Sukhinder Singh Cassidy của Xero đưa nền tảng kế toán được thành lập ở xứ sở Kiwi và niêm yết tại Úc trở lại trạng thái có lãi.
Vào thời điểm Sukhinder Singh Cassidy tiến hành cuộc họp toàn thể nhân viên đầu tiên với tư cách giám đốc điều hành mới của công ty phần mềm kế toán khổng lồ Xero vào tháng 11.2022, đợt sa thải lớn trong ngành công nghệ đang phủ bóng đen lên toàn thế giới.
Giá cổ phiếu từng tăng vọt của công ty đã giảm hơn một nửa trong 12 tháng trước và nhân viên muốn biết liệu họ có giữ được việc làm hay không.
Kể về sự hối hả, những khoản cược lớn và những quyết định khó khăn đã đưa bà từ Canada đến Thung lũng Silicon, Singh Cassidy nhớ lại, lúc đó ai cũng cho rằng sẽ rất dễ dàng để nói với bốn ngàn “Xeros” (cách gọi nhân viên Xero) rằng họ tuyệt vời như thế nào, đã xây dựng một công ty tuyệt vời như thế nào trong 16 năm trước để rồi trở thành một trong những công ty công nghệ có giá trị nhất trên sàn giao dịch chứng khoán Úc.
Hoặc có thể đổ lỗi cho CEO sắp mãn nhiệm Steve Vamos, người đã nắm quyền lãnh đạo trong gần năm năm.
“Nhưng tôi chỉ nghĩ, ‘Ồ! Thật giả tạo khi tôi đến đây và nói với mọi người rằng mọi thứ đều tuyệt vời rồi sau đó, giữa năm đầu tiên, lại giáng cho họ một đòn đau đớn?’” Singh Cassidy nói trong cuộc gọi video từ San Francisco, nơi bà đang làm việc.
“Một số người có thể nói rằng đó là làm điều tử tế. Tôi thì cho rằng điều đó không chân thực.”
Sự thật là bà không biết điều gì sẽ xảy ra cho đến khi các con số được tính toán. Bà đã trao đổi với Vamos rằng nếu công ty cắt giảm biên chế, thì đấy sẽ là trách nhiệm của bà.
“Nếu tôi đưa ra quyết định này, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Việc đó không nên là trách nhiệm của anh,” bà nói với ông ấy và Vamos sau đó đã xác nhận chuyện này.
Đến đầu năm 2023, mọi người đều thấy rõ ràng những khó khăn kinh tế ảnh hưởng đến công ty có trụ sở tại New Zealand như thế nào.
Singh Cassidy hiểu rằng cách tốt nhất là phải thực hiện cắt giảm biên chế một cách nhanh chóng và quyết liệt. Xero đã cắt giảm 16% lực lượng lao động, sa thải 800 nhân viên và bà đã thông báo điều này tại cuộc họp toàn thể nhân viên lần thứ ba của mình.
Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2023, doanh thu hoạt động đã tăng, nhưng khoản lỗ ròng của Xero cũng tăng lên 113,5 triệu đô la New Zealand (hơn 70,7 triệu đô la Mỹ) từ mức 9,1 triệu đô la New Zealand (gần 5,7 triệu đô la Mỹ) của năm trước, do phải tính cả các khoản phí suy giảm giá trị đối với hai doanh nghiệp phần mềm mới mua lại và chi phí tái cấu trúc.
“Tôi bắt đầu bằng một lời xin lỗi”, bà nhớ lại cuộc họp hồi tháng 3.2024. “Tôi đã nói, ‘Đây sẽ là một cuộc trò chuyện khó khăn.’ Tôi thực sự đã khóc. Không phải giả vờ khóc,” bà nói thêm. “Chỉ vì đó là con người tôi. Tôi dừng lại một lúc vì tôi cần bình tĩnh lại. Sau đó, tôi tiếp tục truyền đạt các thông điệp chính của mình.”
Đó là lần cắt giảm nhân sự đầu tiên trong lịch sử của Xero.
“Điều tuyệt vời nhất là cuối ngày đó tôi nhận được một số tin nhắn trên Slack từ những người muốn kiểm tra xem tôi có ổn không.” Singh Cassidy biết rằng bà đã tìm thấy những người ủng hộ mình.
Công ty được doanh nhân công nghệ Rod Drury và kế toán Hamish Edwards đồng sáng lập vào năm 2006, vài tháng sau khi Drury bán công ty khởi nghiệp của mình, nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ email AfterMail, cho Quest Software được niêm yết trên Nasdaq với giá 45 triệu đô la Mỹ.
Công ty tại xứ sở kiwi, với Drury là giám đốc điều hành, đã đặt ra mục tiêu giải phóng các doanh nghiệp nhỏ khỏi sự vất vả của công việc kế toán bằng một nền tảng đám mây giúp khách hàng và nhân viên kế toán của họ quản lý các nhiệm vụ hằng ngày, chẳng hạn như bảng lương và thanh toán, cũng như quản lý quy trình làm việc và tuân thủ quy định.
Cả hai đã niêm yết Xero trên sàn giao dịch chứng khoán New Zealand (NZX) vào năm 2007, bắt đầu giao dịch tại Úc vào năm 2012, sau đó hủy niêm yết khỏi NZX vào năm 2018. (Drury, người đã trao lại quyền giám đốc điều hành cho Vamos vào năm đó, đã từ chức khỏi hội đồng quản trị vào tháng 8.2023.)
Sự nhạy cảm táo bạo của Xero và thông điệp về sự bao trùm – công ty dùng hashtag “Con người” và cũng lấy đó làm giá trị cốt lõi – đã giúp công ty đạt được thứ hạng cao nhất của ASX (Sàn giao dịch chứng khoán Úc). Tính đến giữa tháng 6.2024, công ty có vốn hóa thị trường 20,4 tỉ đô la Úc (hơn 13,8 tỉ đô la Mỹ).
Đầu năm nay, cổ phiếu đã tăng trở lại trên 130 đô la Úc (khoảng 88.04 đô la Mỹ) để tiến gần đến mức cao nhất của năm 2021, lấy lại đà tăng trưởng khi công ty có lãi trở lại. Xero đã công bố lợi nhuận ròng 174,6 triệu đô la New Zealand (hơn 108,8 triệu đô la Mỹ) với doanh thu tăng 22% lên 1,7 tỉ đô la New Zealand (gần 1,06 tỉ đô la Mỹ) trong năm tài chính 2024.
Ngoài việc tái cấu trúc, công ty còn tăng giá và tham gia vào các quan hệ đối tác mới để mở rộng phạm vi hoạt động. “Chúng tôi đang làm những gì chúng tôi đã hứa sẽ làm”, Singh Cassidy cho biết khi công bố kết quả hồi tháng 5.2024. “Chúng tôi có chiến lược tập trung để giành chiến thắng một cách có chủ đích.”
Singh Cassidy, 54 tuổi, nói rất nhiều về mục tiêu. Và cả về cha mẹ bà, cả hai đều là bác sĩ. Họ đã làm việc tại Nairobi trước khi tình hình bất ổn ở đất nước Kenya non trẻ khiến họ chuyển đến Tanzania, nơi Singh Cassidy được sinh ra vào năm 1970.
Sau đó, gia đình trẻ này di cư đến Canada, cha mẹ bà đã học để lấy lại bằng cấp và cuối cùng mở phòng khám riêng. “Cả hai đều là bác sĩ, đều rất tận tụy với công việc, và bạn có thể thấy rằng họ đang sống đúng với mục tiêu của mình mỗi ngày.”
Ngày nộp thuế là ngày 31.3, và vào đầu tháng, bố bà sẽ mang hộp đựng sổ séc và biên lai ra, trải chúng trên bàn ăn và tập hợp các con gái của mình lại. Mỗi đêm, họ sẽ làm việc cật lực, viết tên séc, số, loại và tổng số lượng vào sổ cái cho đến giờ chót, rồi chạy vội đến bưu điện lúc 11h đêm để gửi sổ sách đi cho kịp hạn chót.
Bà nói rằng công việc khai thuế hằng năm đã xóa tan mọi ảo tưởng về sự quyến rũ trong kinh doanh. Bà biết đó là một công việc khó khăn và đó là một trò chơi con số – tiền vào, tiền ra.
Sau khi lấy bằng quản trị kinh doanh tại Đại học Western ở Ontario, Canada, Singh Cassidy đã làm việc cho Merrill Lynch, đầu tiên là ở New York và sau đó ở London với tư cách là một chuyên viên phân tích.
