multi-media / Megastory

Bay lên nền tảng số

Sau khi vượt qua COVID-19 và những tổn thất lớn do đại dịch này gây ra, nhà đồng sáng lập AirAsia Tony Fernandes đang lần nữa dang rộng đôi cánh của mình bằng dự án kinh doanh mới ở Campuchia và siêu ứng dụng tập trung vào du lịch.

Doanh nhân táo bạo người Malaysia Tony Fernandes, người xây dựng hãng hàng không giá rẻ AirAsia với phương châm “giờ đây mọi người đều có thể bay,” đã phải đối mặt với thảm họa trong đại dịch, khi đột nhiên hầu như không ai có thể bay.

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã buộc Fernandes phải đóng cửa AirAsia Japan vào năm 2020 và vào tháng 6.2022, bán đứt liên doanh AirAsia India cho Air India và đối tác Tata Group.

Khi đại dịch tàn phá ngành du lịch hàng không, một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi liệu Fernandes có thể giữ cho AirAsia có trụ sở tại Kuala Lumpur tồn tại hay không. AirAsia chịu tổn thất lớn và nợ nần chồng chất, với hơn 90% số máy bay của hãng phải ngừng bay trong những ngày tồi tệ nhất của đợt bùng phát dịch.

Nhưng giờ đây, khi hầu hết các lệnh hạn chế đi lại được dỡ bỏ, ngành du lịch trong khu vực đang bùng nổ trở lại. AirAsia là một trong những hãng hàng không châu Á có tỉ lệ lấp đầy chỗ cao và hầu hết các máy bay của họ đã tái hoạt động.

Fernandes đã tận dụng khoảng thời gian cấm bay khó khăn để đẩy nhanh các kế hoạch trước đó nhằm mở rộng công ty thành tập đoàn với các dịch vụ du lịch và phong cách sống đa dạng.

Cuối năm ngoái, công ty được đổi tên thành Capital A để báo hiệu rằng họ sẽ không chỉ là một hãng hàng không (mặc dù Fernandes cho biết hàng không sẽ vẫn là hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty mới), với Fernandes là CEO.

Chìa khóa sẽ là siêu ứng dụng AirAsia Super App của Capital A, ứng dụng một điểm đến (one-stop) để đặt vé máy bay và các dịch vụ khác, chẳng hạn như đặt phòng khách sạn, vé phà, giao đồ ăn, gọi xe và bảo hiểm. Fernandes hi vọng ứng dụng của ông sẽ thành công giống như các siêu ứng dụng trong khu vực như Grab và GoTo.

Ứng dụng này ra mắt lần đầu vào năm 2020 và công ty đã liên tục mở rộng, bổ sung thêm các quốc gia mới, nơi dịch vụ của công ty có sẵn. Họ cũng hợp tác với Google để giúp phát triển các khả năng của ứng dụng.

Trong khi đó, Fernandes cũng tiến hành các bước để thiết lập cho công ty một nền tảng tài chính vững chắc hơn. Vào tháng 3.2022, công ty hoàn tất một thỏa thuận tái cấu trúc, theo đó đơn vị bay đường dài AirAsia X đã xóa được khoản nợ lên tới 33 tỉ ringgit (7,36 tỉ đô la Mỹ) và hoàn nhập các khoản dự phòng được trích lập sau khi AirAsia được tái cấp vốn 974,5 triệu ringgit (217,3 triệu đô la Mỹ) từ các cổ đông hiện hữu vào tháng 11.2021.

Fernandes không bỏ bê hoạt động kinh doanh hàng không cốt lõi của Capital A. Vào tháng 12.2022, ông thông báo ra mắt hãng hàng không liên doanh AirAsia Campuchia – sẽ là hãng hàng không thứ năm của AirAsia tại Đông Nam Á – đang chờ được phê duyệt theo quy định và dự kiến bắt đầu bay vào cuối năm 2023.

Xây dựng AirAsia là một cuộc phiêu lưu đối với Fernandes và đồng sáng lập Kamarudin Meranun. Năm 2001, họ mua lại hãng hàng không còn non trẻ với hai máy bay và biến hãng này thành một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á.

Thành công của AirAsia đã tạo đà cho Fernandes. Sự nghiệp của ông bắt đầu tại Virgin Music của Richard Branson, sau đó gia nhập Warner Music trong 12 năm. Ông được vinh danh là Doanh nhân của năm do Forbes châu Á bình chọn năm 2010 và cùng các đối tác vào danh sách 50 người giàu nhất Malaysia. Nhưng họ đã ra khỏi danh sách năm 2021, do giá cổ phiếu của hãng hàng không vận tải này sụt giảm vì đại dịch.

