Lối sống

Nhóm dân số trung niên có thể chịu gánh nặng về tài chính khi về già

2 năm trước
Tác giả Gia Lộc

Nhóm dân số trung niên vẫn chưa sẵn sàng cho tuổi già trong tươi lai do hầu hết có thu nhập không cao, không tham gia bảo hiểm xã hội cũng như bảo hiểm nhân thọ.

Share
this:

Trong hội thảo chuyên đề “Già hóa dân số: cơ hội và thách thức cho thế hệ millennials” diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29.11, bà Lê Thu Huyền của viện Khoa học Lao động và Xã hội chỉ ra dân số trung niên 30-44 tuổi của Việt Nam hiện đạt 22,93 triệu người, chiếm 23,28% tổng dân số cả nước.

Tại Việt Nam tỉ lệ dân số trung niên tham gia lực lượng lao động cao nhưng chất lượng việc làm còn hạn chế. Chỉ ¼ lao động trung niên làm các nghề có kỹ năng cao, trong khi 63,3% người lao động đang làm các công việc giản đơn hay có kỹ năng thấp. Người lao đông có việc làm phi chính thức chiếm 63,3%. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội thấp, chỉ 62,1%. Về mặt tiết kiệm, chỉ gần 30% trong số này có tiết kiệm. Ngoài ra, mức độ tham gia bảo hiểm thương mại còn hạn chế. Lý do không tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm nhân thọ chủ yếu không đủ khả năng đóng góp, chưa quan tâm cũng như niềm tin vào bảo hiểm nhân thọ ở mức thấp. Theo bà Huyền, đây là những thách thức lớn để xã hội giải quyết bài toán đảm bảo thu nhập cho người già trong tương lai.

 
Phiên thảo luận với chủ đề “Già hóa dân số: Cơ hội hay thách thức?” đưa ra cái nhìn tổng quan về thực trạng già hóa dân số nhanh chóng tại Việt Nam. Ảnh: Prudential

Bà Huyền nhận xét Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nhưng tốc độ già hóa dân số rất nhanh. Thời kỳ dân số vàng dự báo kéo dài 31 năm (2007-2039). Tính từ năm 2022, Việt Nam còn khoảng 17 năm. Trong khi thời kỳ già hóa dân số trong nước hiện rất ngắn, dự báo chỉ trong vòng 26 năm (2011-2036) và còn khoảng 14 năm kể từ năm 2022. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển và nguy cơ “già trước khi giàu” trong bối cảnh Việt Nam vẫn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.

PGS.TS. Giang Thanh Long của viện Nghiên cứu Y-Xã hội học, chia sẻ thêm: “Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Cụ thể, năm 2009, Việt Nam có khoảng 7,45 triệu người cao tuổi, tăng 11,4 triệu vào năm 2019. Đến 2021 là 12,58 triệu người. Trong giai đoạn 2019-2021, dân số cao tuổi tăng cao, chiếm 56,52% tổng dân số tăng thêm.”

Trong đó, theo tiến sĩ Bùi Tôn Hiến, viện trưởng viện Khoa học Lao động và Xã hội, đến nay, chỉ khoảng 47% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng.

Chia sẻ những giải pháp để giải quyết thách thức do già hóa dân số mang lại, tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết trước tiên cần giải quyết vấn đề an sinh xã hội tương tự như cách thức tìm hướng giải quyết cho tăng trưởng kinh tế. Kế tiếp là cần chú trọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hiện Việt Nam đang cố gắng áp dụng bảo hiểm xã hội đa tầng. Trong đó, vẫn còn một “tầng” cuối là hưu trí bổ sung dành cho người dân chưa thực hiện được.

Hệ thống bảo hiểm hiện tại ở Việt Nam gồm có nhà nước, thương mại và các thành phần kinh tế khác cùng tham gia. Ông Lợi cho rằng không nên “độc tôn” bất cứ hệ thống nào. “Đất nước này cũng nên có sàn an sinh xã hội để xác định rõ ai bị bỏ lại phía sau. Nếu người có thu nhập thấp hơn dưới sàn đó thì nhà nước phải chăm lo và nâng lên bằng mức sàn,” ông Lợi chia sẻ. Hội thảo do công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam tổ chức.