James Yenbamroong ra mắt công ty vệ tinh của riêng mình ở Thái Lan. Mu Space đang “đốt tiền” để đưa tầm nhìn của anh vươn xa.
Trung tâm nghiên cứu và lắp ráp vệ tinh tư nhân lớn nhất ở Đông Nam Á tọa lạc trên con đường sầm uất song song với đường thu phí Don Muang sáu làn của Bangkok, nằm giữa một cửa hàng bán máy kéo và một bãi đất trống.
Đầu tháng 12.2021, bên trong nhà máy Factory 1 rộng hơn 2.000m2, James Yenbamroong, người sáng lập và CEO của công ty sản xuất hàng không vũ trụ Thái Lan mu Space, lên sân khấu để nói chuyện về robot, máy móc không gian điều khiển từ xa cùng hệ thống điện trước báo chí và các nhà đầu tư tiềm năng.
Xuất hiện trên màn hình phía sau anh là tiêu điểm của chương trình, những hình ảnh đồ họa của mu-B200 – vệ tinh thương mại đầu tiên được thiết kế nội địa của Thái Lan mà công ty năm năm tuổi này hi vọng sẽ sản xuất và đưa vào quỹ đạo đầu năm 2023.
Đây được gọi là tham vọng, nếu không muốn nói là một chút bất khả thi, ván cược cho người đàn ông 38 tuổi nói năng nhẹ nhàng, đã huy động được hàng triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư tin rằng công ty của anh sẽ làm được điều đó.
Thành công của mu-B200 có thể mở đầu loạt đơn đặt hàng vệ tinh có trọng tải 200kg tùy chỉnh được cho quỹ đạo vệ tinh tầm thấp (như quan sát Trái đất, phòng chống thiên tai và giám sát thời tiết) có thời gian sản xuất là 12 tháng và mức giá bốn triệu đô la Mỹ – theo công ty thì rẻ hơn khoảng một nửa so với giá của đối thủ.
Ít nhất, khả năng sản xuất các bộ phận vệ tinh trong nước của mu Space có thể thu hẹp khoảng cách với các nhà cung cấp phương Tây và tạo ra chuỗi cung ứng công nghệ vũ trụ ở Đông Nam Á.
Vài tháng sau, tại trụ sở chính của mu Space, với các mô hình tên lửa và phi hành gia xung quanh, Yenbamroong nhiệt tình khai thác lợi thế ít ỏi của mình. Anh nói: “Các công ty đang xem xét các giải pháp thay thế để không phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là hiện giờ,” và nhấn mạnh đến những căng thẳng địa chính trị hiện tại giữa các cường quốc không gian Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Ngoài ra, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra đã hạn chế các lô hàng từ Trung Quốc, trong đó có các lô hàng pin và phần cứng phức tạp cần cho ngành hàng không vũ trụ. “Việc chúng tôi có mặt tại châu Á chắc chắn mang lại lợi thế cho chúng tôi,” anh nói. “Thêm nữa, mọi người trong ngành này đang tìm kiếm nhà cung cấp đáng tin cậy sẽ bảo vệ tài sản trí tuệ của họ.”
Mu Space gây chú ý lần đầu vào năm 2018 khi gửi kèm phần trọng tải khiêm tốn 8kg vào không gian cùng với New Shepard, tên lửa mới của công ty Blue Origin của Jeff Bezos. Phần trọng tải này, bao gồm các thử nghiệm từ các trường đại học địa phương, được xem là khách hàng Thái Lan đầu tiên của hãng tàu vũ trụ này. Tiếp theo là lần phóng Blue Origin thứ hai, sau đó là lần thứ ba vào cuối năm 2019.
Một năm sau, mu Space tiếp tục thử nghiệm với phần trọng tải gồm máy tính và thiết bị điện tử để kiểm tra xem các hệ thống dữ liệu sẽ hoạt động như thế nào trong không gian khi các cơ sở sản xuất công nghệ vũ trụ đi vào hoạt động. Công ty hiện bán không gian trên mu-B200, và ngày ra mắt sẽ phụ thuộc vào những thỏa thuận đó.
Chiếu hình ảnh vệ tinh lên màn hình máy tính và phóng vệ tinh thật vào không gian không giống nhau. Mu Space đang đốt tiền với các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và năng lực sản xuất. Yenbamroong dự kiến sẽ đạt doanh thu từ 10-20 triệu đô la Mỹ trong năm nay – nhờ các hợp đồng thiết kế và thử nghiệm thiết bị viễn thông cũng như các dịch vụ giám sát vệ tinh – trong khi phần chi tiêu ước tính là hơn 30 triệu đô la Mỹ. Anh cho biết: “Chúng tôi có thể sẽ không có lợi nhuận trong vòng 5-10 năm.”
