Các số liệu thống kê tăng trưởng cho thấy một bức tranh kinh tế tươi đẹp trong năm 2022 nhưng có những chỉ báo sớm về thất nghiệp trong các ngành thâm dụng lao động.
9 giờ sáng, Phạm Đình Kết nằm dài xem điện thoại trong căn phòng trọ hơn 15m2, tính cả gác xép lỉnh kỉnh đồ đạc. Vợ đi làm, hai con đi học, anh công nhân nhà máy G.P ở khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM đang “giết” thời gian chờ vào ca 12 giờ trưa thay vì như trước đây anh đã rời nhà từ sớm tinh mơ.
Mấy tháng nay nhà máy ít việc, Kết chỉ toàn “làm giờ hành chính”, không phụ cấp, không tăng ca, lương còn bảy, tám triệu đồng mỗi tháng, bằng phân nửa so với hồi mới vào công ty tháng 10.2019.
Anh cho biết mức lương hiện tại chỉ đủ lo tiền học, tiền gửi trẻ cho hai con, còn tiền ăn và nhà trọ trông vào suất lương công nhân may của vợ, không còn dư dả gửi về cho cha mẹ ở quê như mấy tháng trước. “Mình vẫn còn việc là còn may mắn, bạn tôi ở công ty may vừa nghỉ và đang phải đi tìm việc,” Kết hướng mặt về căn phòng đối diện trong dãy trọ nói.
Ông Nguyễn Văn Mười Một, chủ khu trọ của Kết nằm trên đường Võ Thị Nhờ (quận 7, TP.HCM) ước lượng, cả khu 70 phòng này có chừng 10 người vừa nghỉ việc, nhưng chưa ai trả phòng hay về quê sớm. “Thấy tụi nó đang đi kiếm việc mà coi bộ khó,” ông nói với Forbes Việt Nam một ngày giữa tháng 12.2022.
Làn sóng giảm giờ làm, sa thải lao động đang lan rộng tại thủ phủ công nghiệp phía Nam, nơi tập trung các nhà máy sản xuất hàng gỗ, dệt may, da giày… và chưa có dấu hiệu dừng lại. Sức cầu yếu vì lạm phát cao ở các thị trường Mỹ, châu Âu khiến các nhà nhập khẩu tồn kho lớn đã ngừng hoặc giảm số lượng đặt hàng từ các công ty gia công Việt Nam.
Tháng 11.2022, lần đầu tiên trong 14 tháng, số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất bắt đầu giảm sau nhiều tháng liên tục tăng chậm lại, theo báo cáo chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của S&P Global công bố đầu tháng 12.
Hai vợ chồng từng làm chung công ty may của Nhật ở khu chế xuất Tân Thuận hơn mười năm, chế độ khá ổn nhưng lương thấp nên Kết chuyển sang một công ty bao bì của Đài Loan. “Tôi nhận lương 15–16 triệu mỗi tháng khoảng nửa năm. Sau đợt dịch năm 2020, hàng còn, tăng ca mỗi tháng bảy tám chục tiếng, lương 12–13 triệu. Sau đợt dịch lần hai thì giảm hẳn. Giờ được lấy phép năm nghỉ mà,” anh công nhân 37 tuổi người Cà Mau kể.
Nhà máy Kết làm việc là một trong bốn thành viên của tập đoàn sản xuất bao bì giấy carton này, ngoài TP.HCM còn có thêm ba cơ sở tại Bình Dương. “Nghe nói tình hình ở dưới Bình Dương cũng vậy, nhưng so ra mình vẫn còn đỡ hơn mấy đứa bạn ở công ty gỗ. Tụi nó còn không có việc để làm,” Kết nói.
Ông Nguyễn Chánh Phương, phó chủ tịch hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) chia sẻ các doanh nghiệp đang rất khó khăn. “Cứ xuống thủ phủ ngành gỗ ở Tân Uyên, Bình Dương, nhìn nhà xe của các nhà máy, nhìn vào các quán ăn là cảm nhận được tình hình,” ông Phương nói. Từ tháng 5.2022, đơn hàng của các doanh nghiệp ngành gỗ đã bắt đầu giảm. Khách hàng lớn nhất là Mỹ mua ít lại, chỉ tương đương với năm ngoái ngay trong dịch, trong khi khách châu Âu giảm.
