Doanh nghiệp

Thái Thanh Liêm xây phong cách riêng cho game Topebox

5 tháng trước
Tác giả Trọng Nam

Trong trào lưu không ít nhà phát triển chạy theo doanh thu bằng các dự án vay mượn ý tưởng, Topebox là cái tên gây tò mò khi ngược dòng bằng một loạt game mang phong cách riêng.

Share
this:

Năm 2021, báo chí và mạng xã hội xuất hiện thông tin về một trong số những chiếc siêu xe điện Porsche Taycan đầu tiên ở Việt Nam được đặt mua với giá hơn 10 tỉ đồng. Dù tin tức không công khai tên của chủ nhân nhưng cộng đồng những người làm game ở TP.HCM kháo nhau đó là món quà CEO một game studio tặng cho người bạn đời.

Ba năm trước, công ty này đổi tên, chuyển nơi làm việc từ tầng áp mái căn nhà trong ngõ ra dãy villa ở khu đô thị Cityland (Gò Vấp). Nhân sự công ty sau đó cũng tăng lên gấp 3–4 lần, với mục tiêu mới tham vọng hơn.

“Tôi không chỉ làm game vì đam mê mà còn muốn những cú hích về thương mại, có sức ảnh hưởng đến ngành game, để nuôi tham vọng trở thành kỳ lân công nghệ,” Thái Thanh Liêm, CEO Topebox, nhân vật chính của câu chuyện trên nói với Forbes Việt Nam. Sinh năm 1983, Liêm có gần 20 năm trong ngành game. Với cá tính riêng nhiều màu sắc của nhà sáng lập, Topebox chọn đi một con đường khó: Phát triển các tựa game có chiều sâu, ưu tiên tính sáng tạo và chất lượng.

Công ty phát triển game Topebox mà Liêm đồng sáng lập và hiện là CEO được đổi thương hiệu từ Pine Entertainment vào năm 2018. Đường hướng phát triển được Liêm xác định: “Topebox có thể nói là khác với nhiều studio khác trên thị trường, chúng tôi làm game với triết lý đơn giản (simple) nhưng phải chất (bold), nói không với sao chép, đạo nhái ý tưởng.”

Ngành game Việt Nam phát triển nhanh trong mười năm qua đã trở thành mảnh đất cho những tài năng thành công sớm và dĩ nhiên cả những “cái tôi” của các kỹ sư công nghệ phát triển sản phẩm. Giữa nhiều cái tên cá tính thường được nhắc đến, Thái Thanh Liêm cũng có vị trí riêng.

Không nổi danh với những game có số lượt tải kỷ lục, doanh thu khủng hay bộ máy đồ sộ nhưng các dự án game từ công ty Liêm thường được đánh giá cao ở trải nghiệm chỉnh chu, độc đáo và có chiều sâu.

Thái Thanh Liêm – CEO của Topebox

Trong 11 năm hoạt động, studio của Liêm đều đặn cho ra mắt các game nằm trong tốp lượt tải và bình chọn. Tính đến hiện tại, Topebox đã cho ra đời khoảng 100 tựa game di động và hơn 100 triệu lượt tải trên các nền tảng ứng dụng Apple Store và Google Play Store. Đặc biệt, trong năm năm đầu thành lập, năm nào studio này cũng có các game nằm trong đề cử tốp đầu của nền tảng.

Topebox khi còn hoạt động dưới tên cũ Pine Entertainment với biểu tượng cây thông, được ví von là nhà tạo “hit” (sản phẩm ăn khách) mát tay, trong đó có một số thành công đặc biệt. Pocket Army ra mắt năm 2012 đã trở thành game Việt đầu tiên vào top những ứng dụng đạt doanh thu cao nhất ở thị trường Mỹ. Politaire đoạt giải “Trò chơi của năm 2016” trên nền tảng iOS của Apple.

Năm 2017, Sky Dancer ra mắt và đứng đầu bảng xếp hạng game miễn phí tại Trung Quốc, với trên 50 triệu lượt tải trên toàn cầu. Từ năm 2018, sau những biến động và thay đổi định hướng, tần suất ra mắt và độ ăn khách của sản phẩm có chiều hướng giảm.

