WeLab đã chi 240 triệu USD mua cổ phần kiểm soát trong ngân hàng Jasa Jakarta để tham gia vào thị trường tài chính kỹ thuật số ở Indonesia.
WeLab, startup kỳ lân fintech (công nghệ tài chính) ở Hong Kong, đang có kế hoạch mở ngân hàng kỹ thuật số ở Indonesia trong nửa cuối năm nay, sau khi đầu tư 240 triệu USD để nắm quyền điều hành trong ngân hàng Jasa Jakarta.
Tuy nhiên, thị trường ngân hàng kỹ thuật số ở Indonesia sẽ khó tiếp cận vì các ngân hàng truyền thống và các công ty công nghệ đã đổ xô chen chân vào thị trường đang tăng trưởng mạnh này. Jenius của ngân hàng Indonesia BTPN là ngân hàng kỹ thuật số đầu tiên, ra mắt vào năm 2016. Tiếp theo là Blu của ngân hàng Central Asia và Bank Jago, nhận đầu tư từ GoTo.
Simon Loong, đồng sáng lập kiêm CEO của WeLab, tin rằng thị trường ngân hàng kỹ thuật số Indonesia còn nhiều dư địa để phát triển và sự cạnh tranh khốc liệt tạo điều kiện tốt cho thị trường tăng trưởng. “Indonesia là thị trường rộng lớn,” Loong nói trong một cuộc phỏng vấn video từ văn phòng của công ty ở Hong Kong. “Đó không phải là thị trường chỉ cho những công ty lớn. Trong lĩnh vực ngân hàng kỹ thuật số, thị trường này vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, do đó, vẫn chưa thể biết được ai là người chiến thắng.”
Theo Loong, WeLab thích tham gia vào thị trường mới, nơi đã có nhiều công ty hoạt động. Cho dù có sự cạnh tranh gay gắt hơn nhưng công ty vẫn làm cho người tiêu dùng hiểu được và sử dụng các dịch ngân hàng kỹ thuật số dễ dàng và hiệu quả hơn do nhiều công ty đang đặt những mục tiêu tương tự.
Hồi năm 2020, WeLab ra mắt ngân hàng kỹ thuật số đầu tiên ở Hong Kong, WeLab Bank, hiện có khoảng 150.000 khách hàng. Sản phẩm phổ biến nhất của ngân hàng là tiền gửi có kỳ hạn GoSave, trong đó tiền lãi sẽ cao hơn nếu có càng nhiều khách hàng gửi tiền. Công ty sẽ cung cấp các sản phẩm tương tự cho ngân hàng kỹ thuật số sắp tới ở Indonesia.
WeLab đã có mặt ở Indonesia từ trước. Vào năm 2018, công ty đã liên doanh với nhà phân phối ô tô Astra International để vận hành Maucash, ứng dụng cho vay trực tuyến, hiện có hơn ba triệu người dùng. Các cổ đông của WeLab cũng đã mở rộng hoạt động đến Indonesia. Chẳng hạn như Allianz có hơn 650.000 khách hàng tính đến năm ngoái.
“Vì vậy, trong tương lai, cấu trúc hoạt động của công ty ở Indonesia sẽ giống như ở Hong Kong, cụ thể sẽ có nền tảng cho vay và ngân hàng kỹ thuật số. Chúng tôi sẽ kết hợp với nhau để hoạt động tốt hơn, ”Loong cho biết.
Ngân hàng kỹ thuật số ở Indonesia đang gia tăng, theo một báo cáo gần đây của công ty tư vấn McKinsey. Khoảng 78% khách hàng Indonesia được khảo sát trong năm ngoái cho biết đang dùng ngân hàng kỹ thuật số, tăng so với mức 57% trong năm 2017.
Đại dịch gây ra những hạn chế xã hội nhưng đã thúc đẩy ngân hàng kỹ thuật số phát triển, vì 80% người được khảo sát cho biết tiếp tục hoặc tăng cường sử dụng các dịch vụ ngân hàng trên di động hoặc Internet sau đại dịch.
“Trong vài năm tới, chúng tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng ngân hàng kỹ thuật số toàn châu Á – ngân hàng đầu tiên ở Hong Kong, nay ở Indonesia. Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm các thị trường khác. Tôi nghĩ rằng có vài thị trường thú vị,” Loong nói, chẳng hạn như Thái Lan và Việt Nam.
WeLab cũng đang chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào cuối năm nay sau khi hoàn tất việc mua lại và hợp nhất. Trước đó, đợt phát hành cổ phiếu này đã bị hoãn do thị trường biến động mạnh. Loong nói: “Khi chúng tôi tìm đến các nhà đầu tư bao gồm cả nguồn vốn công và tư, mọi người giờ đã tin tưởng hơn vì chúng tôi đã chứng minh có thành tích hoạt động tốt,” Loong cho biết thêm.
Biên dịch: Gia Nhi
4 tháng trước
Chime mua lại Salt Labs để mở rộng thị trường1 năm trước
GoTo Group bán nền tảng giải trí GoPlay4 tháng trước
BYD khai trương nhà máy ở Thái Lan2 năm trước
Hypebeast lên kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq