Giá vật liệu cho pin điện tử tăng cao và Trung Quốc phòng COVID-19 nghiêm ngặt lấy đi hơn 10 tỉ USD trong khối tài sản của tỉ phú Robin Zeng.
Tỉ phú Robin Zeng, chủ tịch của doanh nghiệp khổng lồ về pin điện tử của Trung Quốc Contemporary Amperex Technology (CATL), đã tích lũy khối tài sản 45 tỉ USD, khi công ty cung ứng ngày càng nhiều sản phẩm cho thị trường xe điện (EV) đang bùng nổ.
Song chỉ chưa đầy một tháng, khối tài sản ấy bốc hơi 1/3 giá trị do chi phí tăng cao và các lệnh phong tỏa phòng COVID-19.
Robin Zeng, 53 tuổi, hiện sở hữu tài sản ròng 32,6 tỉ USD. Khối tài sản của ông giảm 12,2 tỉ USD, tương đương với 27% từ 44,8 tỉ USD vào đầu tháng 4.2022, khi Forbes công bố bảng xếp hạng Tỉ phú Toàn cầu năm 2022.
Kể từ đó, cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch Thâm Quyến của CATL, với Robin Zeng sở hữu 24% cổ phần, liên tục sụt giảm giá trị khi công ty chịu ảnh hưởng từ chi phí vật liệu thô tăng “phi mã”.
Câu hỏi đặt ra cho công ty đặt tại Ninh Đức, Phúc Kiến – CATL và những nhà sản xuất pin khác là về đảm bảo đủ lithium, yếu tố quan trọng để chế tạo pin sạc cho xe điện. Nguồn cung của kim loại hiếm này không thể đáp ứng nhu cầu cho các loại phương tiện sử dụng năng lượng mới trên toàn thế giới tăng lên nhanh hơn dự đoán.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, giá lithium tăng 130%, sau khi tăng 280% vào năm 2021, theo công ty cung cấp dữ liệu Benchmark Mineral Intelligence.
Yale Zhang – giám đốc quản lý của công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải, Automotive Foresight – nhận định, có thể mất 2 năm để nguồn cung vật liệu dần bắt kịp trở lại.
Đó là vì kể cả khi có đủ nguồn dự trữ lithium trên trái đất (chủ yếu ở Úc, châu Mỹ Latinh và Trung Quốc), việc mở mỏ đào và lọc ra thành phẩm rất tốn kém và mất nhiều thời gian.
Vào thời điểm này, Zeng không thể tự ý nâng giá pin điện của CATL. Công ty này là một trong những nhà cung cấp pin cho xe điện lớn nhất thế giới tính theo doanh thu toàn cầu với 35% thị phần và có các khách hàng bao gồm BMW, Geely và Tesla bên cạnh nhiều công ty khác.
Tuy vậy, CATL đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ cái tên đứng thứ hai, LG Energy Solution (16%) của Hàn Quốc cũng như công ty đồng hương BYD (11%).
Việc chi phí cho lithium tăng chót vót là tác nhân đẩy giá lên cao có thể khiến người mua e dè và đẩy họ sang những nhà cung ứng khác. Thêm vào đó, việc này có thể làm cho một vài mẫu xe ở mức giá 7.500 USD trở nên đắt hơn, Zhang cho biết. Theo các nhà phân tích, pin điện tử thường chiếm 30%-40% tổng chi phí cấu thành xe điện.
Bill Russo, nhà sáng lập của Automobility – công ty tư vấn đặt tại Thượng Hải, cho biết các hãng sản xuất xe, đặc biệt từ Trung Quốc không muốn nâng giá hơn nữa vào người tiêu dùng, vì điều đó có thể làm giảm đi sức hút từ những mẫu xe mới ra mắt.
“Nếu CATL không thể áp dụng mức lạm phát vào thị trường, họ sẽ thu về ít lợi nhuận hơn kỳ vọng,” ông cho biết.
Hệ quả là trong quý 1.2022, CATL khiến cho các nhà đầu tư lo ngại với báo cáo lợi nhuận thuần giảm 24%, còn 1,5 tỉ nhân dân tệ (223 triệu USD), mặc cho doanh số tăng 154% lên 48,7 tỉ nhân dân tệ.
