Sáng ngày 25.5, TikTok xác nhận đang thử nghiệm chatbot trí tuệ nhân tạo mới “Tako” để tham gia vào cuộc đua phát triển công nghệ AI sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT hồi năm ngoái.
Cả Bloomberg và Reuters đều đăng tin về chatbot này dựa trên ảnh chụp màn hình và phân tích từ công ty ở Tel Aviv chuyên theo dõi quá trình phát triển ứng dụng, Watchful Technologies, cho biết công ty phát hiện tính năng này trên một số thiết bị của Apple.
Trong một loạt bài đăng tải trên Twitter, TikTok xác nhận rằng công ty chọn lọc một số người dùng TikTok ở Philippines để thử nghiệm Tako, phát triển bằng công nghệ của bên thứ ba.
Công ty đang ở “giai đoạn đầu” khám phá công nghệ với mục đích trợ giúp tìm kiếm cũng như khám phá trên ứng dụng.
Các nhà phân tích thận trọng nói với Reuters rằng tính năng này có thể đề xuất video hoặc người sáng tạo nội dung dựa trên những gì người dùng đang xem.
Theo hình ảnh Watchful chia sẻ với Bloomberg, người dùng có thể truy cập Tako—chatbot này cũng trả lời câu hỏi đồng thời thực hiện cuộc hội thoại— thông qua biểu tượng bóng ma phía trên ảnh hồ sơ ở bên phải video, trước khi đưa ra cảnh báo cho người dùng rằng tính năng này đang thử nghiệm và “không nên tin vào” những lời tư vấn tài chính, pháp lý hoặc phương pháp điều trị bệnh.
TikTok là công ty mới nhất phát hành công cụ chatbot AI sau khi Snapchat ra mắt tính năng “My AI” — chạy trên phiên bản mới nhất của ChatGPT do OpenAI sản xuất— vào tháng 2 và Google giới thiệu “Bard” vào tháng 3.
TikTok thử nghiệm chatbot AI mới trong bối cảnh công ty đang có tranh chấp pháp lý với Montana do cấm dùng ứng dụng mạng xã hội này trên tất cả các thiết bị trong bang. Công ty cáo buộc lệnh cấm của bang “tước quyền tự do ngôn luận một cách bất hợp pháp” theo Tu chính án thứ nhất. CEO Chu Thụ Tư (Shou Zi Chew) tranh luận rằng lệnh cấm “vi phạm hiến pháp,” đồng thời nói thêm anh tin rằng công ty sẽ “thắng” trong vụ kiện chống lại bang này.
Tako là chatbot mới nhất trong cuộc chạy đua phát triển công nghệ AI, sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào năm ngoái. ChatGPT trả lời các câu hỏi của người dùng đồng thời giải quyết nhiều vấn đề độc đáo—chẳng hạn như viết bài luận—thông qua các câu trả lời giống như con người. Sau đó, Microsoft đầu tư 10 tỉ USD vào OpenAI.
Google, đối thủ cạnh tranh của Microsoft, cũng đưa ra phiên bản chatbot riêng, chạy trên mô hình ngôn ngữ lớn Language for Dialogue Applications của Google. Một số giám đốc điều hành công nghệ bao gồm cựu CEO Eric Schmidt của Google, Elon Musk và đồng sáng lập Steve Wozniak của Apple, đưa ra những lập luận không ủng hộ phát triển AI quá nhanh do có thể xảy ra những “rủi ro.”
Nhà sáng lập Microsoft Bill Gates hoan nghênh AI vì công nghệ này có thể tác động tích cực đến xã hội, giúp tăng năng suất cũng như giảm ca tử vong có thể ngăn ngừa được ở trẻ em.
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Xem thêm:
Alibaba công bố chatbot riêng với tên gọi Tongyi Qianwen
CEO của TikTok gặp riêng những nhà lập pháp trước phiên điều trần
Baidu chính thức ra mắt chatbot Ernie Bot
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tiktok-dang-thu-nghiem-chatbot-tri-tue-nhan-tao-moi-voi-ten-goi-tako)
11 tháng trước
Mối băn khoăn lớn nhất về AI