multi-media / Megastory

Danh sách Forbes 400: Hayes Barnard tham vọng làm “vua điện mặt trời”

Hayes Barnard đã tìm ra cách giúp các gia đình ở Mỹ có được nguồn năng lượng mặt trời đắt đỏ trong tầm tài chính của họ. Khi ra mắt lần đầu tiên trong danh sách Forbes 400, tham vọng của ông còn lớn lao hơn: đưa mọi giấc mơ Mỹ trở nên thân thiện với môi trường.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đang sở hữu thuốc điều trị COVID-19 mà lại không phân phối cho mọi người? Đó chính xác là cảm giác của tôi,” Hayes Barnard nói khi lái chiếc Tesla Model S 2012 qua những con phố ở Austin, Texas. Người bán phần mềm 50 tuổi trở thành doanh nhân khởi nghiệp liên tục lý luận rằng công ty fintech của ông, GoodLeap, đang cứu hành tinh, đồng thời biến ông thành người giàu có.

Khoảng 40% lượng khí thải nhà kính của Hoa Kỳ đến từ các tòa nhà, chỉ 25% xuất phát từ các phương tiện giao thông vận tải. “Chúng ta phải điện khí hóa ngôi nhà. Chúng ta phải làm thế!” ông hăm hở nói, lên cao giọng. “Nếu không phải là chúng tôi, thì sẽ là ai?”

Tất nhiên, GoodLeap không cung cấp điện trực tiếp cho các ngôi nhà của người Mỹ. Các nhà thầu đang làm điều đó. Nhưng GoodLeap đang tài trợ cho các chủ nhà bình thường lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời ngay lập tức, thanh toán chi phí trong 25 năm bằng khoản tiền tiết kiệm được từ hóa đơn điện nước hằng tháng của họ, với con số phát sinh mỗi tháng rất ít.

“Mọi người không muốn làm vậy trừ khi họ biết được rằng họ đang tiết kiệm tiền ngay từ đầu,” Barnard nói. “Một người ở Dubuque, Iowa không nghĩ về cách anh ta có thể giảm lượng khí thải carbon, nhưng lại nghĩ đến cách anh ta có thể tiết kiệm 50 đô la Mỹ một tháng.”

GoodLeap hiện tài trợ cho 28% trong tổng số hệ thống năng lượng mặt trời tại nhà – dẫn đầu thị trường toàn quốc, cho vay gần một tỉ đô la Mỹ mỗi tháng, đủ để tài trợ cho 27 ngàn chủ nhà. Mục tiêu của công ty là đạt được những con số thậm chí còn lớn hơn, một phần nhờ vào hàng chục tỉ đô la Mỹ tín dụng thuế mở rộng để cải thiện nhà ở thân thiện với môi trường được đảng Dân chủ thông qua hồi tháng 8.2022. Với chỉ mới 4% ngôi nhà ở Mỹ chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, Barnard khẳng định rằng GoodLeap có rất nhiều dư địa để phát triển.

Cuối năm ngoái, GoodLeap đạt mức định giá 12 tỉ đô la Mỹ trong vòng đầu tư 800 triệu đô la Mỹ do công ty quản lý tài sản gia đình của Michael Dell và BDT Capital của nhà đầu tư tỉ phú Byron Trott dẫn đầu. Mức định giá đó nâng giá trị 40% cổ phần của Barnard thành 3,2 tỉ đô la Mỹ – sau khi áp dụng mức giảm trừ khổng lồ 35% theo cách tính giá trị của các cổ phiếu fintech tương đương. Tính cả các khoản nắm giữ khác, Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông là bốn tỉ đô la Mỹ, đủ để đưa ông lần đầu tiên lọt vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ (The Forbes 400.)

Hayes Barnard trải qua chặng đường đáng nhớ và có lúc cũng gập ghềnh. Ông lớn lên ở ngoại ô St. Louis cùng người mẹ đơn thân (cha ông là người nghiện rượu và đã bỏ đi khi ông mới ba tuổi). Barnard phải vật lộn ở trường với chứng khó đọc, đến Central Missouri State nhờ học bổng bóng đá, bị thương vào năm thứ nhất và chuyển đến đại học Missouri, lấy bằng kinh doanh.

Khi tốt nghiệp năm 1995, ông đến San Francisco, quyết tâm tham gia vào giai đoạn bùng nổ công nghệ. Ông bắt đầu quản lý các gian hàng triển lãm thương mại và kiếm được hàng triệu đô la Mỹ tiền hoa hồng bán hàng từ Oracle trong vòng vài năm.

