10 sự kiện kinh doanh nổi bật nhất năm 2021 do Forbes Việt Nam và các chuyên gia kinh tế bình chọn.
. .
Như thường lệ, trong số đầu tiên của năm 2022, Forbes Việt Nam công bố 10 sự kiện kinh doanh nổi bật nhất trong năm 2021 với sự đóng góp ý kiến và phản biện của các nhà nghiên cứu kinh tế, chuyên gia quản lý quỹ và chứng khoán. Chúng tôi chọn các sự kiện nổi bật, những xu hướng lớn tạo ra dấu ấn tích cực hoặc tiêu cực trong các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng
Năm 2021 chắc chắn là quãng thời gian kinh tế Việt Nam chứng kiến nhiều thăng trầm nhất kể từ khi mở cửa hội nhập. Dưới tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19, lần đầu tiên Việt Nam giãn cách xã hội nghiêm ngặt trên diện rộng khiến GDP quý 3.2021 giảm 6,17%, một kỷ lục.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định: lạm phát trong vòng kiểm soát, mặt bằng lãi suất thấp nhất trong nhiều năm qua, tỉ giá ổn định, xuất khẩu vươn lên kỷ lục mới, dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng, vốn FDI tiếp tục chọn Việt Nam là một điểm đến. Với bệ đỡ kinh tế vĩ mô, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm 2022.
. .
. .
TĂNG TRƯỞNG GDP VIỆT NAM THẤP NHẤT BA THẬP NIÊN
Do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, GDP tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua – tăng 2,58% so với năm trước – là mức thấp nhất kể từ khi mở cửa kinh tế vào đầu thập niên 1990. Nếu năm 2020, khi các làn sóng COVID-19 bùng phát ảnh hưởng nặng đến ngành hàng không, du lịch nhưng nhiều ngành khác vẫn phục hồi nhanh chóng, thì đợt bùng phát thứ tư trong năm 2021 lan ra nhiều tỉnh thành và tác động tiêu cực hầu như mọi lĩnh vực: bán lẻ, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, vận tải, giao nhận, xây lắp, bất động sản, năng lượng…
Các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng sản xuất đứt gãy, lưu thông hàng hóa khó khăn. Lần đầu tiên GDP Việt Nam quý 3.2021 tăng trưởng âm 6,02%. TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, chịu tác động tiêu cực nhất trong làn sóng dịch bệnh lần thứ tư, đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp quý 3.2021 giảm tới 47,1% và GDP giảm tới 20% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 ở mức thấp kỷ lục 2,58% nếu so với các mức đáy trong quá khứ: Năm 2012, ảnh hưởng bởi khủng hoảng hệ thống ngân hàng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 5,03%. Trước đó, năm 2009, ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính thế giới, GDP Việt Nam tăng 5,3%.
Xa hơn, giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á 1997–1999, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 4%. Mức tăng trưởng GDP 2021 thấp kỷ lục của 30 năm cho thấy tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn bất cứ cú sốc nào trước đây Việt Nam từng đối mặt kể từ khi mở cửa kinh tế.
. .
KINH TẾ VĨ MÔ ỔN ĐỊNH TRONG BỐI CẢNH THẾ GIỚI BIẾN ĐỘNG
Việt Nam vẫn duy trì kinh tế vĩ mô ổn định dù chịu cú sốc lớn từ bên ngoài. Kể từ khi mở cửa hội nhập với thế giới vào đầu thập niên 1990, kinh tế Việt Nam trải qua nhiều cú sốc từ bên ngoài như khủng hoảng tài chính châu Á 1997, khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Trong khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, tỉ giá USD/VND tăng hơn 14%, lạm phát năm 1998 tăng 9,2%.
Nếu năm 1996 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt gần 10,2 tỉ đô la Mỹ thì từ năm 1997 giảm liên tục, đến 1999 xuống mức thấp 2,6 tỉ đô la Mỹ. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, nền kinh tế Việt Nam gánh mức lạm phát lên đến 20%, tỉ giá VND/USD tăng 5,6%.
Chịu cú sốc đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 và đến nay chưa có hồi kết, Việt Nam kiểm soát vĩ mô ổn định là một điểm sáng thành công. Lạm phát cơ bản năm 2021 tăng 0,81% so với năm 2020, lãi suất duy trì ở mức thấp nhất trong lịch sử. Kim ngạch xuất khẩu năm qua tiếp tục ghi kỷ lục mới, đạt 336,25 tỉ đô la Mỹ, tăng 19% so với cùng kỳ 2020, thặng dư thương mại kéo dự trữ ngoại hối lên 105 tỉ đô la Mỹ.