Tuy nhiên giai đoạn 2019-2021 vẫn mang lại thành công tài chính cho công ty khi ByteDance, công ty chủ quản của TikTok mua lại tựa game Sky Dancer, một thương vụ được giữ kín giá trị. Đây là thương vụ hiếm hoi game Việt được các ông lớn công nghệ trực tiếp mua lại.

Vẻ ngoài thư sinh, trẻ hơn nhiều so với tuổi 40, nhà sáng lập Topebox tự nhận mình là người hướng nội và đam mê thiết kế game. Anh cho rằng mình may mắn gia nhập ngành sớm, có đủ thời gian để thử và sai nhiều lần để có được công thức thành công riêng. Nhờ đó, tạo ra những sản phẩm ngày càng có phong cách và độ hoàn thiện cao hơn.

Thái Thanh Liêm nói về bản thân như vậy, còn trong ngành, nhiều người nói về Liêm như một nhân vật “rất ngông” nhưng có “chất riêng”, là linh hồn của các sản phẩm làm nên đặc trưng cho Topebox. Một nhân sự kỳ cựu của VNG và Gameloft, từng làm việc ở Topebox trong ba năm đầu thành lập cho biết, Liêm là một trong số ít người Việt nắm được kỹ năng thiết kế một trò chơi hoàn chỉnh ở đẳng cấp thế giới.

Anh này lý giải thêm: “Trò chơi là sản phẩm giải trí và trò chơi hay có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật. Do đó, phải có cấu tứ riêng để làm sao chạm tới sự thỏa mãn của người chơi. Người thiết kế game giỏi chính là người có cấu tứ như thế”.

Theo Liêm, các studio nếu không có nhân sự thiết kế đủ giỏi, sẽ ngày càng bị bí bách về sản phẩm. “Ý tưởng không thiếu, công cụ có sẵn, engine (phần mềm dựng game) cũng tự làm được nhưng gói ghém ý tưởng để cấu trúc nó thành một trải nghiệm chơi game xuyên suốt, tới nơi tới chốn mới là cái khó,” Liêm nói.

Sự nghiệp làm game của Liêm khởi đầu từ Gameloft. Sinh ra trong một gia đình trí thức thành thị, Liêm có điều kiện học tập, có vốn tiếng Anh vững vàng là một lợi thế không nhỏ, nhưng anh bỏ ngành lập trình ở năm hai đại học vì mê game. Điều này gây sốc cho cả gia đình.

Năm 2004, khi hãng game di động đình đám Gameloft mở studio tại TP.HCM, Liêm thi tuyển vào vị trí tester (kiểm định game), bắt đầu bước ngoặt lớn. “Đề tuyển đưa ra nội dung giải thuật đơn giản cho thời hạn trong một tuần, tôi mày mò làm nguyên một con game đơn giản, tựa tựa như game xếp hình,” Liêm kể.

Đáp án độc lạ, thể hiện đam mê và một chút liều lĩnh của Liêm đã gây ấn tượng. Ở Gameloft lúc đó, người Việt chủ yếu là lập trình viên, Liêm được tuyển vào vị trí thiết kế game, thường chỉ thuộc về những nhân sự từ Pháp sang. Ba năm tại đây, Liêm thăng tiến nhanh chóng, trở thành trưởng dự án quản lý nhiều đội nhóm với hàng trăm nhân sự.

Gameloft là cơ hội cho Liêm thỏa sức đam mê và làm game chuyên nghiệp, bài bản. Là người có tố chất nhanh nhạy, Liêm nhanh chóng gặt hái được nhiều kinh nghiệm, gầy dựng mối quan hệ với các tài năng đang lên ở các nhà phát triển, phát hành và nền tảng ứng dụng.

Topebox hiện tại là công ty thứ ba mà Liêm sáng lập. Lần thứ nhất, năm 2009, Colorbox ra đời – công ty do Liêm và vài nhân viên Gameloft được anh “rủ nghỉ việc” ra khởi nghiệp. Lý do theo Liêm là vì Gameloft không muốn để nhân viên Việt Nam có dự án riêng, làm cho nhóm của anh phần nhiều tự ái, muốn chứng tỏ năng lực.