Hiện tại, để phát triển công ty, Fernandes, 58 tuổi, tập trung nhiều vào Malaysia và các quốc gia lân cận, những quốc gia đang có nền kinh tế phát triển tốt hơn phần lớn thế giới. “Chúng tôi đang thực sự ghi dấu ấn của mình ở Đông Nam Á,” ông nói. Ông nói thêm rằng mình muốn mở các liên doanh ở “càng nhiều nước ASEAN càng tốt trước khi tôi nghỉ hưu.”

Mặc dù tất cả các hãng hàng không phải tiếp tục đối mặt với giá nhiên liệu máy bay cao, nhưng Fernandes cho biết tình hình đã được cải thiện, nhờ việc tăng giá vé giúp bù đắp. Ông nói thêm rằng nhu cầu rất cao và không có cuộc chiến giá cả giữa các hãng hàng không giống như trước đây.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu máy bay tăng cao – đạt đỉnh 175 đô la Mỹ /thùng vào tháng 6.2022, trước khi ổn định ở mức khoảng 130 đô la Mỹ vào đầu tháng 2.2023 – hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cho biết đà phục hồi của các hãng hàng không đã được duy trì, đặc biệt là ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi có lưu lượng hành khách tăng vọt 363% vào năm 2022 so với năm trước.

Mặc dù hoạt động của hãng được cải thiện đáng kể trong quý cuối cùng của năm 2022, nhưng không phải tất cả các vấn đề do đại dịch gây ra đều được giải quyết triệt để. Công ty phải đối mặt với yêu cầu hoàn lại tiền từ những hành khách có chuyến bay bị hủy trong đại dịch, với trị giá khoảng 2,1 tỉ đô la Mỹ. Một số khách hàng muốn được hoàn lại tiền mặt, nhưng Capital A cho biết họ đã giải quyết 94% số tiền hoàn lại của hành khách chủ yếu thông qua các phiếu du lịch.

Kinh doanh kỹ thuật số là chìa khóa trong kế hoạch xây dựng Capital A của Fernandes. Trong lĩnh vực này, siêu ứng dụng của AirAsia đang cạnh tranh với những gã khổng lồ kỹ thuật số lâu đời của khu vực là Grab Holdings và GoTo. Nhưng Fernandes không nản lòng, khẳng định rằng AirAsia – có các tuyến bay đến toàn bộ các quốc gia ASEAN – “có thể là một công ty du lịch kỹ thuật số rất mạnh.”

Một yếu tố khiến ông tự tin là cách ông gây dựng được hãng hàng không của riêng mình, điều mà các đối thủ không có, và siêu ứng dụng của ông có thể được sử dụng để sắp xếp việc đi lại trên mặt đất ở một số điểm đến nổi tiếng nhất trong khu vực, chẳng hạn như Siem Reap ở Campuchia và Boracay ở Philippines.

Fernandes hi vọng hoạt động kinh doanh của AirAsia sẽ được tăng cường nhờ siêu ứng dụng này của hãng, trong đó gồm cả các dịch vụ tài chính. Đơn vị công nghệ tài chính BigPay của Capital A tuyên bố họ đưa ra tỉ giá hối đoái tốt nhất cho dịch vụ chuyển tiền. Ông nói: “Chúng tôi tạo ra công nghệ tài chính hỗ trợ cho Super App, là phần mở rộng tự nhiên để phục vụ khách du lịch.”

“Chắc chắn họ có rất nhiều thứ cần làm,” Nirgunan Tiruchelvam, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng và Internet của công ty Aletheia Capital tại Singapore, nói về các hoạt động gần đây của Capital A. Tiruchelvam vẫn nghi ngại về mức độ thành công của hãng khi cạnh tranh với đối thủ lớn, lâu đời trong ngành.

“Chưa có bất kỳ tiền lệ nào,” ông nhận định về việc một hãng hàng không chuyển đổi thành công ty cung cấp dịch vụ du lịch và phong cách sống qua ứng dụng.

Rõ ràng, Capital A đang mở rộng sang một thị trường đang phát triển. Các dịch vụ trực tuyến như đặt chỗ du lịch, thương mại điện tử và các dịch vụ tài chính khác đang trở nên phổ biến đối với 650 triệu dân ở Đông Nam Á.

Ứng dụng Super App có 12 triệu người dùng hoạt động hằng tháng, trong khi đơn vị logistics của Capital A là Teleport – có các khách hàng bao gồm Lazada, Shopee và Zalora – đang khai thác ngành thương mại điện tử đang bùng nổ của khu vực.

Fernandes cũng hi vọng thị trường Campuchia sẽ giúp thúc đẩy công việc kinh doanh. AirAsia bắt đầu có tuyến bay từ Kuala Lumpur đến Campuchia vào năm 2005, và giờ đây hãng kỳ vọng đất nước này sẽ trở thành trung tâm hoạt động với sự ra mắt của AirAsia Campuchia.