Bà rời đi để làm việc cho công ty truyền hình có thu phí của Anh BSkyB, vẫn làm công việc phân tích. Những người bạn cùng phòng của bà ở thành phố này là người Mỹ, hai người trong số họ đã chuyển về California. Khi đến thăm bạn, Singh Cassidy đã yêu bầu không khí của Stanford và thời tiết ở California.
Bà tìm được một công việc tại Open TV có trụ sở tại San Francisco, hỗ trợ phát triển kinh doanh. Tiếp đó, bà làm việc một thời gian tại Junglee, trang web mua sắm so sánh giá được Amazon mua lại với giá 180 triệu đô la Mỹ.
Năm 1999, bà gia nhập nền tảng tổng hợp dữ liệu tài chính Yodlee của Thung lũng Silicon với tư cách là lãnh đạo doanh nghiệp, đồng ý nhận mức lương thấp hơn để có được vốn chủ sở hữu và vị thế đồng sáng lập. Singh Cassidy nhanh chóng bắt tay vào làm việc; “Chúng tôi đặt tên đệm cho bà ấy là ‘Hối hả,’” Schwark Satyavolu, đồng sáng lập Yodlee, cho biết.
Vào thời điểm đó, Singh Cassidy sở hữu một căn hộ tại khu Mission của San Francisco. Bà nhớ từng nhận được thông báo từ nhân viên bưu tá nói rằng họ sẽ ngừng giao thư vì bà không lấy thư ra khỏi hộp. “Tôi chưa bao giờ ở nhà. Tôi đi nhiều nơi. Tôi có một nhóm phát triển kinh doanh đã tăng từ một lên 30 người… Chúng tôi đang chi tiền với tốc độ khá nhanh và chúng tôi đang thực hiện các giao dịch. Chúng tôi mua một đối thủ cạnh tranh. Mọi thứ đang tiến triển rất tốt. Cho đến khi bong bóng dotcom sụp đổ.”
Ba trăm người đã bị sa thải trong vòng một tháng. “Tôi đã khóc khi sa thải nhóm của mình,” bà nhớ lại. “Họ tin tưởng tôi, vậy nên mọi chuyện đều liên quan đến cảm xúc cá nhân.”
Yodlee chuyển sang mô hình “doanh nghiệp với doanh nghiệp” (B2B) và đã sống sót, nhưng phải đối mặt với một quá trình khó khăn và dài.
Năm 2003, Ram Shriram – từng là thành viên hội đồng quản trị của cả Yodlee và Google – gọi điện cho Singh Cassidy và thuyết phục bà đến Google để lãnh đạo các hoạt động tại châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ Latinh. Bà ở lại đó năm năm, nhưng công việc đã làm bà kiệt sức.
“Công ty đã tăng từ một ngàn người lên 40 ngàn người, và tất cả những gì tôi làm là ép buộc và ra lệnh,” bà nói. “Đó không phải là nơi vui vẻ đối với tôi.”
Singh Cassidy biết bà muốn trở thành một CEO, muốn trở thành một doanh nhân và thích làm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cuối cùng, vào năm 2010, bà đã chọn nền tảng thương mại xã hội Polyvore có trụ sở tại California. Sáu tháng sau, bà thất nghiệp.
“Đây là công việc CEO đầu tiên của tôi và tôi đã thất bại,” Singh Cassidy chia sẻ tại Hội nghị phụ nữ của Forbes Úc hồi tháng 3.2024. “Tôi đã thất bại vì tôi và người sáng lập nhìn thế giới theo cách khác nhau, và mặc dù chúng tôi rất hợp nhau về mặt IQ, tôi không nghĩ chúng tôi hợp nhau về mặt cảm xúc.”
Tại Polyvore, bà đã thấy giá trị của nội dung trong thương mại điện tử – “nội dung kích thích mua sắm” – và vào năm 2011 bà ra mắt mạng lưới mua sắm qua video có tên là Joyus.
“Chúng tôi đã xây dựng một doanh nghiệp đạt doanh thu 20 triệu đô la Mỹ, đây là con số tốt đối với một công ty khởi nghiệp. Nhưng phải mất 50 triệu đô la Mỹ vốn để thực hiện điều đó.” Bà đã bán Joyus cho StackCommerce vào năm 2017 trong một thỏa thuận mà TechCrunch đưa tin là dưới 50 triệu đô la Mỹ.
