Pfizer và BioNTech hôm 22.9 thông báo sẽ bổ sung 500 triệu liều vaccine Covid-19 cho chính phủ Mỹ để hỗ trợ các nước khó khăn.
Thông báo tiếp nối lời kêu gọi đẩy mạnh tỷ lệ tiêm vaccine trên thế giới của tổng thống Joe Biden đến lãnh đạo các nước phát triển trong một phiên hội nghị thuộc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 76 vừa qua.
Hai công ty cho biết sẽ hỗ trợ vaccine miễn phí cho chính phủ, sau thỏa thuận cung cấp 500 triệu liều hồi tháng 6, nâng con số tổng cộng lên một tỉ liều. Số vaccine sẽ gửi đến 92 quốc gia có thu nhập thấp và dưới trung bình cũng như 55 quốc gia thành viên thuộc Liên minh châu Phi. Hai công ty cho biết việc chuyển giao 500 triệu liều trong thỏa thuận tháng sáu đã bắt đầu triển khai hồi tháng tám.
Dự kiến một tỉ liều sẽ được sản xuất ở các cơ sở Pfizer tại Mỹ gồm Kalamazoo, Michigan; Andover, Massachusetts; Chesterfield, Missouri; và McPherson, Kansas. Nếu suôn sẻ, việc chuyển vaccine đến các nước sẽ hoàn tất cuối tháng 9.2022.
Tại phiên hội nghị vaccine thuộc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 22.9, tổng thống Biden đưa ra cam kết hỗ trợ vaccine, đồng thời kêu gọi các nước phát triển năng động hơn với tình hình đại dịch ngoài phạm vi lãnh thổ.
Báo cáo cho biết ông Biden đề xuất mục tiêu 70% tỷ lệ tiêm vaccine trên toàn thế giới trong năm 2022. Tuy nhiên, số liệu thống kê từ New York Times cho thấy hiện tại 18 tiểu bang Mỹ vẫn chưa đạt được tỷ lệ tương tự (đối với người trưởng thành) mà tổng thống đặt ra từ ngày 4.7.
Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Ugur Sahin của BioNTech cho biết công ty đang nghiên cứu giải pháp phát triển hạ tầng bền vững cho việc sản xuất vaccine mRNA tại các quốc gia khó khăn, hướng đến mục tiêu tăng độ phủ vaccine trong trung và dài hạn. Giải pháp sẽ khắc phục được các vấn đề liên quan đến các khâu sản xuất riêng lẻ cũng như toàn bộ quy trình, ông cho biết.
Các nước giàu đang chiếm lĩnh thị trường vaccine, đã tiến đến giai đoạn tiêm chủng cho nhóm người dân rủi ro thấp cũng như tiêm liều tăng cường. Trái ngược, nhiều nước nghèo phải vật lộn nhưng vẫn thiếu vaccine, dù chỉ mới tính riêng nhóm có rủi ro cao. Chênh lệch quá lớn khiến nhiều lãnh đạo y tế công cảm thấy bất bình và nhận định sẽ làm tăng rủi ro kéo dài đại dịch cũng như rủi ro xuất hiện nhiều biến chủng mới nguy hiểm hơn.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ra lời kêu gọi tạm hoãn liều tăng cường đến năm 2022. Trong số các quốc gia hứa ủng hộ vaccine, chỉ có số ít thực hiện đúng – khoảng 15% trên tổng số một tỉ liều được hứa cho tặng, WHO cho biết.
WHO đã cùng Liên minh Vaccine Gavi và Liên minh Đổi mới trong Phòng chống dịch (CEPI) thiết lập Cơ chế COVAX nhằm đảm bảo tiếp cận vaccine toàn cầu, nhưng hiện đang phải đối mặt nhiều khó khăn về nguồn kinh phí và nguồn vaccine dù nhiều hãng sản xuất đã hứa hẹn ưu tiên cho các tổ chức và các nước thu nhập thấp.
Nhiều tổ chức kêu gọi các quốc gia hãy cho thấy hành động thực tế chứ không chỉ qua lời hứa suông. Liên minh Vaccine cho mọi người – với các tổ chức thành viên như Oxfam và Amnesty International, cho biết mục tiêu 70% của tổng thống Biden sẽ khó đạt được nếu tình hình nguồn ủng hộ vaccine “nhỏ giọt” như hiện nay vẫn tiếp diễn, đồng thời kêu gọi nhiều lãnh đạo chấm dứt độc quyền sáng chế vaccine của các công ty dược – trong khi nhiều vaccine được phát triển bằng kinh phí của các quỹ công.
Biên dịch: Thiên Tứ
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/my-hua-tang-them-500-trieu-lieu-pfizer-cho-cac-nuoc-kho-khan)