AirAsia đã có các trạm trung chuyển ở Kuala Lumpur, Jakarta, Manila và Bangkok, vì thế các liên doanh được thành lập tại địa phương của hãng có thể đón hành khách từ những nơi này và đưa họ đến các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Liên doanh Campuchia là hợp tác giữa Capital A, nắm giữ 51% cổ phần, cùng Sivilai Asia có trụ sở tại Phnom Penh, với 49% cổ phần. CEO của AirAsia Campuchia là giám đốc của Sivilai, Vissoth Nam. Doanh nhân Campuchia này từng làm việc tại ngân hàng trung ương Campuchia và quỹ Tiền tệ quốc tế, đồng thời mở một nhà hàng lẩu ở Siem Reap và một quán bar ở Phnom Penh.

Hãng bay sẽ bắt đầu với quy mô nhỏ – hai đến bốn máy bay trong năm đầu tiên – nhưng các đối tác có những kỳ vọng lớn. Nam, 32 tuổi, cho biết: “Sự gia tăng kết nối cùng mức giá vé tốt nhất chắc chắn sẽ kích thích nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.”

Trước đại dịch COVID-19, Campuchia với ngôi đền Angkor Wat nổi tiếng ở Siem Reap là điểm đến du lịch nổi tiếng. Theo bộ Du lịch Campuchia, năm 2019, nơi này có 6,6 triệu du khách quốc tế và mang về doanh thu 1,8 tỉ đô la Mỹ.

Với việc Bắc Kinh cuối cùng đã mở cửa biên giới của Trung Quốc đại lục, vốn bị đóng cửa gần ba năm vì COVID-19, lượng khách du lịch từ Trung Quốc sẽ tăng đột biến. Fernandes cho rằng AirAsia có thể dễ dàng tăng gấp đôi số lượng du khách từ Trung Quốc, đồng thời dần dần cũng tăng lượng khách đến từ Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Rất dễ dàng bổ sung 21 điểm bay từ Trung Quốc đến Campuchia,” ông cho biết. Fernandes đặc biệt lạc quan về Campuchia dưới góc độ đầu tư. “Chúng tôi sẽ có lãi ngay lập tức,” ông nói. “Tại sao lại không làm? Mọi người ở đây, tại Campuchia này, đều biết đến AirAsia.”

Capital A đã chìm trong sắc đỏ khá sâu vì đại dịch COVID-19 và báo cáo khoản lỗ tổng cộng 6,3 tỉ ringgit (hơn 1,4 tỉ đô la Mỹ) cho năm 2020 và 2021. (Kết quả tài chính cho năm 2022 chưa được báo cáo vào thời điểm xuất bản bài viết này.)

Mặc dù hoạt động được cải thiện trong quý trước, Maybank dự báo khoản lỗ 2,9 tỉ ringgit (khoảng 647 triệu đô la Mỹ) cho năm 2022, tăng nhẹ so với mức 2,8 tỉ ringgit (khoảng 624 triệu đô la Mỹ) của năm trước. Công ty dự kiến lỗ thêm 700 triệu ringgit (hơn 156 triệu đô la Mỹ) trong năm nay trước khi có lãi 258 triệu ringgit (khoảng 57,5 triệu đô la Mỹ) vào năm 2024. Năm cuối cùng họ có lãi là năm 2018.

Nhà phân tích Samuel Yin của Maybank cho biết AirAsia có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu đi lại tăng trở lại vì họ đã có quyết định đúng đắn khi vẫn tiếp tục cho thuê nhiều máy bay đã ngừng hoạt động trong thời kỳ đại dịch.

Theo ông, điều đó khiến hãng trở nên khác biệt với các đối thủ như Batik Air của Indonesia và Malaysia Airlines, những hãng đã phải chật vật triển khai thêm máy bay để đáp ứng lưu lượng hành khách gia tăng sau khi thu hẹp đội bay của họ trong hai năm qua.

Mặc dù AirAsia đưa khoảng 150 máy bay hoạt động trở lại (với 54 chiếc khác dự kiến sẽ bay trở lại vào nửa đầu năm nay), tập đoàn tiếp tục vật lộn với các vấn đề kế toán sau khi kiểm toán viên của Ernst & Young nghi ngờ về khả năng vận hành liên tục của tập đoàn vào tháng 10.2022, coi AirAsia là một công ty kiệt quệ về tài chính theo Lưu ý Thông lệ 17 (PN17) của sở Giao dịch chứng khoán Malaysia.

Trạng thái cảnh báo PN17 được kích hoạt do các khoản nợ phải trả của đơn vị bay đường dài AirAsia X vượt quá giá trị tài sản của công ty. Vào tháng 11.2022, Fernandes cho biết mặc dù trạng thái cảnh báo PN17 “không phản ánh chính xác khả năng kinh doanh và triển vọng” của Capital A, nhưng họ đang nỗ lực để loại bỏ cảnh báo này “như một phần quan trọng trong hành trình phục hồi sau đại dịch của chúng tôi.”

