Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa tuân thủ yêu cầu về việc phải thực hiện kiểm toán nội bộ, theo quy định của Chính phủ.
Kết quả khảo sát “Thực trạng triển khai kiểm toán nội bộ tại Việt Nam” do phân viện Kiểm toán viên nội bộ Quốc tế tại Việt Nam (IIA Việt Nam) thực hiện và công bố hôm 2.11 cho biết, có 77% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã có bộ phận kiểm toán nội bộ, 14% thuê dịch vụ bên ngoài, 9% chưa triển khai.
Đối tượng tham gia khảo sát là doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50% là công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ con, doanh nghiệp nhà nước là công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con.
Đây là nhóm các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán nội bộ theo quy định của điều 10, Nghị định 05/2019 của Chính phủ. Nghị định 05 cũng quy định, sau 24 tháng, tính từ thời điểm 1.4.2019, doanh nghiệp thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm toán nội bộ, phải hoàn thành các công việc cần thiết để triển khai việc này.
Trao đổi với Forbes Việt Nam, bà Đinh Thị Hương Giang, phó chủ tịch IIA Việt Nam cho biết, số doanh nghiệp tham gia khảo sát thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của ban tổ chức nên kết quả vẫn chưa thể hiện hết được thực tế diễn ra trên thị trường. “Số doanh nghiệp chưa tuân thủ việc thực hiện kiểm toán nội bộ trên thực tế còn nhiều,” bà Giang đánh giá.
Lý giải về lý do dù đã hết thời hạn chuẩn bị nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ, bà Hương cho rằng, đó là do chưa có chế tài xử phạt. Đến hiện tại, cơ quan quản lý là bộ Tài chính đang tiếp tục nhiều hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, phó chủ tịch IIA Việt Nam chia sẻ, với từng đối tượng khảo sát gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%, doanh nghiệp niêm yết trên sàn, ban tổ chức đều có số liệu về tỷ lệ triển khai kiểm toán nội bộ nhưng không thể chia sẻ với truyền thông. Nhìn chung, “các doanh nghiệp nhà nước ngại báo cáo thực trạng nên sợ khảo sát”.
Cung theo ông Thành, kết quả khảo sát cũng cho thấy dù doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán nội bộ nhưng tính độc lập và vị thế của bộ phận này chưa được đảm bảo. Có đến 22% doanh nghiệp khảo sát hiện đang hoạt động trên sàn chứng khoán TP.HCM (HSX) trả lời rằng bộ phận này vẫn kiêm nhiệm hoặc tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.
Ở một số doanh nghiệp, người là thành viên ban kiểm soát, báo cáo đại hội đồng cổ đông, giám sát hội đồng quản trị nhưng lại thực hiện kiểm toán nội bộ để báo cáo cho hội đồng quản trị. Hoặc, lại có những người làm ở bộ phận tài chính kế toán và thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ.
Không chỉ vậy, bộ phận kiểm toán nội bộ còn bị hạn chế khả năng truy cập hồ sơ, chứng từ, kiểm tra tài sản… do “một số doanh nghiệp có định kiến về kiểm toán nội bộ và phòng thủ”. Điều này cũng khiến cho việc đánh giá thực trạng doanh nghiệp không thể đảm bảo.
Trong Nghị định 05, Chính phủ đã quy định rõ nguyên tắc để bảo đảm tính khách quan và độc lập của kiểm toán nội bộ.
9 tháng trước
Khía cạnh thuế với sự lựa chọn mô hình phát triển