Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cách người lao động thực hiện các chuyến đi công tác thông thường, nhất là kết hợp với hình thức nghỉ dưỡng.
Những buổi họp trên Zoom cơ bản đã thay đổi cách và lý do để mọi người di chuyển cho công việc. Hiện nay, “bleisure” (mô hình kết hợp công tác và giải trí) và “return to base” (làm việc từ xa, thi thoảng được gọi đến văn phòng) là hai từ khóa về chuyến đi công tác trong điều kiện bình thường mới.
Cách đây 2 năm trước, mỗi tuần Romano Nickerson di chuyển từ 3 ngày trở lên để gặp khách hàng và một năm tham dự 4 hội nghị. Tuy vậy, lối sống “đi đây đi đó” của ông đột ngột dừng lại khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.
Romano Nickerson, 48 tuổi, chủ tịch công ty tư vấn kiến trúc đặt tại Colorado – Boulder Associates sớm nhận ra gần như toàn bộ những buổi họp trực tiếp đều có thể diễn ra trực tuyến.
Hiện nay, Nickerson cho biết ông “xem trọng những buổi họp trực tiếp hơn lúc trước, khi đại dịch vẫn chưa diễn ra.”
Nhưng ngay sau khi trở về từ chuyến công tác đầu tiên kể từ tháng 3.2020, ông không còn muốn đi chuyển đến nhiều nơi cũng như không tin rằng 150 nhân viên trong công ty sẽ sớm quay trở lại với thói quen đi công tác như trước đại dịch.
“Chúng tôi vẫn giữ chính sách cho phép người lao động lựa chọn tùy theo mức độ thoải mái của họ. Hiện nay, vẫn còn rất ít những buổi đi công tác và tôi ước tính có thể là hàng chục chuyến mỗi tháng, cao nhất chỉ 4 hoặc 5 lần.” Nickerson cho biết.
Một điều chắc chắn là khó khăn dành cho việc đi công tác ngay cả khi COVID-19 thực sự kết thúc, nằm ở sự hiện diện của Zoom. Nickerson chỉ là một trong rất nhiều nhà lãnh đạo đánh giá lại giá trị của các chuyên công tác trong điều kiện bình thường mới, khi hội nghị trực tuyến không chỉ quan trọng, mà còn là ưu tiên của nhiều người lao động.
Xu hướng này sẽ không biến mất và tạo ra những cụm từ mới như “bleisure” và “return to base”. Theo dữ liệu của Morning Consult, tỷ lệ những người thường xuyên đi công tác cho biết họ sẽ ngưng làm việc đó tăng từ 39% vào tháng 10.2021 lên 42% trong tháng 2.2022.
Trong một sự kiện của tờ New York Times vào tháng 11.2020, Bill Gates tạo sự phấn khích cho ngành du lịch, khi ông dự đoán hơn 50% chuyến công tác và hơn 30% số ngày làm việc tại văn phòng sẽ bị cắt giảm mãi mãi.
Trong năm 2019, các chuyến công tác đóng góp 334 tỉ USD từ chi tiêu vào nền kinh tế Mỹ và hỗ trợ 2,5 triệu việc làm, theo Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ (USTA). Nếu dự đoán của Bill Gates là chính xác, nền kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại tối thiểu 167 tỉ USD mỗi năm sau đại dịch COVID-19.
“Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi lớn nhất của việc đi lại kể từ chuyến bay thương mại đầu tiên.”
CEO của Airbnb, Brian Chesky
16 tháng sau, ít hay nhiều, đánh giá của Bill Gates hiện nay đã được đón nhận từ cả trong và ngoài ngành du lịch. “Đại dịch COVID-19 đã phổ biến việc sử dụng những buổi họp trực tuyến. Các công ty kỳ vọng sẽ duy trì làm việc trực tuyến trong một thời gian dài.” kết luận từ Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) vào tháng 2.2022, báo cáo dự đoán về nhu cầu của người lao động tại nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cục Lao động Mỹ dự đoán, nhiều hình thức đi công tác sẽ được thay thế bằng các buổi họp trực truyến. Tuy vậy, một vài chuyến đi trực tiếp như thuyết trình bán hàng và hội nghị thương mại sẽ quay trở lại trước thời kỳ đại dịch.
Tuy số ít kỳ vọng chuyến đi công ty sẽ biến mất hoàn toàn, lĩnh vực này sẽ rất khác sau đại dịch COVID-19. Đầu tiên, liệu những chuyến đi công tác như vậy cho một giờ đồng hồ gặp mặt có lãng phí một ngày di chuyển không? “Chắc chắn và có lẽ việc này sẽ biến mất hoàn toàn,” Matthew Parson, phụ trách chuyên mục về chuyên đi công tác và viết Future of Work Briefing hằng tuần cho Skift – công ty về du lịch thông minh cho biết.