Hiện tại, Fernandes cho biết ông hi vọng trạng thái PN17 sẽ bị xóa bỏ vào nửa cuối năm nay. Trong khi đó, ông đang nỗ lực hợp nhất các đơn vị ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và AirAsia X thành một thực thể được niêm yết mang tên là AirAsia Aviation Group.

Fernandes hi vọng sẽ tiếp tục tái cơ cấu để đưa công việc kinh doanh của mình lên một tầm cao mới. Ông dự định có bốn thương vụ IPO trong vài năm tới được tách ra từ Capital A. Các kế hoạch IPO này sẽ dành cho Super App, công ty logistics Teleport, chi nhánh công nghệ tài chính BigPay của tập đoàn và đơn vị bảo trì, sửa chữa và đại tu máy bay Asia Digital Engineering. “Là một tập đoàn, Capital A sẽ không đạt được giá trị thực của mình,” Fernandes nói. “Vì vậy, tôi sẽ tách thực thể này ra.”

Mặc dù các doanh nghiệp phi hàng không không đạt được nhiều sức hút trong thập niên qua, Fernandes vẫn nhìn thấy tiềm năng to lớn từ siêu ứng dụng Super App của AirAsia và Teleport, mà ông kỳ vọng sẽ vận chuyển được 94 triệu bưu kiện vào năm 2024, tăng trưởng từ con số tám triệu vào năm 2022.

Để ứng phó với nhu cầu bùng nổ của thương mại điện tử, tập đoàn sẽ dần dần bổ sung ba máy bay vận tải Airbus A321 vào đội bay của mình bắt đầu từ quý đầu tiên của năm nay.

“Những chuyên cơ chở hàng thân hẹp này sẽ củng cố mạng lưới vận chuyển hàng hóa của Teleport và giải quyết nhu cầu thị trường đa dạng ở Đông Nam Á và toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dễ dàng kết nối các nhà sản xuất, nhà xuất khẩu và thương mại điện tử,” Fernandes nói.

Sau khi huy động được 50 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư vào tháng 12.2022, Teleport đang chuẩn bị mở rộng mạng lưới giao hàng xuyên biên giới khắp Đông Nam Á, nhằm thiết lập một trung tâm logistics ở Campuchia ngay khi AirAsia Campuchia tiến vào bầu trời.

Fernandes nói: “Chúng tôi rất nóng lòng được tham gia thị trường logistics Campuchia với hàng dệt may và thực phẩm. Chúng tôi có thể tận dụng mạng lưới của mình ở Trung Quốc và Đông Nam Á.”

Tiruchelvam của công ty Alethea cho biết, việc khách hàng không hài lòng do hủy chuyến bay và chậm trễ trong thời kỳ COVID-19 có thể là “vấn đề tiềm ẩn” đối với việc quản lý thương hiệu, nhưng những vấn đề này là điều phổ biến trong ngành hàng không.

Ông nói: “Mọi người sẽ chấp nhận những điều kiện bay khó khăn chừng nào AirAsia còn tiếp tục là hãng hàng không giá rẻ so với các đối thủ cạnh tranh.”

Fernandes cũng thừa nhận rằng thương hiệu đã gặp khó khăn trong đại dịch và những tháng gần đây khi AirAsia phải hủy các chuyến bay vì không có đủ máy bay.

“Mọi người không nhận ra rằng khi bạn có một chiếc máy bay đã lâu không bay và không bảo dưỡng, máy bay sẽ có những bộ phận hỏng hóc. Có những trường hợp chúng tôi đã bán chỗ bay mà không có máy bay vì bộ phận kỹ thuật không thể đáp ứng thời gian đưa máy bay trở lại hoạt động,” ông thừa nhận.

Fernandes tin rằng hãng hàng không của ông có thể cải thiện dịch vụ khách hàng. Ông nói: “Điều quan trọng nhất là giao tiếp. Thật khó khăn khi bạn phải chữa cháy quá nhiều thứ nhưng chúng tôi đang nỗ lực.”

Sau cùng, vào tháng 2.2022, Capital A đã loại bỏ chatbot Ava hiện tại của mình và thay thế bằng Ask Bo, được hứa hẹn sẽ “chủ động và chu đáo” hơn Ava. Chatbot này cung cấp các tính năng mới, chẳng hạn như cập nhật trực tiếp tình trạng chuyến bay và nhiều ngôn ngữ hơn bao gồm cả tiếng Nhật và tiếng Việt.

————————-

Biên dịch: Quỳnh Anh

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam, số 116, tháng 4.2023