Startup công nghệ giáo dục MindX chuyển đổi mô hình giáo dục trực tiếp lên trực tuyến và sẵn sàng cam kết có việc làm cho người học.
Cũng như nhiều bạn bè ở vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Bình, Trọng Nhân (tên đã thay đổi) luôn nỗ lực học tập để thoát nghèo. Thế nhưng, trận lũ lụt lịch sử xảy ra vào tháng 10.2020 đẩy gia đình Nhân vào khánh kiệt. Khi gia đình không còn khả năng hỗ trợ tài chính, Nhân phải bỏ dở việc học tập để mưu sinh phụ giúp gia đình.
Giữa lúc tuyệt vọng tưởng không còn cơ hội trở lại trường học, Nhân tìm thấy chương trình hỗ trợ học viên “học trước trả phí sau” của MindX. Vượt qua vòng phỏng vấn, Nhân được ghi danh vào lớp học trước, trả học phí sau. Hiện tại, ban ngày Nhân bán quần áo ở chợ trời, ban đêm theo học lớp lập trình viên nâng cao, hy vọng tìm được công việc ổn định sau khi hoàn thành chương trình.
Nhân là một trong hàng ngàn học viên đang theo học tại trường học Công nghệ MindX – startup triển khai mô hình học tập các chương trình lập trình máy tính cho học sinh ngay từ lớp 1 đến 12, chương trình riêng cho các học viên và người đã đi làm. MindX hướng đến lộ trình học được cá nhân hóa, việc đào tạo kết nối học viên với doanh nghiệp, các mô hình lớp học thu nhỏ… với cam kết đảm bảo việc làm sau đào tạo. Bên cạnh cam kết việc làm cho học viên sau khi ra trường, MindX cũng hỗ trợ họ tìm việc trong 5-6 năm sau khi tốt nghiệp.
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi nhanh chóng thị trường lao động, vì vậy đội ngũ nhân lực phải sẵn sàng, không thể bỏ lỡ con sóng này,” Nguyễn Thị Thu Hà, đồng sáng lập và giám đốc vận hành MindX, gương mặt được bình chọn vào danh sách Under 30 của Forbes Việt Nam năm 2020, nói. MindX thiết kế các chương trình đào tạo hướng nghiệp thông qua trang bị các kỹ năng và tư duy cho giới trẻ sẵn sàng gia nhập thị trường lao động. Nhiều chương trình đào tạo kỹ năng công nghệ như lập trình, đồ họa máy tính, 3D, thực tế ảo, làm phim, video… phù hợp với học viên ở nhiều lứa tuổi.
“MindX là trường học công nghệ đầu tiên cam kết việc làm cho học viên tại Singapore với mức lương có thể lên tới 100 triệu đồng/tháng,” Thu Hà chia sẻ và cho biết việc tự tin cam kết đầu ra cho học viên như vậy dựa vào hai yếu tố. Thứ nhất, tiềm năng ở các bạn trẻ Việt Nam, họ tiếp cận và thành thạo nhanh các kỹ năng số, thường có ưu thế trong thị trường lao động công nghệ, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Thứ hai, nhu cầu nhân lực công nghệ không ngừng tăng nhanh, đặc biệt tại Singapore, một trong những trung tâm đổi mới công nghệ trong khu vực.
Vì vậy, MindX chủ động tiếp cận thị trường này, xây dựng mạng lưới đối tác tuyển dụng nhân sự. “Hiện MindX có khoảng 200 đối tác nhân sự trong và ngoài nước, gần 100% học viên ra trường đều đã có việc tốt,” Hà cho biết.
Những nền tảng trên giúp đội ngũ lãnh đạo MindX mạnh dạn đưa ra chương trình “học trước, trả học phí sau.” Theo đó, các học viên gặp khó khăn tài chính, nếu vượt qua vòng phỏng vấn sẽ được MindX đồng hành hỗ trợ quá trình học và tìm việc làm sau khi hoàn tất chương trình. Hà khẳng định: “MindX hỗ trợ học viên cho đến khi họ có việc tốt, lương tối thiểu đủ tốt để hoàn học phí và cho trả góp theo tháng.”
Để quản trị rủi ro, nếu học viên bỏ cuộc giữa chừng hoặc không đóng học phí khi đã có khả năng chi trả, MindX xây dựng phương án an toàn. Các ứng viên được phỏng vấn kỹ lưỡng, theo mục tiêu xác định của MindX là chỉ hỗ trợ những người thể hiện rõ đam mê học tập, quyết tâm thay đổi hoàn cảnh và có năng khiếu lập trình.
Đội ngũ MindX theo sát quá trình học tập và sự tiến bộ của từng học viên. Mỗi hai tháng có một đợt tổng kết đánh giá từng cá nhân, học viên nào cho thấy tâm thế tích cực, có năng lực theo học tiếp thì sẽ tiếp tục được hỗ trợ. “Điểm mấu chốt của phương án kinh doanh là chúng tôi phải giải được bài toán rủi ro, tính được lời lỗ ngay từ đầu,” Hà lý giải.
