Nhà bán lẻ hàng ký gửi trực tuyến Wristcheck đặt mục tiêu đổi mới thị trường đồng hồ cao cấp đã qua sử dụng của châu Á bằng cách tiếp cận những người mua trẻ tuổi có ý thức về thương hiệu đang tìm cách nâng cao địa vị của họ.
Ngay từ hồi sinh viên, Austen Chu đã lùng sục khắp các diễn đàn trực tuyến về đồng hồ cao cấp. “Đó là niềm đam mê chiếm hết thời gian rảnh của tôi,” chàng trai 26 tuổi chia sẻ. Anh lập một tài khoản Instagram để ghi chép lại niềm đam mê của mình đối với đồng hồ cao cấp trong thời gian lấy bằng cử nhân tài chính từ đại học NYU Thượng Hải.
Hiện nay, Chu là đồng sáng lập kiêm CEO của Wristcheck, nhà bán lẻ hàng ký gửi chuyên về đồng hồ cao cấp đã qua sử dụng có trụ sở tại Hong Kong. Được đặt tên theo một thẻ dữ liệu (hashtag) phổ biến của những người sành đồng hồ trên mạng xã hội, Wristcheck nhắm đến những người trẻ tuổi giàu có, có ý thức về thương hiệu, mong muốn tìm hiểu về những chiếc đồng hồ đắt tiền.
Chu giải thích rằng những người thuộc thế hệ Gen Z không phải lúc nào cũng được đối xử tôn trọng khi họ bước vào một cửa hàng đồng hồ. “Tôi muốn thay đổi điều đó. Đối với tôi, đó là mong muốn xây dựng nền tảng mà tôi ước mơ từ khi 15 tuổi.”
Tháng 1.2023, Wristcheck gọi được tám triệu đô la Mỹ trong vòng hạt giống do Gobi Partners, công ty đầu tư mạo hiểm toàn châu Á, dẫn đầu. Wristcheck sẽ sử dụng nguồn vốn này để mở rộng sang các thị trường “chưa được phục vụ đầy đủ” ở Đông Nam Á, cũng như phát triển các tính năng mới cho trang web và ứng dụng, bao gồm một công cụ cho phép người dùng lập danh mục đồng hồ và theo dõi giá trị thị trường theo thời gian thực.
Mặc dù từ chối tiết lộ doanh thu, nhưng Chu cho biết giá trị những chiếc đồng hồ ký gửi của công ty là 80 triệu đô la Mỹ vào tháng 1.2023, tăng 75% so với một năm trước đó. Danh mục sản phẩm của công ty bao gồm 57 thương hiệu, từ chiếc đồng hồ trị giá 580 đô la Mỹ của Baltic, thương hiệu Pháp tạo ra những thiết kế cổ điển, cho đến chiếc đồng hồ titan trị giá 640 ngàn đô la Mỹ của nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Richard Mille.
Wristcheck kiếm tiền bằng cách đưa ra tỉ giá cố định cho các giao dịch, lấy 8% từ người bán và 4% từ người mua. (Tại các nhà đấu giá lâu đời, mức phí có thể thay đổi, khởi đầu ở khoảng 10% giá đấu giá đối với người bán và tăng lên tới 26% đối với người mua.)
Theo báo cáo năm 2022 của Deloitte về lĩnh vực đồng hồ Thụy Sĩ, thị trường toàn cầu cho tất cả đồng hồ đã qua sử dụng dự kiến sẽ tăng 75% lên 38 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030, xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng trẻ tuổi.
Trong số những người trả lời nghiên cứu của Deloitte, gần một nửa là thế hệ Millennials và hơn một phần ba là thế hệ Gen Z đang cân nhắc việc mua đồng hồ đã qua sử dụng, và chỉ có khoảng 12% là thế hệ Baby Boomers. Lý do là giá thấp hơn, sự sẵn có của các mẫu đồng hồ đã ngừng sản xuất và tính thân thiện với môi trường.
Xu hướng này được phản ánh qua tệp khách hàng của Wristcheck, với 100 ngàn người dùng, bao gồm cả những thành viên đã đăng ký tài khoản và người mới truy cập trang web: 43% khách hàng trả tiền là những người dưới 30 tuổi. “Những người gửi hàng đều trên 30 tuổi, trong khi người mua lại dưới 30 tuổi,” Chu nói. “Đó là điều tuyệt vời nhất, vì điều đó cho thấy sự chuyển giao của chiếc đồng hồ từ thế hệ cũ sang thế hệ tiếp theo.”
Chu sinh ra ở Hong Kong và được người mẹ đơn thân nuôi dạy ở Thượng Hải. Trước khi thành lập Wristcheck, anh là giám đốc phát triển kinh doanh của công ty fintech Toplist tại Thượng Hải, nơi cung cấp dịch vụ quản lý khách hàng thân thiết, chủ yếu cho các tổ chức tài chính.
Anh đồng sáng lập Wristcheck vào năm 2020 cùng với Sean Wong, 38 tuổi, trước đây làm việc tại HBX, nhánh thương mại điện tử của Hypebeast, cơ quan xuất bản ấn phẩm thời trang, nghệ thuật và âm nhạc trực tuyến được niêm yết tại Hong Kong.
Hai người gặp nhau trên phim trường sản xuất video của Hypebeast cuối năm 2019 và rất nhanh đã cùng nhau thảo luận về tiềm năng của một nền tảng trực tuyến bán đồng hồ cao cấp đã qua sử dụng.
