Xu hướng

Ngân hàng Sumitomo Mitsui tham gia lĩnh vực NFT

Share
this:

Ngân hàng Sumitomo Mitsui và đối tác HashPort sẽ phát triển dự án NFT, blockchain tại Nhật Bản, nơi những loại công nghệ này chưa thực sự phổ biến.

Với dân số đang già hóa thích giao dịch bằng tiền mặt, Nhật Bản dường như không phải “miền đất hứa” cho các dự án NFT. Tuy vậy, trong buổi họp báo diễn ra cuối tháng 7.2022, tập đoàn ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) cho biết sẽ thử sức kinh doanh theo quy mô tổ chức và chỉ đưa ra một vài nét chính trong chiến lược thực hiện.

Sumimoto Mistui chưa phản hồi cho các yêu cầu khác nhau về cung cấp thêm thông tin và đối tác HashPort không đưa ra góc nhìn bên trong.

Cùng với HashPort, SMBC có kế hoạch thành lập Token Business Lab (phòng thí nghiệm về kinh doanh token) và sẽ hợp tác với các tổ chức quy mô lớn để cung cấp NFT (token không thể thay thế) cũng như dịch vụ công nghệ phi tập trung.

Cơ sở này cũng sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu và thử nghiệm quảng bá việc kinh doanh token,” Sumitomo Mitsui cho biết trong thông báo báo chí.

“Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái với sự tham gia từ nhiều công ty đang hoạt động trong lĩnh vực NFT,” ngân hàng này cho biết trong buổi họp báo.

Vẫn chưa rõ NFT của SMBC sẽ theo hình thức nào, đó có thể là tạo ra token dành cho các khách hàng trung thành hoặc chỉ sử dụng công nghệ blockchain để xác thực giao dịch. Về bản chất, NFT có thể đại diện cho bất kỳ loại tài sản nào, bao gồm cả hóa đơn thanh toán. SMBC có thể sử dụng công nghệ blockchain của HashPort để xác thực giao dịch và tặng NFT cho khách hàng.

HashBank, công ty con của HashPort và trực tiếp hợp tác với SMB về dự án Token Business Lab, tìm kiếm cơ hội làm việc với các khách hàng tổ chức từ ngân hàng này để chia sẻ kiến thức về công nghệ NFT. Theo một nghiên cứu mức độ nhận thức về NFT tại Nhật Bản thực hiện vào tháng 10.2021, chỉ 13,5% số người trả lời biến đến và từng đầu tư vào NFT.

Các NFT được tạo ra trong phòng thí nghiệm token sẽ vận hành trên nền tảng blockchain Paletter, cơ chế PoA (xác thực ủy quyền) do HashPort phát triển. Nền tảng blockchain sử dụng PoA dựa vào số ít các trình xác thực (validator) được chỉ định, trong trường hợp này là “nhiều công ty đáng tin cậy” nằm trong tổ chức Palette Consortium.

Mặc cho người dân Nhật Bản không quan tâm quá nhiều đến công nghệ như NFT, ngân hàng Sumimoto Mitsui vẫn sẽ thử sức trong lĩnh vực này. Ảnh: © 2022 Bloomberg Finance Lp

HashPalette, nền tảng công nghệ Blockchain NFT, vườn ươm sáng lập và sàn giao dịch NFT của HashPort, sẽ cung cấp khách hàng các dịch vụ đúc NFT. Trong khi đó, HashBank sẽ tập trung vào quản lý ví NFT và tài sản của người dùng.

Chia sẻ với Forbes, Seihaku Yoshida, CEO của HashPort, cho biết “HashPalette sẽ tập trung nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và trọng tâm của HashBank là về mặt tài chính.”

CEO của HashBank, Kazuyuki Tsuji, cho biết Token Business Lab sẽ được tiến hành theo hai giai đoạn. Khởi đầu với giai đoạn khám phá, khi SMBC tìm cách sử dụng công nghệ NFT tốt nhất cho các khách hàng của ngân hàng này.

“Sử dụng NFT như hình thức kinh doanh là thử nghiệm vô cùng lớn của một ngân hàng,” Kazuyuki Tsuji cho biết.

Giai đoạn hai sẽ bao gồm mở rộng quy mô hoạt động sang nhóm khách hàng tổ chức của SMBC và hợp tác phát triển dự án NFT của riêng họ.

“Ngay cả khi có kiến thức, khách hàng không biết cách xây dựng NFT từ ‘vạch xuất phát’,” Yoshida cho biết thêm.

Sumitomo Mitsui không phải ngân hàng đầu tiên tại Nhật Bản thử nghiệm công nghệ tài chính phi tập trung cũng như áp dụng các sáng kiến về NFT. Vào tháng 3.2022, Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), ngân hàng lớn nhất xứ sở mặt trời mọc, đã hợp tác với Animoca Brands để “hỗ trợ quá trình phát triển thị trường NFT.”

Animoca Brands là một trong những sản xuất game blockchain (công nghệ chuỗi khối) và đầu tư tiền mã hóa hàng đầu thế giới, đạt giá trị vốn hóa thị trường 5,9 tỉ USD sau vòng huy động vốn vào tháng 7.2022.

Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ blockchain tại Nhật Bản có thể gặp phải những thách thức. Các giám đốc điều hành của HashPort nhận định tình hình dân số của Nhật Bản là rào cản để áp dụng hàng loạt, với dân số già có thói quen sử dụng tiền mặt khiến tài sản số ít thu hút hơn so với những quốc gia khác.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) gần đây đã hủy bỏ kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số trung ương (CBDC) khi ghi nhận mức độ quan tâm thấp từ công chúng. Theo báo cáo của Statista về mức độ quan tâm dành cho NFT tại các quốc gia, Nhật Bản nhận về số điểm 17/100, xếp hạng 54 trong 70 quốc gia được khảo sát. Hong Kong là nước đứng đầu danh sách.

Biên dịch: Minh Tuấn

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ngan-hang-sumitomo-mitsui-tham-gia-linh-vuc-nft)