Vốn là những người có tư tưởng hội nhập và đầu óc cởi mở, đội ngũ lãnh đạo MindX nhận thấy các bạn trẻ trong nước còn nhiều thua sút do tiếp cận với lập trình và hướng nghiệp khá muộn. Năm 2015, bộ ba Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Quang Huy và Nguyễn Thị Thu Hà hiện thực hóa ý tưởng này bằng dự án Techkids, tiền thân của MindX hiện nay. Khởi đầu là dự án phi lợi nhuận, các nhà sáng lập chấp nhận đồng lương tượng trưng, cùng các nhân viên gom bàn góp ghế, miệt mài mở lớp dạy học. Những ngày đầu khởi nghiệp theo mô hình phi lợi nhuận, Techkids tồn tại dựa vào sự tình nguyện góp sức của các thành viên và các cộng tác viên.
Tuy nhiên, lòng nhiệt tình có hạn, các nhân viên lần lượt rời đi do vấp phải bài toán cơm áo gạo tiền. Thậm chí có thành viên sáng lập bị gia đình cấm đoán, bắt phải bỏ dự án khởi nghiệp đi du học. Hà cùng cộng sự ngồi lại nghiêm túc đánh giá mô hình hoạt động và tìm hướng đi khác lâu dài hơn. Họ quyết định rời bỏ mô hình phi lợi nhuận, chuyển Techkids sang mô hình doanh nghiệp.
Techkids mở thêm mảng kinh doanh không gian làm việc chung (co-working space) khi nhận thấy mặt bằng các lớp học ban ngày trống trải. Mảng này ban đầu thành công đã giúp startup non trẻ giảm được chi phí, hỗ trợ cho các hoạt động khác. Techkids được đổi tên thành MindX với chủ ý định vị thương hiệu và tôn chỉ hướng đến khai phá tiềm năng tư duy cho người học.
Hiện ở startup sáu năm tuổi này, Nguyễn Thanh Tùng là CEO đảm nhiệm vai trò lãnh đạo chiến lược, trong khi Nguyễn Quang Huy là giám đốc công nghệ, phụ trách mảng xây dựng sản phẩm mới và chất lượng đào tạo. Diễn ngôn mạch lạc, ánh mắt thông minh, COO 28 tuổi Thu Hà kể lại trải nghiệm của MindX qua hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành, khiến giáo dục trở thành một trong những ngành gặp nhiều khó khăn nhất.
Các cơ sở giáo dục – đào tạo phải đóng cửa nhiều đợt thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động của nhiều doanh nghiệp giáo dục rơi vào đình trệ. MindX đã dịch chuyển hoạt động, áp dụng chuyển đổi số để đưa mô hình giảng dạy trực tuyến làm chủ đạo, nhờ đó tăng trưởng mạnh về quy mô và số lượng học viên. Việc kết nối đối tác thành công, giới thiệu được việc làm cho nhiều học viên với thị trường nước ngoài, giúp MindX có kênh thu nhập tốt từ phí giới thiệu nhân sự cho đối tác.
Số liệu tự bạch cho thấy MindX đạt tăng trưởng vượt bậc ngay trong dịch bệnh. Trong hai năm, số học viên tăng lên 25 ngàn người từ 15 ngàn người, số trung tâm dạy học cũng tăng từ 5 lên 13 nhờ chớp thời cơ thuê lại các mặt bằng với giá mềm. Các lớp học ở trung tâm truyền thống được chuyển sang giảng dạy từ xa cũng chứng minh được hiệu quả khi 70% học viên của trường hiện vẫn tham gia các lớp học trực tuyến từ khắp mọi miền của đất nước.
Việc chuyển đổi mô hình thành công của MindX còn được sự hậu thuẫn của công nghệ, nhờ được trang bị các kỹ năng công nghệ, các học viên của họ đã thích ứng nhanh chóng với việc học từ xa, giúp quá trình chuyển đổi của startup này diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, Hà thừa nhận “đối với một startup luôn có nhiều khó khăn trước mắt”, đội ngũ MindX từng bước giải quyết những thách thức của mô hình trung tâm dạy học công nghệ như vấn đề về nhân sự, kiểm soát chất lượng, lộ trình giảng dạy, quản lý và tổ chức lớp học, học viên…
Thách thức hàng đầu của bất cứ mô hình giáo dục nào chính là đội ngũ giảng dạy, bởi duy trì đội ngũ 250 giáo viên cộng tác, có chuyên môn là không hề đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh ngành phần mềm, công nghệ thông tin luôn khát nhân sự. Giải pháp của MindX là thuyết phục những kỹ sư đang làm việc trực tiếp trong ngành công nghệ ở nước ngoài giảng dạy cho các lớp lập trình nâng cao.
Đối với các lớp trình độ cơ bản dành cho các em nhỏ, những người mới làm quen, chưa đặt nặng về chuyên môn thì chú trọng nhiều vào kỹ năng sư phạm, tương tác với học viên. Đội ngũ giảng viên cho các lớp cơ bản này thường là các sinh viên khoa công nghệ đến từ các trường danh tiếng cho đến những kỹ sư công nghệ đã đi làm tại các doanh nghiệp trong nước từ vài năm. MindX cũng cố gắng tận dụng nguồn lực tại chỗ, hiện có đến 40% giảng viên cộng tác với MindX là cựu học viên của trường này.
