Tài chính

Mirae Asset Việt Nam cạnh tranh bằng nguồn lực bản địa

1 năm trước
Tác giả Trọng Nam

Sử dụng ưu thế nguồn vốn giá rẻ,
Mirae Asset, nhà môi giới chứng khoán đến từ xứ sở kim chi muốn xác lập vị thế trong lĩnh vực môi giới chứng khoán tại Việt Nam. Nhưng trước hết họ phải vượt qua thách thức: Tính địa phương!

Share
this:

Cách đây tròn một năm, khi những đợt giãn cách xã hội chống dịch COVID-19 tại TP.HCM vừa chấm dứt, giám đốc công nghệ Lee Dong Won của công ty chứng khoán Mirae Asset được phép trở về nhà tại TP Thủ Đức, một căn hộ tại quận 2 (cũ).

Từ cửa sổ văn phòng ở tầng 7, cao ốc Riverbank Place ở 3C Tôn Đức Thắng, Q.1 có hướng nhìn ra sông Sài Gòn, vị kỹ sư công nghệ có thể nhìn thấy hình dáng khu căn hộ gia đình mình đang sống ở phía bờ bên kia. Tuy nhiên, tổng giám đốc Mirae Asset Việt Nam, ông Kang Moon Kyung yêu cầu Lee phải túc trực hệ thống máy chủ xử lý giao dịch của công ty. Người lãnh đạo đồng hương nhắc đi nhắc lại với Lee rằng anh không được để xảy ra sự cố gây lỗi nghiêm trọng như sự cố nghẽn lệnh đã xảy ra ở sàn HOSE và nhiều công ty chứng khoán khác.

“Những đợt cách ly chống dịch COVID-19 giúp chúng tôi nhận ra hoạt động giao dịch từ mở tài khoản đến tư vấn môi giới đều có thể thực hiện từ xa với nền tảng online khá trơn tru. Giai đoạn này, chúng tôi cần có sự tập trung để đẩy mạnh hoạt động của bộ phận công nghệ để tạo Mirae Asset phát triển mạnh hơn trong tương lai,” ông Kang Moon Kyung lý giải với phóng viên Forbes Việt Nam.

Mirae Asset tiên phong và đại diện cho làn sóng các công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc hoạt động tại thị trường Việt Nam. Tận dụng ưu thế nguồn vốn giá rẻ, họ đẩy mạnh hoạt động môi giới và tạo ra các sắc thái phong phú hơn trên thị trường.

Tính đến cuối năm 2021, có đến năm trong mười công ty có doanh thu lớn nhất tại Hàn Quốc đã hiện diện tại thị trường chứng khoán Việt Nam, gồm Mirae Asset, NH Securities and Investment, KB Securities, Shinhan Investment Corp. và Korea Investment & Securities (KIS). Trong nhóm này, Mirae Asset dẫn đầu về hầu hết các chỉ số kinh doanh.

Mirae Asset Việt Nam (MAS VN) thuộc một trong bảy nhánh kinh doanh của tập đoàn tài chính tư nhân Mirae Asset có trụ sở chính tại Hàn Quốc. Tham gia thành lập Mirae Asset năm 2007 với hình thức liên doanh với đối tác trong nước, tổng giám đốc Kang là người Hàn Quốc đầu tiên của tập đoàn khai phá mảnh đất chứng khoán bên ngoài lãnh thổ Hàn Quốc.

“Hiện tại Mirae Asset Securities đã có 10 chi nhánh ở các thành phố lớn của Việt Nam, từ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, đến Cần Thơ…,” ông Kang Moon Kyung cho biết. Là điển hình của một công ty chứng khoán có vốn ngoại, Mirae Asset có ưu thế chi phí vốn rẻ từ nguồn tập đoàn mẹ, chiếm ưu thế lớn trong việc đáp ứng nhu cầu vay margin với lãi suất tương đối ưu đãi so với nhà môi giới nội địa.

Ông Kang Moon Kyung, tổng giám đốc CTCK Mirae Asset Việt Nam

Công ty chứng khoán từ Hàn Quốc cũng thừa hưởng, nhận chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc trong nỗ lực đẩy mạnh trải nghiệm khách hàng, thu hút và giữ chân nhà đầu tư lớn, hướng đến cung cấp sản phẩm có chi phí rẻ hơn và trải nghiệm tốt hơn. Một cách khôn khéo, công ty tuyển dụng và đào tạo các lãnh đạo người Việt nhằm tăng tính địa phương và sự thích nghi trong nắm bắt tâm lý khách hàng tại một thị trường mà 85%-90% giao dịch thuộc về nhà đầu tư cá nhân.

