Tại Diễn đàn Kinh doanh thường niên ngày 9.12, Forbes Việt Nam đã tổ chức lễ Vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2021. Danh sách xếp hạng lần thứ 9 đã được Forbes Việt Nam công bố vào tháng 6.2021.
Trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam cũng suy giảm, 50 công ty trong danh sách vẫn gặt hái được những kết quả tích cực: mang lại tổng doanh thu hơn 1.219 triệu tỉ đồng, tăng 8,7% so với năm 2020 và thiết lập kỷ lục mới về lợi nhuận sau thuế với 174.510 tỉ đồng, tăng 25,8% so với danh sách công bố năm trước.
Kết quả này thể hiện khả năng chống chịu, xoay trở của các doanh nghiệp, cho thấy bản lĩnh chèo chống của các doanh nhân, đã mạnh dạn đầu tư để tìm kiếm cơ hội, giữ vững hiệu quả kinh doanh và đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế.
Forbes Việt Nam ghi nhận 10 công ty giữ vững tên trong suốt chín lần thực hiện danh sách: gồm CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk; CTCP Dược Hậu Giang; công ty cổ phần FPT; ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank; tập đoàn Bảo Việt; tổng công ty Khí Việt Nam – PV Gas; tập đoàn Vingroup; CTCP Tập đoàn Hòa Phát; CTCP Tập đoàn Masan và CTCP Cơ điện lạnh – REE. Hầu hết các công ty giữ vững vị thế trong danh sách chín năm qua đều giữ vững vị thế đầu ngành mà họ hoạt động.
Danh sách 50 công ty tốt nhất của năm 2021 còn ghi nhận 11 doanh nghiệp lần đầu góp mặt nhờ thay đổi vị thế kinh doanh trong năm 2020, có những doanh nghiệp hưởng lợi từ làn sóng FDI, từ sự tăng trưởng của thị trường tài chính hoặc bứt phá theo chu kỳ tăng trưởng hàng hóa…
Để thực hiện Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất 2021,Forbes Việt Nam đánh giá các công ty niêm yết trên HSX và HNX qua nhiều bước. Ở vòng sơ loại, các công ty đáp ứng các điều kiện về lợi nhuận năm tài chính 2020, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỉ đồng. Các công ty con hoạt động phụ thuộc công ty mẹ hoặc có vị thế kinh doanh quá thấp không được xem xét.
Ở vòng kế tiếp, đánh giá định lượng theo tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2016-2020. Bước tiếp theo, thực hiện điều tra định tính để đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị, triển vọng phát triển ngành…
Danh sách có sự hỗ trợ tính toán định lượng của công ty IFRC Việt Nam. Vốn hóa được chốt vào cuối tháng 5.2021.