Nhóm các công ty công nghệ Trung Quốc, gồm Alibaba và Baidu không nằm ngoài xu hướng từ ChatGPT khi phát triển công cụ chatbot riêng.
Các công ty công nghệ Trung Quốc đang gia nhập cuộc đua ra mắt “ChatGPT” của riêng mình, trong bối cảnh công cụ chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trở thành chủ đề thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây, liệu những công ty này có thể thành công như các đối thủ từ nước Mỹ.
Trong những ngày gần đây, đã có ít nhất 5 công ty, gồm gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của tỉ phú Jack Ma (Mã Vân) và nền tảng tìm kiếm Baidu của tỉ phú Robin Li, thông báo phát triển công cụ đàm thoại A.I tương tự như ChatGPT. Sáng ngày 8.2, người phát ngôn của Alibaba xác nhận công ty đang tiến hành thử nghiệm nội bộ cho chatbot riêng. Trước đó ba ngày, Baidu cho biết sẽ chính thức ra mắt một công cụ chatbot với tên gọi Ernie Bot vào tháng 3.2023.
Tuy chưa có thông tin chi biết về những công cụ mới, nhưng có thể nhận ra Alibaba và Baidu đang thu hút vốn đầu tư từ trào lưu chatbot. Do công ty khởi nghiệp OpenAI có trụ sở tại San Francisco, Mỹ phát triển, ChatGPT được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa công cụ tìm kiếm từ việc cung cấp người dùng thông tin tự nhiên như con người.
Song ChatGPT, mang về cho OpenAI khoản đầu tư 10 tỉ USD từ Microsoft hồi tháng 1.2023 và sẽ được tích hợp vào công cụ tìm kiếm Bing của tập đoàn công nghệ này, vẫn chưa khả dụng tại Trung Quốc. Do vậy, những người bán hàng trên trang mua sắm trực tuyến Taobao (Alibaba) đã cung cấp dịch vụ đăng ký tài khoản trên OpenAI với mức phí 5 nhân dân tệ (0,74 USD)/tài khoản. Nghiên cứu trên Taobao đưa ra một người đã bán hơn 80 tài khoản ChatGPT trong vòng một tháng qua.
Tuy vậy, Ke Yan – trưởng nghiên cứu của DZT Research có trụ sở tại Singapore, nhận định việc phát triển chatbot tại Trung Quốc có thể gặp phải những vấn đề về mặt pháp lý. Đó là vì các quy định pháp luật về bảo mật dữ liệu và bảo vệ quyển riêng tư tại Trung Quốc vẫn còn khá mơ hồ, dấy lên những nghi ngại rằng thông tin nào được đưa vào thuật toán hoặc chatbot sử dụng nguồn thông tin có bản quyền để đưa ra câu trả lời như thế nào. “Tại Trung Quốc, ranh giới về mặt pháp lý vẫn chưa rõ ràng,” Ke cho biết.
Shen Meng, giám đốc quản lý của ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Bắc Kinh Chanson & Co. lưu ý rằng các dự án chatbot sẽ mất nhiều thời gian để tạo ra doanh thu. “Các công ty công nghệ Trung Quốc chỉ đang đi theo cơn sốt mà những công ty khác tạo ra. Tuy vậy, AI là công nghệ quan trọng đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài và sẽ không mang đến sự thay đổi cho tình hình kinh doanh trong một sớm một chiều,” anh cho biết.
Mặc cho điều đó, các nhà đầu tư vẫn tự tin và rót vốn vào cổ phiếu của một vài công ty phát triển công nghệ A.I. Trong số này có 360 Security Technology, công ty niêm yết tại Thượng Hải của tỉ phú công nghệ Zhou Hongyi ghi nhận giá cổ phiếu tăng 10% theo sau thông báo đang phát triển chatbot như ChatGPT vào đầu tuần trước. Mặt khác, các nhà đầu tư quốc tế lại giảm đi sự kỳ vọng. Hôm 9.2, giá cổ phiếu của Baidu niêm yết tại Hong Kong giảm 6,3%, trước đó giảm gần 5% khi đà tăng giá ban đầu từ dự án chatbot của công ty có vẻ như đang hạ nhiệt.
Một phần nguyên nhân có thể đến từ sự cố của Google. Vội vàng trong việc giữ vững thị phần trên thị trường tìm kiếm, gã khổng lồ công nghệ Mỹ nhanh chóng nhận ra những khó khăn từ việc ứng dụng thực tiễn công nghệ chatbot, khi công cụ Bard trả lời sai câu hỏi trong ngày ra mắt. Điều này khiến giá cổ phiếu của công ty mẹ Alphabet giảm 7% và lấy đi 100 tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường.
Tuy vậy, 360 Security Technology đã nhận ra những thách thức từ công nghệ chatbot. Giải đáp thắc mắc từ nhà đầu tư, công ty cho biết giữa đầu tư và năng lực công nghệ có khoảng cách rất lớn so với phiên bản mới nhất của ChatGPT. Hiện tại, chatbot của công ty chỉ là công cụ nội bộ. Trong hồ sơ chứng khoán riêng biệt, 360 Security Technology nhấn mạnh chatbot của công ty là công nghệ theo sau ChatGPT và chưa ổn định cho việc ứng dụng thực tế.