Là nhà sản xuất các sản phẩm nội thất chuyên xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, công ty TNHH Đông Tây Group cảm nhận rõ những gì đang xảy ra. Bà Nguyễn Thới Hòa Bình, tổng giám đốc cho biết đơn hàng của công ty bà thực ra đã “biến mất” từ tháng 3.2022. Từ bấy đến nay, 1.200 công nhân tại bốn nhà máy ở Tân Uyên, Bình Dương chia nhau các đơn hàng, mỗi người làm hai, ba ngày mỗi tuần, nhận lương ba, bốn triệu đồng mỗi tháng.
Ngày công nhân không đi làm, công ty hỗ trợ 50 ngàn đồng, nhưng cũng chỉ kéo dài được đến hết tháng 12 vì không thể gồng gánh bộ máy có thể sản xuất tới 300–400 container hằng tháng trước đây với chỉ một vài container hiện nay. “Chúng tôi sẽ phải đóng cửa, giữ lại chừng 200 người, cố gắng sống sót,” bà Hòa Bình nói. 30 năm làm ngành gỗ, đây là lần khó khăn nhất bà Bình trải qua.
Ở ngành dệt may, số liệu thống kê đến cuối tháng 12 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 44 tỉ đô la Mỹ, tăng 10% so với năm ngoái. Ông Trần Như Tùng, phó chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư Thương mại Thành Công cho biết, con số này chưa phản ánh hết toàn bộ bức tranh ngành.
Trong sáu tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may tăng hơn 22% so với năm 2019 trước đại dịch, khi các nhà bán lẻ ào ạt đặt hàng. Nhưng sang đến quý 3, các đơn hàng sụt giảm dần, nhất là thị trường Mỹ và châu Âu. Do vậy, doanh nghiệp nào phụ thuộc vào hai thị trường này thì doanh số có thể giảm từ 60–80%, chịu ảnh hưởng nặng nề.
Nhiều doanh nghiệp đã phải cho người lao động nghỉ tết sớm hai tháng. Thậm chí, mới đây công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) còn nộp đơn khởi kiện Amazon Robotics LLC (Amazon) lên tòa án New York, Mỹ, đòi bồi thường thiệt hại 280 triệu đô la Mỹ.
Gilimex cáo buộc sàn thương mại điện tử đột ngột thu hẹp đơn hàng khiến doanh nghiệp gặp tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô, vốn đã được đầu tư lớn trong nhiều năm qua để phục vụ khách hàng lớn nhất và có tốc độ đặt hàng tăng mạnh này.
Thống kê của liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết tính đến 21.12.2022 có hơn 110 ngàn lao động trên địa bàn đang bị ảnh hưởng vì doanh nghiệp thiếu đơn hàng, trong đó có 6.300 công nhân mất việc.
Còn theo liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, đến đầu tháng 12 có 240 ngàn người giảm giờ làm và 30 ngàn người đang tạm hoãn hợp đồng. Tại Đồng Nai, tính đến cuối tháng 11, con số là 60 ngàn lao động ở 180 doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Số liệu thống kê của tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đến cuối tháng 11 cho biết, có hơn 42 ngàn công nhân mất việc, hơn 500 ngàn người thiếu việc làm tại 1.500 doanh nghiệp trên cả nước. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều công nhân đang bị nợ bảo hiểm xã hội.
Một số nhà máy thiếu đơn hàng không cắt giảm lao động nhưng sử dụng các biện pháp kỹ thuật như điều chuyển vị trí công việc hoặc nơi làm việc, giảm sâu giờ làm để công nhân tự nghỉ. Nhiều doanh nghiệp không tái ký hợp đồng với công nhân hết hạn, cũng có nhiều trường hợp người lao động tự chấm dứt hợp đồng.
Kết kể, công ty anh không có bất kỳ thông báo nào về tình hình đơn hàng, công nhân thấy làm ít là tự hiểu. “Họ mà thông báo, mọi người nghỉ hết một lượt thì sao? Để vậy, ai chịu được thì làm tiếp, ai không chịu được thì tự nghỉ, không phải trợ cấp, đền hợp đồng gì,” Kết nói và cho biết “anh em công nhân cũng ráng làm cho hết năm, nhận lương tháng 13 rồi tính tiếp.”
Ông Tùng cho biết với Thành Công, mức sụt giảm chung là 20% do ngoài thị trường Mỹ (chiếm 35% doanh số), công ty này còn có thêm hai trụ đỡ khác là Nhật Bản và Hàn Quốc không sụt giảm nhiều. Gần 7.000 công nhân vẫn có việc để làm đến hết quý 1.2023 nhưng kế hoạch tuyển dụng thêm cho nhà máy mới tại Vĩnh Long hoạt động từ tháng 4.2022 đã phải đình lại.
