Jollibee Foods dự định đẩy nhanh mở rộng thị trường toàn cầu trong năm nay sau khi kiếm được lợi nhuận 123 triệu USD vào năm 2021, gần bằng mức trước đại dịch.
Ngày 10.2, Jollibee Foods – do tỉ phú Tony Tan Caktiong điều hành – cho biết sẽ đẩy nhanh việc mở rộng thị trường toàn cầu trong năm nay sau khi công ty khổng lồ thức ăn nhanh Philippines này báo cáo đạt được mức lợi nhuận gần bằng thời điểm trước đại dịch.
Nhờ doanh thu lớn tại Philippines và các thị trường quốc tế, đặc biệt là Bắc Mỹ, Jollibee đã báo cáo khoản lợi nhuận năm 6,3 tỉ peso (123 triệu USD) trong năm 2021, gần bằng mức 6,5 tỉ peso được báo cáo hồi năm 2019 ngay trước khi đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Công ty cũng lội ngược dòng ngoạn mục từ khoản lỗ 12,8 tỉ peso năm 2020 khi lệnh phong tỏa được áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh buộc các nhà hàng đóng cửa.
“Chúng tôi kỳ vọng tiếp tục phục hồi hoạt động kinh doanh mạnh mẽ trong năm 2022, đặc biệt nếu Philippines dỡ bỏ tất cả các hạn chế dịch bệnh, cùng với chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên trong năm bầu cử này,” CEO Ernest Tanmantiong của Jollibee cho biết.
Năm nay, Jollibee đầu tư 17,8 tỉ peso để mở 500 cửa hàng mới, mở rộng cơ sở hậu cần và tân trang các nhà hàng hiện có trên khắp thế giới, tăng hơn gấp đôi so với khoản đầu tư 7,8 tỉ peso của năm 2021 để mở 398 cửa hàng. Các hoạt động mở rộng thị trường toàn cầu sẽ được đầu tư từ khoản tiền thu được từ hoạt động kinh doanh, các khoản vay ngân hàng cũng như các đợt phát hành trái phiếu và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tiềm năng của công ty liên doanh kho hàng vào cuối năm nay.
“Sau năm 2022, triển vọng tăng trưởng kinh doanh của chúng tôi thậm chí còn tươi sáng hơn,” Tanmantiong nói. “Chúng tôi đang mở rộng mạnh mẽ vào các lĩnh vực kinh doanh khác, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, Trung Quốc, Đông Nam Á và châu Âu, trong khi kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận vững mạnh ở Philippines.”
Jollibee đã và đang thực hiện các thương vụ mua lại để mở rộng kinh doanh trên thị trường thực phẩm và đồ uống. Năm ngoái, công ty đã nắm quyền điều hành trong chuỗi cửa hàng dimsum Tim Ho Wan trên khắp châu Á và mua cổ phần của chuỗi trà sữa Milksha của Đài Loan và đầu tư vào nhượng quyền thương hiệu nhà hàng Nhật Bản Yoshinoya ở Philippines.
Từ một doanh nghiệp gia đình nhỏ bán kem được Tan Caktiong thành lập năm 1975, Jollibee hiện điều hành hơn 3.200 cửa hàng ở Philippines và hơn 2.700 cửa hàng ở nước ngoài — bao gồm các chuỗi Smashburger và Coffee Bean ở Mỹ. Với giá trị tài sản ròng 2,7 tỉ USD, Tan Caktiong, 68 tuổi, được xếp hạng thứ 7 trong danh sách 50 người giàu nhất Philippines của Forbes châu Á được công bố hồi tháng 9. Ông cũng sở hữu cổ phần trong công ty phát triển bất động sản DoubleDragon Properties.
Hồi tháng 8.2021, Jollibee đã mua cổ phần CentralHub Industrial Centers của DoubleDragon sau khi đưa thêm vào sử dụng 16,4 ha bất động sản công nghiệp hiện đang có các cơ sở sản xuất thực phẩm. CentralHub cho biết hồi tháng trước các đối tác đang tăng cường xây dựng nhà kho trên khắp Philippines để đáp ứng nhu cầu bùng nổ từ các công ty thương mại điện tử, trước khi IPO vào nửa cuối năm 2022. Đây sẽ là quỹ đầu tư bất động sản đầu tiên ở Philippines tập trung phát triển bất động sản logistic kho hàng.
“Chúng tôi sẽ sử dụng số tiền thu được từ đợt IPO cuối cùng của CentralHub để đầu tư các cửa hàng và các cơ sở sản xuất thực phẩm mới và sau đó chúng tôi sẽ sử dụng để tái đầu tư và tăng cổ phần vào quỹ đầu tư bất động sản,” Tan Caktiong cho biết khi Jollibee đầu tư lần đầu vào CentralHub hồi tháng 8. “Về cơ bản, quỹ đầu tư bất động sản sẽ giúp đầu tư liên tục để mở rộng thị trường trong tương lai.”
Biên dịch: Gia Nhi
10 tháng trước
Cebu Air đàm phán mua thêm 150 máy bay