“Với quy mô càng lớn, càng khó để các công ty thực hiện những chuyến công tác trong một ngày như vậy. Bộ phận quản lý việc di chuyển đang giám sát chi phí di chuyển sát sao hơn. Quản lý di chuyển hướng về giám đốc tài chính (CFO) hơn bất kỳ ai khác. Trong hai năm qua, mọi người cho thấy họ có thể làm việc tương đối ổn mà không cần phải di chuyển nhiều. Do vậy, bộ phận tài chính sẽ quan sát thời gian đi di chuyển của công ty trong tương lai.” ông cho biết.
“Chúng tôi bắt đầu ghi nhận các xu hướng chuyển dịch này từ mùa hè năm 2020, khi lệnh phong tỏa được ban hành, nhiều người vẫn có thể làm việc tại nhà mà không phải gò bó nơi văn phòng hay một địa điểm cụ thể. Do vậy, họ tìm kiếm những ngôi nhà khác nhau, nơi có thể đưa gia đình, thú cưng và tiếp tục làm việc từ xa, rồi ở lại đó trong nhiều tuần. Chúng tôi tin rằng, những khách lưu trú lâu hơn và lối sống linh hoạt sẽ được duy trì.” Catherine Powell, giám đốc điều hành toàn cầu của Airbnb cho biết.
Nói cách khác, Airbnb sớm ghi nhận làm việc từ xa và tại nhà không phải xu thế nhất thời, mà là thay đổi cơ bản trong cách mọi người di chuyển từ thời điểm này.
6 tháng sau buổi phỏng vấn của Chesky với CNN, Airbnb đã hoàn toàn áp dụng chiến lược tập trung vào đem lại thêm tính linh hoạt hơn nữa cho khách hàng. “Trong năm 2021, chúng tôi thực hiện 150 đợt nâng cấp, triển khai các tính năng như tìm kiếm linh hoạt và công cụ đo đường truyền WiFi – Verified WiFi, cũng như các công cụ khác cho chủ cơ sở lưu trú để nâng cấp không gian nhằm đáp ứng với nhu cầu mới từ khách du lịch hiện nay,” Powell cho biết.
Khi nhiều công ty áp dụng dài hạn mô hình làm việc từ xa, Airbnb bắt đầu hợp tác để cung cấp các giải pháp. “Ví dụ như, Salesforce trong thời điểm đại dịch ra mắt Success from Anywhere (tạm dịch: Thành công ở Mọi nơi), đem đến sự linh hoạt cho người lao động về nơi, thời điểm và cách họ làm việc. Người lao động tại Saleforce tận hưởng tính linh hoạt mới, nhưng vẫn muốn có những cơ hội gặp mặt và kết nối một cách an toàn với đồng nghiệp. Với Airbnb, người lao động có thể di chuyển đến địa điểm ngoại vi hoặc văn phòng khác và lưu trú điểm cho thuê tại Airbnb.”
Vào tháng 2.2022, Airbnb ghi nhận kỷ lục 1,5 tỉ USD doanh thu trong quý 4.2021 và thông báo 2021 là năm kinh doanh tốt nhất trong lịch sử công ty. “Gần 2 năm đại dịch, một điều rõ ràng là chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi lớn nhất của việc đi lại kể từ chuyến bay thương mại đầu tiên.” Làm việc từ xa đã giải phóng nhiều người khỏi nhu cầu phải có mặt tại văn phòng. Kết quả, mọi người di chuyển đến hàng nghìn thị trấn và thành phố, ở lại trong nhiều tuần, tháng hay thậm chí cả một mùa trong năm.” Chesky cho biết trong báo cáo thu nhập.
Thay đổi sang nghỉ dưỡng
Các khách sạn cũng chú ý đến sự thay đổi đáng kể, nhưng lại khác so với những gì Airbnb đang đầu tư. Trong thời điểm đại dịch COVID-19, Hiệp hội Nhà nghỉ và Khách sạn Hoa Kỳ (AHLA) ghi nhận doanh thu thuê phòng cho chuyến đi công tác sụt giảm, từ 53% trong năm 2019 xuống mức dự đoán 44% trong năm 2022.
“Nhu cầu nghỉ dưỡng giúp thị trường hồi phục, và chúng tôi có vị thế tốt để duy trì vị thế dẫn đầu về khu nghỉ dưỡng, bao gồm cả tốc độ tăng trưởng lớn trong toàn bộ không gian chung. Chúng tôi cũng đã ghi nhận lượt ưu thích mạnh dành cho phân khúc bất động sản hạng sang.” Tony Capuano, CEO của Marriott cho biết trong báo cáo thu nhập quý 4.2021.
Điều này hoàn toàn hợp lý. Thông thường, các chuyến đi công tác hồi phục trở lại chậm hơn du lịch nghỉ dưỡng, theo sau những sự kiện thảm khốc như vụ tấn công khủng bố vào ngày 11.9 và cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008. Điều này lý giải vì sao nhiều nhà dự đoán chuyên nghiệp dự báo các công ty du lịch có tốc độ hồi phục chậm và ảm đạm.