Để giữ việc cho công nhân, Thành Công rút các đơn hàng trước đây mang gia công ở bên ngoài về cho nội bộ. Công ty này duy trì được việc làm đến hết quý 1.2023 nhờ đã có gần 90% đơn hàng. Dự báo tình hình còn khó khăn ít nhất đến quý 2.
Tình trạng đỡ bi đát hơn nhiều doanh nghiệp trong ngành, theo ông Tùng, là nhờ Thành Công có chuỗi dệt may khép kín, làm từ sợi, vải cho đến may. Quan trọng nhất là nhờ từ nhiều năm qua họ đã cố gắng đa dạng thị trường. Cơ cấu doanh thu chia gần đều cho các thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
“Những lúc ngặt nghèo thế này càng thấy việc đa dạng sản phẩm và thị trường có ý nghĩa sống còn thế nào,” ông Tùng nói và thừa nhận, đây là câu chuyện cũ nhưng sẽ không bao giờ hết thời sự vì “cứ mỗi lần khủng hoảng đơn hàng, ai cũng đem ra nhắc lại.” Tuy vậy, để có giải pháp hiện thực hóa được thì rất phức tạp, phải đầu tư không nhỏ về sản phẩm, nhân sự nên nhiều doanh nghiệp hoặc e ngại thực hiện hoặc chưa đủ năng lực.
Với 95% hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, một công ty may có trụ sở tại Đồng Nai cũng ngay lập tức chịu ảnh hưởng bởi tình trạng cắt giảm đơn hàng. Tuy nhiên, đến hiện tại, sáu nhà máy ở nhiều tỉnh thành và 10 ngàn nhân viên vẫn đang duy trì được việc làm. Đại diện công ty này cho biết, doanh nghiệp đang làm mọi cách để giữ việc cho người lao động.
Tổng giám đốc ở Mỹ hai tháng ròng rã đi gặp khách hàng, các nhà máy lần đầu tiên nhận cả đơn hàng trong nước… Công ty cũng huy động các nguồn lực để trả lương cho người lao động với mục tiêu cao nhất là giữ toàn bộ nhân sự như đã làm được trong hai năm đại dịch chịu rất nhiều tác động.
“Công nhân mình đã được đào tạo, có tay nghề tốt. Giờ mất đi, lúc cần tuyển lại rất khó,” đại diện công ty nói. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận nếu tình trạng đơn hàng không sớm được cải thiện, doanh nghiệp cũng khó lòng gồng gánh thêm.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo, các doanh nghiệp vẫn khó khăn về đơn hàng đến quý 2.2023. Trong khi theo ông Tùng, kịch bản bi quan hơn có thể hết năm 2023, tình hình mới khá lên. Vì vậy, làn sóng cắt giảm lao động sẽ còn tiếp tục khi có nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, không còn khả năng chống chịu.
Thời gian qua, các hiệp hội ngành hàng, liên đoàn lao động cũng như cơ quan quản lý, bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã liên tục kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Chẳng hạn như trích quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, vốn đã có kết dư trên 55,5 ngàn tỉ đồng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động nhằm giữ chân họ ở lại nhà máy; miễn giảm phí công đoàn bằng cách cho doanh nghiệp hoặc công đoàn cơ sở giữ lại; giãn đóng bảo hiểm xã hội để có nguồn lực hỗ trợ người lao động trong một khoảng thời gian; cho doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương.
Tuy nhiên, nhìn lại chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong đại dịch COVID–19, nghị quyết số 68/NQ–CP với gói 26 ngàn tỉ đồng, doanh nghiệp không dễ tiếp cận. Theo báo cáo của cục Quan hệ lao động và Tiền lương, tính đến hết tháng 6.2022, các hỗ trợ đến khoảng 36,4 triệu người lao động, 394 ngàn đơn vị sử dụng lao động và 508 ngàn hộ kinh doanh với tổng số tiền 45,6 ngàn tỉ đồng. Nguyên nhân của việc giải ngân thấp là do nhiều vướng mắc về tiêu chí thụ hưởng và thời gian thực hiện.
Anh Kết kể hơn 15 năm làm công nhân của mình đã chứng kiến nhiều đợt lên, xuống của các nhà máy, cũng nghe nhiều về các chính sách hỗ trợ. Nhưng sau tất cả, những công nhân như vợ chồng Kết vẫn phải luôn tự thân cố gắng. “Nói chung phải co kéo để bám trụ, còn lo con cái học hành,” Kết nói và cho biết, Tết này khó cỡ nào thì vợ chồng con cái cũng sẽ về quê.
Bài viết đăng trên Forbes 113, chuyên đề “Sự kiện kinh doanh nổi bật” phát hành tháng 1.2023.