Tổng giám đốc tập đoàn Fast Retailing – đơn vị sở hữu thương hiệu Uniqlo, là ông Tadashi Yanai vừa cho biết, sản xuất tại Trung Quốc vẫn quan trọng mặc dù nhiều tập đoàn toàn cầu rút khỏi đất nước tỉ dân do kinh tế trì trệ và căng thẳng địa chính trị.
Chia sẻ với Nikkei Asia, ông Yanai nói: “Chúng tôi đã cùng nhau phát triển ngành dệt may Trung Quốc. Tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc lẫn các nhà máy ở Trung Quốc là không thay đổi. Hàng chục nghìn công nhân làm việc ở mỗi nhà máy. Không giống như ở Nhật Bản, mỗi nhà máy chỉ khoảng 100 công nhân.”
Thời gian qua, nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu, nhất là của Hoa Kỳ, đang hướng tới chính sách “Trung Quốc + 1” để đa dạng hóa các khoản đầu tư, hướng ra bên ngoài Trung Quốc như Ấn Độ hay Việt Nam. Lý do là nền kinh tế số 2 thế giới đang tăng trưởng trì trệ, xung đột thương mại với Hoa Kỳ, ô nhiễm môi trường và các rủi ro về an ninh.
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung dự kiến sẽ gia tăng khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1.2025. Vị tỉ phú từng tuyên bố sẽ áp thuế 60% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc, nước này chứng kiến 2 quý liên tiếp thâm hụt đầu tư nước ngoài trong quý 3.2024. Trước đó trong quý 2, thâm hụt đầu tư nước ngoài của Trung Quốc là 14,9 tỉ USD, cao nhất từ năm 1998.
Ông Yanai chia sẻ tiếp: “Không có cách dễ dàng nào, để xây dựng các nhà máy quy mô lớn thay thế xưởng sản xuất ở Trung Quốc, nơi chúng tôi đã có nhiều thử nghiệm và kinh nghiệm. Các nhà máy tại nơi khác không thể tốt như ở Trung Quốc, trừ khi chúng tôi gửi 1 lượng lớn kỹ sư có tay nghề cao đến đó.”
Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU đã giảm trong thập kỷ qua, khi tiền lương tại Trung Quốc tăng. Tuy nhiên, ông Yanai tin rằng, các công ty ở Trung Quốc vẫn có thể đạt được hai mục tiêu cùng lúc, là sản xuất hàng loạt và chất lượng cao.
Hiện nay trong số 397 nhà máy may mặc đối tác của Fast Retailing, 211 nhà máy ở Trung Quốc, 61 ở Việt Nam và 26 ở Bangladesh. Công ty cũng hợp tác với 155 nhà máy vải trên toàn thế giới, trong đó có 75 nhà máy ở Trung Quốc.
Fast Retailing, công ty mẹ của nhãn hiệu thời trang Uniqlo, những năm qua đã củng cố chuỗi cung ứng tại Trung Quốc bằng cách cử những nhóm thợ lành nghề. Họ hướng dẫn kỹ thuật cho những đối tác ở Trung Quốc, Việt Nam và nơi khác. Họ cũng hướng dẫn về an toàn lao động.
Năm nay Uniqlo kỷ niệm bốn thập kỷ kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên tại Hiroshima năm 1984.
Cùng với thương hiệu chị em của Uniqlo là GU, Fast Retailing lần đầu đạt doanh số bán hàng 20 tỉ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8.2024.
Mục tiêu tiếp theo của ông Yanai là doanh số bán hàng đạt 60 tỉ USD. Ông chia sẻ: “Chúng tôi không thể đạt được 60 tỉ USD bằng cách đạt được 20 tỉ USD. Chúng tôi phải đặt ra câu hỏi về cách tiếp cận mới. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài mở rộng thị trường ra nước ngoài và tuyển dụng nhân tài toàn cầu. Công ty đang đẩy nhanh mở rộng tại châu Âu và Bắc Mỹ, với mức tăng trưởng doanh thu lần lượt là 45% và 33% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8.2024.”
Trong năm tài chính tiếp theo, Fast Retailing có kế hoạch mở thêm 15 cửa hàng tại châu Âu – sân nhà của những đối thủ sừng sỏ như Inditex từ Tây Ban Nha, và H&M từ Thụy Điển.
Tuy nhiên Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng. Tính cả đại lục, Hồng Kông và Đài Loan, doanh thu chiếm 22% hàng năm của công ty, lớn thứ 2 chỉ sau Nhật Bản.
Chủ tịch Uniqlo Daisuke Tsukagoshi từng cho biết vào tháng 10 rằng, thị trường Trung Quốc đại lục vẫn còn nhiều tiềm năng. Công ty mới đi được nửa chặng đường.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/uniqlo-khang-dinh-khong-roi-khoi-thi-truong-trung-quoc)
1 năm trước
Tài sản của nữ tỉ phú Dương Huệ Nghiên giảm 82%3 tuần trước
Honda chuẩn bị ngưng sản xuất xe Cub 50 huyền thoại