Năm 2018, khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng phát trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nền kinh tế quốc gia châu Á đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thậm chí có ý kiến cho rằng sẽ sớm vượt Hoa Kỳ để trở thành số 1 thế giới.
Hiện nay, gần 2 tháng trước khi ông Trump nhậm chức nhiệm kỳ 2, kinh tế Trung Quốc đang trong tình huống khác. Vấn đề như bất động sản, nợ nần ở địa phương và giảm phát, dường như cho thấy họ chưa sẵn sàng một cuộc chiến tranh thương mại mới. Tuy nhiên không phải ai cũng đồng tình với ý kiến này.
Một số chuyên gia cho rằng, các nhà hoạch định Trung Quốc đã hiểu hơn về ông Trump, nên viễn cảnh áp thuế 60% với hàng nhập khẩu không khiến họ lo ngại. Trung Quốc có thể đối phó bằng cách đa dạng hóa thương mại, trả đũa có mục tiêu và hướng đến tiêu dùng nội địa.
Ông Dexter Roberts, chuyên gia phân tích tại Atlantic Council nói: “Hoa Kỳ ít quan trọng hơn với Trung Quốc theo thời gian. Trung Quốc đã chuẩn bị cho viễn cảnh đối đầu trong một thời gian dài. Một phần bởi chiến tranh thương mại từ giai đoạn ông Trump vẫn tiếp diễn dưới thời Tổng thống Joe Biden. Nên các công ty Trung Quốc đã bắt đầu giảm phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ.”
Năm 2022, thương mại song phương đạt mức cao kỷ lục. Nhưng năm 2023, Mexico vượt qua Trung Quốc trở thành bên xuất khẩu hàng hóa lớn nhất vào Hoa Kỳ. Trung Quốc giữ vị trí số 1 suốt 20 năm, trước khi kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 20%, xuống còn 427 tỉ USD năm 2023.
Theo công ty Matthews Asia, năm 2023 xuất khẩu của Trung Quốc sang G7 chiếm chưa tới 30% tổng giá trị sản phẩm, giảm so với 48% vào năm 2000. Đó là lý do tại sao, mặc dù bán ít hơn cho Hoa Kỳ, nhưng thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc hiện là 14%, tăng 1% so với giai đoạn nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Trong cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn chia sẻ: “Chúng tôi có khả năng giải quyết, và chống lại những cú sốc từ bên ngoài.”
Một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc còn nhiều giải pháp, như bán trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ (Trung Quốc đang nắm giữ nhiều thứ 2 thế giới) hoặc phá giá đồng nhân dân tệ. Đồng tiền này đã mất 12% giá trị so với USD trong 3 năm qua, khi nền kinh tế tăng chậm lại.
Tuy nhiên ông Andy Rothman, chiến lược gia tại Matthews Asia nói với CNN rằng, biện pháp mạnh đó không giúp ích được nhiều. Thông thường, Trung Quốc không có xu hướng trả đũa trực tiếp theo cách đấy.
Bà Liza Tobin từ nhóm nghiên cứu SCSP ở Hoa Kỳ nhận định, phản ứng của Trung Quốc sẽ có mục tiêu và bất đối xứng. Họ đã và đang gây sức ép lên công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, và có thể tăng sức ép lên những công ty Mỹ – mục tiêu họ muốn đẩy ra khỏi thị trường Trung Quốc.
Tháng 9.2024, Trung Quốc thông báo điều tra nhà bán lẻ thời trang PVH Corp, chủ sở hữu nhãn hiệu Calvin Klein và Tommy Hilfiger vì từ chối nhập bông ở khu vực Tân Cương. Động thái này có thể dẫn tới lệnh trừng phạt với những công ty Mỹ có lợi ích kinh doanh lớn ở đất nước tỉ dân.
Năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc kiểm tra văn phòng Thượng Hải của tập đoàn Bain&Company – công ty tư vấn quản lý của Hoa Kỳ. Công ty tư vấn quốc tế Capvision, cũng gặp tình huống tương tự. Diễn biến khiến cộng đồng doanh nghiệp Mỹ nói chung lo ngại.
Theo một số nhà kinh tế, khả năng trả đũa các công ty Hoa Kỳ làm ăn ở Trung Quốc hoặc ngành nông nghiệp Hoa Kỳ, sẽ cao hơn bán trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ. Trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ được cho là dễ bán. Việc bán có thể gây tổn hại đến lợi ích chính Trung Quốc.
Hạ giá nhân dân tệ được dự đoán giúp ích cho xuất khẩu của Trung Quốc, nhất là khi ông Trump áp thuế, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh sẽ không làm mạnh phương án trên.
Ông Sean Callow, nhà phân tích tại ITC Markets nhắc lại đợt phá giá đột ngột tháng 8.2015, đã gây hỗn loạn thị trường chứng khoán. Thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc muốn củng cố niềm tin vào thị trường chứng khoán, để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh nền kinh tế cần thêm động lực tăng trưởng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn đồng nhân dân tệ ổn định, để trở thành loại tiền giao dịch quốc tế, nhất là từ khi phương Tây bắt đầu cấm vận các ngân hàng Nga năm 2022.
Suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần đe dọa áp thuế 10% – 20% với mọi hàng hóa nhập khẩu. Riêng hàng Trung Quốc là 60%.
Với mức 60%, một số nhà kinh tế tính toán rằng, tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm sâu và các hộ gia đình Hoa Kỳ phải trả nhiều tiền hơn để mua sắm. Tuy nhiên Trung Quốc có 1,4 tỷ người, thị trường nội địa khổng lồ hoàn toàn có thể định hướng lại.
Ông Rothman nói tiếp: “Phản ứng tốt nhất của Trung Quốc trước thuế quan Hoa Kỳ, là sắp xếp lại thị trường trong nước, bằng cách khôi phục niềm tin của giới doanh nhân, những người tạo ra 90% việc làm tại thành thị cũng như hầu hết hoạt động đổi mới sáng tạo. Điều này thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng, giảm bớt tác động của việc ít xuất khẩu sang Hoa Kỳ.”
Tháng 10.2024, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu tăng trưởng trong quý 3, theo đó con số vẫn thất vọng, chỉ có 4,6%. Nguyên nhân là tiêu dùng nội địa yếu. Cả năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%.
Sau thời gian dài ảm đạm, tháng 9 vừa qua, Trung Quốc quyết định triển khai nhiều gói hỗ trợ mạnh tay cho nền kinh tế, tập trung vào biện pháp tiền tệ. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, như vậy là chưa đủ.
Ông Larry Hu, nhà kinh tế tại ngân hàng Macquarie nhấn mạnh trong 1 báo cáo gần đây rằng, những động thái lớn phải đợi đến khi thuế quan của ông Trump được công bố. Điều này khả năng cao diễn ra ngay sau khi nhậm chức cuối tháng 1.2025. Nếu xuất khẩu giảm đi, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng gói kích thích, và chính sách nhà ở là chìa khóa cần theo dõi. Lịch sử gần đây cho thấy, Trung Quốc thường phản ứng với tình hình thực tế.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/trung-quoc-da-san-sang-cho-chien-tranh-thuong-mai-2-0-voi-hoa-ky)
1 năm trước
Du ngoạn trên sông ở Hoa Kỳ kéo dài 60 ngày1 năm trước
Tỉ phú Hứa Gia Ấn bị quản thúc tại gia