Trong cửa hàng Kilomet109 tại đường Quảng An (Hà Nội), nhà sáng lập Vũ Thảo mặc chiếc áo vest đen vải lụa đũi nhuộm quả mặc nưa và ngâm bùn bởi nghệ nhân tại An Giang. Bà nói chuyện thân mật với khách hàng người nước ngoài mang sửa lại chiếc áo yêu thích của anh.
Vị khách đã mặc chiếc áo quá nhiều và làm đứt khuy. Chăm sóc từng khách hàng, xây dựng thị trường thời trang bền vững trong gần 10 năm, Vũ Thảo và thương hiệu Kilomet109 tập trung vào tính bền vững trong chuỗi sản xuất, thiết kế và phân phối.
Khách hàng nội địa của Kilomet109 đã tăng từ 25% lên 45% qua kênh bán lẻ, khi đại dịch lan nhanh khắp thế giới và các chuyến bay quốc tế phải ngưng hoạt động trong năm qua. Trong lúc đó, số lượng khách nước ngoài giảm từ 75% xuống 55%.
Ảnh hưởng về doanh thu, nhưng thương hiệu này vẫn nhận được sự ủng hộ ổn định qua kênh online từ những người cổ súy cho trường phái thời trang bền vững như giới thiết kế, sáng tạo, nghệ sĩ, thủ công, chuyên gia, nghiên cứu, ngoại giao, môi trường, nhân học.
Kênh phân phối hẹp, gồm online và cửa hàng duy nhất giúp tối giản chi phí khiến Kilomet109 không cần giảm lương và không có nhân viên nghỉ việc trong thời gian dịch bệnh. Đại dịch bùng lên ở các thành phố lớn, giãn cách xã hội, nhưng cộng đồng chế tác ở các địa phương vùng xa khá an toàn. Các yếu tố quan trọng trên đã củng cố vị trí trọng tâm của sáng tạo bền vững, tiêu dùng bền vững trong chuỗi sản xuất, thiết kế, phân phối của Kilomet109.
Kilomet109 xác định hướng tới dòng thời trang cao cấp trong lĩnh vực thời trang bền vững, sử dụng chất liệu sinh thái chất lượng tốt và dùng được lâu hơn, rồi áp dụng kỹ thuật may thêu thủ công trên đường cắt và kiểu dáng hiện đại, mang tính phi thời gian (timeless). Nhân sự xưởng may có năm người tại Hà Nội, quy trình sản xuất chất liệu tại các làng nghề thủ công khác nhau mỗi sáu tháng hằng năm. Do đó, mỗi sản phẩm may mặc của Kilomet109 luôn có những câu chuyện thú vị trong quá trình sản xuất và thiết kế.
“Tôi muốn biết ai là người làm ra quần áo của tôi? Các kỹ nghệ chế tác chất liệu truyền thống liệu có sắp tuyệt chủng?” Vũ Thảo, năm nay 43 tuổi, đã đặt câu hỏi khi lập Kilomet109 vào tháng 5.2012. Sinh ra và lớn lên tại Đông Hưng (tỉnh Thái Bình), xung quanh là nhiều làng nghề như dệt lụa, đan lát, gò hàn, nghề thổi thủy tinh, Thảo tự tay làm nhiều vật dụng và tự may quần áo. Do đó, ý tưởng ban đầu của bà Thảo là làm việc với đội ngũ chế tác địa phương và sở hữu thương hiệu thuần túy Việt Nam.
Tốt nghiệp khoa Anh trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, làm báo, lấy chồng rồi sinh con, Vũ Thảo đến với thời trang năm 30 tuổi. Tốt nghiệp học viện Thiết kế thời trang London (LCFS) tại Hà Nội năm 2008, bà làm việc cho thương hiệu thời trang Victoria Roe (Anh, 2008 – 2010) và trở thành thiết kế thời trang, quản lý chất lượng của công ty A.D.Deertz (Đức, 2010 – 2012). Kinh nghiệm làm việc giúp bà Thảo nhận ra “muốn khác biệt thì phải quay lại giá trị truyền thống.”