StubHub, thị trường bán vé hàng đầu Hoa Kỳ, đã mang đến cho Singh Cassidy chức vụ CEO tiếp theo. Bà là người thực hiện thương vụ bán StubHub thuộc sở hữu của eBay cho công ty bán vé Thụy Sĩ Viagogo với giá trị bốn tỉ đô la Mỹ vào đầu năm 2020, một tháng trước khi đại dịch COVID-19 hủy hoại hoàn toàn việc kinh doanh.
“Điều đáng tự hào nhất về StubHub đối với tôi chỉ là vượt qua cuộc khủng hoảng đó,” bà chia sẻ. “Chúng tôi đã tái cấu trúc và giảm gánh nặng của công ty xuống 70%. Sau đó, tôi chuyển giao công ty cho người kế nhiệm của mình.”
Trong hai năm tiếp theo, Singh Cassidy đã viết một cuốn sách về việc nắm bắt khả năng, bắt đầu đầu tư, giúp gọi vốn đa dạng với công ty đầu tư mạo hiểm Acrew Capital có trụ sở tại Palo Alto, California và tìm kiếm việc làm. “Sau đó, tôi tìm thấy Xero, hoặc cũng có thể nói là Xero tìm thấy tôi,” bà kể.
Drury của Xero nhớ lại rằng đã bị ấn tượng với sự kết hợp giữa tính hối hả và sự ấm áp của Singh Cassidy. “Vài lần đầu tiên tôi gặp Singh Cassidy, tôi không cảm thấy giống như một cuộc phỏng vấn”, ông nói. “Những lần đó là chia sẻ nhiều hơn về ý tưởng và câu chuyện với một doanh nhân đồng nghiệp… Tôi nghĩ rằng cả hai chúng tôi đều biết rằng bà ấy phải đến và lãnh đạo nhóm của chúng tôi tại Xero.”
Dẫu mở rộng ra quốc tế (sự hiện diện của Xero trải dài trên 180 quốc gia), Úc và New Zealand vẫn là thị trường trung tâm của công ty, tạo ra doanh thu 970 triệu đô la New Zealand (hơn 604 triệu đô la Mỹ), so với 744 triệu đô la New Zealand (hơn 463,5 triệu đô la Mỹ) doanh thu của các cơ sở hoạt động khác của công ty trên toàn thế giới, theo báo cáo thường niên năm 2024.
Tổng số người đăng ký trả phí trên toàn thế giới đã tăng 11% so với một năm trước đó, lên 4,2 triệu, với hơn một nửa đến từ Úc và New Zealand và 1,1 triệu người đăng ký tại Vương quốc Anh. Xero đã tăng thêm 38 ngàn người ở Bắc Mỹ nhưng cũng chỉ đạt 422 ngàn người đăng ký, cho thấy quy mô của thách thức và cơ hội trên khắp Thái Bình Dương.
Nhà phân tích Tom Beadle của Jarden có trụ sở tại Sydney từng hoài nghi về định giá của Xero hai năm trước, khi công ty có giá trị hơn 150 đô la Úc (khoảng 101,5 đô la Mỹ) một cổ phiếu. “Khi đó, họ chưa chứng minh được rằng họ có thể tạo ra dòng tiền có ý nghĩa. Kết quả này đã bác bỏ lập luận đó,” Beadle nói qua điện thoại hồi tháng 5.2024.
Nhóm cố vấn đã nâng mục tiêu giá của Xero lên 144 đô la Úc (97,46 đô la Mỹ) một cổ phiếu từ mức 141 đô la Úc (95,43 đô la Mỹ), dựa trên giả định về mức tăng trưởng khiêm tốn 10% liên tục tại Hoa Kỳ. “Nhưng có rủi ro tăng giá không đối xứng (tức là mức tăng lớn hơn mức giảm) nếu họ thực thi tại Hoa Kỳ.”
Singh Cassidy thừa nhận đã có một số thời điểm khó khăn. “Tôi thực sự tự hào về Xero và các nhân sự của công ty. Tôi nghĩ họ đang học được rằng việc đưa ra những quyết định khó khăn để theo đuổi một tham vọng lớn hơn là điều bình thường, miễn là tham vọng đó không phải vì mục đích tham vọng.”
Bà nhấn mạnh thêm: “Khi bạn nói chuyện với các nhân viên Xero về mục tiêu của chúng tôi, bạn sẽ thấy đồng cảm.”
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43