Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11.1 đã cảnh báo biến thể Omicron sẽ lây nhiễm đến hơn một nửa dân số châu Âu trong vòng hai tháng tới.
Qua đó, WHO kêu gọi người dân không nên chủ quan trước dịch bệnh, khi một số nguyên thủ quốc gia tranh luận về việc chuyển hướng điều trị COVID-19 tương tự như cúm mùa.
Theo báo cáo của WHO, đã có hơn 7 triệu ca nhiễm COVID-19 trên tại châu Âu – bao gồm 53 quốc gia trên khắp vùng địa lý, cả Israel và một phần Trung Á trong tuần đầu tiên của năm 2022, bác sĩ Hans Kluge, giám đốc WHO châu Âu cho biết.
Trong hai tuần qua, số ca nhiễm mới đã tăng gấp đôi và “với mức độ hiện nay, hơn 50% người dân châu Âu sẽ bị lây nhiễm từ biến thể Omicron trong 6-8 tuần tới,” Kluge cho biết từ dự báo của viện Đánh giá và Đo lường sức khỏe thuộc đại học Washington.
Theo Kluge, dữ liệu được thu thập gần đây xác nhận biến thể Omicron có mức lây lan cao và có thể lây nhiễm kể cả những người từng bị nhiễm hoặc đã tiêm ngừa trước đó. “Vaccine vẫn tạo ra lớp bảo vệ tốt trước trường hợp trở nặng và tử vong, bao gồm từ biến thể Omicron,” Kluge nhấn mạnh.
Ông lưu ý số ca nhập viện do COVID-19 gia tăng khi nhiều người bị lây nhiễm từ biến thể này và dữ liệu cho thấy các nguy cơ trở nặng và nhập viện cao hơn ở những người chưa tiêm chủng vaccine.
Các quốc gia đang thay đổi cách ứng phó với COVID-19. Với tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp trong bối cảnh số ca nhiễm do biến thể Omicron gia tăng, thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã mở cuộc tranh luận về việc liệu COVID-19 có nên được xem như căn bệnh đặc hữu — loại bệnh thông thường và có thể dự đoán như cúm.
Thủ tướng Sanchez xác nhận chính quyền của ông đang dự thảo hệ thống giám sát mới, nơi không phải mọi ca nhiễm sẽ được ghi nhận và không phải ai có triệu chứng cũng sẽ được xét nghiệm.
Vương quốc Anh ủng hộ kế hoạch của Tây Ban Nha, khi giới chức hy vọng trở thành một trong những nền kinh tế quan trọng đầu tiên “chuyển từ đại dịch sang căn bệnh đặc hữu”.
Tuy vậy, kế hoạch đã vấp phải chỉ trích từ các chuyên gia. “Các thủ tướng không thể chỉ nói rằng chúng ta đang từ đại dịch chuyển sang căn bệnh đặc hữu. Đó là thời đại của virus, không phải của chúng ta,” Christina Pagel – giáo sư nghiên cứu lâm sàng tại đại học London chia sẻ với Sky News. Theo WHO, đây là hành động vội vàng trong cách ứng phó với virus corona.
Phần lớn châu Âu đã phải chống chọi lại làn sóng dịch COVID-19 mới trước khi biến thể Omicron xuất hiện và kể từ đó, một vài quốc gia trong khu vực thông báo về số ca nhiễm hằng ngày cao kỷ lục.
Sự gia tăng nhanh đã đẩy các bệnh viện đến tình trạng quá tải, trong bối cảnh lượng bệnh nhân tăng lên và thiếu nguồn nhân sự. Điều này thúc đẩy chính phủ các nước đưa ra nhiều biện pháp, gồm bệnh viện dã chiến và lựa chọn những đơn vị chăm sóc sức khỏe tư nhân để giảm tải gánh nặng.
Nhiều quốc gia cũng đưa ra những lệnh hạn chế mới nhằm kìm hãm đợt bùng phát. Áo có kế hoạch bắt buộc tiêm ngừa để tăng tỷ lệ miễn dịch và Đức cũng đưa ra yêu cầu tương tự.
Vào ngày 12.1, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây ra phản ứng dữ dội, sau khi cho biết lệnh hạn chế phòng COVID-19 từ chính quyền của ông sẽ giới hạn triệt để không gian công cộng mà những người chưa tiêm phòng có thể tham dự, dự định kéo dài việc tiêm ngừa quốc gia. Ý cũng thực hiện điều tương tự.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/who-canh-bao-mot-nua-chau-au-se-bi-lay-nhiem-omicron)
3 tuần trước
1 tháng trước
4 tháng trước