Dù ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, vốn FDI vào Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng, đạt 31,15 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2020. Nổi bật với một số dự án: Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) vốn đăng ký trên 3,1 tỉ đô la Mỹ; dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn thêm 2,15 tỉ đô la Mỹ; dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) có tổng vốn đăng ký hơn 1,31 tỉ đô la Mỹ…
Ngoài ra, trong lĩnh vực điện tử, các tên tuổi mở rộng đầu tư như Foxconn, đối tác lớn nhất của Apple, sẽ chuyển một phần năng lực sản xuất iPad sang nhà máy ở Việt Nam, với bốn dự án của ba nhà đầu tư có tổng vốn đăng ký gần 570 triệu đô la Mỹ. Pegatron, đối tác sản xuất lớn của Apple, Microsoft và Sony, đã đầu tư thêm 101 triệu đô la Mỹ để mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
. .
XUẤT KHẨU VIỆT NAM VƯƠN LÊN NHỮNG KỶ LỤC MỚI BẤT CHẤP DỊCH BỆNH
Dù khó khăn do sản xuất ngưng trệ và chuỗi lưu thông hàng hóa đứt gãy, nhưng năm 2021 thương mại Việt Nam vẫn vươn lên đỉnh cao mới: ước đạt 667 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,4% so với năm 2020. Với kỷ lục mới, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về hoạt động thương mại quốc tế trong xuất khẩu hàng hóa.
Dù chi phí logistics tăng cao, chuỗi cung ứng đứt gãy, xuất khẩu Việt Nam vẫn chinh phục cột mốc mới, ước đạt 335 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,6% so với năm 2020. Đặc biệt, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỉ trọng khoảng 86%, trong đó riêng mảng xuất khẩu hàng điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện lần đầu vượt mốc 100 tỉ đô la Mỹ.
Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác, Việt Nam từ vị trí 47 năm 2001 lên thứ 12 trên thế giới và đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về xuất khẩu hàng điện tử trong năm qua.
Một số lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục khởi sắc như xuất khẩu đồ gỗ đạt kỷ lục mới, ước đạt 15,6 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 20% so với năm 2020. Trong khi ngành thép lần đầu xuất khẩu vượt 10 tỉ đô la Mỹ, tăng 130% so với cùng kỳ.
Dệt may, da giày – hai ngành thâm dụng lao động chịu ảnh hưởng chưa từng có trong giai đoạn giãn cách xã hội, gặp khó khăn về nguồn lao động trong quý 4.2021 nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn vượt mục tiêu đề ra. Kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 39 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,2% so với năm 2020 và vượt mức năm 2019, trước dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 47 tỉ đô la Mỹ, vượt năm tỉ đô la Mỹ so với kế hoạch.
Theo tổng cục Hải quan, năm 2021, Việt Nam có 37 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên một tỉ đô la Mỹ, chiếm 93,5% tổng kim ngạch. Trong đó có bảy mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ đô la Mỹ, chiếm 66,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
. .
CHÍNH PHỦ ĐƯA RA MỤC TIÊU “NET ZERO” VÀO NĂM 2050 TẠI COP26
Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26) Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đầu tiên trong số 137 quốc gia và vùng lãnh thổ cam kết cắt giảm khí thải theo lộ trình đến năm 2050. Nhóm quốc gia này đại diện cho 88% tổng lượng phát thải CO2 trên thế giới.
Theo các nghiên cứu, việc cắt giảm CO2 trên toàn cầu cần sự chung tay giữa các quốc gia với mục tiêu ngăn nhiệt độ trái đất không nóng lên quá 1,5 độ, dẫn đến các thảm họa khí hậu không thể đảo ngược.
Nguồn phát thải CO2 tại Việt Nam chủ yếu đến từ lĩnh vực năng lượng, giao thông và sản xuất nông nghiệp, trong đó 65% tập trung ở lĩnh vực năng lượng (điện than). Ước tính để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam phải phát triển năng lượng tái tạo lên 90% nguồn cung năng lượng, rừng tự nhiên phủ 50% diện tích, theo kết quả nghiên cứu của công ty cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC).
Cam kết của một đất nước đang phát triển như Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Để đạt được mục tiêu này nền kinh tế Việt Nam phải tái cơ cấu mạnh mẽ, hạn chế phát triển các ngành công nghiệp gây ô nhiễm như năng lượng, chuyển đổi các phương tiện giao thông từ chạy xăng sang các loại năng lượng sạch và thân thiện môi trường.
