Doanh nghiệp

Định giá của Fenbi giảm, giáo dục trực tuyến của Trung Quốc tiếp tục gặp thử thách

2 năm trước
Tác giả Yue Wang

Những quy định siết chặt quản lý của chính phủ Trung Quốc có thể làm giảm mức định giá của công ty luyện thi Fenbi.

Share
this:

Sau gần một năm Trung Quốc siết chặt quản lý hầu như đã giết chết ngành giáo dục trực tuyến, công ty muốn cố gắng duy trì hoạt động buộc phải tiếp cận các nhà đầu tư đại chúng cho dù mức định giá giảm.

Fenbi, nền tảng dạy học chủ yếu các khóa học luyện thi cho kỳ thi công chức ở Trung Quốc, vừa lên kế hoạch sơ bộ chuẩn bị cho niêm yết tại Hong Kong. Công ty không công bố giá trị thỏa thuận, nhưng đây là công ty edtech (công nghệ giáo dục) đầu tiên cố gắng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng sau khi Trung Quốc siết chặt quản lý từ năm ngoái, hạn chế các công ty gia sư trực tuyến dạy thêm vì lợi nhuận.

Mặc dù Fenbi, có nghĩa là “phấn” theo tiếng Trung Quốc, phục vụ cho những người học trưởng thành không thuộc đối tượng bị quản lý nhưng công ty vẫn không tăng trưởng tốt như những công ty khác trong ngành giáo dục trực tuyến ở nước này.

Theo công ty dữ liệu CB Insights ở New York, công ty hiện được định giá dưới 2 tỉ USD, giảm gần 40% so với mức định giá 3 tỉ USD đạt được hồi tháng 2.2021, khi huy động được 390 triệu USD trong vòng Series A do IDG Capital và Trustbridge Partners dẫn đầu.

Học sinh chuẩn bị cho kỳ thi đầu vào thạc sĩ ở Hải Nam. Ảnh: Sheldon Cooper / SOPA Images / LightRocket via Getty Images/ Forbes

PitchBook, một công ty nghiên cứu có văn phòng tại London và San Francisco, cho thấy không có vòng gọi vốn nào khác cho Fenbi. Fenbi , công ty lúc đầu được thành lập trong năm 2013 như đơn vị kinh doanh của công ty dạy kèm trực tuyến Yuan Inc., sau đó được tách ra thành công ty riêng biệt vào năm 2020.

Giờ đây, các nhà đầu tư đã chuyển sang cực kỳ thận trọng và đang đánh giá lại rủi ro tổng thể của những quy định quản lý trên sau khi kiểm soát chặt các công ty edtech làm thổi bay hàng chục tỉ đô la Mỹ theo giá trị thị trường, khiến những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục, từ Larry Chen của Gaotu đến Zhang Bangxin của TAL Education, đều không còn là tỉ phú nữa.

Ngoài ra, các công ty phải trả giá đắt để duy trì được tình trạng hoạt động. Chẳng hạn, hồi tháng 1, công ty giáo dục công nghệ Trung Quốc New Oriental đã sa thải 60.000 nhân viên sau khi doanh thu của công ty này giảm 80%. Người sáng lập công ty, Yu Minhong, đã tìm cách tạo thêm doanh thu nhờ vào bán trái cây và rau quả thông qua chương trình bán hàng phát trực tiếp.

Nhà phân tích Kenya Watson của CB Insights viết trong email nhận xét: “Những thay đổi về quy định quản lý trong lĩnh vực edtech của Trung Quốc đã khiến nhiều startup bị định giá lại hồi năm ngoái.”

Khi được hỏi về kế hoạch định giá và IPO, phát ngôn viên của Fenbi đã đề cập trong bản cáo bạch sơ bộ của công ty, trong đó cho biết công ty được định giá 3 tỉ USD hồi tháng 2 năm ngoái. China International Capital Corporation, một trong ba ngân hàng đầu tư có tên trong bản cáo bạch cùng với Citi và BofA Securities, đã không cung cấp thêm thông tin. Phát ngôn viên của Citi cho biết công ty cũng không có thông tin gì để nói với Forbes. BofA từ chối cung cấp thông tin.

Zhang Yi, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu thị trường iiMedia ở Quảng Châu, cho biết quyết định tiếp cận thị trường đại chúng trong thời điểm này không lý tưởng và phần lớn có thể là do nhà đầu tư chịu áp lực rút lui cũng như nhu cầu nguồn vốn cấp bách của chính công ty để chống lại số lượng lớn các đối thủ ngày càng tăng. Công việc kinh doanh của Fenbi — cụ thể là bán các khóa học trực tuyến cho người lớn ở Trung Quốc — không có nhiều cơ hội để phát triển do các công ty bao gồm Gaotu, TAL Education và New Oriental đều đã công bố kế hoạch mở rộng trong lĩnh vực này.

Zhang nói: “Hiện Fenbi đang cạnh tranh gay gắt với các đối thủ.”

Theo dữ liệu của Frost & Sullivan được trích dẫn trong bản cáo bạch, công ty là nhà cung cấp dịch vụ lớn thứ ba trong ngành luyện thi tay nghề ở Trung Quốc, chiếm 2,9% thị trường trị giá 10 tỉ USD trong năm 2020. Một đối thủ cạnh tranh giấu tên được niêm yết công khai ở Thâm Quyến đã đứng vị trí số 1 với 17,2% thị phần trong năm đó.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Fenbi đã đạt doanh thu 417 triệu USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn lỗ 195 triệu USD trong cùng kỳ. Công ty lỗ là do sự điều chỉnh giá trị hợp lý của một vài khoản nợ tài chính và cũng đang chi nhiều hơn để trả lương cho giáo viên và quảng bá sản phẩm.

Tommy Wong, một nhà phân tích của China Merchants Securities ở Hong Kong, cho biết các nhà đầu tư ở trung tâm tài chính châu Á “đang tránh xa các công ty thua lỗ hoặc có dòng tiền yếu”. Kenny Ng, một chuyên gia chứng khoán của Everbright Securities International ở Hong Kong, cho biết những quy định quản lý chặt cùng với sự cạnh tranh gay gắt có thể tiếp tục tạo áp lực lên mức định giá của Fenbi.

“Các nhà đầu tư vẫn thận trọng đối với những cổ phiếu trong lĩnh vực giáo dục và không có nhiều nhà đầu tư trên thị trường muốn mua. Huy động thêm vốn vẫn có thể giúp Fenbi tăng trưởng và định giá có khả năng tăng nếu có những chuyển biến tích cực trong hai hoặc ba năm tới.”

Biên dịch: Gia Nhi