Đến lúc đó, nếu mọi việc diễn ra đúng dự kiến, mu Space sẽ mở rộng quy mô nhờ thế hệ vệ tinh đầu tiên của mình. Yenbamroong, giám đốc công nghệ của công ty khởi nghiệp này cho biết: “Đây mới chỉ là bước khởi đầu.”
Trong vòng vài năm tới, Yenbamroong kỳ vọng công ty sẽ đưa 10 vệ tinh được thiết kế riêng vào không gian mỗi năm. Ngoài ra, hằng năm còn có thể sản xuất hàng loạt hàng trăm vệ tinh cũng như các bộ phận vệ tinh và hệ thống điện từ một trong những nhà máy ở Bangkok của anh (hiện có ba nhà máy).
Giống như những doanh nghiệp lớn hơn trong ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân, chẳng hạn như SpaceX của Elon Musk và Virgin Galactic của Richard Branson, anh nói mình hướng đến mục tiêu cao cả là phát triển du lịch vũ trụ và các khu định cư trên mặt trăng.
Từ khi còn nhỏ xíu, anh đã được cha dẫn đến các buổi triển lãm hàng không. Vilas Yenbamroong, một vị tướng Thái Lan, đã đưa con trai duy nhất của mình đến các cuộc triển lãm quân sự. James yêu thích vẽ máy bay và tên lửa trên tường phòng ngủ của mình từ thời thơ ấu và chia sẻ: “Tôi luôn muốn trở thành một phi công.”
Anh học trung học ở New Zealand, sau đó chuyển đến Hoa Kỳ để học tại đại học California, Los Angeles, lấy bằng cử nhân về kỹ thuật hàng không vũ trụ và bằng thạc sĩ kỹ thuật cơ khí. Anh gác lại kế hoạch trở thành phi công khi nhận công việc kỹ sư làm việc trên các hệ thống xe tự hành tại công ty quốc phòng khổng lồ Northrop Grumman ở California.
Năm 2014, Yenbamroong trở lại Thái Lan. Sau đó, anh hợp tác kinh doanh với chú mình là Chatchai Yenbamroong để thành lập nhà khai thác viễn thông và vệ tinh Mobile LTE (nay là Thaisat Global). Gia đình anh nổi tiếng trong ngành công nghiệp viễn thông lớn mạnh của Thái Lan. Chatchai, từng là nhà báo và học giả Fulbright, đã giúp cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đầu tư vào lĩnh vực viễn thông, mặc dù sau đó họ tách ra và trở thành đối thủ cạnh tranh.
James dẫn dắt công ty thành nhà điều hành vệ tinh được cấp phép thứ hai của đất nước, sau đó nhìn thấy cơ hội ra mắt mu Space vào năm 2017 với năm triệu baht (hơn 132.000 đô la Mỹ) tiền riêng của mình và 100 triệu baht (hơn hai triệu đô la Mỹ) khác từ nhà đầu tư thiên thần Prasop Jirawatwong, chủ sở hữu kiêm CEO của hãng may mặc Nice Apparel có trụ sở tại Bangkok.
Các nhà đầu tư ban đầu khác bao gồm doanh nghiệp khổng lồ cơ sở hạ tầng B.Grimm Power và công ty đầu tư mạo hiểm Majuven của Singapore. Mu Space nộp đơn xin phép và được chính phủ cấp phép 15 năm để vận hành và cung cấp dịch vụ vệ tinh cho Thái Lan.
Vòng gọi vốn series B trị giá 25 triệu đô la Mỹ tiếp theo diễn ra vào năm 2019 và một năm sau, công ty nhận được khoản đầu tư 2,7 triệu đô la Mỹ từ công ty viễn thông nhà nước TOT sau khi hai công ty hợp tác để khám phá công nghệ cho vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. Anh dự kiến huy động được 34 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn series C mới kết thúc vào quý 4.2022, sẽ giúp nâng định giá của mu Space lên 330 triệu đô la Mỹ.
Gregg Daffner, chủ tịch Asia – Pacific Satellite Communications Council và là đồng sáng lập công ty cho thuê vệ tinh GapSat, cho biết: Nhiều công ty khởi nghiệp nổi lên trong lĩnh vực không gian đang phát triển bùng nổ với vốn đầu tư mạo hiểm dồi dào, nhưng cho đến nay rất ít nguồn tiền được đổ vào Đông Nam Á.
Theo công ty phân tích BryceTech của Mỹ, nhìn chung nguồn tài trợ toàn cầu để thương mại hóa không gian đã tăng gấp đôi vào năm 2021 lên khoảng 15 tỉ đô la Mỹ so với một năm trước đó.
