Doanh nghiệp

Cách INSEE Việt Nam biến tro bụi thành vật liệu xây dựng

1 năm trước
Tác giả Trọng Nam

Sản xuất xi măng là ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường khi phát thải nhiều khói bụi, chất thải độc hại. Nhưng công ty INSEE VIỆT NAM phát thải bụi thấp hơn tiêu chuẩn 10 lần, phát thải CO2 chỉ bằng một nửa trung bình ngành và kinh doanh dịch vụ tiêu hủy chất thải.

Share
this:

Trong một chương trình hội thảo về kinh tế tuần hoàn vào đầu tháng 6.2022, giới truyền thông chất vấn: đầu tư cho nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã mang tính lâu dài chưa, hay đang làm tổn hại tới lợi ích doanh nghiệp. Với tư cách là diễn giả tham luận, ông Eamon Ginley, CEO của INSEE Việt Nam, khẳng định những hoạt động kinh tế mang tính tuần hoàn sẽ mang lại lợi nhuận tốt, bền vững và lâu dài chứ không chỉ dừng lại ở việc đánh bóng tên tuổi.

Trong buổi phỏng vấn riêng với Forbes Việt Nam, vị lãnh đạo người New Zealand làm rõ thêm: “Việc INSEE củng cố vị thế là nhà cung cấp vật liệu xây dựng bền vững tại Việt Nam không chỉ là về thương hiệu, mà nó luôn song hành với kết quả kinh doanh. Nhờ tính toán đúng việc thực hành kinh tế tuần hoàn, chúng tôi không những tiết kiệm được chi phí nguyên liệu, giảm phát thải bụi, giảm tiêu thụ điện năng mà còn thu lãi tốt từ việc thu gom xử lý chất thải cho các đối tác”.

Ngành xi măng Việt Nam hiện có sản lượng trong tốp ba thế giới theo thống kê của Statista.com và là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất. Để sản xuất ra một tấn xi măng portland thường cần khai thác 1,5 tấn nguyên liệu, tiêu thụ 120kg than, 100 kWh điện và xả ra môi trường hơn 0,7 tấn khí thải độc hại CO2, SO2, NO2… cùng bụi mịn chứa kim loại nặng như chì, thủy ngân, cobalt, nickel, crom. Giảm ô nhiễm trở thành yêu cầu bức thiết vì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của ngành, bình quân  ở mức 8%/năm, xuất phát từ nhu cầu thi công hạ tầng vẫn tiếp tục tăng trên cả nước.

Ông Eamon Ginley, CEO INSEE Việt Nam.

Theo số liệu tự bạch, INSEE Việt Nam đứng thứ hai thị trường xi măng ở khu vực phía Nam, với khoảng 25% thị phần. Công ty có bốn trạm nghiền ở Cát Lái, Thị Vải, Hiệp Phước, Nhơn Trạch, một trạm trộn và một nhà máy chính đặt ở Hòn Chông (Kiên Giang), với năng lực sản xuất 5,7 triệu tấn xi măng/năm.

Năm 2013, INSEE đưa vào sử dụng hệ thống túi lọc bụi nhập khẩu từ Nhật Bản thay cho hệ thống lọc tĩnh điện thường thấy, hạ phát thải bụi của nhà máy trung bình xuống dưới 10mg/Nm3, thấp hơn 10 lần so với tiêu chuẩn Việt Nam (QCVN 41:2011). Phát thải CO2 trung bình tại nhà máy ở mức 416kg/tấn xi măng, thấp hơn 46% so với trung bình của ngành (710kg/tấn). Khí SO2 phát thải tại ống khói lò nung ở mức 6,1 mg/Nm3, nhỏ hơn 82 lần so với tiêu chuẩn.

Công ty thu xỉ phế phẩm của ngành thép và tro bay từ sản xuất nhiệt điện, một trong các tác nhân chính gây ô nhiễm không khí và nguồn nước, để làm nguyên liệu sản xuất. Xỉ và tro bay được xử lý kỹ thuật thành đá pozzolan nhân tạo, thay thế đến trên 40% nguyên liệu tự nhiên. Sản phẩm xi măng PCB với lượng nguyên liệu tái chế này có các chỉ số độ bền tương đương xi măng PC truyền thống, và còn vượt hơn về khả năng chống thấm.