Dự án đầu tay nhanh chóng thành công về thương mại, thu được hàng tỉ đồng mỗi tháng, nhưng với Liêm là sự thất bại về mặt quản trị. Colorbox do nhiều người “ngang hàng” cùng góp vốn, không tổ chức theo mô hình phân cấp, không ai là chủ đạo. Liêm nhận ra mô hình Colorbox sẽ không phát triển theo cách mà bản thân mình mong muốn.

Trong nội bộ, một số nhân viên cũ đặt cho anh biệt danh “nhà độc tài”, thậm chí là “bạo chúa”. Họ xem anh là điển hình của người muốn đem cá tính riêng phủ lên hướng đi của công ty và sẵn sàng nói lời tạm biệt với bất kỳ ai không cùng tầm nhìn. Các nhận xét này có đến tai Liêm? Anh cười thoải mái: “Tôi nhận ra nhiều khi không thể dân chủ trong việc điều hành một công ty được, vì rất khó có thể lan tỏa ý tưởng xuống toàn bộ nhân sự để họ cùng hiểu và đồng thuận. Rút kinh nghiệm, sau này tôi quản lý Topebox theo cách khá quyết liệt và bảo thủ.”

Lời mời gia nhập VNG gợi mở cho Liêm nhiều hứng thú mới giữa lúc đang thất vọng với công ty đầu tiên tự mình gây dựng. Tuy nhiên anh cũng chỉ gắn bó tại đây được hai năm. Lý do là những tựa game sau không thể lặp lại thành công của dự án Sky Garden (Khu vườn trên mây). Mô hình của VNG cũng không cho phép họ thất bại quá nhiều, là sự khó khăn cho những người làm game độc lập. “Tuy ngưỡng mộ CEO Lê Hồng Minh nhưng môi trường tập đoàn đã nhanh chóng khiến tôi thấy đuối sức,” Liêm thành thật chia sẻ.

Liêm lại “ra riêng” lần hai với Pine Entertainment với sáu thành viên cùng góp 500 triệu đồng tiền vốn. Công ty chỉ mới tiêu hết 300 triệu đồng tiền vốn thì đã thắng lớn với tựa game “Pocket Army” thu về hơn 1 triệu đô la Mỹ trong tháng đầu tiên. Có tiền dằn túi, đội ngũ cho ra thị trường toàn cầu hàng loạt sản phẩm “không giống ai” với triết lý “Simple & Bold”. Topebox cố gắng đi theo hướng “thắng bằng cách chơi” (gameplay) hợp thời, nội dung đủ dày và cuốn hút để thuyết phục game thủ bỏ tiền mua game hoặc mua vật phẩm.

Pine Entertainment không chọn cách đẩy quảng cáo để lấy doanh thu nhanh chóng mà nghiên cứu kỹ về người dùng, cẩn trọng thử nghiệm từng tập khách hàng nhỏ. Liêm cũng chú trọng củng cố mối quan hệ từ trước với đội ngũ Apple và hợp tác với Google ngay từ lúc Android mới ra đời. Anh hướng nội dung game phù hợp với đòi hỏi của các nền tảng này, được bình chọn tốt, gián tiếp tiết kiệm chi phí tiếp thị. “Mục tiêu là tối đa hóa biên lợi nhuận, thậm chí chiến lược Topebox là phải có biên lợi nhuận cao hơn trung bình ngành,” Liêm nói.

Để giữ game có chất lượng, Liêm chỉ triển khai cho chạy 2–3 dự án cùng thời điểm, mỗi năm tối đa phát triển 8–10 tựa game. Tỉ lệ game ‘xịt’ vẫn cao nhưng dần chấp nhận được, trung bình 4 game sẽ thắng 1. Chê thiết kế game (designer) ngoài thị trường chỉ giỏi tối ưu quảng cáo, chạy doanh số, CEO Topebox tuyển thiết kế theo phong cách tái bản chính câu chuyện nghề của mình: bốc ứng viên tiềm năng từ nhóm tester rồi đào tạo dần theo năng khiếu.

“Truyền nhân” đắc ý nhất của Liêm hiện tại là Hoàng Thanh Nhựt, giám đốc sản phẩm Topebox. Từ định hướng của cả hai, sản phẩm Topebox càng về sau càng bớt tính “casual” (bình dân) và hướng lên “midcore” (độ phức tạp trung bình). Liêm đặc biệt nói không với thể loại game sao chép (clone) các game thành công của nước ngoài.