Điểm yếu cố hữu của Mirae Asset, như chính lời CEO Kang Moon Kyung, nằm ở việc công ty khá chậm trong việc nhắm tới nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là các nhà đầu tư F0 và hụt hơi trong đẩy mạnh tự doanh. Mặc dù đã ở Việt Nam được 15 năm, thời gian sáu năm đầu công ty gần như không có bước tiến nào đáng kể trong kinh doanh.

Với phong thái cẩn trọng và từ tốn, khá trái ngược với tính cách sôi nổi và quyết liệt của các đồng hương Hàn Quốc, ông Kang kể về thời kỳ mới thành lập: “Vốn điều lệ ban đầu khá nhỏ, đâu đó 300 tỉ đồng ở thời điểm năm 2007, chúng tôi muốn tăng vốn nhưng đối tác trong nước không đủ tiền mặt. Tình trạng đó kéo dài mãi cho đến năm 2014, khi khung pháp lý cho phép chúng tôi nắm giữ 100% cổ phần tại công ty.”

Trong khoảng thời gian gần như trì trệ này, Kang chứng kiến thị trường chứng khoán không hề phục hồi mạnh mẽ như dự tính của ông. Vì thế, năm 2009, với kinh nghiệm hợp tác tại Việt Nam, đi nửa vòng trái đất ông sang Brazil giúp tập đoàn mẹ mở một công ty chứng khoán tại đây. Xong nhiệm vụ, năm 2016, ông quay lại Việt Nam đúng thời điểm thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn khởi sắc.

Khi Kang Moon Kyung quay lại vị trí điều hành Mirae Asset, VN-Index đang xoay quanh mức 500 điểm, giao dịch trên thị trường trồi sụt quanh mức 2.000-3.000 tỉ đồng mỗi phiên, chỉ tương đương 20% hiện nay. Theo định hướng của Kang, Mirae Asset tập trung vào mảng dịch vụ tư vấn và ngân hàng đầu tư (IB). “Ở thời điểm đó, nghiệp vụ ngân hàng đầu tư rất quan trọng, khi Việt Nam đẩy mạnh việc cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn còn lại cũng như việc tham gia niêm yết khá sôi động của khối tư nhân.”

Nhưng làn sóng COVID-19 ập đến kéo theo nhiều thay đổi với sự bùng nổ của các nhà đầu tư cá nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ ký quỹ, sử dụng đòn bẩy tài chính. Nhận ra cơ hội, bằng nguồn vốn dồi dào được tập đoàn mẹ rót vào, Mirae Asset được tập đoàn mẹ rót vốn, đã có thời điểm dẫn đầu thị trường về vốn điều lệ, gia nhập tốp 5 thị phần môi giới sàn TP.HCM (HSX).

Bởi sự tương đồng văn hóa, ngày càng có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, tiêu biểu như: Samsung, LG, Hanwha, Hyundai, CJ Group, Lotte, SK Group… Mirae Asset cũng là một trong số vài nơi triển khai nghiệp vụ IB đầu tiên và khá hoàn chỉnh, từ mua bán sáp nhập (M&A), chuyển nhượng dự án đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp, cổ phần hóa & IPO đến tư vấn và niêm yết doanh nghiệp Việt Nam trong nước và nước ngoài.

Họ cũng thừa hưởng lợi thế nhờ chuyển giao công nghệ và nguồn lực nhân sự cao cấp, chẳng hạn giám đốc khối công nghệ Lee Dong Won từ tập đoàn mẹ đã giúp Mirae Asset thành một trong những công ty nhanh chóng số hóa, đưa ra nhiều sản phẩm phục vụ nhà đầu tư. “Chiến lược phát triển công nghệ của chúng tôi có từng lộ trình cụ thể và nền tảng trải nghiệm luôn đặt mục tiêu đi đầu thị trường, từ tích hợp thông tin, hệ thống định danh điện tử eKYC đến bảng giá thông minh, công cụ giao dịch và ứng dụng di động,” CEO Kang Moon Kyung cho biết.