Thời trang nhanh (fast-fashion) như một cái bẫy tiêu dùng nhanh-rẻ-hàng loạt, giá trị thời trang bị gọt giũa chỉ còn lại rất mỏng, chủ yếu nằm ở sự bắt mắt về thị giác. Vũ Thảo định hướng Kilomet109 là dòng thời trang chậm (slow-fashion) lấy trọng tâm là sự công bằng và cân bằng giữa giá trị thủ công của người nghệ nhân và giá trị sáng tạo của nhà thiết kế.
“Nhà thiết kế không có kỹ nghệ chế tác nhưng có ý tưởng, nghệ nhân thì ngược lại,” bà Thảo nói. Sự kết hợp đó đã tạo ra những sản phẩm, mà như Myriam Said phản hổi trên trang Facebook của Kilomet109 là “chiếc váy nhuộm chàm là chiếc váy đẹp nhất và thoải mái nhất mà tôi từng có. Cảm ơn bạn đã tạo ra sản phẩm đẹp với các kỹ nghệ chế tác bậc thầy.”
Điều tạo nên thương hiệu Kilomet109 chính là sự kết nối của các yếu tố con người- sinh thái tự nhiên – sáng tạo và chuỗi sản xuất minh bạch, khép kín.
Kilomet109 gắn kết chặt chẽ với các làng nghề thủ công và nghệ nhân từ ngày đầu thành lập. Ngôn ngữ sáng tạo của nhà thiết kế và kỹ thuật chế tác của các cộng đồng nghệ nhân sau gần một thập kỷ đã có thể được chia sẻ và thấu cảm trong niềm tin và lòng trung thành. Cảm thụ thấu đáo quy trình chế tác với tư duy sáng tạo cởi mở, thúc đẩy ứng dụng và thử nghiệm, bà chủ Kilomet109 đã thuyết phục đội ngũ nghệ nhân “liều” hơn với nghề.
Hiện nay, các cộng đồng chế tác chất liệu đã chuẩn hóa được những kỹ thuật nhuộm tự nhiên chính như chàm, gỗ đỏ, củ nâu, nhựa cánh kiến và mặc nưa. “Họ thấy được tôn trọng, họ thấy mình có tầm nhìn, đó là động lực để họ làm tốt hơn cả mong cầu của mình,” bà Thảo nói. “Khi thuộc quy trình chế tác, giá trị sản phẩm và công sức của nghệ nhân sẽ được đánh giá đúng và được trân trọng. Tôi không thiết kế dễ dãi và cũng quyết liệt hơn trong việc lưu giữ những bản thể văn hóa đã làm nên những sản phẩm đó.”
Trong các bộ sưu tập Vụn (2012), Hạt (2014), Khởi (2015), Phiêu (2017), Kilomet109 đã cố gắng chuẩn hóa, thử nghiệm và kết hợp các kỹ thuật chế tác truyền thống. Bộ sưu tập mới nhất tên Miên (2019) kết hợp kỹ thuật truyền thống với in kỹ thuật số để tạo ra các loại vải mới trong khi vẫn giữ được sự toàn vẹn của thủ công bản địa. Ví dụ, nhuộm chàm truyền thống kết hợp in kỹ thuật số đã tạo ra màu xanh nhạt trên vải lụa crepe; cao nhuộm từ quả cây gỗ mun kết hợp với chất nhuộm thực vật bản địa khác và các loại vải tự nhiên tạo ra các sắc thái màu mới mà vẫn tôn lên lụa sơn mài đen truyền thống.
Bà Thảo nói mình tự hào là thương hiệu có thể minh bạch từ khâu nuôi trồng, xử lý sợi đến dệt nhuộm và thiết kế, sản xuất, điều rất hiếm trong ngành công nghiệp thời trang thế giới. Kilomet109 hiện làm việc với các cộng đồng nghệ nhân thủ công truyền thống như Nùng An (Cao Bằng), Thái Trắng (Hòa Bình), H’Mông Xanh (Hòa Bình), H’Mông Đen (Lào Cai), Khmer (An Giang), xưởng nghệ nhân nhuộm lụa mặc nưa (An Giang), xưởng dệt lụa vân (Hà Tây), xưởng dệt lụa (Lâm Đồng). Mỗi cộng đồng này có khoảng 8-12 người, tự chế tác chất liệu từ đầu đến cuối, gieo hạt trồng bông và cây gai dầu, thu hoạch, chăn tằm ươm tơ, giã sợi dệt vải, nhuộm thủ công từ các nguyên liệu hữu cơ hoa lá cỏ cây.