Barnard không chỉ thần tượng người sáng lập Oracle, Larry Ellison, mà còn muốn trở thành người như thế. Năm 2003, ở tuổi 30, ông thuyết phục hai người bạn thời đại học, Matt Dawson và Jason Walker, đang kinh doanh môi giới thế chấp ở Missouri, cùng ông thành lập công ty Paramount Equity Mortgage, nỗ lực tiên phong đưa dịch vụ thế chấp ngân hàng tốn nhiều giấy mực lên mạng.

Họ cùng nhau kiếm được 150 ngàn đô la Mỹ và thành lập văn phòng ở Sacramento. Họ đã tiêu 20 ngàn đô la Mỹ cuối cùng để Barnard tự thu âm một quảng cáo trên đài phát thanh địa phương. Đợt chào hàng đó mang lại hiệu quả kỳ diệu. “Hôm đó, khi đoạn quảng cáo được phát, chúng tôi nhận được khoảng 150 cuộc điện thoại. Thật bất ngờ,” ông kể.

Đến năm 2009, Paramount Equity lao đao vì thị trường nhà ở sụp đổ. Khi khối lượng thế chấp giảm 75%, Barnard phải sa thải hơn một nửa trong số 600 nhân viên của mình. “Người ta hay nói bạn chưa bao giờ là một CEO thực sự cho đến khi bạn có trải nghiệm ‘cận kề cái chết.’ Và đó là điều tôi đã trải qua,” ông nói.

Tuy nhiên, ngay cả khi đó ông cũng đang ấp ủ ý tưởng lớn tiếp theo của mình: bán điện mặt trời cho các chủ nhà. Barnard bắt đầu gọi điện thuyết phục các lãnh đạo trong ngành năng lượng mặt trời. Ông để lại tin nhắn thoại cho Lyndon Rive, CEO và đồng sáng lập của SolarCity, công ty nhận được tài trợ từ Elon Musk, anh họ của Rive.

Trong vòng hai tuần, Barnard trình bày ý tưởng của mình trước các giám đốc điều hành tại văn phòng ở thung lũng Silicon của SolarCity. Sau khi nghe câu chuyện của ông, họ mời ông ra khỏi phòng để họ họp kín. Sau đó Rive đã đưa ra kết luận: Việc lắp đặt tấm năng lượng mặt trời quá phức tạp nên khó có thể bán trực tuyến.

Nhưng Barnard rất kiên định. Ông và đối tác Dawson sẽ tự mình phát triển hoạt động bán năng lượng mặt trời dân dụng trực tuyến hoàn toàn mới, miễn là SolarCity đồng ý xử lý lắp đặt. Rive đồng ý.

Đến năm 2013, công ty của Barnard, Paramount Solar, chiếm đến 40% hoạt động kinh doanh của ông. Năm đó, SolarCity mua lại Paramount Solar với giá 120 triệu đô la Mỹ và đưa Barnard lên làm giám đốc doanh thu.

Đến năm 2016, SolarCity gặp khó khăn và được Tesla của Musk mua lại. Barnard rời đi để theo đuổi ý tưởng tiếp theo của mình. Paramount đã cho chủ nhà thuê các hệ thống năng lượng mặt trời hoặc bán hoàn toàn. Hiện giờ, ông muốn tài trợ cho các chủ nhà lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời mà không phải bỏ ra một khoản tiền nào.

Theo đó, người mua năng lượng mặt trời có thể yêu cầu các khoản tín dụng thuế xanh, đồng thời dùng khoản tiền tiết kiệm được nhờ sử dụng năng lượng mặt trời để chi trả hằng tháng.

Barnard gửi ý tưởng của mình đến hàng chục ngân hàng. Ông nhận thấy họ không muốn hỗ trợ các khoản vay năng lượng mặt trời cá nhân nhưng quan tâm đến việc mua các gói cho vay được chứng khoán hóa.

Năm 2018 Barnard tung ra sản phẩm cho vay lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời như một dịch vụ của Paramount Equity Mortgage và vào năm 2021, đổi tên toàn bộ hoạt động kinh doanh này thành GoodLeap, ghép từ cụm từ “tốt cho cuộc sống, trái đất và sự thịnh vượng.”