Các thay đổi này đòi hỏi sự chuyển dịch, tái cấu trúc sâu rộng của nhiều ngành nghề và nhiều lĩnh vực, tiếp nhận vốn FDI có chọn lọc với các ngành công nghiệp không gây ô nhiễm.
. .
VIỆT NAM NẰM TRONG TỐP NHỮNG NƯỚC PHÁT TRIỂN NHANH NHẤT THẾ GIỚI VỀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
Với chính sách ưu đãi năng lượng tái tạo, Việt Nam trở thành một trong các quốc gia phát triển năng lượng tái tạo nhanh nhất thế giới. Năm 2019, chiếm 50% công suất lắp mới của Đông Nam Á, tăng từ mức cơ sở 108MW cuối năm 2018 lên 5,3GW, đưa Việt Nam vượt qua Thái Lan trở thành nước dẫn đầu khu vực.
Năm 2020, Việt Nam chốt giá bán FiT với điện mặt trời áp mái, đưa công suất điện mặt trời lắp mới đạt 11,2GW, xếp thứ ba thế giới về công suất lắp mới, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Năm 2021, dù đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều dự án điện gió trễ tiến độ nhưng Việt Nam vẫn bổ sung thêm gần 4GW điện gió được hưởng giá FiT.
Tuy nhiên sự phát triển nóng cũng gây hệ lụy. Tổng công suất năng lượng tái tạo của Việt Nam đạt gần 20GW, tương đương 28% tổng công suất lắp đặt nhưng công suất khai thác chỉ đạt hơn 8%. Theo quy hoạch Điện VIII (dự thảo), sẽ tiếp tục nâng tỉ trọng năng lượng tái tạo, giảm tỉ trọng điện sử dụng năng lượng hóa thạch, phù hợp xu hướng phát triển thế giới.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo phát triển phù hợp với xu hướng thế giới và cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải. Các quốc gia lớn trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc đang tài trợ vốn và hỗ trợ công nghệ cho Việt Nam xây dựng nhà máy nhiệt điện than đều cam kết cắt giảm CO2 theo COP26.
Năm 2021 Mitsubishi Corp. đã quyết định rút khỏi dự án nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về biến đổi khí hậu. Các địa phương Long An, Ninh Thuận cũng từ chối tiếp nhận các dự án điện than quy mô lớn.
. .
VN-INDEX THIẾT LẬP KỶ LỤC MỚI VỀ ĐIỂM SỐ VÀ THANH KHOẢN
Nhờ lãi suất rẻ và đông đảo nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường, chứng khoán Việt Nam bùng nổ với những kỷ lục mới. Sau 21 năm hoạt động, ngày 1.4.2021 VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.219 điểm. Đến ngày 2.7, tiếp tục xác lập đỉnh mới ở 1.420 điểm trước khi bước vào giai đoạn điều chỉnh. Cuối tháng 10.2021, VN-Index một lần nữa phá đỉnh lịch sử, thiết lập đỉnh cao mới 1.501 điểm vào ngày 25.11. Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm giữa tháng 11.2021 đạt đến 330 tỉ đô la Mỹ.
Thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ đã đưa mức vốn hóa toàn thị trường năm 2021 tăng 45,5% so với cuối năm trước. Bên cạnh điểm số, thanh khoản thị trường cũng bùng nổ lên mức cao kỷ lục. Phiên giao dịch ngày 19.11, mức thanh khoản kỷ lục được xác lập trên toàn thị trường chứng khoán, giá trị giao dịch bùng nổ hơn 56 ngàn tỉ đồng (xấp xỉ 2,5 tỉ đô la Mỹ), phá vỡ kỷ lục 52 ngàn tỉ đồng xác lập trước đó chỉ hai tuần, vào ngày 3.11.
Thanh khoản trung bình của thị trường trong tháng 11.2021 đã tăng gấp năm lần so với cùng kỳ. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 26.526 tỉ đồng/phiên, tăng 257,5% so với bình quân năm trước. Số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới từ đầu năm 2020 đến nay bằng tổng số tài khoản 20 năm trước đó cộng lại, trung bình trên 100 ngàn tài khoản mở mới mỗi tháng.
Chỉ trong tháng 11.2021, số tài khoản mở mới hơn 220 ngàn, vượt số tài khoản của cả năm 2019 cộng lại. Điểm trừ duy nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam là khối ngoại bán ròng hơn 60 ngàn tỉ đồng, tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip từ đầu năm 2021 tới nay. Về định giá, tính đến cuối năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam có P/E 17 lần và ở mức 14 lần dự phóng cho năm 2022.
