Uniqlo Việt Nam cho biết sẽ làm việc với các đối tác thứ ba để chuyển đổi các cửa hàng sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như mục tiêu giảm phát thải nhà kính mà tập đoàn mẹ đề ra.
Trao đổi với Forbes Việt Nam, ông Osamu Ikezoe, tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam cho biết, trong kế hoạch phát triển bền vững vừa công bố, tập đoàn mẹ Fast Retailing đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 90% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2009, bằng cách chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo cho tất cả các cửa hàng và văn phòng trên toàn cầu vào năm 2023.
Theo đó tăng tỷ trọng vật liệu tái chế lên khoảng 50%, hướng đến mục tiêu “không rác thải” bằng cách giảm, thay thế, tái sử dụng và tái chế nguyên vật liệu; thúc đẩy các sáng kiến đóng góp xã hội toàn cầu, sự đa dạng và quá trình hội nhập tiến bộ.
9 cửa hàng hiện có của Uniqlo tại TP.HCM và Hà Nội sẽ đẩy nhanh chuyển đổi để hướng tới mục tiêu kể trên. Hơn một năm nay, Uniqlo đã tìm đối tác cung cấp giải pháp và tính nhiều phương án, trong đó có cả việc mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo sử dụng cho cửa hàng để đạt mục tiêu này.
Trên toàn cầu, đến hết tháng 8.2021, 64 cửa hàng ở châu Âu của Uniqlo đã chuyển sang năng lượng tái tạo. Đến cuối năm nay, tất cả các cửa hàng ở Bắc Mỹ và một số nước khu vực Đông Nam Á cũng hoàn thành chuyển đổi. Uniqlo cũng đặt mục tiêu giảm 40% lượng điện tiêu thụ tại các cửa hàng trên phố và khoảng 20% nằm trong trung tâm thương mại.
Ông Osamu Ikezoe cho biết, nhiều hoạt động tại Việt Nam đã nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng và vẫn đang tiếp tục như Re.Uniqlo, nhận lại các sản phẩm đã qua sử dụng của khách hàng, xử lý và mang tặng cho người dân ở vùng khó khăn, kết hợp Phiên chợ xanh tử tế để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch hay hợp tác với doanh nghiệp xã hội Tòhe tổ chức chuỗi workshop và quà tặng, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, tổng giám đốc của Uniqlo Việt Nam cũng nhìn nhận, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững thông qua các hành động tiêu dùng, tức khách hàng chỉ mua các trang phục thực sự cần thiết, sử dụng trong thời gian dài để qua đó giảm gánh nặng cho môi trường thì còn rất nhiều việc phải làm.
“Nhìn chung, chúng tôi tin tưởng vào sự thay đổi tích cực trong nhận thức của khách hàng, đặc biệt là thế hệ trẻ, họ quan tâm rất nhiều đến việc đóng góp cho các giá trị bền vững và xã hội,” ông nói.
Theo đuổi các mục tiêu giảm phát thải nhà kính đang được các doanh nghiệp tại Việt Nam chú trọng với các kế hoạch hành động. Mới đây, tại COP26, thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050.
2 năm trước
Đông Hải Bến Tre vay 200 tỉ đồng vốn “xanh”