Công ty đổ lỗi cho giá vật liệu “tăng đột ngột” đẩy chi phí lên gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Thêm vào kết quả kinh doanh thất vọng là hé lộ bất ngờ về khoản vay phát sinh 1,78 tỉ nhân dân tệ, khiến giá cổ phiếu của CATL giảm đến 14% hôm 5.5.
Từ năm 2022, cổ phiếu của CATL giảm 35% giá trị và phó chủ tịch Huang Shilin, cũng là tỉ phú, thâm hụt 5,5 tỉ USD trong tài sản sau khi công bố bảng xếp hạng Tỉ phú Toàn cầu vào tháng 4.2022.
CATL chưa phản hồi email yêu cầu đưa ra bình luận từ Forbes.
Trong cuộc gọi hội nghị vào ngày 4.5, công ty cho biết đang “tương đối thận trọng” khi đưa chi phí lithium tăng cao sang người tiêu dùng, theo hồ sơ gửi lên sàn giao dịch. Công ty cũng cho biết giá vật liệu thô trong hai tháng 3 và 4.2022 vẫn giữ nguyên mức tăng và sẽ tác động lên chi phí trong quý 2 năm nay. Mặc dù vậy, CATL đã tiến hành đàm phán với các khách hàng để điều chỉnh mức giá cho pin điện tử.
Zhang Junyi, giám đốc của công ty tư vấn Oliver Wyman đặt tại Thượng Hải, cho biết CATL cũng đối mặt với nhu cầu dành cho sản phẩm chậm lại. Việc Thượng Hải – trung tâm tài chính của Trung Quốc và thủ phủ sản xuất xe quan trọng đang tiến hành phong tỏa – đã làm tê liệt ngành xe hơi nội địa, theo Fitch Ratings.
Vào tháng 4.2022, doanh số bán lẻ từ thị trường xe hơi Trung Quốc giảm sâu 35% qua từng năm, xuống 1,05 triệu chiếc, khi các biện pháp phong tỏa làm tê liệt dây chuyền sản xuất, người tiêu dùng không thể đến các showroom xe và nhu cầu bị kìm nén, theo ước tính của Hiệp hội Vận chuyển Hành khách Trung Quốc (CPCA).
Tesla đang đối diện với việc đứt gãy nguồn cung cho nhà máy đặt ở Thượng Hải. Công ty chỉ mới tái khởi động việc sản xuất vào cuối tháng 4.2022 và lắp đặt hệ thống vòng lập khép kín, nơi công nhân nghỉ ngơi và làm việc tại chỗ nhằm ngăn sự lây lan từ virus corona.
“Tuy hoạt động sản xuất tại Thượng Hải đã khôi phục trở lại, nhưng các nhà máy sản xuất xe hơi vẫn chưa đạt hết công suất. Sản xuất chậm lại đồng nghĩa nhu cầu dành cho pin điện tử của CATL giảm xuống và điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu trong những quý tới,” Zhang cho biết.
CATL đang mở rộng quy mô ra quốc tế nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời. Công ty đang tiến hành khảo sát địa điểm đặt các nhà máy sản xuất pin điện tử mới tại Mỹ, sau khi được cấp phép để khởi công xây dựng nhà máy ở nước ngoài đầu tiên tại Đức vào tháng 4.2022.
Cùng thời điểm, CATL thông báo đầu tư 6 tỉ USD vào hoạt động đào và nhà máy sản xuất pin tại Indonesia. Trước đó, Zeng chia sẻ với các nhà đầu tư là ông đang cân nhắc xây dựng thêm nhà máy ở nước ngoài để nội địa hóa sản xuất.
Xem thêm: Bill Gates, Gautam Adani và Sergey Brin: Những tỉ phú kiếm tiền nhiều nhất năm 2021
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ti-phu-trung-quoc-robin-zeng-tham-hut-10-ti-usd-trong-tai-san)
2 ngày trước
2024 là năm thắng lợi của trái phiếu?