“Quy trình tự nhiên có tính tuyệt đối cao. Nguyên liệu tự nhiên phải nhuộm chất liệu tự nhiên, nếu không, một sợi vải tổng hợp cũng sẽ nổi lên,” bà Thảo nói.
Chuỗi sản xuất được duy trì ở cộng đồng địa phương do nhân sự ổn định: 90% ở độ tuổi trung niên, giống cây trồng bản địa phù hợp với lối sống người dân, thời tiết và địa hình giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật. Điều này đã đảm bảo mô hình bền vững về mặt sinh thái dựa trên tập quán bản địa lâu đời.
Cộng đồng nghệ nhân tự chủ trong chuỗi sản xuất giúp cây trồng luân canh thường xuyên, không sử dụng hóa chất, không cần tưới quá nhiều nước, bảo vệ được thảm thực vật địa phương. “Cây bông mùa ẩm không cần tưới tiêu, trồng lanh không cần tưới tiêu và tự làm lành đất đai bị hoang hóa. Cây chàm mùa mưa cũng không cần tưới nước, cho lợi nhuận kinh tế cao hơn cây công nghiệp. Thời trang bền vững là dòng chảy văn hóa lâu đời đã tồn tại ở Việt Nam từ xa xưa,” bà Thảo nói.
Kilomet109 đang triển khai dự án thời trang cho ra đời các sản phẩm hiện đại phục vụ đồng bào thiểu số. Sau một thời gian dài làm việc chung, các nghệ nhân cũng muốn tự tay chế tác và sản xuất các sản phẩm thời trang đương đại mà vẫn có thể giữ gìn nét văn hóa bản địa qua các chi tiết truyền thống. Hiện nay, bà Thảo đang làm với nhóm Nùng và H’Mông Xanh ở Hòa Bình. “Tôi nghĩ là nếu làm với nhiều dân tộc thì sẽ rất ngầu!”
Bên cạnh đó, bà Thảo đang nghiên cứu cho ra đời dòng thời trang du lịch như túi bảo vệ máy tính, túi đựng nữ trang đa dạng về công năng, thân thiện và có thể sử dụng lâu dài.
Kilomet109 cho ra đời mỗi năm một bộ sưu tập. “Tôi tin thời trang không mùa (seasonless) là xu hướng tương lai. Ở các bộ sưu tập, tôi sử dụng cả chất liệu mùa hè, mùa đông, và nhiều màu sắc. Tôi tập trung vào tính logic, cấu trúc, công năng để sản phẩm có thể mặc được nhiều kiểu, sử dụng lâu dài với nhiều mục đích khác nhau, người tiêu dùng sẽ thấy sản phẩm có nhiều giá trị.” Thời trang của Kilomet109 sở hữu giá trị thủ công, giá trị thiết kế với tính hợp thời, cập nhật xu hướng, vượt thời gian, đường may trau chuốt, chi tiết trang trí mang dáng vẻ Việt Nam.
Kilomet109 tiếp cận và tạo nền tảng cho nhóm khách hàng qua những sự kiện, hội thảo, trình diễn, nói chuyện, sắp đặt chất liệu, sắp đặt thời trang, các cuộc triển lãm đa phương tiện có thiên hướng kể chuyện, chứ không dừng lại ở sàn diễn. Kết hợp với những cơ quan hỗ trợ và quảng bá các hoạt động văn hóa như hội đồng Anh và viện Geothe tại Hà Nội, trường đại học Columbia (Mỹ) qua các dự án về văn hóa và sáng tạo, Kilomet109 mang tới thế giới câu chuyện kể về Việt Nam có bề dày lịch sử, đa dạng văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp và bình yên.
*Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 94, tháng 5.2021, chuyên đề Dấu ấn tỉ phú thế giới tại Việt Nam.
2 năm trước
Uniqlo bán áo sản xuất từ chai nhựa tại Việt Nam2 năm trước
“Giải mã” sức hút bí ẩn của thương hiệu Nón Sơn