INSEE còn đi đầu trong công nghệ thu hồi và tái sử dụng nhiệt phát thải từ lò nung clinker. Từ hơn 12 năm trước, INSEE vay khoảng 15 triệu đô la Mỹ từ Vietcombank để đầu tư vào hệ thống kỹ thuật. Nguồn nhiệt khí thải từ tháp tiền nung và hệ thống làm nguội clinker được thu hồi để phát điện, cung cấp trung bình trên 25% điện năng cần cho sản xuất.

Nhiệt lượng lò lên tới 2.000 độ C còn giúp INSEE triển khai kinh doanh xử lý chất thải ecocycle. Theo đó, rác thải độc hại, khó tái chế của các đối tác sẽ được tập trung phân loại tại trung tâm xử lý Cát Lái để đưa về đốt trong lò nung ở nhà máy xi măng Hòn Chông, Kiên Giang. Nhiệt độ lò đủ cao để phá hủy hoàn toàn các chất thải công nghiệp và nhiệt lượng từ rác thải giúp giảm tiêu thụ than. INSEE cũng là đơn vị duy nhất có thể hỗ trợ xử lý hàng trăm tấn dầu cặn PCB, là loại phế phẩm nguy hại từ hoạt động vận hành máy phát điện.

Phong cách nhiệt tình pha chút hóm hỉnh, ông Eamon Ginley phân tích: “Mỗi năm trung bình INSEE tiêu thụ 250.000 tấn than đốt lò. Giá than mới 12 tháng trước chỉ đâu đó 200 đô la Mỹ một tấn, nay đã tăng gấp đôi. Việc đốt phế phẩm từ ngành khác giúp chúng tôi tiết kiệm được đến 40% nguyên liệu than”. Tuy giữ kín chỉ số kinh doanh nhưng ông Eamon khẳng định ngược với nhiều suy đoán, mảng ecocycle của INSEE có lãi, thậm chí lãi tốt vì phí xử lý khá cao.

Công ty INSEE đưa các hoạt động kinh tế bền vững thành cam kết phát triển, thu được hiệu quả ấn tượng về bảo vệ môi trường mà không phải trả giá bằng kết quả kinh doanh. Mô hình này là một điểm sáng trong cộng đồng các doanh nghiệp ngành vật liệu, vốn là ngành gây ô nhiễm môi trường chủ yếu. “Nói về thực hành khái niệm kinh tế tuần hoàn, INSEE đã đi trước thị trường hàng chục năm. Vài năm qua nhiều đơn vị đã bắt đầu học tập nhưng tôi nghĩ họ cần ít nhất 5–7 năm mới có thể bắt kịp”, Bruno Fux, giám đốc mảng Tái chế và Phát triển bền vững cho biết.

——————————-

Những hoạt động kinh tế mang tính tuần hoàn sẽ thực sự mang lại lợi nhuận tốt, bền vững và lâu dài chứ không chỉ dừng lại ở việc đánh bóng tên tuổi.

– Eamon Ginley, CEO INSEE Việt Nam –

———————————

Tiền thân của INSEE là công ty Lafarge Holcim Việt Nam, thuộc tập đoàn LafargeHolcim Thụy Sĩ. Đây là tập đoàn vật liệu xây dựng hàng đầu thế giới và các thành viên của tập đoàn đều tiên phong ứng dụng sản xuất bền vững 30–40 năm qua. Khi mua lại và chuyển đổi thương hiệu với số tiền 20.000 tỉ đồng năm 2016, Siam City Cement (SCCC), tập đoàn xi măng lớn thứ hai của Thái Lan, dường như đã chú trọng duy trì tính liên tục về tầm nhìn lõi.

INSEE Việt Nam luôn tuyển dụng nhân sự quốc tế từng làm cho tập đoàn LafargeHolcim trên toàn cầu, thay vì đưa người từ Thái Lan sang. CEO đầu tiên của INSEE, ông Philippe Richart, đã làm việc cho LafargeHolcim trong gần 20 năm. CEO INSEE đương nhiệm, ông Eamon Ginley, đã có 14 năm điều hành công ty Holcim Indonesia, doanh nghiệp xi măng lớn thứ ba ở thị trường này. Khung nhân sự chủ chốt bên dưới của INSEE Việt Nam cũng thường có kinh nghiệm tương tự.