Năm 2018, thương hiệu Pine đổi thành Topebox, trước đó nhiều nhân sự đồng sáng lập hoặc chủ chốt rời bỏ công ty. Cũng thời điểm này, Liêm bắt tay hợp tác với nhà phát hành game lớn Habby (Trung Quốc). Từ mối quan hệ đó, CEO Thái Thanh Liêm tiếp cận học hỏi kinh nghiệm những dự án thu về hàng trăm triệu đô la mỗi năm như Achero, Survivor.io.

Habby củng cố niềm tin cho Liêm, rằng nội dung gốc và trải nghiệm nguyên bản là cách duy nhất để mở rộng quy mô trò chơi bền vững. “Nếu không có nội dung nguyên bản, chi phí sẽ tăng nhanh hơn doanh thu và càng mở rộng sẽ càng gây lỗ,” Liêm nói.

Topebox nhận phát triển một phần dự án thử nghiệm (pilot) cho tựa game Survivor.io của Happy. Ra mắt tháng 7.2022, Survivor.io nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu, kiếm về 100 triệu đô la Mỹ trong chưa đầy nửa năm, hiện vẫn là con gà đẻ trứng vàng với 23 triệu đô la Mỹ doanh thu trong tháng 8.2023.

Cũng trong giai đoạn hợp tác với Habby, Liêm chứng kiến cơn sốt tài sản số chắp cánh cho hàng loạt cá nhân và studio trong ngành game thu lợi lớn. Thành công điển hình như Sky Mavis với Axie Infinity giúp Liêm hiểu được giá trị của một tựa game “khủng” đối với tương lai của một doanh nghiệp. Nếu tạo ra được các siêu phẩm qua một đêm cả thế giới sẽ bàn tán về tựa game đình đám đó. “Tôi nhận ra đã đến lúc không thể chỉ làm vì đam mê, không thể hài lòng với ‘một nùi’ hit nhỏ nữa,” Liêm nói.

Hai năm nay Topebox chỉ ra 4-5 game, dồn lực vào dự án vũ trụ thực tế ảo (metaverse) có tên gọi là Mimiland. Dự án đã được xây dựng trong 18 tháng qua với mục tiêu ban đầu là bản nâng cấp tựa game nổi danh nhất của họ, Sky Dancer 2, lên đây. Liêm hi vọng hấp dẫn được người dùng với tính năng cá nhân hóa vật phẩm, giao dịch giữa các game và tương tác với người chơi bằng “nhận dạng ảo”.

Liêm lý giải, thế hệ Gen Z, hay Gen A sau này là tập người dùng mới, có ý thức về hình ảnh và sở hữu cá nhân mạnh hơn, hiểu tài sản số và metaverse hơn. Liêm cũng dự tính gọi vốn đầu tư, mời các studio khác cùng tham gia phát triển Mimiland. “Sự lên ngôi của tập người dùng này là dấu chỉ cho những dự án metaverse thành công trong tương lai,” theo Liêm.

Quyết tâm “làm lớn”, CEO Topebox cho biết lần thứ hai từ chối bàn tay chìa ra từ phía VNG, trong một thỏa thuận sáp nhập trị giá 20 triệu đô la Mỹ cách đây vài năm. Quyền quản lý tài chính và nhân sự cũng dần chuyển về cho người bạn đời, Nguyễn Phạm Linh Chi, một người có nhiều kinh nghiệm về thuế và luật. Từ góc độ nhà sản xuất game, Liêm bày tỏ hi vọng các quy định về ngành này sẽ sớm được rõ ràng, tạo điều kiện cho các công ty có đất để khẳng định mình ngay tại thị trường trong nước.

Công ty trẻ hóa đội ngũ, với một nửa nhân sự thuộc Gen Z. Bản thân Liêm cũng buộc phải thay đổi phong cách cá nhân theo cách “quảng giao” hơn. Liêm và các quản lý cấp cao của Topebox tích cực xuất hiện ở các sự kiện, trên truyền thông, hợp tác với các cơ quan nhà nước. “Tôi hi vọng ngành game Việt khi được quan tâm hơn thì miếng bánh sẽ mở rộng và tốt cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành,” Liêm nói.