Tiêu điểm

Phục hồi kinh tế: Cần nhìn xa hơn đại dịch

Đi qua đại dịch, chúng ta nhìn thấy một xã hội thay đổi rất nhanh, đòi hỏi các thiết kế chính sách phải thay đổi cấp bách, thậm chí phải thay đổi cấu trúc xã hội trở nên ít chạm, nhanh hơn và hợp lý hơn.

Share
this:

Nhiều nền kinh tế thế giới cảnh báo phải mất cả thập niên để khôi phục mức tăng trưởng trước đại dịch và có thể hai thế hệ tiếp theo sẽ gánh chịu các hậu quả do Covid-19 gây ra. Tại Việt Nam, thử so sánh về con số của ngành du lịch – ngành kinh tế chiếm 10% GDP để thấy mức độ ảnh hưởng này.

Năm 2020, tổng doanh thu ngành trở về mức năm 2013 và tổng lượt khách quốc tế vào Việt Nam về mức năm 2006. Việc ngắt mạch lưu thông khiến ngành hàng không nói riêng và giao thông vận tải nói chung điêu đứng, các hãng hàng không đối mặt với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền, tổng con số thua lỗ đến 40 ngàn tỉ đồng. Nhưng đó đơn thuần chỉ là những thiệt hại định lượng được bằng con số, những tổn thương mà đại dịch gây ra hai năm qua còn lớn hơn nhiều.

Để khôi phục nền kinh tế nói chung, ngành hàng không – du lịch nói riêng, cần một kế hoạch tái thiết lớn mang tính quyết đoán và kịp thời đến từ Chính phủ. Tình trạng tê liệt kéo dài trở thành một lò xo nén chặt, nội lực bên trong sẽ quyết định độ bật trở lại nhưng sau bốn đợt dịch thì nội lực doanh nghiệp bị suy giảm nhiều. Có tâm lý rằng, thị trường nén lâu sức bật sẽ nhanh, nhưng theo tôi không thể bằng một lệnh gỡ bỏ hành chính là sức bật trở lại mà cần sự điều hành với quyết tâm cao, xuyên suốt và kịp thời.

Chúng ta nhìn thấy một thực tế là các chính sách rất chậm và lúng túng, thiếu nhất quán, chưa mang tính dẫn dắt nhưng lại thường xuyên thay đổi khiến cho việc vận hành của doanh nghiệp khó khăn, làm hạn chế chính sách thẩm thấu vào thực tiễn kinh doanh và hoạt động của xã hội.

Chẳng hạn, nghị quyết 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 được Chính phủ ban hành từ ngày 11.10, tuy nhiên từng địa phương đưa ra các rào chắn kỹ thuật riêng dẫn đến việc chính sách mới ban hành được tiếp cận rất chậm.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel. Ảnh: TA

Điều này cho thấy chủ trương sống chung với Covid-19 nhưng việc điều hành lại theo hướng “zero Covid” dẫn đến tình trạng cục bộ, chính sách không chuyển dịch được thì doanh nghiệp và người dân cũng chưa thể chuyển dịch thông suốt. Các đối sách không thích ứng kịp khiến tính nghiêm minh trong thực thi chính sách cũng khó hiện thực.

Một thực tế khác, chính phủ yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong 16 ngân hàng cam kết chỉ có một vài ngân hàng thực hiện với tỉ trọng tương đối thấp. Bản chất ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nếu từng ngân hàng đơn lẻ thực hiện thì hiệu ứng hỗ trợ sẽ không đủ lớn, cần đến vai trò kiến tạo của nhà nước.

Về chủ trương, việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua bù trừ lãi suất để ngân hàng tạo dòng tiền giá rẻ đến doanh nghiệp. Nhưng thực tế, doanh nghiệp hiện nay khó vay được mức lãi suất 2,5-3,5%. Điều này phản ánh chính sách thiếu tính cụ thể, không trúng đích và cũng không có đủ chế tài thực hiện.

Nhìn chung đa số doanh nghiệp Việt Nam nguồn tài chính tích lũy còn hạn chế, các hoạt động kinh doanh dù doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, lớn hay nhỏ đều phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng. Cũng có nhiều doanh nghiệp có cơ hội ăn nên làm ra trong đại dịch và vượt lên nhưng nhìn tổng thể tích lũy tài chính của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua bị thụt lùi.

Nếu các chính sách điều hành không được hiện thực hóa kịp thời, áp lực sẽ đè nặng lên doanh nghiệp, thiệt hại gia tăng đến vùng trũng nhất là người dân, giữa lúc sức tiêu dùng đang giảm mạnh và người lao động mất việc gia tăng.

Nếu so với những kỳ khủng hoảng năm 2008 và 2011, nền kinh tế Việt Nam hiện có tiềm lực mạnh hơn rất nhiều: vốn FDI dồi dào hơn, quy mô thương mại quốc tế gấp nhiều lần, dự trữ ngoại hối cũng ở giai đoạn tốt nhất, thu ngân sách nhà nước nhìn tổng thể vẫn vượt kế hoạch, theo báo cáo của bộ Tài chính. Trong khi đó các nhà điều hành kinh tế có nhiều kinh nghiệm hơn, vì vậy cộng đồng doanh nghiệp có lý do để kỳ vọng chính phủ thực hiện những biện pháp mạnh nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Nhiều nước đưa ra gói hỗ trợ 10-20% GDP để vực dậy doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường, Việt Nam tính toán tung gói hỗ trợ 10% GDP nhưng rất chậm và thiếu quyết đoán. Cộng đồng doanh nghiệp hiện đã tổn thương nghiêm trọng mà không dùng biện pháp “chữa trị” quyết đoán thì vết thương sẽ lâu lành, có khi hoại tử.

Nhìn lại ngành hàng không và du lịch – hai lĩnh vực hoạt động gắn bó mật thiết. Ngành hàng không ngưng trệ làm đứt gãy lưu thông nội địa, thu hẹp giao thương ra toàn cầu và mất vai trò bệ đỡ cho thị trường du lịch quốc tế hồi phục.

Đầu tư cho hàng không là kinh tế trọng điểm và tầm nhìn xa của mỗi quốc gia. Đây cũng là tổ hợp hàng hóa và logistics đầu não, mang lại công ăn việc làm và thúc đẩy nhiều ngành kinh tế phụ trợ. Nhìn xa hơn, đây còn là ngành công nghệ cao và giá trị lớn, hàm chứa kinh tế tri thức, thúc đẩy nghiên cứu phát triển và hỗ trợ các ngành nghề khác.

“MỘT KHI CHẤP NHẬN SỐNG CHUNG VỚI DỊCH THÌ CÁC GIẢI PHÁP PHẢI CHỦ ĐỘNG ĐI TRƯỚC, KHÔNG THỂ GIỮ TƯ DUY ĐỐI PHÓ VÀ TRIỆT TIÊU DỊCH, NẾU KHÔNG CHÚNG TA SẼ LUÔN Ở THẾ RƯỢT ĐUỔI VỚI NHỮNG RỦI RO.”

Tổ chức hàng không thế giới dự báo số người đi lại bằng đường hàng không sẽ tăng lên 75% so với trước đây 65%. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng mạnh nhất và trở thành động lực phát triển ngành hàng không thế giới. Hàng không Việt Nam phát triển mạnh khoảng mười năm gần đây, thêm các hãng hàng không tư nhân mới, số chuyến bay tăng nhanh hàng chục lần, nhiều dự án sân bay lớn được đầu tư.

Tuy nhiên quy mô ngành hàng không Việt Nam vẫn rất nhỏ, toàn ngành có 200 máy bay, tương đương số máy bay của một hãng hàng không quốc tế quy mô lớn. Ngành hàng không Việt Nam vốn đã yếu thế so với các hãng nước ngoài, trong tình trạng hiện tại lại càng bất lợi. Khi hàng không quốc gia yếu đi, các đường bay quốc tế bỏ ngỏ, các hãng quay về cạnh tranh quanh quẩn trong nước.

