Chuỗi trà, cà phê Phúc Long thu về 820 tỉ đồng trong 6 tháng và còn khá xa mục tiêu 2.500 – 3.000 tỉ cả năm của công ty mẹ, tập đoàn Masan.
Báo cáo kinh doanh của tập đoàn Masan (HoSE: MSN) ghi nhận chuỗi Phúc Long đóng góp doanh thu cho tập đoàn mẹ 820 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo ghi chú của Masan, dữ liệu được tính toán dựa trên kết quả kinh doanh của sáu tháng cuối năm 2021 (Masan bắt đầu sở hữu 20% Phúc Long từ tháng 5.2021).
Ở thời điểm đầu 2022 Masan từng chia sẻ kế hoạch doanh thu của Phúc Long trong năm tài chính 2022 từ 2.500-3.000 tỉ đồng thông qua việc mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk trong Winmart+ cũng như đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê.
Tuy nhiên, EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao) tính trong sáu tháng đạt 117 tỉ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được lý giải là do chuỗi này đang gia tăng đầu tư cho mô hình kiosk tích hợp trong các cửa hàng Winmart+ nên cần thời gian để tối ưu hoạt động.
Trong những tháng qua, mô hình kiosk của Phúc Long được mở khá nhiều ở các siêu thị Winmart+ trên cơ sở bố trí lại cửa hàng. Tính đến hiện tại, theo website Phúc Long, có 83 cửa hàng và 94 kiosk ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng…
Kế hoạch của Masan trong những tháng tiếp theo là đẩy nhanh việc mở mới các cửa hàng flagship để tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và ra mắt các thức uống mới để mô hình kiosk Phúc Long thành công hơn nữa.
Masan thông qua thành viên là công ty TNHH The Sherpa nắm giữ 51% cổ phần của Phúc Long Heritage, doanh nghiệp sở hữu chuỗi trà Phúc Long, sau hai lần mua cổ phần với tổng giá trị đầu tư 125 triệu USD. Các kiosk Phúc Long được xem là một mảnh ghép, cùng với dịch vụ viễn thông, nhà thuốc và tài chính trong chiến lược “point of life” mà tập đoàn này theo đuổi.
Trong sáu tháng đầu năm 2022, Masan ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu thuần 36.023 tỉ đồng, giảm 12,5% do đã chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi cho đối tác. Lợi nhuận sau thuế 3.110 tỉ đồng, tăng 122,7% cùng kỳ. Tổng nợ hợp nhất của Masan tại cuối kỳ sáu tháng ghi nhận 56.872 tỉ đồng, giảm 1.306 tỉ đồng so với cuối năm 2021.
Ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch hội đồng quản trị Masan Group trong báo cáo tiếp tục tái khẳng định chiến lược đầu tư công nghệ. “Chúng tôi tin rằng công nghệ là yếu tố chuyển đổi bức tranh tiêu dùng và xem đây là một trong những trụ cột chiến lược. Điểm khác biệt duy nhất là chúng tôi không xem công nghệ như một mô hình kinh doanh độc lập mà là một công cụ mạnh mẽ để cá nhân hóa dịch vụ sản phẩm nhằm mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm vượt trội.” ông Quang cho biết.
Xem thêm:
Masan vẽ chân dung khách hàng
Masan chi 65 triệu USD sở hữu 25% cổ phần Trusting Social
Tập đoàn thực phẩm Pháp ANDROS liên kết mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam
Chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao thua lỗ 710 triệu USD
2 năm trước
Masan vẽ chân dung khách hàng3 năm trước
CP Việt Nam: Quán quân trong căn bếp3 năm trước
Masan lần đầu có lãi với WinMart, WinMart+