. .
BÙNG NỔ VỐN VÀO STARTUP
Sau năm 2020 chững lại, năm 2021 dòng vốn đầu tư vào các startup bùng nổ. Bất chấp đại dịch COVID-19, 2021 là năm bùng nổ vốn vào startup Việt Nam với các thương vụ hàng trăm triệu đô la Mỹ.
Một trong những thương vụ huy động vốn lớn nhất của các startup Việt Nam vừa qua phải kể đến VNLife – một công ty khởi nghiệp công nghệ hoạt động trong lĩnh vực phát triển giải pháp ngân hàng, thanh toán số, du lịch trực tuyến và bán lẻ mới. Công ty đã huy động thành công hơn 250 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn series B.
Tiki, mạng thương mại điện tử tốp ba thị trường, cũng nhận 258 triệu đô la Mỹ từ vòng gọi vốn series E – một trong những thương vụ gọi vốn lớn nhất tại Việt Nam được chính thức công bố cho đến thời điểm hiện tại. Vòng vốn series E của Tiki có sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư lớn như Mirae Asset – Naver Asia Growth Fund, Taiwan Mobile cùng cổ đông hiện hữu STIC Investments – một trong những nhà đầu tư lớn nhất Hàn Quốc.
Vào tháng 10, Sky Mavis – công ty phát triển game blockchain đình đám Axie Infinity thông báo kêu gọi thành công 152 triệu đô la Mỹ vòng series B.
Vòng gọi vốn này do A16Z Crypto dẫn dắt có sự tham gia của Paradigm, Accel cùng 13 quỹ khác. Trước đó, vào tháng 5.2021, Sky Mavis đã gọi vốn vòng series A thu về 7,5 triệu đô la Mỹ.
Đầu năm 2021, MoMo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (series D) hơn 100 triệu đô la Mỹ, với sự tham gia của các nhà đầu tư là cổ đông hiện hữu bao gồm Warburg Pincus, Affirma Capital và Tybourne Capital Management.
Cuối năm 2021, ngân hàng Nhật Bản Mizuho dẫn dắt vòng vốn series E 200 triệu đô la Mỹ, tương đương sở hữu 7,5% cổ phần M-Service, công ty chủ quản của MoMo. Vòng vốn mới với sự tham gia của Ward Ferry Management cùng hai nhà đầu tư hiện hữu Goodwater Capital và Kora Management, đã nâng định giá fintech này lên trên hai tỉ đô la Mỹ.
Năm qua, nhiều startup công nghệ với các giải pháp sáng tạo ra đời, đã gây sự chú ý với những quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới, bất chấp dịch COVID-19: Kobiton – giải pháp kiểm thử phần mềm trên thiết bị di động của Việt Nam công bố huy động 12 triệu đô la Mỹ; KiotViet – công ty đang cung cấp bộ giải pháp phần mềm, đã được KKR rót vốn 45 triệu đô la Mỹ vòng series B; Equest, tổ chức giáo dục gọi vốn thành công 100 triệu đô la Mỹ…
Vốn đầu tư quốc tế đổ vào các startup tăng mạnh mẽ trong năm 2021 do trong dịch bệnh, các nhà khởi nghiệp công nghệ tập trung vào giải quyết vấn đề cốt lõi cho thị trường, có kế hoạch kinh doanh khả thi nhận được sự quan tâm.
. .
MOBILE MONEY CHÍNH THỨC ĐƯỢC TRIỂN KHAI
Từ ngày 1.12, Viettel chính thức công bố khách hàng có thể sử dụng Viettel Money kể cả khi không có kết nối Internet. Viettel Money tích hợp hơn 300 tiện ích được cá nhân hóa theo nhu cầu khách hàng về mua bán, chuyển tiền, đầu tư, bảo hiểm, thanh toán các dịch vụ. Trước đó VNPT/Vinaphone và MobiFone cũng đã được ngân hàng Nhà nước cấp phép và đang cung cấp thử nghiệm dịch vụ này.
Như vậy các mạng viễn thông chính thức bước vào cuộc đua Mobile Money – cho phép người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính mà không cần sở hữu tài khoản ngân hàng. Bản chất của dịch vụ Mobile Money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1, cho phép mọi người có thể gửi/nhận tiền, chi tiêu, thanh toán các dịch vụ… bằng điện thoại di động của mình mà không cần qua bất kỳ trung gian nào.
Đây là một tài khoản chứa tiền, gắn liền với số thuê bao di động của người dùng. Mobile Money là một giải pháp thay thế phổ biến cho tài khoản ngân hàng và tiền mặt, có thể sử dụng để thanh toán ở bất kỳ đâu thông qua điện thoại của người dùng, miễn là nơi đó có sóng di động.
