Công nghệ xanh

Tesla đẩy mạnh tái chế pin xe hơi điện

Tesla cho biết 92% nguyên liệu trong pin có thể tái chế, đồng thời nhấn mạnh các nhiên liệu hóa thạch chỉ sử dụng một lần. Những chất có trong tế bào pin lithium-ion sẽ ở đó mãi cho đến hết vòng đời sử dụng của xe.

Tesla

Share
this:

Tesla đặt mục tiêu bán 20 triệu xe hơi điện mỗi năm vào năm 2030. Công ty cho biết mỗi xe bán ra sẽ góp phần giảm lượng khí CO2

Tesla khẳng định xe hơi không ống xả mang đến giải pháp thân thiện hơn với môi trường, thậm chí hơn rất nhiều nhờ chủ trương tái chế pin xe điện của công ty. Hiện tại có thể thấy các mẫu xe cũ khi vận hành sẽ tốn nhiều nhiên liệu hơn so với các mẫu mới, trong khi hệ thống lưới điện ngày càng “xanh” hơn – đúng thời điểm cuộc cách mạng EV diễn ra.

Trong Báo cáo Tác động 2020, Tesla cho biết động lực thúc đẩy công ty là tính bền vững, không chỉ thể hiện ở các sản phẩm mà còn là giá trị và sứ mệnh cốt lõi trên con đường phát triển của công ty. Bên cạnh đó cũng tác động tích cực đến khách hàng, nhân viên, cổ đông. Việc sử dụng pin sạc cho EV sẽ làm giảm lượng khí thải ra môi trường theo thời gian, Tesla cho biết.

Theo Tesla, 92% nguyên liệu trong pin có thể tái chế, trong đó gồm nhiều niken, đồng và coban, đồng thời nhấn mạnh các nhiên liệu hóa thạch chỉ sử dụng một lần. Những chất có trong tế bào pin lithium-ion sẽ ở đó mãi cho đến hết vòng đời sử dụng của xe. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng công đoạn bóc tách các chất từ tế bào pin không phải đơn giản, trong khi việc tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia khác sẽ dễ dàng và tiết kiệm hơn. Song song, EV chỉ đang trong giai đoạn sơ khai, khiến một số tỏ ra nghi hoặc rằng số pin tái chế chỉ chiếm khoảng 5%.

Phía Tesla cho biết công ty không bỏ đi bất kỳ pin lithium-ion đã qua sử dụng mà tái chế 100%. Mỗi nhà máy pin Tesla sẽ thực hiện công đoạn tái chế tại chỗ. Vì đóng vai trò tự sản xuất tế bào pin cho các sản phẩm xe, Tesla tin rằng công ty có nhiều ưu thế trong việc đẩy mạnh năng suất tái chế và thu hồi tối đa các nguyên liệu trong pin. Tesla còn nhận định chi phí tái chế sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với mua nguyên liệu mới từ thị trường.

Đẩy mạnh cải tiến
Việc xử lý pin lithium-ion là một vấn đề. Và việc sản xuất lại là vấn đề khác. Một báo cáo do viện Nghiên cứu môi trường Thụy Điển (IVL) thực hiện theo chỉ định của Cơ quan Năng lượng Thụy Điển, cho biết cứ mỗi kWh dung lượng pin được sản xuất sẽ thải ra 61-106 kg khí CO2. Con số chính xác tùy thuộc vào từng dây chuyền sản xuất và nhiên liệu sử dụng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều khả quan. Theo nhà nghiên cứu Erik Emilsson thuộc IVL, lượng khí thải ngày càng ít đi vì nhiều nhà máy sản xuất pin đã mở rộng quy mô và hoạt động hết công suất – giúp tối đa hiệu suất đối với mỗi đơn vị pin tạo ra. Ngoài ra, một số công đoạn sản xuất nhiều khả năng đang ứng dụng năng lượng điện sạch (hầu như không nhiễm hóa thạch), theo Emilsson.

Xu hướng sử dụng điện sạch trong sản xuất pin hiện rất ít nhưng dự kiến sẽ trở nên phổ biến. Hơn nữa, để duy trì lượng khí thải dưới mức 61kg, cần hạn chế các hoạt động khai thác các chất như lithium, coban, niken, mangan, song song với việc đẩy mạnh quy trình tái chế. Điều này đòi hỏi phải vượt qua thách thức lớn: lĩnh vực robot và tự động hóa cần đạt được bước đại nhảy vọt về công nghệ, theo kết luận từ báo cáo.

Phát biểu về vấn đề liên quan đến lượng khí thải ra trong suốt vòng đời xe hơi, Ryan Cornell từ Đại học Harvard cho biết xe truyền thống sử dụng động cơ đốt trong thải ra khoảng 69 tấn CO2 trong suốt vòng đời, tương đương với quãng đường 241.400km. Với vòng đời tương tự, EV chạy 100% bằng than sẽ thải ra 66 tấn CO2 – thực tế có thể cao hơn vì hầu như mọi lưới điện tại Mỹ đều chứa nhiều hơn một loại nhiên liệu hóa thạch.

Các pin lithium-ion ngày càng cải thiện với chi phí rẻ hơn: kích thước gọn hơn và nhiều dung lượng hơn kể từ thời điểm laptop được phát triển. Tesla còn cho biết pin do công ty sản xuất sẽ tồn tại lâu hơn cả tuổi thọ của xe. Tuy nhiên, khi hàng chục triệu chiếc EV đưa vào sử dụng, toàn ngành phải tập trung rất nhiều vào công đoạn tái chế pin.

“Hiện tại trong số các xe đã đăng kiểm, các loại EV chạy pin đạt kết quả vượt trội về tiêu chuẩn khí thải so với xe truyền thống,” theo Rachel Muncrief, phó giám đốc Hội đồng Giao thông sạch Quốc tế. Bà còn cho biết sự khác biệt giữa hai loại xe sẽ càng rõ rệt nhờ các chính sách đẩy mạnh điện khí hóa và khử cacbon lưới điện.

Các lợi ích môi trường và chi phí từ EV sẽ tăng nhanh – đây cũng là mục tiêu cam kết của Tesla. Công ty cho biết chìa khóa dẫn đến thành công là tập trung vào tái chế, cải thiện công nghệ pin, và mở rộng cơ hội tiếp cận năng lượng tái tạo. Tin mừng là mọi việc đang theo đúng quỹ đạo.

Tesla báo cáo đã tái chế được 1.300 tấn niken, 400 tấn đồng, 80 tấn coban từ các viên pin của công ty sản xuất. Một viên pin Tesla có trọng lượng hơn 454kg, do đó khối lượng tái chế tương đương vài nghìn chiếc xe.

Biên dịch: Thiên Tứ