Mô hình này có rất nhiều bộ phận. Các chủ nhà không tự mình lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời. Họ sẽ trải qua giao dịch với 26 ngàn nhà thầu và nhân viên bán hàng, một số làm việc thông qua những công ty khổng lồ như Lowe’s và Home Depot, các công ty được trang bị ứng dụng GoodLeap.

Ứng dụng đó cho phép các chủ nhà đủ uy tín có thể được phê duyệt ngay lập tức cho khoản vay lãi suất cố định lên tới 135 ngàn đô la Mỹ, với 20 loại hình sản phẩm cải tiến bền vững, bao gồm tấm pin mặt trời, hệ thống pin dùng cho gia đình, hệ thống HVAC mới, cửa sổ tiết kiệm năng lượng và thậm chí cả bãi cỏ nhân tạo tiết kiệm nước.

Những người say mê fintech sẽ nhớ đến GreenSky, công ty khởi nghiệp tiên phong được Goldman Sachs mua lại với giá 2,2 tỉ đô la Mỹ trong năm nay. GreenSky có mô hình kinh doanh tương tự, nhưng không có thêm khoản thay đổi “tự chi trả cho chính mình” của GoodLeap.

Một hệ thống năng lượng mặt trời trị giá 40 ngàn đô la Mỹ điển hình ở California, được tài trợ bằng khoản vay 3% trong 25 năm, sẽ có giá 190 đô la Mỹ/tháng – thấp hơn 30 đô la Mỹ so với mức tiết kiệm điện dự tính. Chủ nhà sau này có thể dễ dàng sử dụng tín dụng thuế để giảm nợ gốc. (Khoản tín dụng hiện ở mức 30% – hoặc 12 ngàn đô la Mỹ tiền tiết kiệm thuế liên bang cho một hệ thống trị giá 40 ngàn đô la Mỹ. Các khoản tiết kiệm không thể sử dụng trong năm mà hệ thống được lắp đặt sẽ có thể được chuyển vào các hóa đơn thuế trong tương lai.)

Người mua các khoản vay được chứng khoán hóa và các ngân hàng xử lý (Goldman Sachs, Blackstone và Credit Suisse) có thể theo dõi quá trình thông qua phần mềm của GoodLeap. Đến tháng 9.2022, 493 triệu đô la Mỹ chứng khoán cho vay đã được bán, với lợi suất trung bình 5,4% và ở các giai đoạn rủi ro cao hơn, tỉ lệ là 8,8%. Tỉ lệ vỡ nợ tổng thể cho đến nay: dưới 0,8% – chưa bằng một nửa tỉ lệ vỡ nợ 2% đối với các khoản vay thế chấp.

Lái xe qua khu South Congress thời thượng của Austin, nơi có những bức tranh tường đường phố với các cửa hàng theo chủ đề cao bồi, quán cà phê phong cách cổ điển và cửa hàng Hermès, Barnard giới thiệu nơi đặt các văn phòng tương lai của GoodLeap, một tòa nhà gạch ba tầng sẽ được lắp các tấm pin mặt trời trên mái nhà.

Giống như Musk, Barnard đã thay đổi nơi cư trú hợp pháp của mình từ California thuế cao sang Texas không đánh thuế thu nhập, mặc dù trụ sở chính của GoodLeap và hầu hết 1.200 nhân viên của công ty vẫn ở Golden State.

Barnard rẽ trái và đỗ xe trước một khu công nghiệp liên hợp. Ông bước vào nhà kho và mở thùng hàng để giới thiệu hệ thống lọc nước chạy bằng năng lượng mặt trời và pin Tesla. Loạt hàng này sẽ được đưa đến Kenya. Tám hệ thống cung cấp nước sạch cho 160 ngàn người đã được triển khai tới những nơi như Haiti thông qua GivePower, tổ chức phi lợi nhuận mà Barnard thành lập năm 2014 sau chuyến ghé thăm cộng đồng nông thôn nghèo khó ở Mali, nơi phụ nữ đi bộ nhiều cây số mỗi ngày để lấy nước bẩn từ một con sông.

Tổ chức phi lợi nhuận này cũng đã lắp đặt 2.500 hệ thống năng lượng mặt trời tại các trường học ở 25 quốc gia khác nhau. Barnard nói: “Việc làm này kết nối mọi thứ, mọi nỗ lực của tôi thành một.”           

Biên dịch: Quỳnh Anh
Theo Forbes Việt Nam số 112, tháng 12.2022

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/forbes-400-hayes-barnard-tham-vong-lam-vua-mat-troi)