Giải pháp Mobile Money được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, phổ rộng tài chính vi mô trong dân chúng đến tận vùng sâu vùng xa vốn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính truyền thống. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
. .
PHIÊN ĐẤU GIÁ LỊCH SỬ ĐẤT KHU ĐÔ THỊ MỚI THỦ THIÊM
Ngày 10.12, diễn ra phiên đấu giá bốn lô đất “vàng” tại phân khu số ba, khu đô thị mới Thủ Thiêm, đánh dấu một cột mốc lịch sử của thị trường bất động sản Việt Nam. Theo đó, bốn lô đất, diện tích 5–10 ngàn m2 được đấu giá thành công, dự kiến mang về cho ngân sách TP.HCM hơn 37 ngàn tỉ đồng.
Đáng chú ý nhất, công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, một pháp nhân liên quan đến Tân Hoàng Minh, trả 24.500 tỉ đồng để giành quyền sở hữu lô đất diện tích hơn 10 ngàn m2, tương đương nhà đầu tư trả hơn một triệu đô la Mỹ/m2, cao hơn tám lần so với mức giá khởi điểm. Các mức giá tiếp theo xếp theo thứ tự giảm dần lần lượt là 1 tỉ đồng, 592 triệu đồng và 466 triệu đồng/m2 – cao hơn ở các trung tâm tài chính đã hoàn thiện hạ tầng như Thượng Hải, Hong Kong…
Theo quy định hiện nay, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng với cơ quan thuế, bên trúng đấu giá chuyển khoản 50% số tiền mua tài sản, trong 60 ngày tiếp theo, người trúng đấu giá thanh toán đủ số tiền còn lại. Quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá thì vi phạm hợp đồng mua bán và phiên đấu giá bị hủy bỏ.
Chưa rõ Ngôi Sao Việt có tìm ra phương án tài chính thu xếp vốn để thanh toán hay không, nhưng nếu lấy tham chiếu mức giá kế tiếp phiên đấu giá được giao dịch gây xáo trộn trước mắt và lâu dài cho thị trường bất động sản.
Mặt tích cực, ngân sách có thể thu về một số tiền lớn. Mặt tiêu cực, đầu tiên, sau phiên đấu giá lịch sử, mặt bằng giá bất động sản TP.HCM lên mức mới khiến các phiên đấu giá sau này sẽ gặp nhiều khó khăn khi sử dụng mức giá tham chiếu, có thể ảnh hưởng đến sự thành công của các phiên đấu giá sau này.
Thứ hai, hiện nay nhiều chủ đầu tư bất động sản mới tạm nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mức giá lịch sử của phiên đấu giá sẽ phá vỡ phương án tài chính kinh doanh của nhiều công ty bất động sản, chuyển từ lãi thành lỗ khi đối chiếu mức giá tham chiếu mới.
Thứ ba, mặt bằng giá đất Thủ Thiêm mới sẽ kéo giá bất động sản tăng vọt khiến sản phẩm nhà ở càng xa vời với nhiều người, đặc biệt tầng lớp có thu nhập trung bình.
Thứ tư, nhiều dự án bất động sản đang nằm ở dạng thế chấp tại các ngân hàng hoặc tài sản đảm bảo cho các khoản vay sẽ được định giá lại. Với mức đấu giá xa rời với điều kiện kinh tế – xã hội, không gắn với phương án kinh doanh khả thi có thể khuếch đại bong bóng bất động sản, hình thành nợ xấu ngân hàng trong dài hạn.
. .
ĐẠI DỊCH COVID-19 THÚC ĐẨY NỀN KINH TẾ KHÔNG TIẾP XÚC
Đại dịch COVID-19 thúc đẩy nền kinh tế không tiếp xúc và quá trình chuyển đổi số cũng như nhiều mô hình kinh doanh trực tuyến. Phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, Việt Nam đã thực hiện nhiều giai đoạn cách ly xã hội.
Dịch bệnh thúc đẩy một số thói quen mới với kinh tế không tiếp xúc: thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục trực tuyến, gặp gỡ họp hành trực tuyến, tư vấn khám bệnh từ xa… Nhiều doanh nghiệp trong nước đã đẩy mạnh xu hướng chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, triển lãm ảo, thương mại điện tử, các ứng dụng tương tác doanh nghiệp và khách hàng…
Theo thống kê từ ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 9.2021, hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,63% về số lượng và tăng 133,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.