Theo Wong, giám đốc của Wristcheck, ký gửi hàng hiện là xu hướng dẫn đầu trong thương mại kỹ thuật số, và ký gửi hàng cao cấp đang dần phổ biến. Anh cho biết: “Có câu nói quen thuộc như thế này: ‘Tôi muốn trông mình thật sang chảnh trên ‘gam’ (Instagram).” Đối với nhiều người mua trẻ tuổi, “mỗi chiếc đồng hồ giống như một phần của loại hình bản sắc văn hóa này.”
Theo Chibo Tang, đối tác quản lý của Gobi Partners, thương mại điện tử cao cấp ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục cho thấy tiềm năng. “Nếu có thể có nhiều công ty thương mại điện tử trị giá hàng tỉ đô la Mỹ trong lĩnh vực giày thể thao, thì tại sao điều đó lại không thể áp dụng với lĩnh vực đồng hồ?” Tang nêu vấn đề.
Ông cho biết, những người trẻ tuổi bị thu hút vì những món đồ hiếm, đắt tiền mà họ có thể dùng để thể hiện bản thân và tạo ảnh hưởng. Ông nói thêm: “Khi thế hệ những người yêu thích giày thể thao đó dần lớn tuổi hơn, họ sẽ có nhiều khả năng tài chính hơn. Vì vậy, cũng hợp lý khi họ chú ý đến đồng hồ.”
Wristcheck phải đối mặt với một số cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng như WatchBox và Chrono24. Mỗi công ty này được định giá một tỉ đô la Mỹ và cả hai đều đang thâm nhập vào châu Á.
WatchBox, được thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 2017, đã huy động được hơn 250 triệu đô la Mỹ và ước tính doanh thu năm 2022 là 400 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 30% so với năm 2021.
Chrono24, ra đời ở Đức vào năm 2003, đã thu về 200 triệu euro (khoảng 211,5 triệu đô la Mỹ) và nhận được đầu tư từ người giàu nhất thế giới, tỉ phú người Pháp đứng đầu tập đoàn hàng cao cấp LVMH, Bernard Arnault. Công ty này cho biết giá trị của những chiếc đồng hồ được bán trên nền tảng của họ vào năm ngoái khoảng hai tỉ euro (2,1 tỉ đô la Mỹ).
Cả hai đều có mô hình kinh doanh hơi khác so với Wristcheck. Thay vì hoạt động như khâu trung gian giữa người mua và người bán, WatchBox mua những chiếc đồng hồ cao cấp đã qua sử dụng, tân trang và sau đó bán chúng. Chrono24 tính phí người bán cá nhân một khoản cố định 6,5% cho mỗi giao dịch, nhưng cũng mời các đại lý tham gia nền tảng để thu phí đăng ký và có thêm 2% – 8% hoa hồng cho mỗi sản phẩm được bán. Người mua không bị tính phí.
Theo truyền thống, thị trường đồng hồ cao cấp đã qua sử dụng do các nhà đấu giá lớn thống trị. Tuy vậy, Harmmond Wong, phó chủ tịch kiêm chuyên gia đồng hồ tại Christie’s ở Hong Kong, cho rằng sự ra đời của các trang web ký gửi thương mại điện tử là kiểu đôi bên cùng có lợi. Ông nói: “Các nhà đấu giá và nền tảng trực tuyến đưa ra những dịch vụ và lời khuyên chuyên nghiệp khác nhau, vì vậy các khách hàng mục tiêu sẽ khác nhau.”
Tuy nhiên, thách thức chung đối với cả nhà đấu giá và nền tảng là hàng giả. Theo báo cáo năm 2021 của OECD, đồng hồ là loại hàng giả lớn thứ năm trên toàn cầu. Những người mua cảnh giác có thể trả tiền để sử dụng Watch Register, cơ sở dữ liệu theo dõi những chiếc đồng hồ bị mất và bị đánh cắp.
Ngoài ra, một số thương hiệu lớn cũng đang áp dụng hướng tiếp cận chủ động để xác thực hàng hóa của họ. Ví dụ Rolex chứng nhận những chiếc đồng hồ đã qua sử dụng của mình để bán lại thông qua các đại lý chính thức.
Wristcheck cho biết họ đang nghiên cứu công cụ AI có thể được sử dụng để xác minh tính xác thực của đồng hồ trên nền tảng của mình. Trong thời gian chờ đợi, công ty xác minh thủ công từng chiếc đồng hồ, vì thế rất dễ để phân biệt hàng chính hãng với hàng giả. “Sự khác biệt rất rõ ràng, khi chúng tôi kiểm tra đồng hồ thật hay giả,” Chu nói.
Trong năm năm tới, Chu hi vọng Wristcheck sẽ là “một trong những công ty dẫn đầu lĩnh vực này trên toàn cầu.” Anh cho biết Hong Kong là trụ sở lý tưởng vì không có thuế bán hàng hay thuế xuất nhập khẩu. Nơi này cũng giúp dễ dàng tiếp cận các thị trường tương đối non trẻ của Trung Quốc đại lục và Đông Nam Á.
Anh tự tin như vậy một phần dựa trên niềm tin của mình vào bản chất con người. “Chúng tôi say mê những thứ tốt đẹp và chúng tôi trân trọng những thứ được làm bằng kỹ năng, thủ công,” anh chia sẻ.