Tiêu điểm

Elon Musk bị chỉ trích vì sự cố ngoài không gian của Starlink

Share
this:

Tỉ phú Elon Musk đang đối mặt với chỉ trích từ Trung Quốc từ sự cố suýt va chạm giữa Starlink và trạm không gian của đất nước tỉ dân.

Tỉ phú Elon Musk đang đối mặt với chỉ trích từ Trung Quốc, sau khi quốc gia này trong thời gian gần đây đã khiếu nại về việc trạm không gian trong quá trình xây dựng đã hai lần “suýt va chạm” với các vệ tinh được phóng từ dự án Starlink của SpaceX vào đầu năm 2021.

Trạm không gian Trung Quốc (CSS) đã phải hai lần di chuyển để tránh va chạm với vệ tinh do công ty tên lửa của Elon Musk, SpaceX, phóng lên, theo tài liệu được Trung Quốc trình lên văn phòng về Hoạt động Vũ trụ Liên Hợp Quốc (UNOOSA) vào đầu tháng 12.

Tuy khiếu nại vẫn chưa được xác thực và SpaceX không đưa ra phản hồi nào, nhưng Trung Quốc khẳng định trạm không gian đã phải tiến hành “quy trình điều khiển tránh va chạm” vào hai ngày 1.7 và ngày 21.10, khi vệ tinh Starlink tiến lại gần.

Tỉ phú Elon Musk nhận phải chỉ trích từ người dân Trung Quốc cho tham vọng không gian, sau khi vệ tinh thuộc dự án Starlink suýt va chạm với trạm vũ trụ của quốc gia tỉ dân. Ảnh:  Matt Rourke/Associated Press

Theo hồ sơ, Trung Quốc đã thông tin tới tổng Thư ký Liên Hợp Quốc rằng sự cố suýt va chạm với vệ tinh Starlink “gây nguy hiểm tới sức khỏe hay tính mạng của các phi hành gia bên trong trạm không gian Trung Quốc”.

Ngay sau tin tức trên là một đợt phản ứng dữ dội nhằm vào Elon Musk trên mạng xã hội Trung Quốc, Weibo. Một nhóm người dùng chỉ trích tham vọng về không gian của vị tỉ phú này, Reuters đưa tin hôm 27.12.

Vào tháng 4.2021, Trung Quốc bắt đầu xây dựng trạm không gian với thành công từ đợt phóng mô-đun lõi Tianhe (Thiên Hòa) và kỳ vọng hoàn thành vào cuối năm 2022.

Trong nhiều năm gần đây, mảnh vỡ không gian dần trở thành một mối nguy, với những nhà khoa học đang hối thúc chính phủ các nước chia sẻ dữ liệu từ vệ tinh để tránh khả năng va chạm ngoài không gian. Có xấp xỉ 30.000 vệ tinh và những mảnh vỡ ngoài quỹ đạo trái đất, chỉ tính riêng SpaceX đã triển khai gần 1.900 vệ tinh Starlink.

Đây không phải là lần đầu tiên đưa ra tranh luận về mảnh vỡ không gian và vệ tinh ở quỹ đạo trái đất. Vào cuối tháng 11, cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) bất ngờ hoãn chuyến đi bộ không gian do mối nguy từ mảnh vỡ không gian.

“Chúng tôi đã phải thay đổi quỹ đạo của các vệ tinh Starlink để giảm khả năng va chạm. Một điều không tốt, nhưng cũng không tệ,” Elon Musk đăng tải dòng tweet phản hồi lại quyết định từ NASA.

Dịch vụ băng thông rộng từ vệ tinh Starlink của Elon Musk đã ghi nhận nhu cầu sử dụng lớn, với đợt thử nghiệm đầu tiên cho ra tốc độ mạng internet và phát trực tuyến cao. Tuy vậy, công ty đã vấp phải chỉ trích cho mức phí quá cao và vệ tinh hiện nay có tác động ở bên ngoài không gian.

“Khi vệ tinh Starlink liên tục duy trì quỹ đạo theo một chiến thuật không rõ ràng và rất khó để đánh giá sự cố ngoài quỹ đạo, đã có nguy cơ va chạm giữa Starlink-2305 và trạm không gian Trung Quốc. Nhằm đảm bảo an toàn và mạng sống của những phi hành gia, trạm không gian Trung Quốc buộc phải tiến hành điều chỉnh quỹ đạo để tránh nguy cơ va chạm giữa thiết bị vũ trụ” báo cáo đưa ra về sự cố vào ngày 21.10.

Theo ước tính của Forbes, Musk có khối tài sản ròng 282,5 tỉ USD, là người giàu nhất hành tinh.

Biên dịch: Minh Tuấn