“Hiện nguồn nhân lực trong ngành công nghệ đang quá thiếu, các bạn có quá ít thời gian nên khó gắn bó như một giảng viên cơ hữu,” Hà chia sẻ. “Thế nên cần truyền được tâm huyết cho giảng viên, làm sao để lại giá trị cho các lớp sau. Ngoài lý tưởng chung này thì không có bí quyết nào đủ sức duy trì đội ngũ như vậy, dù doanh nghiệp có thể trả công ở mức cạnh tranh trên thị trường.”
Mô hình khởi nghiệp nhiều tham vọng của nhóm sáng lập MindX đã nhận được sự quan tâm các nhà đầu tư khá sớm. Năm 2019, khi có năm trung tâm đầu tiên, MindX nhận được nguồn đầu tư 500 ngàn đô la Mỹ từ ESP Capital. Năm 2021, MindX hoàn tất vòng gọi vốn series A trị giá ba triệu đô la Mỹ, được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners cùng sự tham gia của công ty Chứng khoán Nhân Việt (TVS) và Beacon Fund.
Ông Gavin Lee – đối tác tại Wavemaker Partners, thời điểm đó đánh giá mô hình MindX đang giải quyết nhu cầu thiếu kỹ sư phần mềm ngày càng trầm trọng ở Việt Nam và trong cả khu vực. “Các nhà sáng lập MindX đã mang đến câu chuyện đầy cảm hứng khi đưa công ty từ một dự án dạy lập trình phi lợi nhuận trở thành một doanh nghiệp trị giá hàng chục triệu đô la Mỹ,” ông nói trong thông cáo công bố đầu tư tháng 11.2021.
Theo dự báo của Ken Research, quy mô thị trường công nghệ giáo dục Việt Nam có thể đạt giá trị ba tỉ đô la Mỹ vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm hơn 20% giai đoạn 2019-2023. Đại dịch COVID-19 đã giúp thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục và nguồn vốn hướng vào lĩnh vực này với nhiều kỳ vọng, tạo nhiều lợi thế hơn cho các mô hình công nghệ giáo dục phát triển. Tuy nhiên, Hà khẳng định: “Những cam kết quyền lợi đối tác được giữ nguyên trong mô hình kinh doanh kế tiếp nhưng chúng tôi tâm niệm MindX phải tự thân sống khỏe chứ không thể chỉ dựa vào nguồn đầu tư.”
Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập và giám đốc điều hành Do Ventures – người dẫn dắt vòng đầu tư sớm nhất vào MindX năm 2019, nhận xét: “Đội ngũ MindX là những bạn trẻ tâm huyết và hội đủ các kỹ năng để có thể nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả. Tôi còn nhớ mình rất ấn tượng với cách xây dựng lộ trình đào tạo có chiều sâu, mô hình đào tạo kết hợp lý thuyết và các dự án thực tế và cách quản lý lớp học sâu sát của MindX.”
Hai năm đại dịch hoành hành đã làm môi trường kinh doanh thay đổi, từ nhu cầu tuyển dụng cũng như phương thức vận hành của các doanh nghiệp. Hà và các cộng sự tin rằng người khởi nghiệp vì thế “càng phải lì, kiên trì, ứng biến hết khả năng để tồn tại.” Hiện các nhà sáng lập MindX tạm dừng mở thêm cơ sở, tập trung tối ưu các hoạt động, đa dạng nội dung học tập và giới thiệu thêm các chương trình đào tạo mà Hà tin “sẽ mang đến nhiều giá trị hơn cho học viên.”
Đặt niềm tin vào tương lai phát triển của mô hình MindX, Hà cho biết, trước nay tiếng Anh được xem là ngôn ngữ toàn cầu thì trong tương lai ngôn ngữ lập trình cũng sẽ trở thành ngôn ngữ toàn cầu mới. “MindX sẽ là nơi tạo ra và kết nối những nhà lập trình trẻ tài năng, mang đến một thế giới tốt đẹp hơn,” Hà nói.
Theo Forbes Việt Nam số 104, tháng 4.2022
———————————————–
Startup công nghệ giáo dục MindX huy động 3 triệu USD vòng series A
Forbes Việt Nam số 104: Hồi phục từ đại dịch
Công nghệ giáo dục thời đại dịch: Cuộc chạy đua trong hành tinh số
Startup giáo dục Marathon nhận vốn 1,5 triệu USD
Do Ventures rót vốn vào nền tảng giáo dục trực tuyến Vuihoc
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/mindx-truong-hoc-san-viec-lam)
2 năm trước
Dự đoán kỳ lân kế tiếp1 năm trước
Danh sách: Forbes Under 30 châu Á 202311 tháng trước
Startup nuôi cá eFishery thành kỳ lân khuấy động thị trường