Giữ nền tảng chiến lược, công nghệ châu Âu, INSEE còn hưởng những lợi thế ở Việt Nam mà ông Eamon Ginley mô tả là “hai điều bất ngờ ngọt ngào”. Đầu tiên, các khách hàng và đối tác ở Việt Nam khá thoáng, dễ dàng chấp nhận vật liệu mới mẻ nhưng thân thiện với môi trường hơn các thị trường châu Á khác. Theo đại diện INSEE, thị trường Việt Nam thậm chí còn tiến bộ hơn thị trường Nhật Bản ở mặt này. “Xi măng dùng xỉ thép và tro bay tính năng tương đương, nhiều mặt có thể nhỉnh hơn xi măng truyền thống. Chất lượng không phải là vấn đề mà là ở khía cạnh nhận thức của khách hàng”.

Điều thuận lợi thứ hai, ông Eamon Ginley cho biết nằm ở sự nhất quán về chiến lược phát triển của chính quyền các cấp. Với kinh nghiệm nhiều nước, ông Ginley nhận xét: “Việc hoạch định chiến lược và triển khai ở Việt Nam tương đối đơn giản vì sự rõ ràng và quyết tâm trong cách chính quyền sở tại điều hành nền kinh tế. Có thể tốc độ chuyển đổi đi lên thoạt nhìn chưa đủ nhanh, nhưng tôi tin là ở khu vực, Việt Nam đang ở trình độ dẫn đầu”.

Tập đoàn vật liệu xây dựng Kingspan, Ireland, vừa khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên ở Đông Nam Á tại Vũng Tàu, với tiêu chuẩn cao nhất về công trình xanh, LEED Platinum. Ông Hà Ngọc Anh Minh, giám đốc quốc gia Kingspan, chọn INSEE cung ứng xi măng cho công trình có tổng diện tích 4,5 héc ta này vì đây là đơn vị đầu tiên của Đông Nam Á có chứng chỉ môi trường EPD của Thụy Điển. Trước đó, 11 sản phẩm xi măng của INSEE được cấp “nhãn xanh” của hội đồng công trình xanh Singapore (SGBC) nhiều năm.

Theo bà Yvonne Soh, giám đốc điều hành SGBC, INSEE là trường hợp hiếm có trong nhóm công ty vật liệu xây dựng của Việt Nam. Bà cho biết, vài năm gần đây xuất hiện xu hướng có thêm công ty nộp hồ sơ đăng ký nhưng mức tăng cũng vẫn còn khiêm tốn.

Phát triển bền vững cũng giúp INSEE tuyển dụng thuận lợi hơn. CEO Eamon Ginley nói: “Tôi nghĩ không có mấy bạn trẻ hiện đại, cấp tiến muốn vào làm sản xuất xi măng đâu. Thế nên, INSEE tiên phong về mảng môi trường để công ty và công việc ở đây có ý nghĩa, hấp dẫn tài năng trẻ hơn.”

Lãnh đạo INSEE Việt Nam cũng thừa nhận đơn vị cũng có những khó khăn trong việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Dù có mặt hơn 15 năm, dịch vụ xử lý chất thải ecocyle vẫn là hướng kinh doanh mới mẻ, khó tìm thêm khách hàng mới. Hơn 200 khách hàng của INSEE hầu như đều là doanh nghiệp đa quốc gia, phải tuân thủ các yêu cầu của tập đoàn mẹ. Với doanh nghiệp trong nước, phí xử lý còn đắt, cao hơn nhiều so với chôn lấp. Ngoài ra, các loại rác thải đến từ đủ loại ngành nghề, khâu phân loại, vận chuyển, xử lý tốn nhiều công sức và nghiên cứu.

Lực cản còn từ vấn đề quy định. Theo đại diện INSEE, công ty có vốn nước ngoài chi phối nên việc xin cấp các giấy phép xử lý rác thải sẽ phức tạp và tốn kém hơn so với các đơn vị trong nước.

Dầu vậy, CEO INSEE đánh giá khó khăn chỉ có tính ngắn hạn và lạc quan về triển vọng: “Các cam kết của chính phủ đối với việc phát triển bền vững là rõ ràng và không thể đảo ngược. Tôi rất tin tới đây sẽ còn tiếp tục ra đời nhiều chính sách tiến bộ, loại bỏ việc chôn lấp rác thải, tạo ra nền móng cho các công ty chú trọng bền vững môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa”.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 107, tháng 7.2022, chuyên đề Kinh tế tuần hoàn