệ hơn nữa trừ khi First Republic tháo gỡ được khó khăn và nhóm 186 ngân hàng tránh khỏi cái kết như SVB.

Biên dịch: Minh Tuấn