Theo công ty tình báo không gian Euroconsult, phần lớn trong số vốn đó sẽ được rót vào hoạt động phóng trung bình khoảng 1.700 vệ tinh hằng năm cho đến năm 2030, chủ yếu được triển khai từ các công ty phương Tây đã thống trị hoạt động khám phá không gian trong nhiều thập niên.
Tuy nhiên, Daffner cho biết, chi phí để gia nhập lĩnh vực đã giảm và ngày càng nhiều công ty mới tham gia đã giúp dân chủ hóa lĩnh vực này. Ông nói thêm mu Space là doanh nghiệp duy nhất hiện diện rõ ràng ở Thái Lan và có lợi thế so với các công ty khởi nghiệp không gian của Đông Nam Á.
Daffner nói: “Đây là thời điểm thú vị cho lĩnh vực không gian và bạn có thể sản xuất được vệ tinh ở Thái Lan. Đây là điều quan trọng.” Nhưng ông lưu ý rằng nên thận trọng về tham vọng phóng vệ tinh.
Ông nói thêm: “Một doanh nhân có thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn, nhưng “ngành công nghiệp sẽ không mua vệ tinh từ một nhà sản xuất chẳng có thành tựu gì.”
Từ lâu, châu Á đã tham gia vào lĩnh vực không gian. Ấn Độ phóng tên lửa đầu tiên vào những năm 1960 và bắt đầu đưa vệ tinh vào không gian hơn 40 năm trước. Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba có phi hành gia đặt chân lên mặt trăng và ước tính có khoảng 500 vệ tinh trên quỹ đạo.
Nhật Bản là quốc gia đầu tiên hạ cánh và thu thập mẫu vật từ một tiểu hành tinh. Hàn Quốc đã phóng một vệ tinh nhỏ vào tháng 6.2022 đi kèm tên lửa sản xuất nội địa đầu tiên của nước này.
Đông Nam Á đến nay gần như vẫn là nhóm quan sát. Thái Lan đang hỗ trợ một tập đoàn không gian phát triển vệ tinh thí điểm để khảo sát trái đất vào năm tới. Indonesia đã thành lập cơ quan vũ trụ Lapan gần 60 năm trước, và gần đây đang tái khởi động những tham vọng bị tạm ngưng với kế hoạch xây dựng bãi phóng đầu tiên của khu vực trên đảo Biak.
Singapore đang cố hết sức tìm chỗ đứng trong lĩnh vực tình báo, đồng thời cung cấp tài trợ cho các trường đại học để thúc đẩy sự phát triển và ươm mầm cho các công ty khởi nghiệp không gian.
Ng Zhen Ning, đồng sáng lập kiêm CEO của NuSpace – công ty khởi nghiệp Singapore sản xuất các vệ tinh nhỏ – đã nhận được sự hỗ trợ thiết yếu của chính phủ trong một năm để phóng vệ tinh nano đầu tiên của mình bằng tên lửa SpaceX vào tháng 1.2022. Tuy nhiên, anh thừa nhận hoạt động ở Đông Nam Á vẫn còn nhiều thách thức. “Hiện tại lĩnh vực không gian đang rất nhộn nhịp,” anh nói. Nhưng “bạn thực sự phải chứng tỏ bản thân với các nhà đầu tư, thể hiện thành tích.”
Ngoài tăng trưởng sản xuất nhanh chóng, mu Space cũng mở rộng đội ngũ nhân viên của mình lên 160 người và Yenbamroong đặt mục tiêu đạt con số 300 vào cuối năm nay. Anh nói: “Mục tiêu của tôi là làm việc với những người có cùng đam mê với không gian như tôi.” Anh tuyên bố tài năng “cây nhà lá vườn” không phải là điều cần lo lắng, khi có đội ngũ kỹ sư từng học ở nước ngoài hoặc làm việc trong các ngành liên quan.
Tuy nhiên, các kế hoạch vẫn chưa có sự chắc chắn, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu thắt chặt chi tiêu. Therese Jones, giám đốc cấp cao về chính sách của hiệp hội Công nghiệp Vệ tinh (Satellite Industry Association), người hi vọng ngành công nghiệp này sẽ được củng cố trong vài năm tới, cho biết: “Có thể chúng ta sẽ thấy ít đầu tư hơn.”
Quá trình đếm ngược vẫn tiếp diễn cho thử nghiệm lớn nhất của mu Space: đưa vệ tinh của riêng mình vào quỹ đạo. Yenbamroong mong muốn chứng minh những người hoài nghi mình đã sai. “Mọi người sẽ thấy chúng tôi không còn là công ty mới nữa. Chúng tôi sẽ cho mọi người thấy chúng tôi tồn tại thật sự,” anh nói. “Chúng tôi đã sẵn sàng để phát triển.”
Biên dịch: Quỳnh Anh Theo Forbes Việt Nam số 112, tháng 12.2022