Báo cáo “State of the Hotel Industry” (Tình hình của Ngành Lưu trú) thường niên do AHLA công bố vào tháng 1.2022 dự báo, “tuy du lịch nghỉ dưỡng gần như sẽ quay trở hoàn toàn lại trong năm 2022, song chuyến công tác vẫn giữ ở mức cực kỳ thấp so với trước đại dịch COVID-19.”
Với câu hỏi xoay quanh việc phục hồi ngành du lịch, một số chuỗi khách sạn lớn đã dành nhiều thời gian chuẩn bị cho khách du lịch. “Chúng tôi rất tự tin vào ngành du lịch nghỉ dưỡng, với khả năng phục hồi và tính bền vững.” Mark Hoplamanzian, CEO của Hyatt chia sẻ với những nhà đầu tư trong tháng 8.2021, khi thông báo mua lại đơn vị vận hàng khu nghỉ dưỡng cao cấp – Apple Leisure Group.
Mặc dù các hãng hàng không luôn phụ thuộc vào ngành du lịch để thu về lợi nhuận, nhưng vẫn có những cơ hội mở ra cho lĩnh vực này trong điều kiện bình thường mới. “Các hãng hàng không có lẽ đang rất lo lắng rằng tài khoản kinh doanh du lịch sẽ dần mất đi,” Parsons lưu ý các hãng hàng không lớn có hai phương án, chuyển sang “thêm nhiều ghế phổ thông đặc biệt hơn và loại bỏ hạng thương gia.”
Các hãng hàng không cũng cần phải nhanh chóng xác định cơ hội và chuyển sang những lộ trình khác. “Khi bạn bắt đầu nhìn thấy nhiều cặp thành phố lớn (điểm khởi hành và đến) hơn nữa, sẽ có những hãng hàng không khu vực đón rất nhiều hành khách. Do vậy, khi mọi người di chuyển ra khỏi những thành phố lớn để đến các thị trấn nhỏ hơn, hãng hàng không bắt đầu mở thêm nhiều tuyến bay nhằm phục vụ những ai đến văn phòng 2 ngày trong tuần.” ông cho biết.
Hai xu hướng đáng chú ý
Từ khóa nổi bật của ngành du lịch hiện nay là “bleisure”, mô tả chính xác về sự kết hợp giữa kinh doanh và nghỉ dưỡng. Một chuyến đi bleisure thông thường có thể là chuyến công tác trong 3 ngày, và thêm một vài ngày từ trước và sau chuyến đi. Hoặc một kỳ nghỉ dài 1 tuần có thể được kéo dài sang 2 tuần, với khách du lịch mang thiết bị công nghệ cần thiết để làm việc trong tuần thứ hai.
Tuy vậy, rất khó để xu hướng này trở thành hiện tượng mới. “Tôi đã làm việc này trong 15 năm qua và điều đó cực kỳ bình thường đối với tôi.” Nickerson cho biết thêm vào mùa hè năm 2019, ông đã biến chuyến công tác 3 ngày tại Hawaii thành kỳ nghỉ gia đình trong 10 ngày.
Một xu hướng hoàn toàn mới khác là “return to base”, loại hình du lịch cổ điển nhưng đảo ngược lại. Theo lẽ thông thường, nhân viên làm việc tại trụ sở của công ty đáp chuyến bay đến những thành phố khác để đi công tác. Nhưng với hình thức di chuyển “return to base”, nhân viên làm việc từ xa thi thoảng sẽ được gọi đến trụ sở, như nhân vật của nam diễn viên George Clooney trong bộ phim Up in the Air.
Salesforce là công ty đã áp dụng hình thức “return to base”, với cơ sở Trailblazer Ranch mới có diện tích rộng 30 hecta, 140 phòng nằm trong khu rừng hồng sam tại Scotts Valley, California.
Khuôn viên này là nơi gặp mặt trực tiếp của 70.000 nhân sự, phần lớn làm việc từ xa hoặc theo mô hình hybrid (làm việc hỗn hợp). “Salesforce mong muốn tạo ra mạng lưới văn phòng tự nhiên trên toàn thế giới,” Parsons giải thích.
“Những công ty lớn chuẩn bị mua lại các khách sạn và thực hiện kỳ nghỉ riêng. Việc này chắc chắn sẽ diễn ra và tôi cho rằng, khi nào mọi người có thể tự do di chuyển, đặc biệt là quốc tế, những kỳ nghỉ như vậy sẽ trở thành một phần quan trọng của chuyến đi công tác trong tương lai.” Parsons cho biết.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/xu-huong-di-cong-tac-sau-covid-19-bleisure-va-return-to-base)