Khi du khách không chi tiêu, không mang lại nguồn thu, không giải quyết được lao động thì dịch vụ du lịch không thẩm thấu vào nền kinh tế địa phương và không còn ý nghĩa. Phố phường hàng quán rồi sẽ quay lại nhưng mới chỉ là bề nổi, trong nhiều năm nữa vẫn khó thể tìm lại độ sâu bên trong.

Thị trường khách quốc tế đã bị tắc nghẽn kéo dài do đại dịch trong khi tiêu dùng khách nội địa quy mô nhỏ. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, dựa vào mạng lưới giao thông vận tải và hạ tầng cơ sở dịch vụ địa phương, nhưng các địa phương chưa mở cửa hoặc mở cửa hạn chế thì khó thể thúc đẩy. Khi tổ chức phát triển một ngành nghề mà sự liên kết lỏng lẻo sẽ làm tăng chi phí chuỗi cung ứng và mất lợi thế cạnh tranh không chỉ của từng doanh nghiệp mà cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, chúng ta có thể xem những thử thách vừa qua cũng là cơ hội tái cấu trúc với toàn ngành. Khi khủng hoảng, các thị trường cùng bước vào điểm xuất phát trên một trục ngang, tính cạnh tranh trở nên rất cao, người nào chuẩn bị tốt, xuất phát nhanh hơn thì có cơ hội chiếm lấy thị trường và vượt lên. Một khi chấp nhận sống chung với dịch thì các giải pháp phải chủ động đi trước, không thể giữ tư duy đối phó và triệt tiêu dịch, nếu không chúng ta sẽ luôn ở thế rượt đuổi với những rủi ro.

Chúng ta nhìn thấy sau dịch là một xã hội khác, sự thay đổi quá nhanh đòi hỏi thiết kế chính sách thay đổi và thậm chí phải thay đổi cấu trúc xã hội trở nên ít chạm, nhanh hơn và hợp lý hơn. Bản thân doanh nghiệp sẽ phải tái cấu trúc theo hướng thay đổi này mới có thể hành động phù hợp để vượt lên. Nếu vận hành doanh nghiệp chỉ đơn thuần là thích ứng, theo tôi chúng ta phải liên tục chạy theo các thay đổi tình huống, không thể chủ động giải quyết các vấn đề dài hạn.

Xu thế nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp làm du lịch nói riêng, đang ở vào bối cảnh kinh doanh yêu cầu nhanh, ít chạm và tính an toàn cao hơn. Các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh, từ kênh phân phối, kênh bán cho đến thanh toán, làm cho cấu trúc doanh nghiệp phải thay đổi theo hướng gọn, nhanh và nhẹ hơn. Áp lực lên mỗi doanh nghiệp là rất lớn trong khi tài chính cạn kiệt, thị trường thay đổi, chưa thể trở về trạng thái bình thường. Giữ lại cách tư duy cũ sẽ không đủ năng lượng tồn tại để từng bước phục hồi.

Cũng không có nghĩa vì thế mà co cụm tất cả, cần tính toán đến việc đầu tư mới, những việc dang dở trước dịch cần ưu tiên khôi phục. Đầu tư cho công nghệ thiết bị, phương tiện trở thành bắt buộc. Ví dụ, hiện nay check in khách sạn hay quầy hàng không không còn xếp hàng dài, quy trình check in trước, quét mã nhận phòng, ra vào thang máy hay phòng lưu trú. Xu hướng này sẽ mở rộng trong hầu hết giao dịch, bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi quy trình và công nghệ theo khái niệm “một chạm”.

Doanh nghiệp mong chờ một kế hoạch tái thiết tổng thể của chính phủ với quyết tâm cao, xuyên suốt và kịp thời. Hoạch định tái thiết, bao gồm phục hồi và xây dựng mới, duy trì những cái đang làm và phục hồi những gì bị tổn thương. Nếu chính sách không rõ ràng, việc vận hành của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Chính phủ nên coi doanh nghiệp là đối tác, không phải đối tượng, để đồng hành trong sự hồi phục đó.


(*) Theo Forbes Việt Nam số 99, tháng 11.2021