Với biểu phí ưu đãi cho vay và công nghệ hỗ trợ, các công ty có vốn ngoại như Mirae Asset đã gây sức ép cạnh tranh tới nhóm công ty chứng khoán dẫn đầu, khiến năm 2022 các ông lớn nội địa bước vào cuộc đua tăng vốn điều lệ. Tạm thời vị trí dẫn đầu của Mirae Asset đã rơi xuống hạng ba sau công ty chứng khoán SSI và VN Direct.

Ngoài vốn, thế mạnh của các công ty chứng khoán ngoại như Mirae Asset còn nằm ở công nghệ. “Vì có kinh nghiệm và nhân lực ngay từ đầu nên chúng tôi đầu tư vào công nghệ hệ thống lõi, tuần tự từng bước, mỗi năm từ khi tôi quay lại đến nay đều bỏ vào đó vài triệu đô la Mỹ. Về lâu dài, việc nắm trong tay hệ thống công nghệ lõi sẽ là lợi thế của Mirae Asset Việt Nam, giúp chúng tôi dễ dàng tùy biến, kiến tạo dịch vụ,” ông Kang nói và cho rằng Mirae Asset là công ty chứng khoán duy nhất trên thị trường có được ưu thế tự chủ hoàn toàn về mặt công nghệ. Những nơi khác hiện vẫn phải sử dụng nền tảng của đơn vị cung ứng (vendor) và mang về tùy biến theo nhu cầu riêng.

Dù vậy, Mirae Asset có vẻ khá thụ động trong việc đưa ra những quyết định táo bạo, nhanh và phù hợp với xu hướng của thị trường, trong đó quan trọng nhất là tập trung mở rộng mảng tự doanh. Do đó, khi thị trường bùng nổ, mảng tự doanh mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty nội trong khi Mirae Asset bị hụt hơi so với các đối thủ. “Trong số hơn 1,5 triệu tài khoản mở mới trong năm 2021, chúng tôi chỉ chiếm khoảng 2%. Hạn chế của Mirae Asset là còn thiếu tính địa phương nên cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cũng như chăm sóc khách hàng cá nhân,” ông Kang thừa nhận.

Vài năm trở lại đây, Mirae Asset đã đẩy mạnh tuyển dụng và đề bạt nhân sự người Việt. Ngoại trừ khối công nghệ, ban giám sát và giám đốc tài chính, các vị trí quan trọng khác như giám đốc chiến lược phát triển, các giám đốc vùng, quản lý cấp trung, đại đa số đều là người Việt. Bộ phận công nghệ cũng gấp rút tuyển dụng và đào tạo thêm kỹ sư người Việt bằng các chương trình thực tập cho sinh viên các trường kỹ thuật – công nghệ tại địa bàn TP.HCM. “Nhờ tuyển dụng tốt và thừa hưởng công nghệ từ tập đoàn, chúng tôi giữ được bộ phận công nghệ phát triển ổn định, trình độ nhân lực cao,” ông Kang Moon Kyung cho biết.

Bộ phận chăm sóc khách hàng cũng đang được gấp rút bổ sung, với yêu cầu tăng nhân sự từ 15 người lên 50 người từ nay đến hết 2023. CEO Kang tỏ ra lạc quan, cho rằng giai đoạn thị trường con gấu – giai đoạn giá xuống của Việt Nam sẽ không kéo dài quá năm 2024. Theo ông, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại vẫn đang ở quãng đầu của thời kỳ tăng trưởng dài hạn và các nhà đầu tư có thể lưu tâm hơn vào ngành bán lẻ trong bối cảnh trầm lắng tạm thời.

Không tiết lộ con số cụ thể, ông Kang Moon Kyung cho biết sẽ đẩy mạnh việc làm thương hiệu để dẫn dắt sự chú ý của nhà đầu tư nội về dịch vụ và uy tín của nhà môi giới đến từ Hàn Quốc.

Trong nửa đầu năm 2022 công ty ghi nhận doanh thu tăng 22% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 480 tỉ đồng, tăng 51% so cùng kỳ. Với giọng nói nhỏ nhẹ đều đều, CEO Kang Moon Kyung chia sẻ: “Quyết tâm của tôi là đưa Mirae Asset vào tốp bốn thị phần môi giới trong năm 2022. Để làm được như vậy, quy tắc lãnh đạo của tôi là tôn trọng và cố gắng lắng nghe ý kiến của cấp dưới, đặc biệt là nhân sự người Việt.”

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam, số 110, tháng 10.2022