Doanh nghiệp

Các doanh nghiệp đang thực hành kinh doanh tạo tác động như thế nào?

Việc thực thi mô hình kinh doanh tạo tác động gặp nhiều thách thức nhưng cũng tạo nên nguồn cảm hứng và tầm nhìn mới được bồi đắp. Trong phiên thảo luận “Phát triển doanh nghiệp tác động”, các đại diện chia sẻ những cách làm, bài học thực tiễn lồng ghép các tác động tích cực đến môi trường và con người vào chiến lược kinh doanh của họ.

Share
this:

Nhờ chuyển đổi quy trình sử dụng năng lượng trong bảy nhà máy tại Việt Nam, Saint-Gobain Việt Nam đã giảm được tương đương 10.000 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm.

Ông Nguyễn Trường Hải, tổng giám đốc Saint-Gobain Việt Nam – một doanh nghiệp hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng lớn nhất tại Việt Nam, đã chia sẻ tại Hội nghị Kinh doanh tạo tác động 2022.

“Chúng tôi đặt mục tiêu giảm mức phát thải khí CO2 bằng 0 vào năm 2050. Đây là cam kết mạnh mẽ của tập đoàn, với lộ trình theo từng giai đoạn cụ thể, không phải hứa suông,” ông Hải nói về kế hoạch của tập đoàn hơn 300 năm tuổi đến từ Pháp.

Mục tiêu trên được áp dụng cho Saint-Gobain trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam, nơi tập đoàn này chính thức tham gia từ năm 2015 sau khi mua lại Vĩnh Tường – công ty trong nước có hơn ba thập niên hoạt động trên thị trường.

Ngành vật liệu xây dựng tạo ra đến 40% tổng lượng phát thải CO2 do phải tiêu thụ rất nhiều năng lượng, vì vậy giải pháp Saint-Gobain phải hướng đến mục tiêu vừa duy trì tăng trưởng vừa giảm tác động tiêu cực trong toàn trình kinh doanh.

Các khách mời trong phiên thảo luận “Phát triển doanh nghiệp tạo tác động”. Ảnh từ trái sang: Bà Phạm Kiều Oanh, sáng lập kiêm giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP); ông Nguyễn Thanh Ngữ, CEO TTC Sugar; ông Nguyễn Trường Hải, CEO Saint-Gobain Việt Nam và bà Nguyễn Thị Bích Vân, chủ tịch Unilever Việt Nam (Ảnh: Forbes Việt Nam).

Ở nội bộ, họ tập trung sử dụng năng lượng tái tạo, thay thế hoặc nâng cấp dây chuyền để tiết kiệm điện theo cam kết đến năm 2030 tái sử dụng tất cả nước thải trong quá trình sản xuất kinh doanh. Song song đó hợp tác chặt chẽ trong từng mắt xích trong chuỗi cung ứng, với khách hàng, đối tác đến người dùng, áp dụng các giải pháp mới trong quá trình vận chuyển hàng hóa, tối ưu cung đường vận chuyển…

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, theo ông Hải, có hai yếu tố quan trọng để từng bước đạt những mục tiêu trong hành trình phát triển bền vững là mức độ cam kết của người đứng đầu và triển khai đo lường dấu chân carbon. “Nhờ đó chúng tôi giảm được từ 500-1.000 tấn CO2 mỗi năm trong chuỗi cung ứng và giảm khoảng 10.000 tấn CO2 trong các nhà máy nhờ chuyển đổi mô hình sử dụng năng lượng,” ông Hải nói.

Lượng phát thải CO2 được giảm thiểu như trên không phải con số lớn trong tổng lượng phát thải hàng ngày tại Việt Nam, nhưng theo ông Hải khi từng doanh nghiệp có hành động cụ thể và đo lường các chỉ số, tác động tích cực sẽ dần dần lan tỏa trên quy mô lớn.

Tư duy này không chỉ được áp dụng tại các doanh nghiệp nước ngoài như Unilever, tập đoàn đưa phát triển bền vững vào DNA mà đã dần lan rộng đến các công ty nội địa, nơi những lãnh đạo có tư duy cấp tiến đang điều hành kinh doanh.

Phát triển bền vững tại doanh nghiệp cung cấp ra thị trường khoảng một triệu tấn đường mỗi năm như công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar) đến từ việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động xấu trong quá trình sản xuất, canh tác.

Ông Nguyễn Thanh Ngữ, tổng giám đốc TTC Sugar cho biết, họ đã giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác, tái chế phụ phẩm,…

Đồng thời, trong quá trình hợp tác với các nông dân sở hữu diện tích canh tác hàng nghìn hecta, doanh nghiệp này còn tổ chức chương trình “doanh nông” nhằm đào tạo họ trở thành những doanh nhân có kĩ năng quản lý.

Theo World Bank, Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về việc xả rác thải nhựa vào đại dương. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết mỗi năm một người Việt Nam thải ra môi trường gần 19kg rác nhựa, phần lớn được chôn lấp thô sơ không qua tái chế và xử lý.

Để góp phần giải quyết bài toán chung này, Unilever Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả bao bì sản phẩm mang thương hiệu này có thể tái chế, tái sử dụng; giảm một nửa lượng nhựa nguyên sinh sử dụng trong sản xuất và thay bằng nhựa tái chế; thu gom và xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng nhựa đưa ra thị trường.

Nhưng lợi ích thu về khi thực hiện các mục tiêu tham vọng và cần nhiều nguồn lực này là gì?

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam đặt niềm tin vào việc, doanh nghiệp sẽ được khách hàng yêu mến hơn nếu chọn hướng phát triển bền vững. Đồng thời, điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm điểm cộng trong việc thu hút nhân tài đầu quân.

“Để đưa tính bền vững vào hành động, cần có tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp, của đội ngũ trong tổ chức để thực sự quyết tâm cam kết thực hiện. Khi có được tư duy đó, không có bài toán kinh tế nào không giải được,” Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ.